Đại đoàn kết là nhân tố thắng lợi trước "sóng lớn" từ biển Đông

Ngày đăng: 04/06/2014 - 08:06

Đại đoàn kết là truyền thống quý báu, không những được bổ sung và tích luỹ trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn là tài sản vô giá và được truyền đời qua nhiều thế hệ người Việt Nam. Trong công cuộc xây dựng hoà bình, đại đoàn kết là chất liệu nâng tầm dân tộc; trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là vũ khí sắc bén để nhân dân ta chống lại và chiến thắng mọi kẻ thù.

bác ho

"Bác bắt nhịp Bài ca kết đoàn" (Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh)


Không chỉ dừng lại ở đề cao vai trò của nhân dân, trên cơ sở quan tâm đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân, các triều đại phong kiến Việt Nam đã khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đánh bại các thế lực ngoại bang xâm lược. Sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất trong nội bộ triều đình là một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng góp phần quyết định những chiến công vẻ vang của cha ông ta. 
Trong lịch sử, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm nhận thấy sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã khẳng định, ý chí của nhân dân chính là thành trì vững chắc nhất để giữ nước. Nguyễn Trãi lấy tư tưởng “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân” làm nền tảng quan trọng để phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân, đưa cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vượt qua khó khăn, đi đến thắng lợi, đánh bại quân xâm lược, giành lại giang sơn, giữ yên biên cương, bờ cõi của dân tộc.

Với nhiều tộc người sinh sống trên nhiều địa bàn khác nhau trải dài từ Bắc xuống Nam, Việt Nam là một quốc gia đa tộc. Mỗi một tộc người có phong tục, tập quán, địa bàn sinh sống, thậm chí cả ngôn ngữ, chữ viết riêng. Lợi dụng đặc điểm này, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách khoét sâu khác biệt, chia rẽ các tộc người để làm suy giảm sức mạnh dân tộc. Do đó, việc tạo dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc anh em luôn là đòi hỏi tất yếu trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ở vào giai đoạn phát triển thịnh trị, các triều đại phong kiến Việt Nam đều dành sự quan tâm đặc biệt đến mối quan hệ bang giao hữu hảo với các quốc gia lân bang với mục tiêu tranh thủ sự đoàn kết ủng hộ của họ khi đất nước lâm sự. 

Lịch sử cũng chứng minh rằng, bất cứ một triều đại phong kiến nào, nếu không biết xây dựng khối đoàn kết toàn dân, không biết khai thác nội lực từ ý chí tự lập, tự cường của nhân dân đều nhanh chóng sụp đổ trước giặc ngoại xâm và rơi vào vòng nô dịch.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết được nhân lên gấp bội. Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, huy động và chuyển hoá sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại thành sức mạnh tổng hợp là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dưới ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn thể nhân dân từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi, không kể dân tộc, thành phần xuất thân đã kết thành khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhờ có đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Tổng kết bài học đoàn kết, rút ra từ Các mạng tháng Tám năm 1945 bằng cách trả lời câu hỏi "Vì sao có cuộc thắng lợi đó?", Chủ tịch Hồ Chí Minh, phân tích: "Một phần là vì tình hình quốc tế thuận lợi cho ta. Nhất là vì lực lượng của toàn dân đoàn kết. Tất cả các dân tộc, các giai cấp, các địa phương, các tôn giáo đều nổi dậy theo lá cờ Việt Minh để tranh lại quyền độc lập cho Tổ quốc. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai thắng được lực lượng đó”.  Từ thực tiễn đó, Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận:

“Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”

Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc sinh thời, đã khẳng định, nhờ tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, mà “không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó, kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước, với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, nhờ có đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đoàn kết và tập hợp trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến hành công cuộc đổi mới và đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng mở rộng, thu hút nhiều đối tượng thành phần cả ở trong nước và ở nước ngoài tham gia, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, nhờ tinh thần đoàn kết, nhân dân ta đã giữ vững được nền độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trước sức ép và âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền nước ta của các thế lực thù địch.

Những năm qua, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến nhanh chóng và phức tạp, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức; sự nghiệp đổi mới tiếp tục được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực; kinh tế tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được chăm lo thiết thực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường... Những kết quả trên là thực tiễn sinh động, khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta.
 bacho ddknn

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo 
cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc (Ảnh tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh)


Những gì do Trung Quốc đang gây ra trên vùng biển có chủ quyền của Việt Nam đã đặt khối đại đoàn kết dân tộc của nhân dân trước thách thức lớn. 
Gần đây, Trung Quốc tiến hành hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển của Việt Nam. Đây là một bước tiến nguy hiểm trong tiến trình thực hiện ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Việc làm này đã chà đạp lên pháp luật quốc tế, quay lưng lại với tình cảm hữu nghị truyền thông lâu đời, tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân hai nước để khẳng định cái mà họ gọi là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở biển Đông”. Họ không từ một thủ đoạn nào, miễn là thực hiện được ý đồ “biến không có tranh chấp thành có tranh chấp” “biến của người thành của mình”. Họ ra sức kích động nhằm chia rẽ, phân hoá khối đại đoàn kết của nhân dân ta. Họ sử dụng bộ máy tuyên truyền khổng lồ để vu cáo, bôi nhọ Việt Nam, làm hoen ố hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Việt Nam luôn mong muốn hòa bình hữu nghị, luôn hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Nhưng Trung Quốc vẫn cố tình vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục sử dụng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình nhưng cũng không để bất cứ quốc gia nào uy hiếp, xâm phạm từng tấc đất, từng mét nước biển của mình. Việt Nam không khiêu khích, không gây hấn nhưng có quyền bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bằng tất cả những gì mình có. Trước sự xâm phạm lãnh hải, gây hấn, khiêu khích đe dọa từ phía Trung Quốc, Việt Nam vẫn chủ trương đối thoại, chân thành mong muốn Trung Quốc nhận ra sai lầm của mình để giữ được hòa bình, sự hòa hiếu giữa hai nước. Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang bằng vũ lực thì người Việt Nam sẽ đồng lòng đứng lên bảo vệ đất nước mình. Ý chí ấy đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, khẳng định: "Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Hơn lúc nào hết, nhân dân ta càng nâng cao cảnh giác, tỉnh táo trước những luận điệu vu khống, vu cáo bôi nhọ; kiềm chế trước các hoạt động khiêu khích, xúi giục của Trung Quốc và những phần tử cơ hội, phá hoại; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Bằng những việc làm yêu nước cụ thể, mỗi người dân nước Việt lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc. Ðề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người, tăng cường đồng thuận xã hội; mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội. 

Chỉ có đoàn kết, đại đoàn kết, nhân dân ta tập hợp được sức mạnh tổng hợp để vượt qua thách thức nhất thời để bảo vệ nền độc lập, cuộc sống tự do, hoà bình, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ mà bao thế hệ người Việt Nam đã đổ máu xương để gìn giữ.

Chỉ có đoàn kết, đại đoàn kết chúng ta mới có thể chủ động và tích cực mở rộng quan hệ quốc tế, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa của chúng ta, đoàn kết chặt chẽ với nhân dân ta để bảo vệ hoà bình, công lý và những giá trị cao đẹp của loài người.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 



Bình luận