Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - một tư duy quân sự độc đáo

Ngày đăng: 25/12/2013 - 14:12

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông không chỉ là nhà lãnh đạo, nhà hoạt động chính trị kiệt xuất của Đảng và quân đội ta mà còn là nhà quân sự tài ba với tư duy quân sự độc đáo, sáng tạo. Tài thao lược quân sự của ông được thể hiện cả ở tầm tư duy chiến lược, đến những vấn đề rất cụ thể trong tác chiến của từng phân đội, từng người lính.

A23Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước khi vào chiền trường miền Nam (1964)

Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và quân sự

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người đã vận dụng và thực hiện sáng tạo tư tưởng “chính trị - quân sự”, “quân sự phải phục tùng chính trị” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân đội ta vừa là lực lượng chính trị, vừa là lực lượng vũ trang chiến đấu, vì vậy việc chính trị hòa quyện trong quân sự, quân sự hòa quyện trong chính trị là yêu cầu tất yếu khách quan. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa tư tưởng đó vào xây dựng và chiến đấu của quân đội ta, bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chính trị và quân sự trong mối quan hệ biện chứng. Quân sự phải phục tùng chính trị, nghĩa là mọi hoạt động quân sự phải chịu sự chi phối của chính trị, nhằm đạt được mục đích chính trị. Chính trị trong quân sự phải thể hiện ở đánh giặc. Đây là cách nhìn rất biện chứng, rất khoa học về mối quan hệ giữa chính trị và quân sự. Hiệu quả của đánh giặc, với cách đánh sáng tạo, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, có vũ khí trang bị mạnh hơn ta nhiều lần đó chính là biểu hiện cao nhất của chính trị trong quân sự.

Để tiến hành công tác chính trị trong chiến đấu, trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Khi tiến công gặp trường hợp địch phản công, thì phải củng cố ngay tại trận địa. Đừng vì địch đánh mạnh mà lui. Nếu lui thì sẽ ảnh hưởng đến toàn trận địa. Phải cổ động các chiến sĩ củng cố trận địa chứ không được lui”1. Đây là tư tưởng rất quan trọng trong tác chiến tiến công, đó là phải biết nhanh chóng chuyển vào phòng ngự khi ta gặp khó khăn, địch phản công mạnh, phải tổ chức phòng ngự, để ngăn chặn địch, giữ thế ta, chờ thời cơ tiếp tục tiến công.

22 năm sau chiến dịch Biên giới, năm 1972 trong chiến dịch tiến công Quảng Trị, đợt 3 của chiến dịch (6-1972 - 9-1972) địch phản kích rất mạnh bằng 2 sư đoàn cơ động thuộc lực lượng dự bị chiến lược (Sư đoàn thủy quân lục chiến và Sư đoàn dù), được hỏa lực của không quân và hải quân Mỹ chi viện. Ta bị tổn thất nhiều sau 6 đợt phản công. Trong điều kiện đó ta lại chủ trương tiếp tục tiến công là một sai lầm, do đó không hoàn thành nhiệm vụ đợt 3. Rất may là sau đó ta đã kịp thời từng bước lui về Thạch Hãn để tổ chức phòng ngự chặn địch. Bài học của chiến dịch Quảng Trị năm 1972 cho thấy tư tưởng quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về “biết phòng ngự trong tiến công” đã đi trước hơn 20 năm, thể hiện tầm nhìn rất sâu sắc của ông về nghệ thuật quân sự.

Sắc sảo và có tầm nhìn chiến lược trong đánh giá kẻ thù

Một trong những điều kiện để giành thắng lợi trong đấu tranh cách mạng cũng như trong chiến tranh là phải đánh giá đúng kẻ thù, “biết địch, biết ta trăm trận không nguy”. V. I. Lênin đã từng chỉ rõ, cái nguy hiểm nhất trong chiến tranh là không đánh giá đúng địch và tự cho mình mạnh hơn địch - đây là cái nguy hiểm nhất, vì nó có thể báo hiệu sự thất bại trong chiến tranh.

Là một nhà lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh xuất sắc, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đánh giá rất khoa học và biện chứng về quân Mỹ, khi năm 1965 chúng bắt đầu ồ ạt đưa quân đội viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Trong điều kiện Mỹ đang tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân vào miền Bắc, tiềm lực kinh tế, quân sự của Mỹ còn rất mạnh, nhưng ông vẫn khẳng định: “Mỹ giàu nhưng không mạnh”, Mỹ giàu là một thực tế, giàu về kinh tế, giàu về trang bị vũ khí, kỹ thuật, ta không thể coi thường, mà phải biết tìm ra những mâu thuẫn, những chỗ yếu chí mạng của quân Mỹ để chuẩn bị thật tốt lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân cho cuộc đọ sức với quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của Mỹ, Nguyễn Chí Thanh đã chỉ rõ những mâu thuẫn, chỗ yếu của Mỹ là: Đưa quân vào để cứu vãn cho 50 vạn quân Sài Gòn không còn đủ sức chống lại cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam, đó là một bị động chiến lược của Mỹ, sự thất bại của “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trong giai đoạn chúng lấy quân ngụy làm chỗ dựa chủ yếu; từ bị động về chiến lược, dẫn đến bị động trong chiến đấu. Ngay trong những trận đọ sức đầu tiên với ta ở Vạn Tường, Plâyme, Bầu Bàng, Nhà Đỏ, Bông Trang… quân Mỹ đã thua đau, làm cho một đội quân được trang bị hiện đại, tác chiến binh chủng hợp thành, nhưng bị chiến tranh nhân dân của ta giáng đòn phủ đầu, nên tinh thần, ý chí chiến đấu của chúng đã nhanh chóng bị suy yếu, ta đã phát huy được sức mạnh chính trị tinh thần của mình, khoét sâu những chỗ yếu của quân Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn mâu thuẫn về chiến lược đánh nhanh hay đánh lâu dài ở Việt Nam? Một đội quân rất hiện đại, có sức cơ động cao vào tác chiến ở một chiến trường không quen thuộc, địa hình phức tạp, lại phải đối phó với chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân với thế trận “thiên la địa võng” làm sao mà phát huy được sức mạnh của vũ khí, trang bị hiện đại…

Từ những phân tích, đánh giá trên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã rút ra kết luận rất quan trọng về đánh giá Mỹ, làm cơ sở cho Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam hạ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đó là Mỹ vào miền Nam Việt Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược, Mỹ có nhiều vũ khí hiện đại, nhưng lại vấp phải nhiều mâu thuẫn, Mỹ là tỷ phú về đôla, nhưng quân và dân ta lại hơn hẳn quân Mỹ bởi ta có chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có đường lối chiến tranh nhân dân, chiến thuật đúng, bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, chúng bị tréo giò như “ăn cháo bằng dĩa”, nên ta nhất định thắng. Đó là tầm nhìn xa về chiến lược, đánh giá dự kiến đúng chiều hướng phát triển tình hình trên chiến trường của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Từ thực tiễn chiến đấu và sự sáng tạo của bộ đội và nhân dân trong đánh giặc, đề xuất chỉ đạo phương châm, cách đánh độc đáo, sáng tạo

Với phong cách lãnh đạo, chỉ huy sâu sát, cụ thể, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn lấy thực tiễn chiến đấu của bộ đội và nhân dân làm cơ sở để tìm ra phương châm, cách đánh phù hợp - coi đó là thực tiễn đúng đắn nhất để khẳng định chân lý. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những tư duy quân sự hết sức độc đáo, sáng tạo để chỉ đạo hoạt động tác chiến của quân và dân trên chiến trường.

Ngay từ những năm 50, trong chiến dịch Biên giới, ông đã chỉ rõ: có khi bị tàu bay, quân nhảy dù tiến công vào trận địa của mình, bộ đội bị thiệt hại, cũng có ảnh hưởng đến tinh thần chiến sĩ. Khẩu hiệu đề ra lúc đó là “phải chú trọng quân địch dưới đất” vì chỉ có tàu bay trên trời, không giải quyết được sự thắng lợi2. Ông đã chỉ cho cán bộ, chiến sĩ biết cách phân tích, phán đoán lựa chọn mục tiêu trong chiến đấu, “Với tàu bay đề ra cho bộ đội biết là đã có bảo đảm. Đội dự bị ở phía sau trận địa phải bắn lại phi cơ. Ở phía trước bộ đội phải tiến sát địch, để tránh bom đạn tàu bay của địch…”3. Đó là những tư tưởng về tác chiến binh chủng hợp thành (giữa các thành phần lực lượng trong tác chiến) và đánh gần để hạn chế sự tàn phá của bom đạn địch. “Lúc đánh bại địch, lên chiếm lĩnh trận địa rồi, lại còn phải lên đuổi địch, tiếp tục xung phong không cho địch kịp thời củng cố một trận địa mới để đánh lại ta”4 - một sự chỉ đạo chiến thuật, chỉ đạo cách đánh rất tỉ mỉ, cụ thể nhằm tiến công, truy kích địch đến cùng, đồng thời đó cũng là tư tưởng chiến lược liên tục tiến công trong tác chiến và trong chiến tranh cách mạng.

   Ở thời kỳ đầu khi Mỹ đưa quân vào miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam. Ông có công lớn trong chỉ đạo cách đánh quân Mỹ - một trong những quân đội có sức mạnh quân sự lớn nhất của thế kỷ XX, nhưng không phải là “bất khả xâm phạm”, quân dân ta phải quyết đánh, dám đánh và biết đánh Mỹ, phải dám đánh thẳng vào quân Mỹ ở ngay căn cứ xuất phát hành quân của chúng. Từ những trận thắng Mỹ đầu tiên ở Núi Thành, Quảng Nam (5-1965), Vạn Tường - Quảng Nam (8-1965), trận Đất Cuốc (bắc thị xã Biên Hòa) vào tháng 11-1965, tiếp đến là các trận Bầu Bàng, Ia Đrăng… đã động viên khích lệ tinh thần đánh Mỹ của quân dân cả nước.

Từ thực tiễn dám đánh Mỹ và thắng Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nâng lên một tầm tư duy mới, đó là đề xuất “Bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta”, “cứ đánh rồi sẽ biết đánh”, “vấn đề chiến thuật sẽ được giải quyết tại chiến trường”, “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “bộ binh Mỹ rất yếu” ta phải đánh gần làm cho quân Mỹ phải khiếp sợ tinh thần của người lính Việt Nam… Từ tư tưởng chỉ đạo đó, chúng ta đã hình thành những “vành đai diệt Mỹ” ở ngay cửa ngõ Sài Gòn và các trung tâm lớn như Đà Nẵng,… Đây là những tư tưởng, quyết tâm chỉ đạo đánh Mỹ cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, đồng thời là tư tưởng chỉ đạo cho chiến tranh nhân dân và toàn dân đánh Mỹ. Cũng từ thực tiễn đánh Mỹ, quân dân Củ Chi (ở ngay sát cửa ngõ Sài Gòn) đã rút ra được 10 bài học đánh Mỹ là:

“Ai cũng đánh được Mỹ.

Làm nghề gì cũng đánh được Mỹ.

Vũ khí gì cũng đánh được Mỹ.

Ở đâu cũng đánh được Mỹ.

Lúc nào cũng đánh được Mỹ.

Mỹ nào cũng đánh được.

Mỹ làm gì cũng đánh được.

Mỹ ở đâu cũng đánh được.

Mỹ có vũ khí gì cũng đánh được.

Mỹ nhiều hay ít cũng đánh được”.

Đây không còn là bài học đánh Mỹ thông thường mà là tư duy khoa học, được quân dân Củ Chi đúc kết, thể hiện về lực lượng đánh Mỹ (là toàn dân đánh giặc) về không gian đánh Mỹ (Mỹ ở đâu cũng đánh được) về đối tượng tác chiến (Mỹ có vũ khí gì cũng đánh được). Đó cũng là ý chí và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta, được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo và đúc rút về phương thức tác chiến tại chiến trường miền Nam.

Từ đúc kết hoạt động tác chiến của bộ đội và quần chúng trong thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nâng lên thành lý luận, tư tưởng quân sự mang tầm chiến lược nhưng rất cụ thể, kiên quyết, có sức thu hút, thuyết phục, truyền cảm, được thực tiễn kiểm nghiệm là hoàn toàn đúng đắn, đã có tác dụng động viên mọi người cùng khắc phục khó khăn quyết tâm thực hiện với sự sáng tạo trong đánh giặc “không công thức, cứng đờ”.

Chăm lo xây dựng bộ đội chủ lực, thực sự là những "quả đấm", làm nòng cốt trong những đòn đánh tiêu diệt lớn quân địch

Bộ đội chủ lực luôn giữ vị trí chiến lược, là lực lượng cơ động đánh địch trên các chiến trường cả nước, thực hiện những đòn đánh tiêu diệt lớn lực lượng chủ lực, lực lượng chiến lược chủ yếu của đối phương. Vì vậy, ngay từ khi đặt chân tới chiến trường miền Nam năm 1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã cùng Trung ương Cục và Quân ủy miền Nam quan tâm chăm lo, xây dựng bộ đội chủ lực để thực sự là “những quả đấm” quyết định trong các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… đánh bại từng chiến đoàn quân đội Sài Gòn, phá rã hàng ngàn “ấp chiến lược”, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Sau chiến thắng Bình Giã, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng, trung đoàn chủ lực của ta đã diệt được chiến đoàn quân đội Sài Gòn. Nhưng ta phải vươn lên có nắm đấm chủ lực lớn hơn, mạnh hơn, đủ sức diệt gọn cả tiểu đoàn chủ lực quân đội Sài Gòn trong công sự mới xoay chuyển được tình thế. Đây là tầm nhìn chiến lược của Đại tướng về chuẩn bị lực lượng cho cuộc đương đầu lịch sử với quân Mỹ và trên thực tế đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta đã hình thành những binh đoàn chủ lực mạnh, kết hợp chặt chẽ chiến tranh nhân dân địa phương và chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, đánh bại hoàn toàn quân Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trung tướng, GS. TS. NGUYỄN NGỌC THANH

Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành khoa học quân sự

Bộ Quốc phòng

***

1, 2, 3, 4. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong quân đội (tuyển chọn những bài nói và viết), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 17, 18.

 

Bình luận