Đối mặt với Hoa Kỳ

Ngày đăng: 15/11/2011 - 10:11

Trần Quang Cơ*

Cách đây 10 năm, khi anh Lê Đức Thọ qua đời, tôi có viết bài Anh Sáu Thọ ở Pari1 để tưởng nhớ anh. Khi ấy, trong lúc xúc động, tôi chỉ kịp ghi lại đôi dòng suy nghĩ của tôi về con người đã góp phần quan trọng đem lại thắng lợi ngoại giao cho ta trong quá trình chống Mỹ, cứu nước. Nay tôi thấy cần viết đầy đủ hơn những cảm nhận của mình về những cống hiến lớn lao của anh trong cuộc đối mặt với Hoa Kỳ trên bàn đàm phán ở Pari.

*

*       *

Giai đoạn vừa đánh vừa đàm kéo dài gần nửa cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đã diễn ra sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ 13 khóa III (tháng 1-1967) ra Nghị quyết Đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.

ldt23


Trước một địch thủ cực giàu và mạnh như Hoa Kỳ, là một dân tộc nhược tiểu vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa, người Việt Nam không những phải có lòng dũng cảm, mà còn phải có trí thông minh; phải dũng mãnh đánh bại kẻ thù không đủ, mà còn phải biết khôn khéo vận dụng sách lược kéo địch xuống thang từng bước và làm chuyển biến so sánh lực lượng có lợi cho ta. Khi đấu tranh quân sự giành được thắng lợi quyết định thì ngoại giao phải biết kết thúc chiến tranh bằng giải pháp chính trị mở đường cho địch rút trong danh dự.

Trên tinh thần đó, tháng 5-1968 ta đã mở cục diện vừa đánh vừa đàm phán với Mỹ. Với tình hình quốc tế cực kỳ phức tạp, chủ trương vừa đánh vừa đàm phán của ta được bạn bè đón nhận với những thái độ có phần trái ngược. Có ý kiến cho rằng cần tập trung vào đánh, không nên quá vội nghĩ tới đàm phán; lại có ý kiến muốn rằng phải đẩy mạnh đàm phán cho sớm có kết quả. Với tinh thần độc lập tự chủ cao, tập thể lãnh đạo ta đã quyết tâm thực hiện chủ trương vừa đánh vừa đàm. Đàm mà không hạn chế đánh của ta, đánh mà không phá vỡ cuộc đàm phán giữa ta với Mỹ. Trái lại, đàm phán đã tạo ra một diễn đàn quốc tế rộng lớn để đề cao chính nghĩa của dân tộc ta, khuếch trương thêm dư luận thế giới thuận lợi cho ta tăng cường hoạt động quân sự, và ngược lại, thắng lợi trên chiến trường lại càng tôn thêm thế mạnh của ta trong đàm phán. Anh Lê Đức Thọ là một trong những kiến trúc sư xây dựng ra chủ trương đó và cũng lại là người đã trực tiếp vận dụng thành công đường lối đó trên bàn đàm phán, bảo đảm phương châm giành thắng lợi từng bước, làm chuyển biến so sánh lực lượng trên chiến trường, mở đường cho việc kết thúc chiến tranh thuận lợi, đáp ứng những yêu cầu cơ bản của cách mạng ta.

Cuộc nói chuyện giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bắt đầu được gần một tháng thì ngày 3-6-1968, anh Lê Đức Thọ mới tới Pari. Trước đó ít hôm, ngày 31-5-1968, trong lúc nghỉ giải lao (pause café) của phiên họp công khai lần thứ sáu ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế Clêbe, phía Mỹ đã gặp đoàn ta đưa ra đề nghị, ngoài những phiên họp công khai, nên có hình thức gặp riêng giữa hai bên. Sự có mặt của anh Thọ ở Pari ngay sau đó đã được phía Mỹ coi như một tín hiệu đáp ứng của ta. Ngày 12-6-1968, lần đầu anh Thọ tới dự phiên họp công khai với Mỹ. Vào đầu phiên họp, Trưởng đoàn ta, Bộ trưởng Xuân Thủy, giới thiệu anh Thọ là Cố vấn đặc biệt của đoàn (đoàn Việt Nam lúc ấy đã có 5 cố vấn: Hà Văn Lâu, Phan Hiền, Nguyễn Minh Vỹ, Nguyễn Thành Lê, Trần Công Tường). Lúc nghỉ giải lao, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, A. Hariman, tới gặp anh Thọ nói chuyện làm quen và nhắc lại đề nghị hai bên nên có cuộc gặp riêng cấp cao (trưởng đoàn hay cố vấn đặc biệt) hoặc cấp thấp hơn để bàn về việc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Sau khi kiểm điểm, đánh giá tình hình một tháng nói chuyện công khai, anh Thọ nhất trí với anh Xuân Thủy kiến nghị về nước nên bắt đầu tiếp xúc riêng, bước đầu chỉ tiếp xúc sơ bộ ở cấp cố vấn, rồi sẽ tùy tình hình nâng lên sau. Bước tiếp xúc sơ bộ ở cấp cố vấn giữa hai bên kéo dài trong hai tháng. Chủ trương của ta là tiếp xúc chỉ để thăm dò, tìm hiểu ý đồ đối phương, chưa đi vào mặc cả về giải pháp, để chờ đón những diễn biến mới trên chiến trường miền Nam.

Sau hơn hai tháng tiếp xúc sơ bộ, phía Mỹ lại đề nghị nâng cấp gặp riêng giữa hai bên để có thể có tiến triển trong đàm phán. Anh Thọ nhận định lý do chính khiến phía Mỹ nôn nóng muốn sớm đi vào đàm phán, về thực chất vấn đề là do tình hình chính trị nội bộ nước Mỹ đang có khủng hoảng sâu sắc. Lúc này đợt ba của cuộc tổng công kích của quân ta đã chững lại, tình hình chiến trường chưa có gì thúc bách đối với địch lắm, nhưng cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Mỹ đang đi vào giai đoạn gay gắt, trong đó vấn đề Việt Nam nổi lên như chủ đề số một của nội dung tranh cử giữa hai ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cũng như giữa ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và ứng cử viên của Đảng Dân chủ. Tổng thống Giônxơn rất cần có tiến triển trong đàm phán Pari để nâng cao vị thế của phe chính quyền trong cuộc tranh cử, nên ngày 4-9-1968 đoàn Mỹ chính thức đề nghị nâng cấp các cuộc gặp riêng giữa hai bên ở Pari. Anh Thọ chấp thuận vì thấy rằng đây là thời điểm thuận lợi để ta ép Mỹ phải sớm ngả bài trong vấn đề chấm dứt ném bom miền Bắc.

Từ ngày 8-9-1968, bắt đầu những cuộc gặp riêng giữa Lê Đức Thọ - Xuân Thủy với A. Hariman, C.Vance tại địa điểm do phía ta hoặc phía Mỹ bố trí và giữ kín không cho nhà báo biết.

Để giành lại lợi thế cho Humphrey, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, Giônxơn cần phải chấm dứt ném bom miền Bắc để đẩy cuộc đàm phán Pari sang giai đoạn mới mà vẫn tranh thủ được dư luận Mỹ và thế giới, và không bị Đảng Cộng hòa của Níchxơn công kích là "đầu hàng Việt Cộng". Vì vậy, Hariman cố bám giữ lập trường "chấm dứt ném bom có điều kiện", ngụy trang những điều kiện đó dưới những mỹ từ như "cử chỉ đáp lại" của Bắc Việt Nam, "hoàn cảnh" để Mỹ chấm dứt ném bom. Cụ thể là Mỹ đòi khôi phục quy chế khu phi quân sự, đòi ta không tiến công, bắn pháo qua khu phi quân sự, đòi ta hạn chế việc đưa lực lượng và đồ tiếp tế vào Nam, không bắn pháo vào Sài Gòn và các thành phố lớn ở miền Nam. Sau gần hai tháng tranh cãi ráo riết, cuối cùng đến ngày 1-11-1968, Giônxơn phải bỏ hết các yêu sách đó và tuyên bố chấm dứt "mọi cuộc oanh tạc bằng không quân, hải quân, pháo binh và mọi hành động liên quan tới việc dùng vũ lực trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" sau khi ta nhận "sẵn sàng họp một hội nghị bốn bên để tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam".

Đàm phán Pari chuyển sang giai đoạn mới. Cuộc nói chuyện tay đôi giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ từ ngày 25-1-1969 đã trở thành cuộc đàm phán bốn bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu). Tháng 4-1969, Bộ Chính trị ra Nghị quyết khẳng định rõ: "Ngoại giao trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược".

Sau khi Níchxơn lên cầm quyền, phía Mỹ thay toàn bộ ê kíp đàm phán. Henri Kítxinhgiơ khi đó làm trợ lý về các vấn đề an ninh quốc gia cho Tổng thống Níchxơn, được phái sang Pari làm người đối thoại với anh Lê Đức Thọ. Kítxinhgiơ chỉ tập trung vào việc gặp riêng với ta, không tham gia các phiên họp công khai ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Clêbe. Tuy nhiên, đến ngày 21-2-1970, anh Lê Đức Thọ mới nhận gặp Kítxinhgiơ và đến năm 1972 cuộc đàm phán giữa ta và chính quyền Níchxơn mới thực sự đi vào cốt lõi vấn đề. Năm 1972 là năm có những diễn biến sôi động trên chiến trường và cũng là năm Níchxơn tranh cử nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai.

Mùa xuân năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược mãnh liệt ở miền Nam. Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" mà Níchxơn tập trung thực hiện từ khi lên cầm quyền hòng tìm lối thoát cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã tỏ ra vô hiệu quả.

Tận dụng sức ép của chiến trường cũng như sức ép chính trị nội bộ Mỹ trong thời điểm tranh cử tổng thống, được sự nhất trí của tập thể lãnh đạo, anh Thọ đã chuyển hướng đàm phán nhằm mở đường cho Mỹ đi vào giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Ngày 8-10-1972, trong cuộc gặp riêng với Kítxinhgiơ, ta đã chủ động tiến công trên mặt trận ngoại giao, lần đầu trong bốn năm đàm phán, ta đưa ra bản "Dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" vạch ra toàn bộ giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, trên cơ sở bảo đảm những yêu cầu cơ bản của ta, trong đó có hai vấn đề chủ chốt:

1. Mỹ phải rút toàn bộ, triệt để và nhanh chóng các lực lượng vũ trang Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt mọi dính líu quân sự ở Việt Nam, không được can thiệp vào công việc nội bộ miền Nam Việt Nam.

2. Ta duy trì được lực lượng quân sự cũng như chính trị ở miền Nam Việt Nam, bảo đảm điều kiện thuận lợi cho cách mạng ở miền Nam Việt Nam tiếp tục tiến triển.

Ta đã chọn đúng thời điểm để tung ra đòn quyết định này. Tình hình chiến trường đã khiến Níchxơn cảm thấy bức bách phải tìm ngay một lối thoát "danh dự" ra khỏi ngõ cụt, nhất là trong lúc cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ đang lúc nóng bỏng.

Bốn ngày tiếp sau đó là những ngày đàm phán hết sức khẩn trương về các điều khoản của dự thảo Hiệp định tại một địa điểm mới do Đảng Cộng sản Pháp có nhã ý thu xếp giúp ta tại thị trấn Gifsur Yvette ở ngoại vi thành phố Pari. Đó là một ngôi nhà hai tầng xinh xắn, nguyên là chỗ ở của cố danh họa Pháp Phécnăng Lêgiê (Fernand Léger). Nơi gặp riêng này đã sớm bị các nhà "săn tin" quốc tế phát hiện. Chiều 10-10-1972, khi chúng tôi đến nơi họp, đã thấy rất đông phóng viên báo chí - vô tuyến truyền hình các nước chờ sẵn bên ngoài. Lần đầu tiên nơi gặp riêng bị lộ. Có nhà báo đã dựng giàn giáo khá cao phía trước ngôi nhà để từ trên đó có thể quan sát và thu hình khu sân, vườn và phòng họp. Có lúc ngoài trời mưa lớn, họ vẫn kiên trì chịu đựng ướt át để săn tin, săn ảnh. Có người trèo lên cả nóc nhà bên cạnh để từ đó thả dây có micro xuống cửa sổ phòng họp hòng ghi âm những tiếng động trong nhà.

Tôi còn nhớ mãi cuộc gặp riêng ngày 11-10-1972, không chỉ vì đó là phiên họp lâu nhất trong gần 5 năm đàm phán - kéo dài suốt từ 9 giờ 30 phút sáng ngày 11 đến tận 2 giờ sáng ngày hôm sau - mà còn vì trong phiên họp này bản dự thảo Hiệp định hầu như đã được hoàn tất. Hai bên mất rất nhiều thời gian bàn cãi về nội dung của từng điều khoản trong văn bản Hiệp định. Cuối cùng, khi nội dung Hiệp định về cơ bản đã được hai bên chấp nhận, chỉ còn tồn tại hai điều 7 và 8 về vấn đề thay thế vũ khí và vấn đề trao trả người bị bắt. Kítxinhgiơ đã đưa ra một lịch ký kết cụ thể (ngày 17 tháng 10 Kítxinhgiơ gặp Bộ trưởng Xuân Thủy để thỏa thuận toàn bộ Hiệp định và các Nghị định thư, ngày 21 đến ngày 23-10 Kítxinhgiơ vào Hà Nội để ký tắt Hiệp định, ngày 30-10 tổ chức lễ ký chính thức ở Trung tâm Hội nghị quốc tế Clêbe). Trong thông điệp ngày 20-10-1972 gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Níchxơn đã xác nhận "văn bản Hiệp định coi như đã hoàn thành" và cam kết Hiệp định sẽ được chính thức ký kết ngày 31-10-1972 tại Pari.

Nhưng ngay trong những ngày mà cuộc đàm phán tưởng như đang tiến triển thuận lợi, anh Thọ cũng đã dự kiến những diễn biến phức tạp do các nhân tố khách quan, trong đó có mối quan hệ Mỹ - ngụy, vì trước nguy cơ bị chủ bỏ rơi, Thiệu không khỏi sẽ hô hoán lên, níu áo, thậm chí ngáng chân Mỹ như chúng đã làm với chính quyền Giônxơn tháng 10-1968.

Thật vậy, sau này, khi giải phóng Sài Gòn, ta đã thu thập được nhiều hồ sơ tài liệu của ngụy quyền bỏ lại, trong đó có những thư tín của Níchxơn gửi cho Nguyễn Văn Thiệu. Níchxơn phải thú nhận: "Hiện nay quảng đại dư luận công chúng Mỹ đều mong mỏi hòa bình". Chính quyền của ông ta "có nguy cơ rất lớn mất sự ủng hộ của công chúng Mỹ" nếu không sớm đạt được giải pháp hòa bình về Việt Nam. Ngay từ ngày 16-10-1972 Níchxơn đã viết cho Thiệu: "Chúng ta không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận Hiệp định này". Níchxơn tỏ ra rất bực tức về những phản ứng công khai của ngụy quyền đối với việc đàm phán Hiệp định, nhất là khi Trần Văn Lắm, Ngoại trưởng của chính quyền Thiệu họp báo tuyên bố là "Mỹ đang thương lượng một cuộc đầu hàng". Níchxơn lên án ngụy mở chiến dịch báo chí ở Sài Gòn "đả kích vô căn cứ vào dự thảo Hiệp định", vạch Thiệu đã dùng "chiến thuật trì hoãn kéo dài thời gian" bằng cách không trả lời những điều Mỹ hỏi ý kiến chúng về văn bản dự thảo Hiệp định. Vấn đề nổi cộm lên hàng đầu trong mâu thuẫn Mỹ - ngụy về bản dự thảo Hiệp định là việc họ phải chấp nhận "sự có mặt của quân Bắc Việt Nam tại miền Nam" sau khi Mỹ đã phải rút quân. Thượng nghị sĩ Mỹ Phunbrai khi đó đã mỉa mai phát biểu: "Làm sao cái đuôi lại vẫy được con chó?". Quả là một nhận xét hóm hỉnh mà đầy ý nghĩa.

Níchxơn vừa vuốt ve dụ dỗ, vừa đe dọa nếu Thiệu không cùng Mỹ ký Hiệp định thì trước dư luận y sẽ trở thành "một vật trở ngại cho hòa bình". Mỹ sẽ buộc phải cắt hết viện trợ, ngụy quyền sẽ ở vào "địa vị hoàn toàn đối chọi" với Mỹ, điều đó sẽ là "tai họa" cho Thiệu mà Thiệu phải "hoàn toàn chịu trách nhiệm về các hậu quả".

Tuy vậy, khi Thiệu tỏ ra kiên quyết chống thì Níchxơn không thể làm găng hơn, không thể đơn phương ký hiệp định và đoạn tuyệt với Thiệu vì làm như vậy sẽ gây đổ vỡ lớn, gây chấn động trong dư luận và nhất là trong nội bộ Mỹ, làm mất sự ủng hộ của cánh hữu trong lúc ngày bầu cử đang tới gần. Quan hệ Mỹ - Thiệu tiếp tục căng thẳng trong những tháng cuối năm 1972.

Trong cuộc họp hẹp với Kítxinhgiơ sáng 4-12-1972, anh Thọ nói: "Chúng tôi cũng đã dự tính là nếu không giải quyết được thì chiến tranh sẽ rất tàn khốc, có thể là các ông sẽ đem B52 đánh bom ồ ạt đất nước chúng tôi... Chúng tôi đã chịu đựng hàng triệu tấn bom đạn của Mỹ, nhưng chúng tôi không hề khiếp sợ, chúng tôi không chịu khuất phục, không chịu làm nô lệ. Cho nên những lời đe dọa của các ông và việc các ông không giữ đúng lời hứa chỉ chứng tỏ các ông "không phải là những người đàm phán nghiêm chỉnh"". Kítxinhgiơ chỉ luôn miệng thanh minh rằng Mỹ đang gặp nhiều khó khăn với Thiệu.

Ngày 18-12-1972, Mỹ bắt đầu dùng B52 đánh bom Hà Nội, Hải Phòng, đồng thời cũng trong hôm đó lại gửi công hàm tới đoàn ta ở Pari đề nghị nối lại đàm phán sau ngày 26-12-1972.

Đợt đột kích liên tiếp 12 ngày đêm của không quân chiến lược Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng bị thất bại trước tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của quân dân ta. Ngày 3-1-1973, anh Thọ lên đường trở lại Pari sau khi chính quyền Níchxơn đã buộc phải cam kết chấm dứt ném bom và thả mìn ở miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và giảm ném bom từ vĩ tuyến 20 trở vào, như trước ngày 18-12-1972.

Ngày 8-1-1973, bắt đầu đợt đàm phán cuối tại địa điểm của ta ở Gifsur Yvette. Để biểu thị thái độ, đoàn ta ngồi tại bàn họp, không ai ra đón đoàn Mỹ như thường lệ. Mở đầu cuộc họp, anh Thọ tấn công ngay, anh nhìn thẳng vào Kítxinhgiơ mắng như tát nước vào mặt, phê phán rất mạnh thủ đoạn xảo trá, lật lọng của Mỹ: "Các ông lấy cớ đàm phán gián đoạn để tiến hành một cách tàn bạo việc ném bom miền Bắc 12 ngày đêm bằng B52. Hành động đó hết sức trắng trợn, thô bạo. Các ông tưởng rằng làm thế có thể khuất phục được chúng tôi nhưng các ông nhầm...". Kítxinhgiơ cúi mặt không dám nhìn lại, chỉ nói: "Tôi có nghe thấy những tính từ... Tôi đề nghị đừng dùng những tính từ đó". Anh Thọ đáp: "Tôi dùng những tính từ đó cũng là kiềm chế lắm rồi, chứ dư luận thế giới, các nhà báo và ngay các nhân vật ở Mỹ còn dùng những câu chữ dữ dội hơn nhiều...". Cuối cùng, y chỉ nói: "Cố vấn nói khe khẽ chứ không cánh nhà báo ngoài kia nghe thấy lại đưa tin là ông mắng chúng tôi... Tôi đề nghị chúng ta nên tránh tranh cãi về vấn đề này".

Khi văn bản Hiệp định và các Nghị định thư đã đạt được sự thỏa thuận của hai bên, kể cả vấn đề tranh cãi cuối cùng về khu phi quân sự, và sau khi đã thống nhất với ta các chi tiết cụ thể về lịch ký kết, ngày 20-1-1973 Níchxơn gửi thư cho Thiệu với lời lẽ như một tối hậu thư: "Chúng tôi sẽ ký tắt Hiệp định vào ngày 23-1-1973. Ngay bây giờ tôi phải được biết liệu ông có sẵn sàng cùng theo con đường đó với chúng tôi không. Tôi phải được biết câu trả lời của ông trước 12 giờ (giờ Hoa Thịnh Đốn) ngày 21-1-1973. Nếu cho tới lúc đó ông không thể trả lời tôi một cách tích cực, tôi sẽ báo với các lãnh tụ (hai đảng) trong Quốc hội (Mỹ) là tôi cho phép Tiến sĩ Kítxinhgiơ ký tắt Hiệp định dù không có sự thỏa thuận của chính phủ ông. Trường hợp đó, dù sau đó ông có quyết định cùng tham gia với chúng tôi thì khả năng được Quốc hội (Mỹ) tiếp tục ủng hộ cũng sẽ bị giảm đi rất nhiều". Và tất nhiên Thiệu không dám cưỡng lại quy luật của quan hệ chủ - tớ.

Sáng ngày 23-1-1973, lần đầu tiên cuộc gặp Lê Đức Thọ - Kítxinhgiơ được tiến hành công khai tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Clêbe để giải quyết những chi tiết cuối cùng của cuộc đàm phán và hai bên ký tắt Hiệp định cùng các Nghị định thư kèm theo. Bốn ngày sau đó mới làm lễ ký kết chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao của bốn bên cũng tại nơi đó.

Việc ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam là một sự kiện chính trị vang dội trên thế giới. Uỷ ban Giải thưởng Nôben đã quyết định trao Giải thưởng Hòa bình năm đó cho Lê Đức Thọ và Kítxinhgiơ. Anh Thọ không nhận. Trong lịch sử Giải thưởng Nôben, đây là lần thứ nhất, và có lẽ cũng là lần duy nhất mà người được Giải thưởng Nôben đã từ chối không nhận giải thưởng. Với anh, hòa bình và toàn vẹn của Tổ quốc là mục tiêu cần phải tiếp tục phấn đấu không ngừng. Anh nhận thức rõ thắng lợi ngoại giao trong cuộc đối mặt với Hoa Kỳ tại Pari bắt nguồn từ những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trên chiến trường Nam Bắc. Chính với ý nghĩ đó, ngay khi từ Pháp trở lại nước nhà, anh đã yêu cầu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho anh đi thăm anh em bộ đội phòng không - không quân, bộ đội tên lửa để tỏ lòng biết ơn những người đã tạo nên thế mạnh của ta, phá mưu đồ của đối phương hòng dùng sức ép của B52 uy hiếp ta trên bàn đàm phán.

Ngót hai mươi năm sau, đến tận những ngày tháng cuối cùng của đời anh, anh vẫn không ngừng suy nghĩ lo toan về công việc chung của đất nước. Khi lâm bệnh nặng, phải nằm tại chỗ ở nhà số 6 Nguyễn Cảnh Chân, anh vẫn cho gọi anh Nguyễn Cơ Thạch, anh Đinh Nho Liêm và tôi đến để nói lại những suy nghĩ của anh về phương hướng đối ngoại nhằm tạo dựng một môi trường quốc tế thuận lợi cho việc bảo đảm hòa bình và phát triển của Việt Nam.

*

*       *

Viết những dòng này, trước mắt tôi vẫn như thoáng bóng dáng một mái đầu bạc lẫn trong những hoa tuyết trắng đầu đông đang rơi lả tả xuống khoảnh sân nhà phái đoàn ta ở Choisy Le Roi - hình ảnh Lê Đức Thọ buổi sớm mai vừa lững thững tản bộ, vừa trầm ngâm suy tư trước khi bước vào một ngày đấu tranh ngoại giao căng thẳng.



* Nguyên:  - Uỷ viên Trung ương Đảng,

- Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.

1. Báo Nhân Dân, ngày 17-10-1990, tr. 1.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận