Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác xây dựng Đảng trong quân đội

Ngày đăng: 25/12/2013 - 14:12

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và quân đội ta, đã có những đóng góp to lớn vào công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị trong quân đội, góp phần tăng cường và củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang nhân dân.

A41

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chụp ảnh với cán bộ địa phương trong chuyến thăm Tây Bắc (1962)

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vấn đề hàng đầu mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh quan tâm chăm lo xây dựng là củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đồng chí chỉ rõ: “Phải tăng cường xây dựng Đảng, phải coi công tác xây dựng Đảng là căn bản nhất trong việc xây dựng quân đội”1. Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của quân đội nhân dân, “Không có Đảng mạnh thì không có quân đội mạnh”2. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội chỉ được phát huy khi đã xác lập được một cơ chế lãnh đạo hợp lý.

Đồng chí cho rằng, sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội, là nguyên tắc bất di, bất dịch trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Đồng chí nêu rõ: “Muốn không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ của cán bộ và chiến sĩ để thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, phải thông qua một chế độ công tác chính trị và hệ thống công tác chính trị chặt chẽ. Trong lịch sử quân đội ta, lúc nào chúng ta nắm vững và tăng cường chế độ công tác chính trị thì quân đội ta tiến lên đúng hướng, liên tiếp giành thắng lợi”3; “Quá trình trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta gắn liền với việc không ngừng củng cố và tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Công tác Đảng và công tác chính trị là linh hồn và mạch sống của quân đội ta, làm cho quân đội ta thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một quân đội tất thắng”4.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tư tưởng của các tổ chức cơ sở đảng trong quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã sớm nhận thấy những bất cập của “chế độ chính ủy tối hậu quyết định, đại diện Đảng trong quân đội, từ trung đoàn trở lên” và đưa ra những kết luận xác đáng, làm cơ sở để Trung ương Đảng ra quyết định thành lập trong bộ đội chủ lực từ Tổng Quân ủy tới chi bộ đại đội. Sau 10 năm trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị, Đại tướng đã chỉ đạo “Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị của quân đội ta từ khi thành lập đến năm 1959”. Từ hoạt động lãnh đạo của các chi bộ Đảng trong toàn quân, đồng chí đã khái quát thành nguyên tắc: “Chi bộ là cơ quan lãnh đạo tập trung, thống nhất và tối cao ở trong đại đội”5. Đây cũng là cơ sở để Đảng đề ra nguyên tắc Đảng lãnh đạo quân đội, thông qua một cơ chế lãnh đạo hợp lý, khẳng định vai trò của các tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cho rằng, nguyên tắc tập thể lãnh đạo là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng. Nhờ thi hành nghiêm chỉnh nguyên tắc đó mà nội bộ Đảng đoàn kết, phát huy được trí tuệ của Đảng và quần chúng, giảm bớt được chủ quan, phiến diện trong lãnh đạo, ngăn chặn được tệ chuyên quyền, độc đoán. Đồng chí nêu rõ: “Lấy đảng ủy làm hạt nhân lãnh đạo, đồng thời xác định chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng ủy. Chế độ đó rất thích hợp với quân đội ta. Chỉ có thực hiện chế độ đó, quân đội ta mới thực sự là công cụ bạo lực sắc bén để thực hiện đường lối, chính sách của Đảng”6.

Trong chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn khẳng định mối quan hệ thống nhất, chặt chẽ giữa bản chất giai cấp của Đảng với bản chất giai cấp của quân đội. Bản chất giai cấp của quân đội là sự quán triệt các nội dung chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng vào trong một tổ chức vũ trang đặc thù, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội từng bước nâng cao giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp, lập trường tư tưởng vững vàng, quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao cả là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội7.

Một trong những vấn đề tâm huyết trong chỉ đạo công tác xây dựng Đảng được đồng chí Nguyễn Chí Thanh đặc biệt quan tâm, là phải thường xuyên chú trọng lãnh đạo tư tưởng trong quân đội. Báo cáo tại Hội nghị tuyên huấn toàn quân năm 1951, đồng chí khẳng định: “Lãnh đạo tư tưởng là trọng tâm của công tác lãnh đạo chính trị, mà lãnh đạo chính trị là một vấn đề căn bản trong cuộc đấu tranh cách mạng giữa ta và địch, làm gốc cho mọi vấn đề khác, cho tất cả các mặt khác, các ngành khác của mọi hoạt động quân sự… Cho nên, chúng ta phải đề cao công tác lãnh đạo tư tưởng, nhằm đưa trình độ tư tưởng của quân đội ta lên một mức nữa, có như vậy mới mong hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề sắp tới”8. Trên cơ sở đó, đồng chí chỉ đạo nội dung trung tâm của công tác lãnh đạo tư tưởng trong quân đội ta là: bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ có một trình độ giác ngộ chính trị vững chắc trên cơ sở phân rõ ranh giới thù, bạn, ta; xây dựng tinh thần chịu đựng gian khổ, tự lực cánh sinh, vượt mọi khó khăn để thắng địch, tuyệt đối tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến; xây dựng tinh thần cách mạng triệt để, ý chí chiến đấu vững chắc, quyết tâm diệt địch đến cùng, hy sinh dũng cảm trên chiến trường và hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng giao cho.

Để tăng cường hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ ra những phương pháp cơ bản để tiến hành công tác tư tưởng: Luôn hiểu rõ tình hình tư tưởng, phân tích nguyên nhân tư tưởng; khéo biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục; phát huy tác dụng phê bình và tự phê bình trên tinh thần tự giác và có tính quần chúng; hướng mọi hình thức giáo dục vào mục đích lãnh đạo tư tưởng trong từng thời kỳ; kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức; kết hợp công tác tư tưởng với việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng bộ quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn quan tâm tới việc quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng. Đồng chí yêu cầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải “Lấy dân chủ tập trung làm chế độ, lấy lãnh đạo tập thể làm nguyên tắc cao nhất của sự lãnh đạo của Đảng. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt cũng như trong hòa bình xây dựng quân đội tiến lên chính quy hiện đại, nguyên tắc đó phải được hết sức tôn trọng”9.

Trong chỉ đạo xây dựng chế độ và công tác đảng ủy trong quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ việc thực hiện chế độ đảng ủy trong quân đội, nghĩa là phải thành lập hệ thống cấp ủy trong toàn quân cho đến các đơn vị cơ sở để làm hạt nhân lãnh đạo thống nhất trong bộ đội, đồng thời định rõ “chế độ thủ trưởng chính trị và thủ trưởng quân sự phân công phụ trách dưới sự lãnh đạo tập thể của đảng ủy”10.

Về xây dựng hệ thống tổ chức đảng của quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh luôn quan tâm chỉ đạo việc kiện toàn và nâng cao chất lượng lãnh đạo của chi bộ đại đội. Đồng chí nêu rõ, chi bộ là cái cầu nối liền Đảng với quần chúng binh sĩ, là hạt nhân đoàn kết và lãnh đạo trong đại đội. Chi bộ có mạnh đại đội mới mạnh. Về nguyên tắc, chi bộ là người tổ chức và lãnh đạo cao nhất về mọi mặt trong đại đội. Về thực tiễn chi bộ có tác dụng quyết định trong việc phổ biến, quán triệt và lãnh đạo thực hiện đường lối, phương châm chính trị, quân sự của Đảng. Vì vậy, cần phải ra sức xây dựng chi bộ đại đội vững mạnh; kiện toàn chi ủy, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên ở chi bộ, chấn chỉnh công tác phát triển Đảng; cải tiến sinh hoạt chi bộ; tích cực mở rộng dân chủ, nâng cao phê bình và tự phê bình để tăng cường sự lãnh đạo tập thể trong chi bộ.

Về xây dựng đội ngũ đảng viên trong quân đội, đồng chí Nguyễn Chí Thanh yêu cầu, nắm vững những điểm mới về tư tưởng và chính trị là mấu chốt, trong đó có việc rèn luyện nâng cao lập trường tư tưởng cho đảng viên, làm cho đảng viên rắn như thép, đủ sức vượt qua mọi thử thách… Đó là yêu cầu nghiêm túc đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong quân đội, làm cho quân đội ta trở thành công cụ vững chắc của nền chuyên chính vô sản, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Trong quá trình hoạt động, công tác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên có đủ đức, tài, phẩm chất và năng lực cho quân đội, đúng đường lối giai cấp của Đảng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của tình hình nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cách mạng. Đồng chí khẳng định: Tinh thần chiến đấu của bất cứ một quân đội cách mạng nào cũng bắt nguồn từ sự giác ngộ giai cấp, giác ngộ chính trị của mỗi cán bộ và chiến sĩ của quân đội đó. Giác ngộ chính trị của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ ta bao giờ cũng là sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội.

Quán triệt quan điểm đội ngũ đảng viên trong quân đội phải có kiến thức về các mặt công tác, đồng chí Nguyễn Chí Thanh yêu cầu đội ngũ đảng viên trong quân đội phải thường xuyên học tập, trau dồi, nâng cao trình độ về các mặt chính trị, tham mưu, hậu cần, kỹ thuật để làm tròn vai trò của người chiến sĩ tiên phong trong một tổ chức quân sự đặc thù là quân đội. Mặt khác, đồng chí cũng đặc biệt quan tâm cải tiến phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ đảng viên trong quân đội, yêu cầu mỗi đảng viên triệt để thực hiện chống quan liêu, sáo rỗng, lề mề, xây dựng tác phong làm việc thực tế, nghiêm túc, chính xác, khẩn trương. Qua đó, nâng cao chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Gần nửa thập kỷ đã qua kể từ khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vĩnh viễn ra đi, nhưng những cống hiến của đồng chí với Đảng, với quân đội, với nhân dân vẫn trường tồn, đặc biệt là những đóng góp về chỉ đạo công tác xây dựng Đảng trong quân đội trên cả phương diện lý luận và thực tiễn vẫn còn nguyên giá trị trong xây dựng, chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay và mai sau.

PGS. TS. NGUYỄN MẠNH HÀ

Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

*****

1, 3, 4, 6, 8, 9, 10. Nguyễn Chí Thanh: Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr.237, 288, 284, 286, 28, 286, 286.

2. Tổng cục Chính trị: Quá trình hình thành tổ chức và chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội (1954-1964), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, t.2, tr.373.

5. Tổng cục Chính trị: Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1944-1959), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1960, tr.71.

7. Học viện Chính trị quân sự: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.275.

 

 

Bình luận