Đổi mới giáo dục phổ thông từ “dạy chữ” sang “dạy người”

Ngày đăng: 30/10/2014 - 08:10

Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, sau nhiều lần góp ý chỉnh sửa, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 vào sáng 20-10-2014.

a19afdc030589a668e07642aa2d1cfe7 L

Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận

Mục tiêu cơ bản của Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh, từ nặng về “dạy chữ, ứng thí” sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Theo đó, chương trình phải tạo điều kiện để học sinh được phát triển hài hoà cả thể chất và tinh thần, tăng khả năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Đề án cũng xác định đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động, sáng tạo của thầy và trò, rèn luyện kỹ năng tư duy độc lập của người học. Cũng từ đó, thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Theo lộ trình đề xuất, chương trình và sách giáo khoa mới của bậc giáo dục phổ thông sẽ được triển khai chia làm ba giai đoạn, giai đoạn 1 vào năm 2015 và giai đoạn 3 áp dụng đại trà vào năm học 2018-2019. Tổng kinh phí dự kiến lấy từ ngân sách trung ương cho các nhiệm vụ cụ thể là 462 tỷ đồng. Ngoài ra sẽ huy động nguồn tài chính từ các cá nhân, tổ chức khác.

Khuyến khích các cá nhân, tổ chức biên soạn sách giáo khoa

Đề án chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, được thực hiện theo phương án khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Với phương án này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng mặc dù có ưu điểm là Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình một cách đồng bộ, kịp thời. Tuy nhiên, có thể sẽ xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn sách giáo khoa khác. Để khắc phục tâm lý này, Bộ trưởng nêu biện pháp tăng cường tuyên truyền giải thích để xã hội hiểu rõ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn nhằm bảo đảm tính chủ động trong việc triển khai chương trình. Việc có một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn không ảnh hưởng đến việc có các bộ sách giáo khoa khác cùng lưu hành; tất cả các sách giáo khoa đều được Hội đồng quốc gia thẩm định một cách độc lập.

Công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa. Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông; có thể có nhiều sách giáo khoa được phát hành sau khi thẩm định. Các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện của mình trong số sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt.

Tờ trình cũng đề xuất việc tổ chức nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện.

HỒNG MINH

(Theo Nhân dân)


Bình luận