Khai mạc Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII

Ngày đăng: 22/10/2012 - 10:10


Sáng nay, 22/10, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4 tại Thủ đô Hà Nội.

Khai mac ky hop thu 4 QHXIII

Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian xem xét thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Ảnh: chinhphu.vn 

 Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh việc xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế -xã hội, công tác giám sát…, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là việc cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và một số Dự án luật quan trọng được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành khoảng 16 ngày để xem xét thông qua 09 dự án luật và 02 nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 06 dự án luật khác.

Cụ thể, các dự luật và nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Xuất bản (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Thủ đô; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến gồm: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Giáo dục quốc phòng – an ninh; Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngoài ra, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày để nghiên cứu, thảo luận về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013; Báo cáo về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế; Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 và thứ 3…

Để thông tin tuyên truyền kịp thời hoạt động Quốc hội tại Kỳ họp, số lượng các nội dung quan trọng của chương trình nghị sự được truyền hình, phát thanh trực tiếp sẽ tăng lên đang kể. Tổng cộng sẽ có 13 buổi được truyền hình, phát thanh trực tiếp, tăng thêm 5 buổi so với Kỳ họp thứ 3, trong đó đáng chú ý có một số phiên thảo luận về nội dung quan trọng được người dân quan tâm như: Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Thời gian qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội.

Trước khi về dự Kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội; các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận các văn bản và dự kiến chương trình của Kỳ họp.

Từ 7h15 sáng nay, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 8 giờ 00, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp và trao đổi về một số vấn đề cần thiết khác.

Đúng 9 giờ 00, Quốc hội họp phiên khai mạc. Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII được Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp để cử tri và đồng bào cả nước cùng theo dõi./.

TH

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bình luận