Khai mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Ngày đăng: 05/05/2013 - 17:05

Ngày 2-5-2013, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI đã được khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Ðồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị. Dự kiến, Hội nghị làm việc đến ngày 11-5.

Hoi nghi Tw7 1

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: An Thành Đạt

Hội nghị Trung ương 7, khóa XI sẽ xem xét, quyết định, cho ý kiến chỉ đạo đối với 6 nội dung quan trọng. Tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh những nội dung chính, bao gồm:

Về Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Hội nghị cần tập trung thảo luận, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến việc quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, chỉ ra mặt được và mặt chưa được, phân tích nguyên nhân, đề xuất các quan điểm, chủ trương và biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém. 

Về Ðổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân hiện nay vẫn là Đảng phải hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố, xây dựng tổ chức đảng và bộ máy chính quyền thật trong sạch, vững mạnh; khắc phục cho được những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người công bộc trung thành của nhân dân.

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng chí chỉ đạo: tinh thần chung là phải chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý; kiên trì những vấn đề có tính nguyên tắc, thuộc về bản chất của chế độ chính trị và Nhà nước ta... Tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và đạt được sự thống nhất cao. Đối với những vấn đề mới hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, cần xem xét, trao đổi thật kỹ để có phương án tiếp thu, giải trình phù hợp.

Về Sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Ðảng, đồng chí Tổng Bí thư đánh giá, thời gian qua, các cấp ủy và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở đã triển khai thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc với một khối lượng công việc lớn, phức tạp, và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu thảo luận một cách thẳng thắn và sâu sắc về vấn đề này trên cơ sở Báo cáo của Bộ Chính trị và bằng thực tiễn của địa phương, đơn vị. 

Về Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, đồng chí đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự cụ thể đưa vào quy hoạch...

Về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: đây là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc; đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, coi đây là một nhiệm vụ trọng yếu. Trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI và nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng gần đây đã đề cập vấn đề này, nhưng chưa có một nghị quyết chuyên đề toàn diện, sâu sắc của Ban Chấp hành Trung ương cho cả 3 nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ đặt ra tại Hội nghị Trung ương lần này là phải bàn bạc thấu đáo để có những chủ trương, phương hướng đúng đắn, kịp thời chỉ đạo thực hiện có kết quả lĩnh vực này.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này đều là những vấn đề khó, phức tạp nhưng rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho cả các nhiệm kỳ tiếp theo. Mặc dù đã được Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhưng chắc không tránh khỏi những hạn chế, khiếm khuyết. Ðề nghị Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp".

PV (tổng hợp)

Bình luận