Kỳ vọng phát triển văn hóa đọc
Dự kiến, trong chương trình làm việc của Quốc hội khóa XIII, dự thảo Luật Thư viện sẽ được các đại biểu xem xét, thảo luận. Hiện nay, dự thảo lần II Luật Thư viện có 6 chương với 37 điều, những người trong nghề tin rằng, khi văn bản luật này được thông qua sẽ có tác động tích cực tới hoạt động của các thư viện, qua đó tạo đà phát triển văn hóa đọc lên một tầm cao mới.
Luật hóa hoạt động thư viện
Để xây dựng dự thảo Luật Thư viện, Ban soạn thảo luật này đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các thư viện tỉnh thành phố và chuyên ngành trên toàn quốc. Chính quá trình thảo luận dân chủ kết hợp với tham khảo nhiều bộ luật Thư viện nước ngoài, đã xây dựng dự thảo được xem là bám sát với tình hình hoạt động của các thư viện Việt Nam hiện nay và phù hợp với quan niệm, mô hình hoạt động của các thư viện trên thế giới.
Được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ và vốn tài liệu phong phú nên
Thư viện Quốc gia luôn thu hút đông người đọc.
Dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song về cơ bản dự thảo Luật Thư viện đã có nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá so với Pháp lệnh Thư viện số 31/2000 PL-UBTVQH có hiệu lực từ ngày 1-4-2001, cách đây đúng một thập kỷ. Xin lấy một vài ví dụ: Trong dự thảo Luật Thư viện đặc biệt quan tâm đến các dạng tài liệu mới là dạng tài liệu điện tử vốn đang phát triển mạnh do sự tiến bộ không ngừng của công nghệ thông tin. Ngoài ra, trong Điều 8 của dự thảo đã cho phép thành lập thư viện tư nhân và khoản 3, Điều 14 xếp thư viện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có phục vụ người đọc vào loại hình thư viện chuyên ngành-nghĩa là cũng thuộc sự quản lý của Luật Thư viện.
Không chỉ có nhiệm vụ quy định về tổ chức và hoạt động thư viện; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện mà Luật Thư viện còn có nhiều mục tiêu khác. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), việc cần có Luật Thư viện với hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh Thư viện là nhằm tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và xã hội đối với một thiết chế văn hóa đặc thù không thể thiếu trong thời buổi đất nước đang hội nhập sâu với quá trình toàn cầu hóa như hiện nay. Luật Thư viện cũng sẽ gián tiếp thúc đẩy việc xây dựng một thế hệ đọc tương lai và làm sao việc đọc sách báo trở thành một phong trào trong xã hội, hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Song song với quá trình hoàn thiện Luật Thư viện, các văn bản dưới luật cũng đang trong quá trình xây dựng để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong luật giúp các thư viện hoạt động có hiệu quả. Đơn cử, nhiều khả năng sẽ có một thông tư mới điều chỉnh lại một số quy định trong Thông tư 56/2003/TT-BVHTT ngày 16-9-2003 hướng dẫn chi tiết về điều kiện thành lập thư viện. Chẳng hạn, theo quy định của Thông tư 56, thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học phải có 20 chỗ ngồi đọc và mỗi chỗ ngồi chiếm diện tích 2,5m2. Trên thực tế, quy định này không khả thi, chẳng hạn, ngay kho sách của Thư viện Viện Dân tộc học đã quá chật hẹp phải để sách trên nóc giá sách thì không thể đáp ứng tiêu chuẩn 20 chỗ ngồi; mặt khác, hầu hết người đọc là cán bộ trong viện nên họ thường mượn tài liệu về đọc chứ ít khi ngồi tại phòng đọc.
Kho sách của Thư viện Viện Dân tộc học chật đến nỗi phải để sách trên nóc giá sách.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Tình hình phát triển của văn hóa đọc ở nước ta trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin gặp những thử thách. Theo thống kê của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Sách Thái Hà - thành viên Ban tổ chức “Ngày hội đọc sách Việt Nam 2011”: Mỗi người Việt Nam chỉ mua 3,3 cuốn sách, đọc 2,8 cuốn/năm. Theo các nghiên cứu về văn hóa đọc, tối thiểu phải là 50 cuốn/người/năm thì chúng ta mới có thể tạo dựng văn hóa đọc. Sách đã có nhiều hơn, nhưng vẫn còn đến 80% nông dân không đọc sách. Để nâng cao văn hóa đọc trong toàn dân cần phải có nhiều giải pháp từ nhiều ban, ngành mà trong đó thư viện đóng vai trò quan trọng bởi hệ thống thư viện công cộng đã phát triển tới cấp xã trên phạm vi toàn quốc giúp người dân dễ dàng tiếp nhận với thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện.
Song, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Mai: So với yêu cầu phát triển của Việt Nam, cũng như trình độ chung của các nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá xa. Dịch vụ và phương thức phục vụ ở ngành thư viện của ta đều chậm hơn các nước trong khu vực từ 10 đến 15 năm. Trên thực tế, hoạt động của các thư viện gặp vô số khó khăn như: Một số thư viện thiếu kinh phí để làm giàu thêm vốn tài liệu và mua sắm các thiết bị phục vụ thư viện (giá sách, máy quét…), số thư viện khác có đủ kinh phí lại mắc khuyết điểm là mua các tài liệu không phù hợp với đối tượng mà thư viện phục vụ, ngoài ra còn có tình trạng đội ngũ làm công tác thư viện vừa thiếu lại vừa yếu về chuyên môn…
Hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước
trong trái tim em của thiếu nhi tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TVTB)
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Ngô Văn Chung (Giám đốc Thư viện Quân đội) cho rằng: Chính vào thời điểm này, Luật Thư viện ra đời là thích hợp, chính văn bản luật này sẽ trao quyền chủ động để các thư viện tháo gỡ khó khăn gặp phải. Cũng như các loại hình thư viện khác, hệ thống thư viện trong quân đội đón nhận dự thảo Luật Thư viện với sự phấn khởi vì nhiều điều kiện mới cho hoạt động thư viện tốt hơn sẽ được quy định bằng các điều luật, nhất là Điều 28 nói về việc Nhà nước thực hiện chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thư viện như sau: "Xây dựng, nâng cấp trụ sở theo hướng chuẩn hóa, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thư viện; hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện và kỹ thuật; cấp thiết bị, phương tiện vận chuyển cho các thư viện cấp tỉnh để luân chuyển vốn tài liệu thư viện phục vụ lưu động ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân; dành quỹ đất xây dựng thư viện công cộng trong quy hoạch của địa phương”. Trên cơ sở sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động thư viện, Thư viện Quân đội sẽ tiếp tục đề xuất quy hoạch lại thư viện trong quân đội để tạo nguồn lực thông tin tập trung, phù hợp với đặc thù của ngành.
Cũng theo Đại tá Ngô Văn Chung, trong khi chờ đợi Luật Thư viện được Quốc hội thông qua, Thư viện Quân đội sẽ chủ động thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm phát huy tính đổi mới đúng đắn của luật để phục vụ đời sống tinh thần của toàn quân và góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc của đất nước. Thời gian tới, Thư viện Quân đội sẽ tham mưu với Thủ trưởng Tổng cục Chính trị xây dựng thư viện thân thiện trong toàn quân. Thư viện Quân đội sẽ tích cực chủ động hiện đại hóa cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị điện tử để trở thành thư viện hiện đại. Vấn đề con người cũng được đặc biệt coi trọng, nhân viên thư viện không chỉ là người giữ sách mà phải có trình độ tin học và ngoại ngữ để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Đặc biệt, Thư viện Quân đội sẽ mở rộng đối tượng phục vụ ngoài quân đội, qua đó góp phần vào sự nghiệp nâng cao văn hóa đọc của đất nước.
Theo Quân đội nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực