Đổi mới công tác chuẩn bị văn kiện của cấp ủy trình đại hội đảng bộ các cấp
Ngày 30-5-2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chỉ thị nêu rõ: Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng và là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước. Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp lần này phải tiếp tục đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; coi trọng chất lượng, an toàn, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức; phát huy trí tuệ, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, có chất lượng các dự thảo văn kiện trình đại hội (báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy) là nội dung đầu tiên rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thành công của đại hội đảng bộ cấp mình, góp vào thành công của đại hội đảng bộ cấp trên và Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, qua tổng kết, rút kinh nghiệm một số kỳ đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đều nhận thấy có hạn chế là: Trong quá trình chuẩn bị các nội dung của đại hội thì việc chỉ đạo, đầu tư thời gian, công sức của cấp ủy cho việc chuẩn bị văn kiện, nhất là báo cáo chính trị và việc dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết của đại hội ở nhiều nơi chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức và chưa tương xứng với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội.
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trên và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng đảng trong tình hình mới, việc chuẩn bị báo cáo tổng kết của đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy trình đại hội lần này, các cấp ủy cần quán triệt sâu sắc yêu cầu, nội dung nêu trong Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, nhất là những vấn đề mới. Đồng thời, quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cụ thể là:
1. Về chuẩn bị dự thảo báo cáo chính trị của đảng bộ
Phải được sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, ban thường vụ, mà trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy. Báo cáo cần quán triệt và thể hiện rõ tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng: trách nhiệm của tập thể cấp ủy; nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật và làm rõ sự thật, không phiến diện một chiều, không tô hồng và cũng không bôi đen. Báo cáo chính trị phải đánh giá toàn diện sự lãnh đạo của đảng bộ trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng đảng và xây dựng hệ thống chính trị... nhưng cần thể hiện ngắn gọn, rõ và tập trung vào những vấn đề cơ bản, quan trọng, thiết yếu, sát thực với đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị; không dài dòng, chung chung và sao chép theo các báo cáo, văn bản của cấp trên.
Đánh giá tình hình của đảng bộ nhiệm kỳ qua cần đối chiếu nghị quyết của đại hội đảng bộ cấp mình nhiệm kỳ trước đề ra, các nghị quyết, chỉ thị và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên để làm rõ những việc đã làm được và chưa làm được. Thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém, trách nhiệm cá nhân làm cơ sở cho việc đề ra kế hoạch, biện pháp tiếp tục sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể của đảng bộ trên các lĩnh vực trong nhiệm kỳ tới một cách thiết thực, khả thi, khắc phục tình trạng đề ra nhiệm vụ một cách chung chung, dàn trải.
Khi kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đảng bộ phải gắn với đánh giá việc thực hiện Điều lệ Đảng, cụ thể hóa, phù hợp với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong kết cấu nội dung của báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, cần có một mục riêng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Báo cáo cần tập trung đánh giá kết quả kiểm điểm, tự phê bình, phê bình của tập thể, cá nhân về 3 vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết. Nêu rõ những giải pháp và kết quả khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của tập thể, cá nhân đã được kết luận qua tự phê bình và phê bình. Nhất là những chuyển biến trong việc đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. Nêu rõ việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và những việc làm cụ thể, thiết thực của tập thể, cá nhân qua thực hiện nghị quyết và học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Khi xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của đảng bộ trong nhiệm kỳ tới, cần nghiên cứu kỹ quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ trong dự thảo các văn kiện của Trung ương trình Đại hội XII của Đảng và của đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp để vận dụng, cụ thể hoá và đề ra nhiệm vụ cho sát hợp với đặc điểm, tình hình của đảng bộ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đơn vị mình. Chú trọng đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi để thực hiện, nhất là đối với những vấn đề lớn, quan trọng và bức xúc ở địa phương, đơn vị mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đang quan tâm.
Quá trình chuẩn bị và xây dựng dự thảo báo cáo chính trị, cần mở rộng và thực sự phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. Đồng thời, lấy ý kiến của cấp ủy và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, cấp trên trực tiếp. Cấp ủy xác định những vấn đề lớn, quan trọng nêu trong báo cáo chính trị cần đưa vào nghị quyết của đại hội. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc, những vấn đề có ý kiến khác nhau, cần tổ chức lấy ý kiến của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học, nhân sỹ, trí thức, chuyên gia trên các lĩnh vực và các tầng lớp nhân dân bằng hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
Trong đại hội, đoàn chủ tịch cần tạo được không khí dân chủ, cởi mở và tranh luận, dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu thảo luận, tham gia ý kiến vào các dự thảo báo cáo và dự thảo nghị quyết đại hội, nhất là những vấn đề lớn, quan trọng, những vấn đề có ý kiến khác nhau để thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động của toàn đảng bộ.
2. Về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong nhiệm kỳ
Việc chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của cấp ủy trình đại hội phải do đồng chí bí thư hoặc phó bí thư trực tiếp chuẩn bị. Báo cáo kiểm điểm cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng mức những ưu điểm, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy và từng cấp ủy viên trên các lĩnh vực hoạt động của đảng bộ và các nhiệm vụ được phân công phụ trách. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể và mỗi cấp ủy viên về những hạn chế, khuyết điểm, không đùn đẩy hoặc trốn tránh trách nhiệm. Trên cơ sở đó, cần phân tích, làm rõ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của những khuyết điểm, yếu kém và đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục.
Nét mới trong báo cáo kiểm điểm của cấp ủy kỳ này là đánh giá kết quả, làm rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Xác định trách nhiệm của cấp ủy, từng cấp uỷ viên đối với 3 vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết, nhất là việc khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được kết luận sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kiểm điểm về trách nhiệm nêu gương của tập thể cấp ủy và các cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp là điểm nhấn mà các nhiệm kỳ trước chưa có. Đối với những hạn chế, khuyết điểm của đảng bộ, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy và của từng cấp ủy viên, đặc biệt người đứng đầu, chỉ rõ nguyên nhân và đề ra kế hoạch, giải pháp, trách nhiệm cá nhân trong sửa chữa, khắc phục khuyết điểm ở nhiệm kỳ tới.
Nguyễn Đức Hà
Theo : Tạp chí xây dựng Đảng
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực