Khai mạc Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Ngày 13-8, tại Hà Nội, Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khóa XIII đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Cùng dự, có các Phó Chủ tịch QH, đại diện lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; đại diện các bộ, ngành hữu quan.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, trong khoảng 10 ngày diễn ra phiên họp, Ủy ban TVQH sẽ tập trung thảo luận về công tác xây dựng pháp luật, cho ý kiến vào một số dự án Luật như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Hòa giải cơ sở, Luật Thủ đô... Ðối với hoạt động giám sát, Ủy ban TVQH sẽ tiến hành chất vấn ba bộ trưởng, trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Lao động- Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổng Thanh tra Chính phủ. Nội dung chất vấn chung quanh những vấn đề được cử tri quan tâm hiện nay như công tác giải quyết việc làm cho người lao động; vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo và các biện pháp xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng. Bên cạnh đó, Ủy ban TVQH sẽ nghe báo cáo về giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban TVQH sẽ xem xét, thảo luận cho ý kiến lần đầu về dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Sau giờ khai mạc, Ủy ban TVQH đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư gồm: Ðiều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư; Quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư; Quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa; Thẩm quyền cấp thẻ luật sư; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; Ðiều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài. Liên quan đến quy định cho phép viên chức đang giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, nhiều đại biểu đồng tình với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng nếu quy định này được thực hiện sẽ sử dụng được lực lượng giảng viên có kiến thức chuyên sâu về luật. Quy định như vậy cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Viên chức hiện hành. Ðối với quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa, các đại biểu cho rằng nên quy định luật sư được tiếp cận vụ án ngay từ đầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, hạn chế án oan sai và bảo đảm chất lượng tranh tụng. Về thẩm quyền cấp thẻ luật sư, Ủy ban TVQH thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo, theo đó tiếp tục giao Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện công việc này, nhằm quản lý đội ngũ luật sư trên toàn quốc một cách thống nhất, hiệu quả.
Cũng trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về việc thành lập Vụ Thi đua khen thưởng và công tác chính trị của Tòa án nhân dân tối cao; cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu và hình thức khen thưởng, nghi lễ đối ngoại đón tiếp khách nước ngoài; cho ý kiến việc ban hành Nghị định quy định tổ chức Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.
Theo Nhân dân điện tử