Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII

Ngày đăng: 20/10/2014 - 16:10

Sáng 20-10-2014, Quốc hội (QH) khóa XIII khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ tám, tại Trụ sở Nhà Quốc hội mới, Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH, các cơ quan liên quan, các Đoàn đại biểu QH và các vị đại biểu QH đã khẩn trương triển khai các công việc, các nội dung để trình QH xem xét.

67285dafb6c0cf5698f05d705e3c365a XL

Trước khi về dự Kỳ họp thứ tám, các vị đại biểu QH, các Đoàn đại biểu QH đã tiến hành tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của cử tri cả nước để kịp thời phản ánh với QH; các Đoàn đại biểu QH đã triển khai nghiên cứu, thảo luận các văn bản, nội dung của kỳ họp.

Theo chương trình, 7 giờ 30 phút sáng nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu QH vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước đó, vào chiều 19-10, QH đã họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình của Kỳ họp và trao đổi một số nội dung kỳ họp.

Đúng 8 giờ, QH họp phiên khai mạc. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền hình và phát thanh trực tiếp phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, QH khóa XIII để đồng bào, cử tri cả nước cùng theo dõi.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII quyết định nhiều nội dung quan trọng

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, Kỳ họp thứ tám của Quốc hội diễn ra trong lúc kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm; an ninh chính trị, xung đột vũ trang, dịch bệnh ở một số nơi diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế-chính trị khu vực và toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng trưởng đang trên đà phục hồi, thu ngân sách đạt khá; an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Mặc dù vậy, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đe dọa tới sự phát triển bền vững của đất nước; việc tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế còn nhiều lúng túng và thực hiện khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm; tồn kho hàng hóa còn ở mức cao, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; năng suất lao động, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; an ninh tài chính, tiền tệ chưa vững chắc; nợ công, nợ doanh nghiệp, cân đối ngân sách chưa có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Tình hình tội phạm, tệ nạn, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp làm lòng dân bất an. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật và ba dự thảo nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Đây là số lượng dự án luật lớn nhất được xem xét thông qua, cho ý kiến tại một kỳ họp từ trước đến nay; trong đó có nhiều dự án quan trọng, liên quan đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp... theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới;

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 và ban hành các nghị quyết của Quốc hội về các nội dung quan trọng này.

Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ hai Quốc hội thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Những nội dung quan trọng khác là Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2011-2015”; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ bảy, báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, tệ nạn xã hội...; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội cũng sẽ dành thời gian xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Lịch làm việc dày cũng thể hiện ngay trong ngày khai mạc, khi 15 báo cáo được trình bày trong ngày hôm nay. Ngay trong sáng 20-10, Quốc hội nghe bảy báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của các ủy ban thuộc Quốc hội chung quanh tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống tham nhũng, Đề án đổi mới sách giáo khoa và phần tổng hợp ý kiến cử tri. Buổi chiều, tám báo cáo liên quan đến ngân sách 2014, Luật ngân sách Nhà nước, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật kiểm toán được gửi tới Quốc hội.

Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 28-11-2014.

(Theo Nhân dân)


 

Bình luận