Đại thắng mùa Xuân 1975 và những dự báo chiến lược thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiến trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Ngày đăng: 22/04/2013 - 15:04

Mùa Xuân năm 1975, sau hơn 20 năm kháng chiến đầy gian khổ hy sinh, lần lượt đánh bại bốn chiến lược chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy chiến lược, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối. Trong ngày vui đại thắng, cả dân tộc hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người không còn nữa để thấy ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà như ước vọng thiêng liêng của Người lúc sinh thời, song thắng lợi đó không nằm ngoài những dự báo thiên tài của Người. Với sự anh minh, mẫn tiệp, óc phán đoán tài tình, những dự cảm mang tính tiên tri, tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo từ rất sớm. Trên cơ sở các tư liệu mới được công bố, chúng tôi trình bày một số dự báo của Người để bạn đọc nghiên cứu, tham khảo.

Dai thang mua xuan 3

Ảnh minh họa

- Dự báo về hành động xâm lược trực tiếp của đế quốc Mỹ đối với dân tộc ta.

Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy từ rất sớm âm mưu đen tối và hành động xâm lược trực tiếp của đế quốc Mỹ đối với cách mạng Việt Nam. Ngày 7-5-1954, sau khi quân ta giành được toàn thắng tại Điện Biên Phủ, trong thư gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”, không được “chủ quan khinh địch”1. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhắc nhở đồng chí Tố Hữu về công tác tư tưởng, Người chỉ rõ: “Chiến thắng Pháp rồi, phải nhớ trước mặt ta còn có kẻ địch hùng mạnh hơn, hung ác hơn, đó là đế quốc Mỹ”. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về gặp Bác, chúc mừng chiến thắng xong, Người nói ngay “còn phải đánh Mỹ nữa”2. Lúc bấy giờ ít ai nghĩ rằng đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, đã rút ra bài học đừng bao giờ đem quân tham chiến ở các quốc gia châu Á, lại có thể thay chân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song, lịch sử đã diễn ra đúng như Người nhận định. Vừa đánh bại thực dân Pháp, nhân dân ta lại phải tiến hành một cuộc kháng chiến kéo dài hơn 20 năm chống đế quốc Mỹ, kẻ thù lớn mạnh nhất của thời đại. Nhờ sớm xác định được kẻ thù nên Đảng ta đã có những chủ trương thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, chủ động đối phó với những mưu đồ đen tối của chúng. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, chưa kịp thời chuyển hướng đấu tranh sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, chậm sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của Mỹ - Diệm, nhưng về cơ bản nhận định của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về kẻ thù mới là hoàn toàn chính xác.

- Dự báo tiền đồ tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta phải đương đầu với một tên đế quốc lớn mạnh nhất thời đại, có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh, quân đội đông đảo, thiện chiến, trong lịch sử chưa từng bị bại trận. Dựa vào sức mạnh to lớn, chúng liên tục leo thang chiến tranh, từ viện trợ quân sự cho chính quyền tay sai, đế quốc Mỹ từng bước trực tiếp đem quân chiến đấu ồ ạt đổ bộ vào miền Nam, đồng thời tiến hành đánh phá dữ dội miền Bắc bằng hải quân và không quân hòng đưa miền Bắc “về thời kỳ đồ đá”. Lúc cao nhất ở miền Nam có tới hơn 60 vạn quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ, gần 1 triệu quân ngụy với trang bị vũ khí cực kỳ hiện đại. Cả loài người tiến bộ lo lắng cho Việt Nam. Trong nước cũng có một số ý kiến sợ rằng ta không đương đầu nổi với Mỹ. Nắm vững tình hình, thấu hiểu chỗ mạnh chỗ yếu của ta của địch, tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, vào sức mạnh dân tộc và thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm kháng chiến, khẳng định thắng lợi cuối cùng sẽ về dân tộc ta. Niềm tin sắt đá đó thể hiện trong rất nhiều bài viết, bài nói, lời tuyên bố của Người. Luận điểm nhân dân Việt Nam nhất định thắng, đế quốc Mỹ nhất định thua được Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Kể cả khi đế quốc Mỹ huy động đến mức cao nhất sức mạnh quân sự của chúng vào chiến tranh, Người vẫn không một chút xao động niềm tin. Ngay cả khi chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng, trong Di chúc để lại cho muôn đời con cháu, Người vẫn khẳng định chắc chắn “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”3. Sáu năm sau kể từ khi Người về với cõi vĩnh hằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi, Bắc Nam sum họp một nhà như ước vọng thiêng liêng của Người.

- Dự báo thời điểm miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Không chỉ xác định đúng kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dự đoán một cách chính xác thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn. Năm 1960, sau khi phong trào Đồng khởi bùng nổ và giành được những thắng lợi to lớn, tuy chế độ Mỹ - ngụy vẫn còn mạnh, song với tư duy sắc sảo và sự nhạy cảm đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sự sụp đổ tất yếu của chúng trong một tương lai không còn xa nữa. Trong Diễn văn bế mạc lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm 15 năm nữa Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”4. Vào thời điểm bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra rất gay go quyết liệt, công bố điều này là không có lợi nên Người đã gạch đi đoạn “chậm lắm 15 năm nữa”. Mười lăm năm sau, đúng như Người đã khẳng định, bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, biến lời dự đoán này của Người thành hiện thực.

- Dự báo thủ đoạn dùng máy bay B52 đánh phá Thủ đô Hà Nội của đế quốc Mỹ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta ngày càng trở nên gay go quyết liệt. Bị thất bại nặng nề ở miền Nam, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra cả nước, dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc. Cường độ đánh phá của chúng ngày càng mạnh. Hầu như không còn một mảnh đất nào ở miền Bắc mà không có bom đạn Mỹ. Sớm nhận thấy âm mưu đen tối của đế quốc Mỹ, từ năm 1962 Người đã lưu ý đồng chí Phùng Thế Tài phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến máy bay B52. Năm 1965, khi Mỹ đưa máy bay B52 vào đánh phá ta ở miền Nam, Người trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Đặng Tính phải nghiên cứu, tìm mọi cách tiêu diệt loại máy bay lợi hại này. Ngày 17-9-1967, bộ đội tên lửa bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên ở Vĩnh Linh, Người nhắc nhở Quân chủng Phòng không - Không quân: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Quả đúng như Người nhận định, cuối tháng 12-1972, trước khi ký Hiệp định Pari, hòng ép ta trên thế mạnh, chúng đã dùng máy bay chiến lược B52 đánh phá có tính chất huỷ diệt Hà Nội, Hải Phòng. Song nhờ dự đoán đúng tình hình, chúng ta đã có phương án đối phó hiệu quả, đập tan cuộc tập kích phiêu lưu của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari theo như những điều khoản đã thoả thuận, rút quân về nước, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta.

- Dự báo các bước phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào là một tư tưởng chiến lược, một chủ trương sáng tạo, độc đáo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiến hành kháng chiến chống lại một kẻ thù lớn mạnh nhất thời đại, chúng ta không thể giành được thắng lợi một cách nhanh chóng mà phải có những bước đi phù hợp, phải đánh đổ từng bộ phận tiến lên đánh đổ hoàn toàn kẻ địch. Trong điều kiện tương quan lực lượng trên chiến trường miền Nam, muốn giành thắng lợi trước hết phải đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải rút khỏi nước ta. Là một siêu cường, đế quốc Mỹ không dễ dàng cam chịu thua cuộc, chúng chỉ chấp nhận rút quân khi bị những đòn thất bại nặng nề không chịu nổi. Song một khi Mỹ đã rút thì chắc chắn ngụy sẽ sụp đổ. Chủ trương này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định khá sớm. Ngay sau khi quân Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam một thời gian không lâu, Người đã chỉ rõ đế quốc Mỹ rất ngoan cố, chúng có tiềm lực mạnh nhưng ta phải thắng chúng, không phải thắng bằng cách tiêu diệt hoàn toàn quân đội chúng mà phải đuổi chúng ra khỏi nước ta. Mỹ đã rút ắt ngụy phải nhào5. Ngay trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chỉ thị cho đồng chí Trần Văn Trà khi ông từ B2 ra báo cáo tình hình chuẩn bị của quân ta với Bác, Người nói: “Trong cuộc chiến tranh này, ta không phải tiêu diệt hết quân Mỹ để thắng mà là ta phải đuổi hết Mỹ để thắng. Đó là tinh thần, trí tuệ và sức lực Việt Nam. Ta kiên trì, ta nhất định thắng”. Thực vậy, với một kẻ thù có tiềm lực quân sự lớn mạnh, làm chủ hoàn toàn bầu trời, mặt sông, mặt biển, khống chế các đô thị, hệ thống giao thông - vận tải, muốn tiêu diệt chúng theo kiểu chiến tranh thông thường thì rất khó mà phải đuổi chúng ra khỏi bờ cõi. Một khi chúng đã phải rút quân thì chính quyền tay sai do chúng dựng lên khó bề đứng vững. Thực tế đã chứng minh sau khi Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari, chấp nhận rút quân về nước, không có sự yểm trợ của quân Mỹ, quân nguỵ đã suy yếu rất nhanh. Khi quân và dân ta bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mặc dù đã được đế quốc Mỹ ồ ạt viện trợ trước khi chúng buộc phải rút khỏi miền Nam nước ta, với hơn 1 triệu quân được trang bị hiện đại, nhưng sức chiến đấu của quân ngụy rất kém. Chỉ qua vài trận đánh có tính chất quyết định, quân ngụy đã suy sụp nghiêm trọng và đi đến sụp đổ nhanh chóng.

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống nhân ái, thương người của dân tộc Việt Nam. Với chủ trương này không những hạn chế hy sinh tổn thất cho quân và dân ta mà còn tránh cho đối phương đỡ phải đổ máu nhiều, giữ được thể diện, mà ta vẫn giành được chiến thắng “tắt muôn đời chiến tranh” như Nguyễn Trãi đã từng nói. Có thể nói trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chưa bao giờ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có chủ trương tiêu diệt toàn bộ quân địch theo quy luật chiến tranh thông thường để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà chỉ xác định đánh bại chúng, buộc Mỹ phải rút quân, nguỵ phải sụp đổ. Việc ký kết Hiệp định Pari năm 1973, buộc quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam và hàng triệu tù binh nguỵ sau đại thắng mùa Xuân 1975 được đoàn tụ với gia đình, không bị xét xử mà chỉ phải trình diện và qua một thời gian học tập là một minh chứng điển hình.

- Dự báo tương lai tươi sáng của dân tộc và những công việc to lớn sau chiến tranh.

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy những công việc to lớn phải thực hiện sau khi chiến tranh kết thúc, những thuận lợi, khó khăn trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong Di chúc, Người đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta về những công việc phải làm sau chiến tranh. Đó là “công việc đối với con người”; là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khôi phục, phát triển kinh tế, văn hoá, hàn gắn những vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra... nhằm xây dựng thành công “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”. Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn đó, “phải động viên toàn dân, dựa vào sức mạnh vĩ đại của toàn dân”. Thực tế đã chứng minh lời dự đoán sáng suốt của Người. Sau khi thống nhất nước nhà, do không nhìn thấy hết những khó khăn trong hoà bình, chậm chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chúng ta đã gặp phải những khó khăn to lớn, đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Trải qua một quá trình tìm tòi sáng tạo, từng bước tiến hành đổi mới, sau hơn 20 năm kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, thế và lực của đất nước ngày càng được tăng cường, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Từ một nước mỗi năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, ngày nay chúng ta đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những thành quả to lớn đó là chúng ta đã thực hiện tốt những chỉ dẫn thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa.

*

*   *

Qua một số dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiến trình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho thấy những nhận định của Người là hết sức chính xác. Chính nhờ những dự đoán đó mà cách mạng Việt Nam tránh được nhiều vấp váp, tổn thất. Tuy vậy, khả năng đặc biệt đó của Người không phải lúc bấy giờ mới thể hiện mà đã hình thành từ rất sớm. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Người đã bộc lộ khả năng dự báo mang tính tiên tri - một năng lực đặc biệt, một phẩm chất mang tính thiên tài với những phán đoán vượt thời đại. Giữa lúc phần lớn nhân loại đang quằn quại dưới ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân, Người đã sớm nhìn thấy sức mạnh to lớn của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, của thời đại cách mạng giải phóng dân tộc dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, về khả năng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc sau khi đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, về tác động tích cực của cách mạng thuộc địa đối với cách mạng chính quốc, về việc phải “bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”, “củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”6... Đối với Việt Nam, từ rất sớm Người đã phát hiện ra sức mạnh to lớn của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa dân tộc truyền thống, về con đường phát triển của đất nước... Người khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”, “Phát động chủ nghĩa dân tộc” là một “chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”7. “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến”, “Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương... Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”8. Năm 1941, giữa lúc Chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra cực kỳ ác liệt, Người đã dự đoán chính xác thời điểm cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Trong tác phẩm Lịch sử nước ta, phần niên biểu, Người viết: năm 1945 cách mạng Việt Nam thành công. Về sự kiện này, trong hồi ký của mình, đồng chí Võ Nguyên Giáp viết: “Có lần, Bác viết một cuốn lịch sử Việt Nam bằng thơ lục bát, ghi lại tất cả những phong trào chống giặc ngoại xâm từ trước đến nay, Bác đã viết vào cuối trang mục lục: “Việt Nam độc lập 1945”. Anh em người nói sớm, kẻ nói muộn. Bác nghe trao đổi chỉ nói: “Để rồi xem””9. Ba năm sau, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc, Người chỉ rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”10. Đúng như lời nhận định thiên tài của Người, tháng 8-1945, nhân cơ hội phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, toàn dân ta đã nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Pháp, những dự báo của Người cũng đã được lịch sử kiểm nghiệm. Trước một kẻ địch mạnh hơn ta nhiều lần, nhiều người lo lắng cho tiền đồ của cuộc kháng chiến. Với tư tưởng “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và niềm tin sắt đá “thắng lợi nhất định sẽ về dân tộc ta”, Người đã cùng Trung ương Đảng hạ quyết tâm kháng chiến, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đứng lên chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Cuộc kháng chiến ngày càng gay go, giặc Pháp liên tiếp tung quân đánh phá, mở rộng phạm vi chiếm đóng, tất cả các thành phố, thị xã và nhiều vùng nông thôn rộng lớn rơi vào tay chúng, nhưng Người vẫn vững một niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Với trí tuệ xuất chúng, tầm nhìn xa trông rộng, Người đã xác định đúng những âm mưu đen tối của kẻ thù, sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào chiến tranh Đông Dương, các giai đoạn của cuộc kháng chiến, sự kết thúc chiến tranh bằng đàm phán hoà bình. Năm 1948, trong tác phẩm Giấc ngủ mười năm, Người đã tiên đoán chính xác sẽ diễn ra một trận quyết chiến chiến lược lớn giữa ta và Pháp với sự tham gia giấu mặt của không quân Mỹ trước khi chiến tranh kết thúc bằng hoà đàm11 và nhiều dự báo khác mà lịch sử đã khẳng định.

Nhiều người nước ngoài sau khi tiếp xúc, nghiên cứu, tìm hiểu sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh đã không giấu nổi sự ngạc nhiên, cảm phục về tầm cao trí tuệ, sự mẫn tiệp, óc phán đoán tài tình của Người. Kenơđi (con), sau một chuyến tham quan Pác Bó về, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thốt lên: Không thể tưởng tượng nổi vào thời điểm bấy giờ trong rừng sâu Việt Bắc những người cách mạng Việt Nam lại nghĩ họ có thể giành chiến thắng và thậm chí đã giành được thắng lợi khi Pháp và Mỹ có những cố gắng chiến tranh cao nhất. Sau khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giải thích về truyền thống văn hoá Việt Namanh ta mới vỡ lẽ ra điều mà Kenơđi cha và con trước đây không hề hay biết12. Nhận định về Hồ Chí Minh, Tiến sĩ A. Átmét, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã viết: “... Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại khi còn sống, và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”13. Rất nhiều nhà cách mạng, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, nhiều chính khách lỗi lạc trong nước và quốc tế cũng đã dành những lời tương tự để ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà dự báo thiên tài của cách mạng Việt Nam.

Có thể nói dự đoán đúng thời cuộc là một khả năng đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấm nhuần phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền thống dân tộc, nắm vững tiến trình lịch sử, quy luật phát triển của cách mạng, dựa trên sự phân tích một cách khách quan khoa học sự vận động của sự vật và hiện tượng, những dự báo của Người có độ chính xác đến kỳ lạ. Là lãnh tụ tối cao của dân tộc, linh hồn của cách mạng Việt Nam, những dự đoán của Người đã góp phần to lớn dẫn dắt dân tộc ta tiến bước vững chắc trên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế phản phong, kháng chiến và kiến quốc. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định, đó là những điều tiên tri “thuộc về những nhân tài”14 chỉ có ở những vĩ nhân.

Chiến tranh đã lùi xa, song những dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh thế giới đang có những biến đổi hết sức phức tạp, khó lường, tìm hiểu, nghiên cứu khả năng dự đoán thời cuộc của Người nhằm dự báo chính xác chiều hướng phát triển của tình hình, kịp thời đưa ra các quyết sách đúng đắn tránh cho đất nước những tác động bất lợi là vấn đề hết sức cần thiết và quan trọng.

 

THÁI PHƯƠNG

Sách Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Những mốc son lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.

 

_______________

 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.272.

2. Báo Nhân Dân, ngày 7-5-2004.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.498.

4. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

5. Xem Chiến sĩ miền Nam với Bác Hồ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.32.

6. Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Bản báo cáo này không ghi tên tác giả, song qua nội dung của báo cáo, những nhà nghiên cứu cho rằng không ai khác ngoài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người Việt Nam duy nhất lúc đó đang sống và hoạt động ở Mátxcơva, chính là tác giả của bản báo cáo đó. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.465.

7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 467, 28.

9. Xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 42. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr. 230, ghi “1945: Việt Nam độc lập”.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.505-506.

11. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trước nguy cơ thất bại của tập đoàn cứ điểm, Mỹ đã sử dụng không quân ném bom yểm trợ trực tiếp cho Pháp hòng ngăn chặn sự tiến công của quân ta.

12.  Xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 364.   

 13. Xem Trần Đương: Hồ Chí Minh - Nhà dự báo thiên tài, Nxb. Thông tấn, Hà Nội, 2004, tr.7.

14.  Xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr. 266.

Bình luận