Đại đoàn kết - sức mạnh bền vững bảo vệ Tổ quốc

Ngày đăng: 12/05/2014 - 15:05

Đại đoàn kết là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta, là nền tảng tạo nên sức mạnh bền vững bảo vệ Tổ quốc. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, thực tiễn lịch sử chứng minh rõ: Thời đại nào giữ được "trong ấm ngoài êm", thì đất nước được bình yên, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc được giữ vững. Ngược lại, thời đại nào trong nước bất hòa, láng giềng bất thiện, thì đất nước khó có thể bình yên, chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc sẽ bị xâm hại.

Theo quan điểm thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), ngày nay Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang chủ động hội nhập quốc tế để công nghiệp hóa và hiện đại hóa, xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là cơ sở quan trọng để củng cố ngày càng vững chắc, luôn luôn bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, tạo sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, các thế lực thù địch lại luôn tìm cách đẩy mạnh chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Về chính trị, chúng tận dụng khai thác những tồn tại trong lãnh đạo, quản lý và điều hành xây dựng và bảo vệ đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Về kinh tế, kẻ thù lợi dụng mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự lệch lạc trong định hướng xã hội chủ nghĩa, sự yếu kém trong sản xuất và kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để hạ thấp vai trò quản lý của Nhà nước. Về văn hóa, chúng đẩy mạnh tuyên truyền lối sống thực dụng, buông thả, chạy theo tiền tài, danh vọng, lợi ích cá nhân và bộ phận; lãng quên văn hóa truyền thống sống vì mọi người, vì quốc gia và dân tộc, làm nhụt tinh thần và ý chí đấu tranh của nhân dân ta. Về quốc phòng và an ninh, các thế lực thù địch tích cực truyền bá tư tưởng thù địch, kích động các hoạt động chống phá, nổi dậy, gây rối, gây bạo loạn...

Mục đích chống phá trên nhiều lĩnh vực của kẻ thù nhằm tạo ra hiệu ứng dây chuyền, làm suy giảm tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, phai mờ mục tiêu lý tưởng và thành quả cách mạng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân, gây nghi ngờ trong nội bộ. Chúng kích động các phần tử tiêu cực nổi dậy chống đối, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, sự ủng hộ và giúp đỡ của kiều bào ta ở nước ngoài, cũng như cộng đồng quốc tế, tạo thế để chúng chuyển hóa chế độ, hoặc tiến hành cuộc chiến tranh can thiệp lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, càng phải ra sức xây dựng và củng cố ngày càng vững chắc khối đoàn kết trong hệ thống chính trị; làm cơ sở để xây dựng ngày càng bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh xây dựng và bảo vệ đất nước, như chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã xác định.

Để củng cố ngày càng vững chắc khối đại đoàn kết trong hệ thống chính trị, trước hết cần giữ vững khối đoàn kết nội bộ, đoàn kết trên dưới trong các cơ quan ban, ngành. Khối đoàn kết đó phải được xây dựng trên tinh thần phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong công việc, gương mẫu đi đầu trong tổ chức và thực hiện thành công mục tiêu lý tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, thực thi nghiêm túc pháp luật và chính sách của Nhà nước. Từng người phải tuyệt đối trung thành với Đảng, hết lòng gắng sức phục vụ nhân dân và đất nước, lời nói đi đôi với việc làm, luôn đặt lợi ích của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích cá nhân và bộ phận. Đây là yếu tố quan trọng làm tăng niềm tin cho nhân dân, là cơ sở vững chắc để chúng ta xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, từng cấp phải gắn bó mật thiết trong từng hộ gia đình, từng bản làng, thôn ấp, dòng tộc, tổ dân phố, cộng đồng dân cư; trong các dân tộc và tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở khắp các vùng, miền trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Khối đại đoàn kết toàn dân cần được xây dựng trên tinh thần đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái, chung lòng góp sức giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống. Mọi công dân phải tôn trọng phong tục tập quán của từng dân tộc và tôn giáo, truyền thống văn hóa, lợi ích của quốc gia và dân tộc, bình đẳng trước pháp luật, hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân với đất nước.

Đồng thời phải tăng cường mối quan hệ, đoàn kết giúp đỡ giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, nhất là lúc khó khăn, hoạn nạn. Mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế, xây dựng lòng tin, củng cố mối quan hệ giữa nước ta với các nước và các tổ chức quốc tế, tạo thế và lực mạnh xây dựng và bảo vệ đất nước. Xây dựng khối đoàn kết giữa các quốc gia và dân tộc trên cơ sở tôn trọng nền độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của từng quốc gia và dân tộc, theo đúng công ước và luật pháp quốc tế.

Cùng với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, làm rõ âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng ViệtNam. Nhất là các thủ đoạn mua chuộc, kích động và lôi kéo, nhằm chống phá Đảng, hạ thấp vai trò của Nhà nước, làm giảm lòng tin của nhân dân. Đây là nhân tố quan trọng để chúng ta ngăn ngừa không cho kẻ thù phá vỡ khối đoàn kết dân tộc, mối quan hệ mật thiết giữa các vùng miền; sự gắn bó chặt chẽ giữa các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đoàn kết quốc tế, làm giảm sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, từng ngành cần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, hạn chế sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền, trong các giai tầng xã hội, làm tăng niềm tin cho nhân dân. Đây là nhân tố để triệt tiêu sự kích động và mua chuộc của kẻ thù, giữ vững khối đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, giúp mọi người dân nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình với đất nước và dân tộc. Từng người biết vận dụng sáng tạo nhiều loại hình đấu tranh, đấu tranh trên nhiều lĩnh vực để bảo vệ lợi ích quốc gia và dân tộc, chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, theo đúng luật pháp trong nước và quốc tế, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết với các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cơ sở là đoàn kết trong hệ thống chính trị, là điều kiện quan trọng để động viên nhân dân chung lòng, góp sức xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho toàn dân, tạo sự công bằng xã hội, mở rộng dân chủ, đưa tiến bộ về văn hóa và xã hội, khoa học và công nghệ tới mọi người dân, chính là cơ sở để củng cố ngày càng vững chắc, luôn luôn bền chặt khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.

Củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế là nhân tố căn bản tạo ra sức mạnh bền vững để ta ngăn ngừa, đánh thắng cả thù trong và giặc ngoài, bảo vệ vững chắc đất nước, để Tổ quốc ta trường tồn.

Theo Báo Quân đội nhân dân


Bình luận