Kế sách của Trung Quốc: Việc làm hơn lời nói

Ngày đăng: 03/07/2014 - 14:07

Việc đưa giàn khoan vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác cũng như đưa các tàu của Trung Quốc hiện diện thường xuyên, liên tục tại các khu vực trên biển đang tranh chấp và đưa ra các quy định liên quan đến việc đánh bắt cá cũng như việc xuất bản bản  đồ dọc của Trung Quốc cho thấy chiến lược của Trung Quốc rất đơn giản là: “Việc làm hơn lời nói”.

Tạp chí National Interest của Mỹ viết về chiến lược mới của Trung Quốc trên Biển Đông: Dường như, Trung Quốc đã tìm ra một kế sách mới để củng cố những tuyên bố chủ quyền của mình. Kế mới của Trung Quốc khá đơn giản, tại sao lại cứ phải sử dụng sức mạnh quân sự để cưỡng chế và chiếm đoạt các vùng đất mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền của các nước khác khi mà chỉ cần sử dụng giàn khoan dầu khí và bản đồ là đã có thể đạt được điều này.

Ngày 24-6 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức công bố bản đồ dọc của mình với lãnh thổ của Trung Quốc bao trọn toàn bộ vùng Biển Đông và có diện tích trên biển cân bằng với diện tích đất liền của Trung Quốc. Việc Trung Quốc ấn hành bản đồ dọc mới này càng cho thấy dã tâm của nước này. Đối với Trung Quốc, dã tâm này hoàn toàn phù hợp với những gì nước này toan tính trước đây vừa nhằm thay đổi dần dần hiện trạng thực tế trên đất liền và trên biển ở Biển Đông vừa nhằm thay đổi nhận thức của người dân Trung Quốc và thế giới về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc cho rằng việc hành động như thể Trung Quốc có chủ quyền thực sự với những gì mà nước này tuyên bố sẽ khiến thế giới thay đổi nhận thức về chủ quyền của nước này.

Đối với Trung Quốc, việc cứ ngang nhiên đi xâm chiếm lãnh thổ của các nước khác có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh. Chính vì thế, Trung Quốc đang nhắm tới việc áp đặt tuyên bố chủ quyền của mình ở những mặt trận ít có nguy cơ xảy ra xung đột hơn như những gì Trung Quốc đã và đang tiến hành trong vài tháng qua.

Về các giải pháp đối phó với chiến lược bành trướng của Trung Quốc, bài báo nêu rõ: Đối với các nước Đông Nam Á - những nước bị ảnh hưởng trực tiếp bởi "đường 10 đoạn" mới của Trung Quốc, thách thức đối với những nước này là tương đối rõ ràng. Các nước Đông Nam Á cần phải lên tiếng phản đối bằng mọi cách có thể mà cụ thể nhất là việc Philippines khởi kiện Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á có thể cùng đâm đơn kiện Trung Quốc âm mưu độc chiếm Biển Đông và biến hành động của mình thành một vụ kiện lớn nhất từ trước đến nay, để làm bẽ mặt Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải có những nhượng bộ nhất định.

Đối với Mỹ, thách thức của Trung Quốc cũng rất rõ rệt, Trung Quốc đang cố tình thay đổi hiện trạng trên Biển Đông bằng cách đưa ra những bản đồ khác nhau vào những thời điểm khác nhau.

Với giá trị hàng hóa vận chuyển trên Biển Đông đạt tới 5.000 tỷ USD/năm, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đến 90% khu vực Biển Đông là một mối nguy thực sự đối với các nước trong khu vực vốn được hưởng lợi rất nhiều từ việc này.

Trung Quốc chơi trò “cưỡng ép và răn đe”

* Trong bài “Bắc Kinh áp đặt điều kiện của mình trên Biển Đông”, tác giả Brice Pedroletti viết trên tờ Les Echos (Pháp) rằng, Trung Quốc gần đây chơi trò “cưỡng ép và răn đe” với các nước láng giềng, trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Theo Pedroletti, cùng việc mạo danh “quyền lịch sử”, Trung Quốc đang cố làm đảo lộn hiện trạng về biên giới biển. 

Hành động hung hăng của Bắc Kinh được giải thích bởi hai yếu tố: Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ và khao khát trở thành một cường quốc hải quân. 

Một chuyên gia phương Tây nhận định, Bắc Kinh có bốn động cơ trong tham vọng biển: Mở lối ra vùng biển sâu cho các cơ sở hàng hải và tàu ngầm hạt nhân tại Hải Nam; bảo vệ tuyến vận tải hàng hải; bảo đảm nguồn thủy sản và tài nguyên; thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước.

*Tờ Daily India News (Ấn Độ) ngày 29-6 đăng tải bài của Rajeev Sharma, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề quan hệ quốc tế, đánh giá việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới và những thách thức đặt ra cho Ấn Độ. Bài viết có một số nội dung đáng chú ý sau:

Trung Quốc vừa cho phát hành bản đồ lãnh thổ khổ dọc mới bao trọn toàn bộ bang Arunachal Pradesh và phần lớn diện tích Jammu và Kashmir của Ấn Độ. Đây quả thực là “cú đánh” đầu tiên mà Thủ tướng Narendra Modi “nhận được” từ phía Trung Quốc - nước mà ông đánh giá cao và mong muốn theo đuổi cạnh tranh để vực dậy nền kinh tế đang tụt dốc, nhất là trong lĩnh vực chế tạo.

Những va chạm, cọ xát giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là điều xảy ra khá thường xuyên trong vài năm trở lại đây, nhất là những cáo buộc xâm phạm biên giới trên bộ. 

Nhưng lần này, hành động của Trung Quốc rất khác và rất đáng chú ý, bởi hai lý do: Một là, việc phát hành bản đồ diễn ra ngay tại thời điểm Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari có chuyến thăm chính thức Trung Quốc (26 - 30-6), dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định hòa bình Panchsheel, 60 năm Trung Quốc tuyên bố “5 nguyên tắc chung sống hòa bình” -  những nhân tố đặt nền tảng cho quan hệ Trung - Ấn ngày nay. Hai là, Trung Quốc đã thể hiện quan điểm cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ đối với Ấn Độ. 

Thông tin chính thức được đăng tải trên tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng, với bản đồ mới, “người dân Trung Quốc giờ đây đã có thể hiểu một cách đầy đủ, trực tiếp toàn bộ bản đồ Trung Quốc”.

Trước đây, bản đồ Trung Quốc thường có phần chú giải tách biệt đối với các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và Arunachal Pradesh là một trong những khu vực như vậy. Nhưng giờ đây, Trung Quốc đã cho phát hành bản đồ khổ dọc cỡ lớn để thể hiện toàn bộ các vùng tuyên bố chủ quyền “người dân không còn phải băn khoăn về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc” (trích đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo).

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin đã chỉ trích hành động trên của Trung Quốc, khẳng định “mọi mô tả trên bản đồ không thể thay đổi thực tế trên thực địa. Sự thực Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Vấn đề này đã được Ấn Độ truyền tải nhiều lần tới Trung Quốc, kể cả cấp cao nhất".

Câu hỏi đặt ra là: Liệu phản ứng như vậy đã đủ chưa? Ông Modi đã đưa ra những phát biểu cứng rắn nhằm vào Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử dưới tư cách là ứng cử viên của Đảng BJP. Sự thực, Trung Quốc giờ không chỉ có các hành động khiêu khích va chạm “thông thường” nhằm vào Ấn Độ, mà họ khẳng định quan điểm cứng rắn, muốn chứng tỏ rằng Bắc Kinh không hề chùn bước trước ông Modi - người vẫn được xem là một nhà lãnh đạo quyết liệt, kiên định.

Theo tác giả, ngoại giao không phải là cuộc chạy đua nước rút 100m, mà là cuộc đua marathon và vượt chướng ngại vật. Nếu không thể có hành động để ông Ansari rút ngắn chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Modi vẫn có các lựa chọn khác, có thể là yêu cầu giới ngoại giao Ấn Độ thực thi quan điểm cứng rắn hơn nhằm vào Trung Quốc. Việc chính thức bày tỏ thái độ do dự đối với chính sách “Một Trung Quốc” có thể sẽ là một hướng.

* Bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest (Mỹ), chuyên gia Harry J.Kazianis tại Viện Nghiên cứu chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham (Anh) cảnh báo Trung Quốc đang dùng giàn khoan và bản đồ có “đường lưỡi bò” liếm gần trọn Biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông, thay vì dùng quân sự vì hành động này có thể dẫn đến chiến tranh và bị thế giới lên án. 

Ông Kazianis khẳng định các hành động như: Đưa giàn khoan nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của một nước khác, liên tục dùng công cụ hàng hải phi hải quân (như tàu hải cảnh) để củng cố tuyên bố chủ quyền, ban hành các quy định về đánh bắt trong vùng tranh chấp và phát hành bản đồ đã thể hiện rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Ngày 30-6, tờ Manila Standard Today của Philippines cũng đã đăng bài bình luận cảnh báo về các động thái bành trướng liên tục của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bài bình luận khẳng định thách thức từ đường lưỡi bò của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực đã quá rõ ràng nên họ cũng phải có hành động ứng phó cụ thể. Ông đề xuất các quốc gia bị ảnh hưởng phải lên tiếng phản đối bằng mọi cách có thể, chẳng hạn như kiện tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ra tòa án quốc tế, tương tự Philippines, để buộc Bắc Kinh phải lùi bước.

Nguyễn Chiến (tổng hợp)

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả