Đổi mới dạy và học môn lịch sử

Ngày đăng: 10/12/2013 - 09:12

Lịch sử là một môn học có vai trò hết sức quan trọng trong nhà trường phổ thông. Song, thực tế là hiện nay đa số học sinh không hứng thú học lịch sử, chất lượng giáo dục lịch sử còn thấp. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cách dạy và học môn lịch sử của chúng ta còn nhiều bất cập, thiếu hấp dẫn.


DSC 2994

Cách đây ít năm, khi có dịp tiếp xúc với một nhóm học sinh phổ thông nước ngoài, tôi có thử hỏi: "Trong các môn học, em thích môn nào nhất?”, thật bất ngờ không chỉ với tôi mà cho cả một số nhà khoa học tự nhiên cùng có mặt ở đó khi có tới 7 trong số 10 em trả lời rằng đó là môn lịch sử. Tôi hỏi tiếp: “Vì sao các em thích học môn lịch sử?”, các em đều trả lời khá giống nhau, đại khái là thầy dạy hay, những chuyện rất hấp dẫn. Học môn này thường được học ngoại khóa ở các bảo tàng, xem phim lịch sử và có em còn nói rằng thích học lịch sử vì hiểu sâu về lịch sử được các bạn coi là người uyên bác, có trí tuệ! Lần gặp ấy để lại cho tôi những ấn tượng mạnh và không ít những điều phải suy nghĩ. Quả thực, không phải không có cách làm cho thanh, thiếu niên yêu thích, thậm chí say mê lịch sử. Với ý thức tìm lời giải đáp cho vấn đề này nên mỗi khi có điều kiện đến một nước nào đó tôi cũng luôn cố gắng tìm hiểu những cách họ làm mà tôi cho là hay để từ đó cố tìm ra những phương cách khả dĩ áp dụng được ở nước ta. Dưới đây là một số suy nghĩ bước đầu.

Giáo dục không áp đặt

Mỗi sự kiện lịch sử tự nó đã nói lên nhiều điều. Thông thường trong sách giáo khoa lịch sử của nước ngoài, người ta chỉ đưa ra một số sự kiện lịch sử tiêu biểu (vấn đề là chọn sự kiện nào và trình bày nó như thế nào để đạt được mục đích của giáo dục). Người đọc tiếp thu những kiến thức này một cách tự nhiên mà không cảm thấy bị gò ép bởi một loạt những phân tích áp đặt. Tiếp theo đó là những câu chuyện lịch sử hấp dẫn có tính chất minh họa. Những sự kiện chọn lọc và những câu chuyện sẽ gợi mở cho người đọc tiếp tục suy nghĩ và tất yếu dẫn họ tới những kết luận cần thiết. Cách làm này vừa phát huy được trí sáng tạo của người học vừa làm cho họ dễ tiếp thu, dễ nhớ. Trong việc truyền thụ, giáo viên giữ vai trò hết sức quan trọng. Ngoài khả năng sư phạm, người dạy sử thường phải đọc và hiểu biết rất nhiều. Thầy giáo luôn được ý thức rằng dạy trên lớp và sách giáo khoa không trái ngược nhau là hai yếu tố bổ trợ cho nhau, nhưng không lặp lại nhau. Những giáo viên dạy sử hay thường là những người giúp các em để nhớ các sự kiện bằng những cách diễn giải sinh động và những chuyện kể hấp dẫn.

Hình thức đa dạng, phong phú

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy giáo dục lịch sử có hiệu quả thường không phải chỉ dừng ở các bài giảng trong nhà trường mà phải kết hợp với rất nhiều hình thức bổ trợ khác, đặc biệt là tham quan di tích lịch sử, các bảo tàng và xem phim lịch sử. Ở nhiều nước, tham quan bảo tàng không phải là ngoại khóa mà nằm trong chương trình chính khóa. Tại đây, người xem được sống lại trong khung cảnh của lịch sử. Thông qua các hiện vật họ như cảm nhận được quá khứ một cách trực tiếp. Phim lịch sử (gồm cả phim truyện và phim tài liệu) cũng là một hình thức giáo dục lịch sử có hiệu quả rất cao. Phải nói rằng trong lĩnh vực này, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp là những nước rất thành công. Những bộ phim lịch sử dài tập được dàn dựng công phu và rất hấp dẫn chắc chắn sẽ lôi cuốn thanh thiếu niên và qua đó người ta có thể nói được rất nhiều điều mà không cần tới bất kỳ một phân tích gò ép nào.

Đưa nội dung lịch sử vào các cuộc thi trí tuệ, kiến thức là một hình thức khuyến khích thanh thiếu niên tìm hiểu lịch sử. Làm cho thanh thiếu niên thấy một cách tự nhiên rằng hiểu biết lịch sử là một tiêu chuẩn đánh giá sự uyên bác và trí tuệ. Trong hầu hết các cuộc thi trí tuệ ở nước ngoài, tôi thấy hầu như ở đâu cũng có những câu hỏi liên quan đến lịch sử. Thậm chí đến các đề thi TOEFL mà ta thường quan niệm là để kiểm tra trình độ tiếng Anh thì kiến thức lịch sử chiếm một tỷ trọng rất cao, có không ít những câu mà nếu thiếu kiến thức lịch sử thì chắc chắn là làm sai hoặc có nhiều câu nếu hiểu biết lịch sử trả lời còn tốt hơn những giáo viên tiếng Anh chuyên nghiệp.

Sáng tạo ra nhiều hình thức giáo dục, truyền bá lịch sử

Tùy từng đối tượng mà tìm ra nội dung thích hợp. Tại Tokyo có một khu phố chuyên bán sách (Jimbocho), tôi thấy loại sách có hai chữ lịch sử bày la liệt và bán rất chạy. Xem kỹ thì thấy hầu như cái gì cũng có sách viết về lịch sử. Chính vì vậy, mỗi người đều có sở thích riêng nhưng đều tìm đến lịch sử. Chẳng hạn người thích bóng đá có sách lịch sử bóng đá, người đi câu cá có sách lịch sử nghề câu cá, người chơi tem có lịch sử chơi tem. Ngoài những kiến thức có tính chuyên môn, loạt sách này cung cấp những kiến thức giúp người ta hiểu biết sâu sắc thêm thú vui của họ, làm cho họ uyên bác thêm và cứ như vậy, vô hình chung lịch sử trở thành sở thích chung cho mọi người. Tôi ngạc nhiên và thích thú khi nghe câu trả lời của một giáo sư nổi tiếng khi được hỏi vì sao người Nhật có thể tiến hành thành công cải cách Meiji rằng chính vì người Nhật rất yêu lịch sử và văn hóa của mình. Và với ý thức tự tôn dân tộc, họ không muốn thua kém bất cứ ai. Mở cửa, cải cách là để bảo vệ bản sắc dân tộc.

Trong cách thức truyền đạt, tôi cũng đã từng biết những sáng kiến mà hiệu quả của nó rất cao. Một trong những sáng kiến đó là phương pháp giảng dạy mà tôi tạm gọi là “lội ngược dòng thời gian” của Keith Taylor, Giáo sư Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Khi được mời sang Xingapo giảng dạy về lịch sử Việt Nam, GS. Keith gặp rất nhiều khó khăn. Đó là thời kỳ chiến tranh, tuy gần về khoảng cách địa lý nhưng người Xingapo biết rất ít Việt Nam. Sinh viên hầu như không hiểu gì về lịch sử Việt Nam và dường như không có mấy hứng thú học lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhận thấy người ta rất quan tâm đến tình hình chiến sự ở Việt Nam. Ông đã quyết định thử nghiệm một phương pháp giảng dạy độc đáo. Thoạt nhìn phương pháp này có vẻ ngược với logic lịch sử nhưng theo ông lại hợp với logic nhận thức. Thay vì tuân thủ nguyên tắc lịch đại, dạy lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim, ông đã làm ngược lại. Khi tôi hỏi ông vì sao ông làm như vậy thì GS. Keith rất hóm hỉnh giải thích, nếu bắt đầu từ thời Hùng Vương với những sinh viên không biết gì về lịch sử Việt Nam thì khác gì bịt mắt đưa họ vào rừng sâu rồi giải thích tất cả mọi thứ thì rất khó. Chi bằng nói với họ từ cửa rừng với những gì họ đã biết rồi mới từ từ dẫn họ vào rừng… Và ông đã dạy lịch sử bắt đầu từ những gì đang diễn ra - những điều mà sinh viên của ông có thể xem trên tivi, dẫn dắt họ ngược dần về quá khứ. Có nghĩa là ông đã dạy lịch sử từ hiện đại đến cổ đại. Nhờ phương pháp này mà ông đã rất thành công trong việc làm cho sinh viên thích thú với môn lịch sử Việt Nam. Cách làm này có thể còn cần phải thảo luận, nhưng đã gợi cho chúng ta rất nhiều điều đáng suy nghĩ.

Tìm ý nghĩa đích thực của việc giáo dục

Không phải tất cả thanh thiếu niên sau này đều trở thành các nhà sử học nên việc giáo dục lịch sử không nên nhằm cái đích làm cho thanh thiếu niên phải biết, phải nhớ nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử (và trên thực tế có muốn như vậy cũng không làm được). Kinh nghiệm một số nước mà tôi có điều kiện tìm hiểu cho thấy họ chỉ tập trung vào 4 mục tiêu:

- Truyền bá những kinh nghiệm được đúc rút từ lịch sử, điều mà ai cũng thấy là bổ ích. Điều này rất cần tới sự đóng góp của các nhà sử học chuyên nghiệp.

- Nhận thức được mình là ai, hay nói cách khác là nắm được cái thần thái của lịch sử dân tộc. Chúng ta đã từng gặp không ít trường hợp người biết rất nhiều sự kiện nhưng lại không hiểu được những đặc trưng xuyên qua các sự kiện ấy. Tôi có dịp xem một bảo tàng lớn ở Tokyo. Người ta trưng bày các bức tranh cổ của Nhật Bản theo từng thời kỳ. Cạnh mỗi bức tranh Nhật người ta treo kèm một bức tranh Trung Quốc cùng thời mà không có bình luận (chỉ dẫn xuất xứ, tác giả và niên đại). Sau khi xem xong toàn bộ, người xem tất đi đến nhận xét hội họa Nhật Bản học ở Trung Quốc rất nhiều và tiến bộ rất nhanh. Nếu như những bức tranh đầu tiên trông rõ là kém xa tranh Trung Quốc thì những bức sau trông chẳng kém gì, thậm chí còn có nhiều nét sáng tạo hơn. Chỉ một ví dụ rất nhỏ như vậy cũng đủ thấy người ta rất tinh tế khi muốn truyền đạt tới người xem một tính cách Nhật Bản được thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử của họ là biết xác định các đỉnh cao, cố chí học theo. Khi đuổi kịp, họ tự sáng tạo thêm làm cho giá trị của họ lớn hơn cái họ học được. Qua đó người xem dễ dàng nhận xét rằng một khi biết cách học và quyết chí học, người Nhật có thể tiến bộ rất nhanh.

- Dung dưỡng và phát huy tình cảm dân tộc lòng yêu nước. Tôi rất thích hình ảnh ví von của cố Tổng thống Pháp François Mitterrand rằng, những kẻ không hiểu lịch sử dân tộc thì bơ vơ như những đứa trẻ mồ côi. Chính vì vậy mà Chính phủ Pháp thời ông làm tổng thống đã có rất nhiều biện pháp nhằm chấn hưng sử học, đẩy mạnh việc giáo dục và truyền bá lịch sử.

Suy nghĩ về thực trạng dạy và học môn lịch sử ở nước ta

Theo tôi, yêu thích lịch sử là một trong những đặc điểm của người Việt Nam. Ngay tại thời điểm chúng ta đang bàn thảo nhằm tìm ra phương cách cải thiện tình trạng dạy và học môn lịch sử ở các trường phổ thông thì phong trào tìm hiểu, viết lịch sử dòng họ, lịch sử địa phương, lịch sử ngành vẫn đang diễn ra rất sôi động, điều khó tìm thấy ở một quốc gia nào khác. Dường như đang có khoảng cách rất xa về mức độ quan tâm giữa những hoạt động nghiên cứu, tìm tòi tự phát nói trên với việc học và dạy sử chính thức trong nhà trường. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đánh giá cao và chỉ thấy những mặt tích cực của phong trào nghiên cứu lịch sử mang tính nghiệp dư. Có rất nhiều hệ luỵ, nhưng đó là những vấn đề cần phải có một diễn đàn khác để trao đổi. Ở đây, tôi chỉ nêu những suy nghĩ của mình về vấn đề dạy và học sử ở các trường phổ thông.

Trước hết phải thấy rằng, tình trạng học sinh phổ thông ít yêu thích và coi trọng môn lịch sử có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết các nhà sử học chuyên nghiệp, các nhà quản lý giáo dục và những cơ sở đào tạo giáo viên lịch sử phải chịu trách nhiệm chính. Tuy có sự liên đới rất chặt chẽ nhưng mỗi bộ phận có trách nhiệm riêng của mình. Các nhà sử học chuyên nghiệp chưa làm được gì nhiều để môn lịch sử hấp dẫn hơn. Dường như họ mới chỉ dừng lại ở mức phản ánh, phê phán chứ chưa đưa ra được những giải pháp hay, hữu hiệu. Đấy là chưa kể chính họ là những người tham gia biên soạn những cuốn sách giáo khoa để rồi chính họ lại phê phán và địa chỉ cuối cùng được hướng vào là nơi ban hành chương trình, có nghĩa là các nhà quản lý giáo dục. Thực ra không có một nhà quản lý nào khi ký một văn bản đậm chất chuyên môn như chương trình biên soạn sách giáo khoa lại không dựa vào các chuyên gia của lĩnh vực ấy. Đối với lịch sử thì đấy chính là các nhà sử học chuyên nghiệp. Không biết đâu là “quả trứng”, đâu là “con gà” nhưng những hạn chế như thiếu hấp dẫn, nặng nề, khó dạy, khó học của sách giáo khoa lịch sử là điều đã từng được nói tới nhiều. Hầu như bất cứ một cuốn sách giáo khoa lịch sử nào cũng ngồn ngộn sự kiện và đầy ắp những nhận định mà người học muốn được điểm cao, không có cách nào khác, là phải học thuộc lòng.

Vì tính chất của chương trình và sách giáo khoa như vậy nên việc đào tạo cũng phải bám chặt vào đấy. Khi ra trường, giáo viên môn lịch sử rất khó có thể sáng tạo trong giảng dạy. Chương trình, sách giáo khoa và thầy đã có những hạn chế như vậy, lịch sử còn bị đặt vào vị trí rất thấp của một môn phụ và việc có những chương trình bổ trợ như xem phim, bảo tàng, học tại thực địa… lại càng trở nên xa xỉ.

Vậy nên thế nào?

Có lẽ đây là câu hỏi giản dị, nhưng chắc chắn trả lời không dễ, nhất là nếu tìm được lời giải thoả đáng thì đấy có thể lại là hướng đi mới cho việc dạy và học lịch sử. Thay cho kết luận bài viết ngắn này, tôi xin đưa ra ý kiến của mình như sau:

1. Hiện chúng ta đang chuẩn bị triển khai công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó lấy sự chuyển đổi từ một nền giáo dục chú trọng “nhồi” kiến thức chuyên môn (cụ thể) sang một nền giáo dục chú trọng phương pháp, kích thích sáng tạo, khả năng tư duy và kỹ năng xử lý… trên một nền kiến thức chuyên môn tối thiểu. Tri thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân, nếu cứ tiếp tục chạy theo hướng trang bị kiến thức cụ thể thì tất dẫn tới một hậu quả được báo trước là đến một ngày nào đó sẽ không thực hiện được. Mà cũng chẳng phải chờ lâu, ngay bây giờ, nếu không có sự chuyển đổi thì không có cách gì giải quyết được mâu thuẫn giữa cái gọi là “thiếu hụt kiến thức” với tình trạng “quá tải” mà chúng ta đang phải thường xuyên đối mặt. Điều này càng đúng với thời đại tin học, khi mà con người có thể tự tìm và trang bị kiến thức cụ thể từ rất nhiều nguồn và phương tiện khác nhau. Vả lại, so với xu thế chung của giáo dục trên thế giới, giáo dục nặng về trang bị kiến thức chuyên môn đã trở nên quá lạc hậu.

Sẽ có người đặt câu hỏi, liệu môn lịch sử có theo xu thế đó? Theo quan điểm của tôi, lịch sử chẳng những không nằm ngoài quy luật này mà hơn thế, còn phải đi tiên phong theo hướng đó. Sự kiện có vị trí đặc biệt quan trọng đối với lịch sử, nhưng sẽ chẳng có nghĩa gì nếu chỉ chăm chăm nhồi vào đầu người học những sự kiện với vô vàn con số và địa danh đến mức người học phát sợ. Điều quan trọng là phải làm cho người học hứng thú tìm hiểu các sự kiện, các con số. Khi ấy, những gì họ tìm được là cái của họ. Muốn được như vậy phải thay đổi một cách căn bản từ triết lý dạy và học lịch sử đến việc viết sách giáo khoa và đổi mới phương pháp giảng dạy.

2. Đối với lịch sử, cùng với thời gian, không gian diễn ra sự kiện là một trong những yếu tố có vai trò quyết định. Thiếu nó không thể có sự kiện. Tuy nhiên, trong cách dạy và học môn lịch sử hiện nay dường như không gian chỉ còn là những địa danh vô hồn, khiến cho người học rất khó nhớ và không thể hình dung nổi sự kiện đã diễn ra như thế nào trong thực tế. Các giáo viên dạy sử phải có kiến thức sâu sắc về địa lý và được học về địa lý học lịch sử (Geohistory). Tôi đã từng được tham gia những chương trình dạy và học lịch sử Việt Nam của sinh viên Trường Đại học Priceton của Hoa Kỳ. Họ dạy rất khác chúng ta. Đặc biệt có những bài dạy hoàn toàn trên thực địa. Tôi đã chứng kiến việc dạy bài lịch sử hiện đại Việt Nam giai đoạn từ Cách mạng Tháng Tám 1945 đến kháng chiến chống Mỹ của GS. Christopher Gibel. Ông cho sinh viên đi dọc theo đất nước Việt Nam từ Tuyên Quang đến tận Nam Bộ trên mô hình thực địa. Tại mỗi di tích (như cây đa Tân Trào, hang Pác Bó, địa đạo Củ Chi…), ông lại dừng lại để giảng bài. Tất nhiên, chúng ta khó có thể học được cách làm của một trường đại học đứng thứ 5 thế giới với mức học phí gần 40.000USD (hơn 800 triệu đồng) một năm, nhưng cách làm này khiến chúng ta phải suy nghĩ và là gợi ý rất bổ ích cho chúng ta.

3. Lịch sử nhân loại là một dòng chảy, các phần khác nhau của thế giới có liên hệ mật thiết với nhau. Chỉ có thể hiểu sâu sắc lịch sử một dân tộc khi đặt nó trong tiến trình lịch sử nhân loại. Sách giáo khoa và cách dạy của chúng ta hiện nay dường như đang tách rời Việt Nam với thế giới. Theo tôi, nên dạy lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam trong cùng một lớp. Có thể học kỳ I dạy lịch sử thế giới, học kỳ II dạy lịch sử Việt Nam. Thời gian lịch sử phải đồng đại. Có nghĩa học sinh sẽ biết được trong khi lịch sử Việt Nam đang diễn ra như vậy, thế giới phát triển ra sao.

4. Các bài lịch sử trong sách giáo khoa của chúng ta, có rất nhiều những nhận định áp đặt trong khi lại rất thiếu những dẫn dắt, lập luận để người học cảm nhận đang tiếp thu những kiến thức khoa học. Mà đã là khoa học thì không có chân lý tuyệt đối, kết luận cuối cùng. Lịch sử với tư cách bản thể, là thực thể khách quan, là đối tượng của khoa học lịch sử. Những gì đạt tới trong nghiên cứu lịch sử đều chỉ là nhận thức, là tương đối, có thể rất gần với bản thể nhưng không bao giờ trùng khít với lịch sử. Phải cho người học biết được điều ấy. Đó cũng chính là yếu tố làm cho người học hào hứng, thích thú. Sự áp đặt chủ quan làm mất tính chất khoa học của môn lịch sử, cũng là một trong những nguyên nhân khiến người học chán nản.

5. Lịch sử là túi khôn của nhân loại chứa đựng biết bao những bài học, kinh nghiệm thành công và thất bại... nên vốn có sự hấp dẫn tự thân. Nhưng nó có thể bị làm cho nghèo nàn và khô cứng đi. Kinh nghiệm của các nước tiên tiến cho thấy lịch sử trở nên hấp dẫn là nhờ được tái hiện, truyền bá dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó bảo tàng và các loại hình nghệ thuật (phim ảnh, sân khấu…) đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Cần phải đưa những nội dung này vào chương trình giảng dạy.

6. Sẽ là sai lầm nếu cho rằng lịch sử là môn học không cần sáng tạo. Khi còn làm Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp, năm nào tôi cũng có một buổi tiếp xúc với sinh viên năm thứ nhất. Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết các em mới nhập học đều quan niệm học lịch sử thì phải nhớ nhiều và tất cả những gì viết trong sách đều là chân lý. Khi hiểu được tính chất sáng tạo của lao động của các nhà sử học, các em rất hào hứng. Nên chăng trong đổi mới chúng ta cũng phải chú ý tới khía cạnh này. Chúng ta có thể tham khảo rất nhiều kinh nghiệm từ các nước có nền sử học phát triển.

7. Cuối cùng theo tôi, là quan trọng nhất, đó là cần phải xác định đúng vị trí của môn lịch sử trong chương trình giáo dục và kiến thức lịch sử trong kho tàng tri thức nói chung. Một khi lịch sử còn bị xếp là môn phụ với thời lượng rất ít, thỉnh thoảng mới xuất hiện trong danh mục các môn thi tốt nghiệp thì khó có được sự coi trọng của người học. Lịch sử phải coi là môn học đặc biệt, không chỉ trang bị kiến thức mà còn dung dưỡng tâm hồn, tình cảm của công dân với dân tộc, đất nước, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước. Nó phải được coi là một môn cơ bản. Kiến thức lịch sử không chỉ cần đến trong các kỳ thi môn lịch sử mà cần được sử dụng trong rất nhiều hình thức đánh giá khác.

GS. TSKH. VŨ MINH GIANG

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội

 

Bình luận