Kỷ niệm trọng thể 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Sáng 8/7, tại Bắc Ninh, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Bắc Ninh trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012).
Dự lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; các đồng chí là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, các tướng lĩnh quân đội, các bà mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo nhân dân tỉnh Bắc Ninh…Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hôm nay, cùng với đồng bào, đồng chí cả nước, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta họp mặt tại thành phố Bắc Ninh đang từng ngày đổi mới, thuộc vùng đất Kinh Bắc địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, để trọng thể kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng ta thời kỳ 1938 - 1941, nhà lãnh đạo trẻ tuổi đầy tài năng của cách mạng Việt Nam; một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người con ưu tú của dân tộc; chiến sĩ cách mạng kiên cường, người cộng sản mẫu mực, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại và hiểu rõ hơn cuộc đời và những cống hiến to lớn của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; rút ra những bài học bổ ích cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm (ảnh: HN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của Đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng; người cộng sản có tầm nhìn xa rộng, có quyết tâm và nghị lực lớn, một tài năng chính trị kiệt xuất của Đảng ta. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có tư duy lý luận sắc sảo, sáng tạo; nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn được Đồng chí giải quyết một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tế Việt Nam.
Năm 1939, trước nguy cơ phát xít và Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra mặt chống phá đảng cộng sản. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn tờrốtkít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm Tự chỉ trích . Đây là một đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Tác phẩm ra đời đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình mới, khi Đảng ta vừa hoạt động bí mật, vừa hoạt động công khai; vừa chống "tả", vừa chống "hữu" nhằm đi đến sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tác phẩm thể hiện tư duy sắc sảo của một lãnh tụ già dặn về chính trị; vừa tranh luận, vừa thuyết trình một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng - những khía cạnh biện chứng giữa cái trước mắt và cái lâu dài, giữa sách lược và chiến lược, đánh tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn lúc bấy giờ. Tổng Bí thư khẳng định: Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những quyết định đúng đắn, quan trọng, góp phần chuyển hướng chiến lược của cách mạng nước ta ở những thời điểm lịch sử. Toàn bộ cuộc đời Đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ đúng vào dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các nghị quyết gần đây của Trung ương nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng , Nhà nước và các đại biểu tại Lễ kỷ niệm.
Ảnh : Trí Dũng - TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần quan điểm tự phê bình và phê bình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Trong tác phẩm Tự chỉ trích , đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng, đối với một đảng chính trị, việc mắc phải khuyết điểm, thậm chí sai lầm là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải biết tự phê bình, "công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi... để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chứ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng... vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ của Đảng"; không giấu giếm khuyết điểm; cũng không để kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng phá hoại,... Những tư tưởng đó của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Thiết thực học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các cấp ủy Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Trần Văn Túy phát biểu nêu rõ: Tự hào là quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, noi gương và học tập các thế hệ đi trước, hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, sau 15 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh đã đạt được thành tựu to lớn. Kinh tế phát triển cao và bên vững, thu nhập bình quân theo đầu người tăng nhanh; Kết cấu hạ tầng được hoàn thiện; Lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, dân ca quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Sự nghiệp giáo dục và đào tạo đang làm sáng thêm truyền thống hiếu học của tỉnh; Chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh được quan tâm toàn diện; Công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Cuộc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng... Hình ảnh của tỉnh Bắc Ninh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa với kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại đang dần hiện hữu trên vùng đất Kinh Bắc. Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh xác định mục tiêu, không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2015 Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020.
Thay mặt thế hệ trẻ cả nước nói chung và quê hương Bắc Ninh nói riêng, đoàn viên Nguyễn Thu Phương bày tỏ niềm tự hào, lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nguyện ra sức rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạnh, tiếp tục học tập để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, khắc phục khó khăn, hoàn thành suất sắc các nhiệm vụ được giao; quán triệt các công tác chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các nghị quyết kế hoạch của Trung ương đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tiếp tục đẩy mạnh, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quan triệt thực hiện tốt các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng Đảng hiện nay gắn với việc học tập theo tinh thần phê bình và tự phê bình trong tác phẩm Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; Tăng cường đoàn kết của thế hệ trẻ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, nhận bất cứ nhiệm vụ gì khi Tổ quốc cần; Tăng cường giám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của Đoàn viên, thanh niên, phát hiện nhân rộng những nhân tố mới. Tịch cực đấu tranh phê phán các thới hư tật xấu, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái vì cộng đồng, phê phán thái độ bảo thủ, cự đoan, vị kỷ cá nhân, nêu cao ý thức trách nhiệm công dân; Tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các chương trình hành động để thanh niên vững bước đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Trước đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự Lễ cắt băng khánh thành và dâng hương tưởng niệm tại Khu Lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại quê hương đồng chí - Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Theo báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực