Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII thành công và bế mạc

Ngày đăng: 25/06/2014 - 09:06

Sáng 24-6-2014, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII đã thành công tốt đẹp và bế mạc.

be mac QH 13 - ky 7

Tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII

Tới dự, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm; các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, nhiều đại biểu Quốc hội các khóa trước và các đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu ý kiến bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, tích cực và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Kỳ họp thứ bảy. Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, được đồng bào, cử tri cả nước đón nhận, tin tưởng, đồng tình, ủng hộ.

Lòng yêu nước, tinh thần đổi mới, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của mỗi vị đại biểu, của đồng bào, cử tri là những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của kỳ họp quan trọng này.

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, với 95,98% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Với kết quả 95,18% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Kếp Thao (Cape Town). Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015 cũng được Quốc hội thông qua, với 94,58% tổng số đại biểu tán thành.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp với kết quả 96,18% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Nghị quyết của Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội xem xét những vấn đề quan trọng, được nhiều đại biểu QH quan tâm và cử tri kiến nghị để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức các phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết này.

Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, với kết quả 96,99% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Trong giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết yêu cầu phấn đấu đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016-2020) của Quốc hội, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Hơn nữa, tăng nguồn lực đầu tư và cân đối nguồn lực trung hạn của Nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; lựa chọn chính sách để ưu tiên phân bổ, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực; bảo đảm lồng ghép chính sách và nguồn lực có hiệu quả. Định kỳ hai năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này.

Sau khi bế mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo trong nước và quốc tế công bố kết quả kỳ họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Văn phòng Quốc hội cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan tất cả các lĩnh vực, đồng thời, Quốc hội cho ý kiến đối với nhiều dự án Luật khác. Đây là những nội dung quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực thi Hiến pháp (sửa đổi năm 2013) và giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Đại diện Văn phòng Quốc hội nêu rõ, ngay trong ngày đầu tiên của phiên khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình Biển Đông; việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quốc hội đã ra Thông cáo bày tỏ thái độ trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bản Thông cáo số 2 được xem như tuyên bố của Quốc hội, trong đó khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng và hai Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và các bộ, ngành Trung ương đã trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí liên quan những biện pháp Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới nhằm đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 và các phương tiện ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), lãnh đạo Văn phòng Quốc hội gửi lời chúc mừng tới các cơ quan báo chí, các nhà báo và cảm ơn sự phối hợp trong công tác, góp phần đưa thông tin của Kỳ họp thứ bảy nói riêng và các kỳ họp Quốc hội nói chung đến với cử tri và nhân dân cả nước kịp thời.

P.V

(Theo Nhân Dân)




 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả