Kế sách giữ nước của ông cha ta trong kỷ nguyên Đại Việt (thế kỷ XI-XV)
Lịch sử Việt Nam thời trung đại đã từng trải qua một thời kỳ oanh liệt với những thành tựu đáng tự hào trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đó là thời Lý, Trần và Lê Sơ, trong các thế kỷ XI-XV. Với nền văn hóa Thăng Long rực rỡ và những chiến công hiển hách trong chiến tranh chống ngoại xâm, nước Việt Nam thuở ấy bước vào một giai đoạn phát triển huy hoàng, rực rỡ văn trị, chói lọi võ công, được lịch sử mệnh danh là kỷ nguyên Đại Việt.
Thời Lý - Trần - Lê Sơ, chỉ trong năm thế kỷ nhưng Đại Việt đã phải năm lần tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, một lần chiến tranh giải phóng dân tộc và nhiều lần phải chống lại các cuộc cướp phá, lấn chiếm biên giới. Có những thế kỷ diễn ra nhiều cuộc chiến tranh, có những triều đại như triều Trần chỉ trong 30 năm (1258-1288) đã ba lần liên tục đứng lên đánh giặc giữ nước. Công cuộc dựng nước trong hòa bình bị ngắt quãng bởi những cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang. Nền độc lập dân tộc của quốc gia Đại Việt thường bị đe dọa bởi họa xâm lăng mà kẻ thù thường là những đế chế lớn mạnh có quân đông, vì thế nhiệm vụ giữ nước cũng đặt ra một cách thường xuyên và cấp thiết. Trong các giai đoạn phát triển của mỗi triều đại, khi giai cấp phong kiến còn đại diện cho quyền lợi dân tộc, nhà nước phong kiến Lý, Trần và Lê Sơ mà đại biểu là những người lãnh đạo vương triều đã sớm nhận thức được quan hệ giữa dựng nước và giữ nước, chuyên tâm lo nghĩ về kế sách giữ nước, xây dựng thế nước vững mạnh và nhờ đó đã nhiều lần đánh thắng quân xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc. Có thể nói trong kỷ nguyên Đại Việt, dân tộc Việt Nam đã có kế sách giữ nước đúng đắn với những nội dung tiến bộ phù hợp với hoàn cảnh đất nước.
Xây dựng chính quyền nhà nước vững mạnh, gắn bó với dân, thực hiện giang sơn một mối, vua tôi đồng tâm, cả nước góp sức
Thắng lợi của cuộc kháng chiến do Ngô Quyền lãnh đạo và sự nghiệp thống nhất đất nước do Đinh Bộ Lĩnh đứng đầu đã tạo điều kiện đưa đất nước bước vào kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Sau triều Tiền Lê, nước Đại Việt trải qua các triều Lý, Trần, Hồ và Lê Sơ, chế độ phong kiến trung ương tập quyền ngày càng được củng cố, quốc gia thống nhất được tăng cường về mọi mặt. Bộ máy nhà nước xây dựng với thiết chế ngày một chính quy, hoàn chỉnh với khuynh hướng tập quyền theo mô hình các thời Đường, Tống, Minh và hệ tư tưởng Nho giáo. Đến đời Lê Thánh Tông, nhà nước phong kiến dân tộc đạt đến mức hoàn bị nhất.
Những cuộc cải cách hành chính dưới đời Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông và Lê Thánh Tông là những mốc quan trọng trên bước đường hoàn thiện bộ máy chính quyền phong kiến Đại Việt. Xu hướng tất yếu của quá trình đó là hướng tới tăng cường quyền lực trung ương, hạn chế quyền lực địa phương. Nhà nước quân chủ từng bước chứng tỏ sức mạnh của mình trong việc quản lý các vùng lãnh thổ, nhất là những vùng biên viễn, nhằm tăng cường sự thống nhất cả nước.
Đối với những trường hợp nổi dậy chống triều đình hay cát cứ địa phương, các nhà nước Lý, Trần và Lê Sơ đều kiên quyết trấn áp. Tuy có lúc phải bằng phương pháp bạo lực, nhưng mặt chủ yếu trong kế sách của các triều đại là thắt chặt khối đoàn kết dân tộc và củng cố quốc gia phong kiến tập quyền.
Để xác định chủ quyền đất nước, tăng cường ý thức đối với non sông Tổ quốc, ngoài những đợt cất quân chinh phạt, đánh dẹp kẻ chống đối, các hoàng đế Đại Việt còn thực thi những chuyến tuần du, kinh lý các vùng để hiểu biết phong tục tập quán dân gian, sai vẽ bản đồ sông núi, cương vực lãnh thổ và nắm vững hình thế bố phòng đất nước. Các sách Nam Bắc phiên giới địa đồ (thời Lý) và Hồng Đức bản đồ (thời Lê) là những tập bản đồ hoàn chỉnh đầu tiên của nước Đại Việt, xác định rõ cương vực lãnh thổ, thể hiện ý thức quốc gia - dân tộc của người Việt thuở ấy. Vua Lê Thánh Tông nói: “Người làm tôi giữ đất đai của triều đình, chức phận là phải bảo toàn lãnh thổ” và ra lệnh trừng trị nặng những ai không làm trọn chức phận đó.
Chính quyền đặc biệt lưu tâm đến vùng rừng núi biên cương phía bắc và đông bắc Tổ quốc, nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc thiểu số, coi đây là một địa bàn chiến lược của sự nghiệp giữ nước. Trong chính sách biên cương của mình, vua Lý và vua Trần vận dụng kế “nhu viễn”, phong tước và gả công chúa cho nhiều tù trưởng, biến họ thành phò mã của nhà vua. Triều đình tôn trọng phong tục tập quán các dân tộc, giao cho quyền tự quản nhưng có sự ràng buộc, giám sát, đảm bảo cho “giang sơn thu về một mối”.
Bấy giờ, sự cách biệt giữa vua và tôi, giữa quý tộc và bình dân chưa thật lớn. Lối sống sinh hoạt chốn cung đình còn thể hiện tính chất dân chủ của cộng đồng, “vui thì cùng vui, lo thì cùng lo”. Vua Trần cho phép các vương hầu tôn thất sau buổi chầu, khi tối trời thì cùng nhau ăn uống, ngủ liền giường, nằm chung gối dài chăn rộng trong cung điện. Với các tướng sĩ thì như Trần Quốc Tuấn nói: “Lúc trận mạc thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà thì cùng nhau vui cười” (Hịch tướng sĩ). Trong điều kiện đất nước luôn bị ngoại bang đe dọa thì “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, nước nhà góp sức” là yếu tố thành công của sự nghiệp giữ nước.
Tuy xu hướng tập quyền chuyên chế của nhà nước phong kiến ngày càng phát triển và đạt đến mức khá cao từ nửa sau thế kỷ XV, nhưng nhìn chung các triều đại tiến bộ thời đó đã nhận thức đúng vai trò của dân chúng, đều thực hiện những chính sách “thân dân” và “khoan thư sức dân”, đều chú trọng xây dựng thế trận lòng dân.
Những chính sách dân chủ nhất định đã được thực thi. Vua Lý đặt chuông lớn ở Long Trì để “dân ai có oan ức thì bày tỏ”, dựng cung Long Đức ở ngoài thành cho thái tử ở để được “gần dân”. Vua Trần mở Hội nghị Diên Hồng để cùng các bô lão bàn kế sách đánh giặc. Bộ luật Hồng Đức nhà Lê ghi nhận những phong tục cổ truyền dân gian và bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ… Những năm mất mùa, đói kém hoặc sau chiến tranh, Nhà nước miễn thuế để bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là những vùng bị chiến tranh tàn phá. Lê Thái Tổ dặn các quan: “Lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỷ, hết lòng hết sức giúp đỡ nhà vua, khiến cho xã tắc yên như núi Thái Sơn, cơ đồ vững như bàn thạch” và khuyên thái tử: “Thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân”. Tư tưởng “yên dân” tiến bộ đó đã giúp các triều đại đoàn kết và huy động sức dân trong lao động dựng nước và chiến đấu giữ nước.
Xây dựng đất nước làm cho "dân giàu, nước mạnh", "quốc phú binh cường", kết hợp giữa "việc binh" và "việc nông", giữa kinh tế và quân sự
Sử gia Phan Huy Chú viết rằng: “Việc chính trị lớn của một nước không gì thiết yếu bằng của cải”. Hiểu rõ mối quan hệ giữa dựng nước và giữ nước, vai trò của kinh tế đối với quốc phòng, các vương triều Lý, Trần và Lê luôn quan tâm đến phát triển kinh tế, thực hiện phương châm “dân giàu, nước mạnh”.
Trần Quốc Tuấn nói: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước". Nhờ những chính sách ấy, các triều đại Lý, Trần, Lê đã động viên được toàn dân, cả nước tham gia vào sự nghiệp quốc phòng, đánh tan giặc ngoại xâm, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ. |
Vào giai đoạn phát triển của mỗi triều đại, chính quyền phong kiến luôn coi trọng phát triển nông nghiệp, đề ra nhiều chính sách khuyến nông. Vua Lý Thánh Tông khẳng định: “Việc nông là việc trọng đại của nước nhà” và luôn nhắc nhở nông dân lo việc cấy trồng, không để lỡ thời vụ. Các hoàng đế tổ chức cày ruộng tịch điền và những lễ hội khuyến nông, chủ trương bảo vệ sức lao động và sức kéo nông nghiệp, khuyến khích xây dựng nông thôn, cho quân lính thay nhau về làm ruộng.
Thời Lý - Trần, hệ thống đê điều thủy lợi và các công trình khẩn hoang được mở mang. Việc đắp đê phòng lụt là nghĩa vụ của toàn dân, không phân sang hèn, giàu nghèo. Năm 1266, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho phép các vương hầu, quý tộc chiêu tập dân nghèo, người lưu tán khai hoang lập thành các điền trang thái ấp, trong đó có các đội quân riêng để bảo vệ. Sự phát triển kinh tế điền trang thái ấp ở giai đoạn này vừa có ý nghĩa kinh tế vừa có ý nghĩa quốc phòng. Thời Lê Sơ ban hành chế độ quân điền, biến nông dân thành những “tá điền” lệ thuộc nhà nước, thu hẹp quyền tự trị của các công xã, đẩy mạnh quá trình phong kiến hóa. Chính sách này có tác dụng khôi phục và phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho Nhà nước huy động được nhiều nhân lực, vật lực cho quốc phòng và chiến tranh. Nhà Lê còn thực hiện chính sách đồn điền, lập 43 sở đồn điền “nhằm khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng thêm nguồn tích trữ cho Nhà nước”, kết hợp tốt mục đích kinh tế và quân sự. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn viết: Thời Trần “ở các trấn, sở đều có kho tàng dự trữ”; thời Lê, đặc biệt là đời Lê Thánh Tông luôn có đủ thóc chứa đầy kho ở các đạo thừa tuyên và các phủ huyện. Riêng gạo nấu chín phơi khô để cung cấp cho quân đội luôn sẵn sàng lúc cần kíp.
Thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương nghiệp từng bước phát triển, góp phần hạn chế yếu tố phân tán trong xã hội, mở rộng giao lưu với nước ngoài. Các triều đại đều có những biện pháp quản lý chặt ngoại thương, đề phòng âm mưu do thám của người ngoại quốc. Nhà Lý cho phép thương gia các nước lập trang ở Vân Đồn để buôn bán, không cho phép tự tiện vào nội địa Đại Việt. Nhà Lê thiết lập các đồn binh, các thủ ngữ kinh lược sứ ở các quan ải để canh gác bảo vệ và kiểm soát thương gia ở biên giới; chỉ cho phép thương nhân ngoại quốc buôn bán ở thương cảng Vân Đồn và một số nơi quy định. Nguyễn Trãi nói: “Sự đề phòng trong và ngoài thời kỳ này rất nghiêm ngặt”1.
Chính sách “Ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nông), một quốc sách lớn dưới các triều Lý, Trần, Lê Sơ đã có hiệu quả quốc phòng mạnh mẽ. Quân đội thường trực, trừ cấm quân phải thường xuyên tại ngũ để bảo vệ kinh thành, còn tất cả đều được luân phiên về tham gia sản xuất, tự túc lương ăn. Chính sách đó giải quyết hài hòa giữa nhiệm vụ xây dựng đất nước và củng cố quốc phòng, nhằm giảm chi phí nuôi quân, vừa có tác dụng bảo đảm nguồn lao động nông nghiệp mà không ảnh hưởng đến số quân thường trực cần duy trì của Nhà nước. Quân đội Đại Việt thời chiến vừa chiến đấu vừa cày ruộng, thời bình vừa giữ nước vừa sản xuất. Xây dựng kinh tế tăng cường nguồn lực đất nước, kết hợp chặt chẽ “việc binh” với “việc nông” luôn là một kế sách giữ nước đúng đắn của Nhà nước phong kiến Đại Việt.
Xây dựng lực lượng quân sự mạnh với phương châm "quân cốt tinh không cốt đông", "toàn dân là lính", "cả nước đánh giặc"
Nhà nước quân chủ thời Lý, Trần, Lê có ý thức xây dựng một lực lượng quân sự mạnh gồm nhiều thứ quân, trong đó chủ yếu là quân triều đình và quân các lộ, trấn, đạo. Ở trung ương có cấm quân bảo vệ vua, triều đình và Kinh đô Thăng Long; có sương quân (thời Lý -Trần) canh giữ các cửa thành và làm công vụ; có quân ngũ phủ (thời Lê Sơ) là lực lượng cơ động đóng ở những địa bàn trọng yếu. Quân các lộ, trấn, đạo luôn canh giữ, bảo vệ địa phương mình. Thời Lý - Trần, các vương hầu, tôn thất còn được phép tổ chức những đội quân riêng để giúp vua đánh giặc.
Ngoài lực lượng vũ trang thường trực của trung ương và địa phương, ở Đại Việt còn có đội ngũ lực lượng vũ trang rộng khắp các làng xã. Họ là những người nông dân bình dị ở quê hương tham gia các đội dân binh, “tịnh vi nông động vi binh”, khi hòa bình là nông dân, khi quân thù đến họ trở thành “binh” đánh giặc giữ làng, giữ nước. Giai cấp phong kiến Đại Việt khi còn tiến bộ, giữ vai trò tổ chức, lãnh đạo chiến tranh giữ nước đã nhận thức đúng vai trò chiến lược của lực lượng dân binh, biết cách tổ chức và động viên nhân dân chiến đấu phối hợp với quân chủ lực. Sự có mặt của lực lượng dân binh trong các cuộc kháng chiến chống Tống, chống Mông - Nguyên và chống Minh chứng tỏ tính chất nhân dân sâu rộng của hệ thống tổ chức quân sự và tính toàn dân của chiến tranh yêu nước thuở ấy.
Đứng trước hiểm họa xâm lăng thường xuyên đe dọa thì nhiệm vụ giữ nước nặng nề của quốc gia Đại Việt càng đòi hỏi phải xây dựng quân đội chính quy, coi trọng yếu tố chất lượng. Nhà quân sự tài giỏi Trần Quốc Tuấn luôn chủ trương “quân cốt tinh không cốt đông” và quan điểm đó được vận dụng trong các triều đại vì nó phù hợp với hoàn cảnh đất nước và yêu cầu của cuộc chiến tranh giữ nước. Trước quân thù lớn mạnh, dân tộc ViệtNamthường phải “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, vì vậy, bên cạnh yếu tố tài thao lược, mưu cao mẹo giỏi, còn đòi hỏi yếu tố chất lượng cao của quân đội.
Quân đội Đại Việt có tổ chức biên chế hợp lý, lại được huấn luyện tốt và trang bị các loại binh khí không thua kém gì quân đội các nước đương thời. Ở kinh đô Thăng Long có điện Giảng võ, có Giảng võ đường, có Xạ đình, trường đua, bãi tập… là các trung tâm lớn huấn luyện tri thức quân sự, là nơi học tập binh thư, binh pháp của nhà vua, của các vương hầu, quý tộc và các võ quan tướng lĩnh. Thời Lý có cách tổ chức huấn luyện quân đội theo những nguyên tắc và quy chế chính quy được người Tống khâm phục, gọi là An Nam hành quân pháp. Trong những tài liệu huấn luyện tướng sĩ đã có những bộ binh thư nổi tiếng, đặc biệt là Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư mà ở đó, nhà quân sự thiên tài Trần Quốc Tuấn đã dày công đúc kết kinh nghiệm quân sự của ông cha, tham bác rộng rãi các binh pháp cổ truyền và hàm chứa những tư tưởng quân sự tiến bộ. Thời Lê đã ban hành những điều luật huấn luyện và quy định các trận đồ mới để bộ binh, thủy binh, kỵ binh và tượng binh tập trận. Hằng năm, Nhà nước tổ chức duyệt binh, thao diễn quân đội, tập trận và các kỳ thi võ nghệ. Vì thế, quân đội thời Lý, Trần và Lê Sơ nổi tiếng hùng mạnh, thiện chiến và lập được nhiều chiến công lẫy lừng.
Các triều đại coi việc luyện tướng là điều cốt yếu của luyện quân, đề cao nhân tố tinh thần - chính trị, kỷ luật và yếu tố chung sức đồng lòng trong quân đội, thực hiện “phụ tử chi binh”. Trần Quốc Tuấn nói: “Có thu được quân lính như cha con một nhà thì mới dùng được”.
Trong chiến tranh, cả hai yếu tố chất lượng và số lượng đều rất cần thiết để tạo nên sức mạnh. Việc Nhà nước thực thi chế độ binh dịch đối với tất cả các đinh nam đến tuổi trưởng thành và cho quân lính thay phiên ở lại luyện tập và trở về sản xuất, tạo nên một lực lượng quân dự bị hùng hậu. Chính sách “Ngụ binh ư nông” đã góp phần giải quyết tốt được mâu thuẫn giữa yêu cầu số lượng và chất lượng trong quân đội.
Nước Đại Việt thời Lý, Trần, Lê Sơ có số quân trường trực trên dưới 10 vạn, nhưng khi chiến tranh cần kíp có thể huy động 20-30 vạn quân. Thành công sáng tạo của Nhà nước Đại Việt là xây dựng một quân đội có số lượng ít nhưng tinh nhuệ với một lực lượng dự bị đông đảo được huấn luyện sẵn sàng, khi chiến tranh có thể “chiếu sổ gọi ra làm lính”, thực hiện “tận dân vi binh”, “bách tính giai binh”, phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc. Các học giả Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Ngô Thì Sĩ đều nhận xét rằng: “Binh thế Đại Việt rất mạnh, lúc nông nhàn thì luyện tập, lúc vô sự thì làm ruộng, khi có động thì chiếu sổ gọi ra”, cho nên “binh vẫn đủ mà không phải chi phí nhiều, càng thêm hăng hái chống giặc, thế nước càng thêm vững mạnh là nhờ vậy, đó là chính sách tốt, là chế độ hay của đời cận cổ”2.
Thực hiện chính sách ngoại giao hợp lý, mềm dẻo, nhằm ngăn ngừa và nhanh chóng kết thúc chiến tranh, duy trì hòa hiếu, giữ yên biên thùy, kiến tạo hòa bình, xây dựng đất nước
Trong kỷ nguyên Đại Việt, các vương triều Lý, Trần, Lê có quan hệ ngoại giao với nhiều nước. Hoạt động đối ngoại biểu hiện chủ yếu với các lân bang ở phía bắc, phía nam và phía tây. Tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ của các quốc gia láng giềng trong tinh thần hòa hiếu, tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại là hết sức cần thiết, nhất là đối với các nhà nước Tống, Nguyên, Minh ở phía bắc. Đối với họ, nước Đại Việt thi hành những chính sách hòa hiếu mềm dẻo nhưng kiên quyết trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Vào thời kỳ chiến tranh, đấu tranh ngoại giao kết hợp với các hoạt động quân sự, khi thì phát huy chiến thắng trên chiến trường, khi thì ngoại giao để phục vụ chiến đấu. Chiến lược “công tâm” của Nguyễn Trãi như Lê Quý Đôn nói, “có sức mạnh bằng 10 vạn quân”. Và gần như trở thành một thông lệ, trên cơ sở giành được những thắng lợi quyết định trên chiến trường, dân tộc Việt Nam đã biết kết hợp những biện pháp chính trị, ngoại giao mềm mỏng, khôn ngoan để chấm dứt chiến tranh, kiến tạo hòa bình. Các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thường kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược và sau đó là những cuộc thương thuyết đàm phán để chấm dứt cuộc chiến và lập lại bang giao giữa hai nước.
Các hoạt động ngoại giao trong thời chiến cũng như thời bình đều nhằm duy trì hòa hiếu, phục vụ tốt hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong thời bình, cầu phong và nộp cống là hai vấn đề quan trọng. Sắc phong là biểu hiện quan hệ hai chiều giữa Đại Việt và Trung Hoa: Đại Việt cần được Trung Hoa công nhận chủ quyền, còn Trung Hoa muốn khẳng định vị thế “tông chủ” và uy tín “thiên triều” của họ. Phan Huy Chú nhận xét: “Điển lệ sắc phong của Trung Hoa là thừa nhận Đại Việt là một nước riêng biệt”. Tất nhiên, không phải chờ Trung Hoa phong thì vua Đại Việt mới lên ngôi và cũng không phải vì Trung Hoa đã phong mà Đại Việt chịu chấp thuận mọi yêu sách của “thiên triều”. Cái giá của sắc phong là cống nạp. Chế độ dùng sính lễ và triều cống của Đại Việt đối với Trung Hoa vẫn thực hiện đều đặn bằng những vật phẩm quý như vàng, bạc, ngà voi, sừng tê giác, trầm hương, v.v..Chukỳ cống nộp là 3 năm hay 6 năm một lần. Trong quan hệ đối ngoại với phương Bắc, qua các việc làm như nhận sắc phong, nộp cống, cử sứ giả thăm viếng hay chúc tụng, Nhà nước Đại Việt luôn tỏ ra mềm dẻo, nhún nhường, nhưng kiên quyết về nguyên tắc.
Tư tưởng kết thúc chiến tranh mang tinh thần đại nghĩa và nhân văn đã được Nguyễn Trãi đúc kết trong Bình Ngô đại cáo rằng: Nghĩ vì kế lâu dài của đất nước, Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh. Sửa hòa hiếu cho hai nước, Tắt muôn đời chiến tranh. |
Vấn đề biên giới, đất đai là nội dung tranh cãi nhiều nhất và hầu như thường xuyên. Thậm chí, nhà Tống và nhà Minh còn đòi cắt đất Cao Bằng và Lạng Sơn hoặc yêu sách tìm địa điểm cột đồng Mã Viện. Nhà Lý đã cử Đào Tông Nguyên mang biếu vua Tống 5 con voi và đến trại Vĩnh Bình bàn việc biên giới, đòi lại vùng đất mà quân Tống còn giữ. Sứ nhà Lý là Lê Văn Thịnh sang Tống thương nghị việc đất đai, đòi lại các động Vật Dương và Vật Ác thuộc châu Quảng Nguyên (Cao Bằng). Kết quả là trong các năm 1079 và 1084, nhà Tống buộc phải trả nốt đất đai cho Đại Việt mà họ đã lấn chiếm trước đó.
Trị vì đất nước trong giai đoạn thanh bình, nhưng các hoàng đế Lê Sơ không lơ là chăm lo võ bị, để tâm đến việc biên cương, hải đảo và các vùng lãnh thổ phía nam và phía bắc. Vua Lê Thánh Tông thường cử sứ giả tài giỏi sang tranh biện việc biên cương với nhà Minh, trên một tinh thần nhất quán: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện vứt bỏ. Các ngươi nên cố cãi, chớ để họ lấn dần. Kẻ nào dám đem một thước núi, một tấc sông của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì kẻ đó phải bị trừng trị nặng”3.
Trong mối quan hệ bang giao với các nước phía nam và tây nam, thái độ chung của Nhà nước Đại Việt là giao hảo thân thiện, nhưng mỗi khi biên giới bị xâm lấn thì kiên quyết trừng phạt để giữ yên bờ cõi. Khi hòa bình thì thực hiện chế độ phiên thần, Đại Việt cử sứ giả sang bày tỏ lợi hại nhằm chiêu dụ, vỗ về, tạo sự ổn định ở vùng biên giới.
Trong mối quan hệ quốc tế, trước hết là đối với lân bang, các triều đình Lý, Trần và Lê Sơ không chỉ tỏ ra biết mình mà còn biết người, hiểu thời thế, do đó đã thi hành một đường lối ngoại giao sáng suốt, linh hoạt: kiên quyết, mềm mỏng, nhún nhường có điều kiện với nước lớn; khoan hòa, linh hoạt nhưng nghiêm khắc với nước nhỏ trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền. Sự kết hợp giữa sức mạnh nội tại với đường lối đối ngoại khôn khéo đã đem lại hiệu quả to lớn là bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, rút ngắn thời gian chiến tranh và giữ vững hòa bình để xây dựng đất nước.
Công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên Đại Việt (thế kỷ XI-XV) trải qua những bước thăng trầm nhưng thế kỷ nào, triều đại nào cũng có những chiến công hiển hách. Một lần đánh thắng quân Tống, ba lần đánh thắng quân Mông - Nguyên, chiến tranh giải phóng chống Minh thắng lợi và nhiều lần giữ yên biên giới phía nam, đẩy lùi hiểm họa xâm lăng từ phía bắc, tạo cho nước Đại Việt một thế đứng vững chãi luôn luôn là những minh chứng hùng hồn cho kế sách giữ nước đúng đắn, sáng tạo của thời Lý, Trần và Lê Sơ. Kế sách giữ nước trong kỷ nguyên Đại Việt đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
PGS. TS. Lê Đình Sỹ
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Chú thích
1. Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, tr.224.
2. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, t.5, tr.6.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, t.2, tr. 250.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực