Kỷ niệm về đồng chí Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 07/11/2011 - 10:11

GS, TS. Nguyễn Ngọc Trân*

Phong trào Việt kiều tại Pháp có may mắn đặc biệt đã được Bác Hồ gây dựng cách đây 81 năm, khi Bác, lúc đó là Nguyễn Ái Quốc, thành lập Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, và đã được nhiều dịp gặp các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Tôi còn nhớ trong những năm chống Mỹ, cứu nước, qua mỗi lần được tiếp xúc, phong trào như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, sự gắn bó với đất nước được quyện chặt thêm, bất chấp không gian, cách trở, bất chấp những nguy hiểm mà chính quyền Sài Gòn có thể gây ra cho bản thân và cho gia đình chúng tôi ở miền Nam.

le-duc-tho-huong

Người mà phong trào đã được gần gũi trong nhiều năm, và đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, là đồng chí Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, khi đồng chí dẫn dắt, cùng với đồng chí Bộ trưởng Xuân Thủy, công việc đàm phán tại Hội nghị Pari về Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1973.

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, thời gian Hội nghị Pari về Việt Nam là những năm tháng vô cùng quý báu, đầy ý nghĩa đối với phong trào và đối với mỗi anh chị em chúng tôi. Bằng việc trong nước lựa chọn Pari làm nơi đàm phán với Mỹ, chúng tôi cũng nhận thức được rằng chúng tôi phải cố gắng công tác gấp đôi, gấp ba để xứng đáng với sự tin cậy mà trong nước đặt vào phong trào.

Tôi vẫn còn nhớ rõ ba hình ảnh về đồng chí Lê Đức Thọ: nét mặt tập trung và bước đi "như đo như đếm" trong sân Choisy Le Roi1; nét mặt khi đồng chí gặp lại Ngoại trưởng Mỹ Kítxinhgiơ ngay sau khi Mỹ ném bom B52 suốt 12 ngày đêm Hà Nội, Hải Phòng và nét mặt thân thương gần gũi khi đồng chí gặp gỡ kiều bào và các cháu thiếu nhi.

Hình ảnh đầu tiên gợi cho tôi liền nghĩ tới những năm tháng đồng chí đã trải qua trong ngục tù của thực dân đế quốc. Đối với tôi, hình ảnh đó là biểu tượng về niềm tin sắt đá vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, đạt được bằng từng bước vững chắc.

Nét mặt thứ hai đối với tôi thể hiện vừa sự kiên định, vừa sự căm ghét, khinh miệt thói lật lọng, tráo trở đầy tội lỗi. Tôi hiểu thêm phần nào quyết định của đồng chí không nhận Giải thưởng Nôben Hòa bình vì đã không có sự phân biệt giữa xâm lược và bị xâm lược.

Hình ảnh thứ ba tôi cảm nhận được qua nét mặt của đồng chí là cả niềm thương yêu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước dành cho kiều bào, là niềm động viên chúng tôi hãy sống xứng đáng với hình ảnh của nhân dân Việt Nam trong mắt nhân dân Pháp, nhân dân các nước; hãy cố gắng trau dồi chuyên môn, tinh thông một ngành, một nghề, để khi đất nước hòa bình thống nhất, trở về nước phục vụ.

Ba hình ảnh trên đây, cùng với những năm tháng phong trào Việt kiều được tiếp xúc với đồng chí, với Bộ trưởng Xuân Thủy và với hai đoàn đàm phán, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là một phần đặc biệt quan trọng trong vốn sống của chúng tôi, là những bài học kinh nghiệm cho công tác mà suốt đời chúng tôi khắc mãi vào tâm trí.

Tháng 9-1976, tôi về nước cùng với gia đình, giảng dạy ở Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và tham gia Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, rồi sau đó ra Hà Nội công tác.

Tôi rất cảm động vì đồng chí Lê Đức Thọ, mặc dù bề bộn công tác vẫn luôn nhớ đến phong trào ở Pháp. Mỗi lần gặp tôi, dù chỉ trong khoảnh khắc, đồng chí đều hỏi về Hội người Việt Nam tại Pháp, các Hội Phụ lão, Công nhân, Công thương, các Hội trí thức, sinh viên, Báo Đoàn kết. Đồng chí còn nhớ từng người, cụ Ty, cụ Mạc (Hội Phụ lão), anh Đồng, anh Châu, anh Nghiệp, anh Thiều, anh Khải, bác Hoàng Xuân Hãn, bác sĩ Hoàng Xuân Mãn, kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa, giáo sư Bùi Trọng Liễu,... đồng chí không quên bác sĩ Phan, bác sĩ Jeanne Phi, bác sĩ Hoàng, bác sĩ nha khoa Nguyễn Vĩnh Huê và các anh chị khác, những người đã chăm sóc sức khỏe cho hai đoàn đàm phán. Đồng chí cũng rất quan tâm đến tình hình kiều bào ở các nước khác trên thế giới. Mỗi lần, đồng chí đều nhắc đến sự cần thiết phải củng cố Hội và mở rộng đoàn kết.

Đối với những anh chị em đã về nước sau năm 1975, đồng chí không quên hỏi thăm từng người, từng gia đình, anh Hà, chị Huệ, anh Mỹ, anh Uỷ, chị Phượng, anh Hiển, chị Yến, anh Nhường, chị Ngọc Phượng, anh An, chị Vân, anh Anh, chị Mai, anh Bình, chị Vân, anh Thọ, anh Cương,... sinh sống ra sao, công tác có thuận lợi không và các cháu học hành có giỏi không. Vào dịp Tết, mỗi khi vào Thành phố Hồ Chí Minh công tác, đồng chí không quên cho gọi chúng tôi đến đón Xuân. Nhắc chuyện Pari, nói chuyện hôm nay, chúng tôi hiểu đồng chí muốn nhắn nhủ chúng tôi giữ mãi nhiệt tình cách mạng, công tác không tính toán riêng tư như ngày trước để hăng hái tham gia vào công cuộc xây dựng Tổ quốc hòa bình, thống nhất hôm nay.

Tôi còn nhớ, như mới hôm nào, một buổi sáng năm 1985, đồng chí cho gọi tôi lên gặp như thỉnh thoảng đồng chí vẫn làm. Trong câu chuyện, đột nhiên đồng chí hỏi tôi: "Cậu hiểu quản lý Nhà nước như thế nào?"[1]. Tôi có hơi bị động và sau một thoáng lựa lời, tôi đã đáp: "Thưa anh[2], theo tôi nghĩ đó là Nhà nước tạo điều kiện cho cơ sở để cơ sở hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà Nhà nước muốn cơ sở làm, nhằm đạt được mục tiêu chung mà Nhà nước đề ra". Nghe tôi nói xong, đồng chí mỉm cười. Một lát sau, đồng chí nói: "Quản lý Nhà nước phải sâu sát. Phải về cơ sở, đi thực tế. Nhưng chưa đủ. Muốn sâu sát còn phải biết nghe, phải biết nhìn và phải biết hỏi". Tôi nhớ mãi những kinh nghiệm công tác súc tích mà tôi đã nhận được, những kinh nghiệm đã giúp ích tôi rất nhiều trong công tác cho tới nay.

Năm 1990, được tin đồng chí Lê Đức Thọ đau nặng, khó qua khỏi, tôi liên hệ với bác sĩ Thuận để xin vào thăm. Đến hẹn, trước khi tôi vào phòng, anh Thuận dặn: "Anh Sáu rất yếu, anh chỉ thăm 15 phút thôi nhé. Nhớ đừng nói chuyện gì làm anh Sáu phải suy nghĩ". Tôi hứa. Đồng chí lại là người luôn chủ động hỏi tôi. Lần thứ nhất, anh Thuận vào, đồng chí ra dấu để tôi ở lại thêm. Lần thứ hai, tôi đứng lên giã từ. Siết tay tôi, đồng chí nói: "Mình gặp cậu lần gặp này là lần chót. Mình hôn Hồng và hai cháu. Trân nói với Hà, Huệ, Uỷ, Phượng, Nghiệp, Châu, Đồng và anh em quen biết là mình chào từ biệt. Cố gắng công tác thật tốt. Làm thật tốt mọi nhiệm vụ Đảng giao. Đó là tính Đảng".

Nghẹn ngào, tôi ôm hôn từ biệt đồng chí, lòng tràn đầy thương kính.




* Nguyên: - Đại biểu Quốc hội khóa X, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội;

- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước,

- Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài,

- Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

1. Trụ sở của Phái đoàn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Trường Đảng Maurice Thorez của Đảng Cộng sản Pháp, đặt tại Choisy Le Roi, ngoại ô đông nam của Pari.

[1]. Lúc này, tôi là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

[2]. Trong giao tiếp từ khi còn ở Pari, đồng chí đề nghị chúng tôi gọi đồng chí là anh Sáu cho thân mật.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả