Khát vọng tự do của Hồ Chí Minh trong "Nhật ký trong tù"

Ngày đăng: 15/09/2013 - 10:09

Bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”1 và suốt cuộc đời mình, Người đã nỗ lực hoạt động, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để đạt được mục đích lớn lao đó. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng dài lâu, có một khoảng thời gian hơn một năm Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam. Những tháng ngày bị giam cầm trong nhà lao cũng chính là thời gian Người viết Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), một tác phẩm bất hủ sống mãi với thời gian, thể hiện sâu sắc khát vọng tự do và niềm tin tất thắng của cách mạng.

 Anh bai Khat vong tu do

Một tác phẩm thơ "về những ngày bị mất tự do"

   Nhật ký trong tù gồm 133 bài thơ, không kể bài Mới ra tù tập leo núi vốn ở ngoài tập Nhật ký trong tù, được viết trong hoàn cảnh Hồ Chí Minh bị tù đày, là những độc thoại về những sự việc, những cảm nhận, nỗi bất bình, tâm tư bị oan ức, khát vọng tự do, ý chí rèn luyện, tinh thần vượt qua mọi khó khăn, niềm hy vọng vào tương lai… của người tù - người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Những bài thơ được sáng tác khi bị giam cầm, bị giải qua 13 huyện với 18 nhà lao của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và chờ đợi để được trả tự do đã làm nên một nhật ký trong tù đặc biệt, dù đó không phải là chủ đích sáng tác của Người.

   Từ trang đầu của Nhật ký trong tù, người đọc đã cảm nhận được nội dung tư tưởng, “cương lĩnh phấn đấu” và ánh sáng của tự do soi rọi, nhân nguồn sức mạnh tinh thần của một con người “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”2. Khát vọng về tự do, ánh sáng tự do tỏa sáng từ Nhật ký trong tù cộng hưởng với sự phong phú, lớn lao như chính cuộc đời Hồ Chí Minh đã làm cho những “ghi chép bằng thơ” này càng đặc sắc hơn. Coi thường những thiếu thốn về vật chất, những bài thơ ấy cũng đồng thời biểu đạt sự ngưng đọng và lắng lại của tâm hồn, ý chí và khát vọng về độc lập, tự do của một con người đang là “đại biểu dân Việt Nam”, “tìm đến Trung Hoa để hội đàm” lại “bị tình nghi là Hán gian”, phải “làm “khách quý” tại nhà giam”3. Bị giam giữ trong khi thời cuộc đang biến chuyển rất nhanh chính là nỗi giày vò lớn nhất của người chiến sĩ cách mạng. Nói như nhà thơ Tố Hữu thì “nhiều lần Bác dùng chữ tự do, cảm giác tự do toát lên nổi trội nhất trong tập thơ, tự do của dân tộc và tự do của con người, trước hết là tự do của Tổ quốc” và hơn thế nữa, “Bác ở trong thơ không phải là người phấn đấu cho tự do, mà thực sự là người tự do”4. Lao tù không thể giam hãm khát vọng tự do, tinh thần tự do của Hồ Chí Minh và càng không thể giam hãm ý chí đấu tranh cho tự do của Người… Vì thế những vần thơ, bài thơ trong Ngục trung nhật ký không chỉ là niềm khát vọng tự do cho cảnh ngộ bị giam cầm của riêng mình, mà thiêng liêng hơn, sâu sắc hơn chính là ánh sáng tự do cho Tổ quốc và nhân dân đang đắm chìm dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật: ““Ngoại cảm” trời Hoa cơn nóng lạnh/ “Nội thương” đất Việt cảnh lầm than”5.

       Khát vọng tự do lấp lánh

    Nhật ký trong tù ghi lại những tháng ngày đầy gian truân của Hồ Chí Minh trong nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch; là sự khắc họa bằng thơ về chân dung Hồ Chí Minh - người chiến sĩ cách mạng tràn đầy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và một quyết tâm đấu tranh cao độ cho độc lập, tự do. Hình ảnh Hồ Chí Minh tỏa sáng từ vẻ đẹp của những bài thơ, bởi một tâm hồn thơ, bởi lòng yêu nước, tinh thần nhân đạo, yêu thương con người, ý chí kiên trung, tinh thần lạc quan cách mạng, sự khát khao tự do và quyết tâm đấu tranh cho độc lập, tự do. Hình ảnh ấy toát lên từ nỗi đau đớn khó nói thành lời về cảnh sinh hoạt khủng khiếp trong nhà tù - nơi mỗi người tù phải chịu đựng bao điều cực nhục, khốn khổ; toát lên từ cảnh bị trói xích, giải đi giải lại qua bao nhà lao của tỉnh Quảng Tây, với những dặm đường xuyên đèo cao, qua núi rừng; toát lên từ những tháng ngày bị đày đọa cả thể xác và tâm hồn… nhưng vẫn “không nao núng tinh thần” của một con người hết lòng vì Tổ quốc và nhân dân.

     Có thể nói, Hồ Chí Minh đã viết “những bài thơ hành động, tạo nên bản hùng ca giải phóng nhân dân”6 trong Ngục trung nhật ký - một bản hùng ca, bài thơ sống, bài thơ vĩ đại của con người không ngừng suy nghĩ và hành động, kể cả khi bị tù đày. Dù đậm nhạt khác nhau, nhưng suy nghĩ về tự do, tinh thần tự do và nỗi khát khao được tự do tràn đầy trong Nhật ký trong tù. Những vần thơ biểu đạt tâm trạng “tự do” của Hồ Chí Minh đã vượt ra ngoài không gian nhà tù và thời gian mười mấy tháng Người bị giam cầm, vươn đến một không gian rộng lớn đến nỗi ngay cả trong giấc mơ thì vẫn có “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”7. Ngôi sao ấy là niềm tin, là khát vọng thường trực trong tâm trí Hồ Chí Minh; nó góp phần làm nên cái ung dung, tĩnh tại lạ thường, cái vững bền của ý chí và tinh thần của Người.

     Hégel, nhà triết học duy tâm khách quan, đại biểu xuất sắc của triết học cổ điển Đức đã từng nói: “tự do là sự khẳng định về mình”. Điều này tuyệt đối đúng và đó cũng chính là sự phi thường của người chiến sĩ Hồ Chí Minh hiển hiện xuyên suốt trong Ngục trung nhật ký. Niềm tin và khát vọng của Người dù biểu đạt ở những thời khắc khác nhau và tuy có cảm nhận “đau khổ chi bằng mất tự do”8, nhưng trong đó không có sự nôn nóng, không để cho sự đau xót, phẫn uất chi phối mình… mà là sự nắm rõ quy luật của tạo hóa “hết khổ là vui vốn lẽ đời”9 để mưu việc lớn. Thấm đẫm Nhật ký trong tù là tiếng lòng nội tâm người tù, là cuộc đấu tranh thầm lặng nhưng vô cùng quyết liệt trong tư tưởng của Người, để vượt qua mọi cửa ải của chế độ nhà tù, “đợi đến ngày tự do”. Tường cao và cửa kín của nhà giam đã không thể ngăn cản được ý chí, niềm tin vào tương lai tươi sáng của người chiến sĩ cách mạng.

Ngục trung nhật ký "tu dưỡng" hết thảy mọi người

     Từ trong cuốn nhật ký bằng thơ ấy, hơn một trăm bài thơ mà “hầu hết bài nào cũng đều toát ra hết sức sinh động hình ảnh một nhà cách mạng lão thành, thanh thoát, tài trí, ung dung, giản dị, kiên cường - ấy là đồng chí Hồ Chí Minh”10, và đó chính “là một ngọn đèn pha từ ngục tối của ngày xưa đã chiếu sáng cái vĩ đại của Bác Hồ”, làm “xáo trộn cả tâm hồn nhân loại” bởi những giá trị nhân văn cao quý và tấm gương đạo đức, tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc đại nhân, đại trí, đại dũng.

    Sau song sắt nhà tù, tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn sáng ngời như ngọc, thể hiện sự rèn luyện, quyết tâm của Người qua những dòng nghĩ suy, trăn trở vì sự nghiệp giải phóng dân tộc: “sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”, “tin tức bên nhà bữa bữa trông”; về chiến lược giáo dục con người: “phần nhiều do giáo dục mà nên”11, hoặc định hướng cho đội ngũ những người viết văn, làm thơ, làm báo cách mạng: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”12

     Trong cảnh lao tù khắc nghiệt, sức mạnh tâm hồn của Hồ Chí Minh thật sâu sắc. Ẩn chứa bên trong thân hình gầy gò là một tinh thần quật cường, bất khuất, tự tin ở chính mình. Trong Nhật ký trong tù, hoàn cảnh gian nan, khắc nghiệt và thời gian dằng dặc trong những ngày tù cứ ám ảnh qua nhiều bài thơ: Buổi sớm, Buổi trưa, Xế chiều, Chiều tối, Nắng sớm, Nửa đêm, Không ngủ được… của Người. Nó cho thấy sự trăn trở và kỳ vọng đến “Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung”13, nhưng đồng thời lại là cơ hội để tự rèn luyện, để phẩm chất đạo đức cách mạng, cách đối nhân xử thế của Người thể hiện rõ nhất. Cùng với những giá trị về tư tưởng, nghệ thuật ngôn từ, qua Nhật ký trong tù, mỗi người đều học được từ Hồ Chí Minh tinh thần cách mạng tiến công và phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Đó chính là sự lạc quan và tin tưởng, kiên trung và bất khuất, bình tĩnh mà không bị động, thúc thủ đợi chờ. Đó là nguồn sức mạnh nội lực bên trong của người tù Hồ Chí Minh, thắp sáng phương hướng, ý chí quyết tâm của vị lãnh tụ, soi sáng tinh thần mỗi người, giúp mỗi người khơi nguồn sức mạnh tinh thần để ứng phó với hiểm nguy và thử thách. Ngay cả khi trong ngục, Hồ Chí Minh vẫn là “khách tự do” - tự do suy nghĩ, tìm mọi phương kế để tiến công kẻ thù.

     Người cộng sản Hồ Chí Minh “ngay cả trong cảnh lao tù nguy nan nhất, vẫn là người tự do hơn mọi người khác, vì thấm nhuần thế giới quan, lịch sử quan Mác - Lênin và nắm chắc quy luật chuyển biến cách mạng từ thế giới tất yếu qua thế giới của tự do chân chính”14. Đó chính là một Hồ Chí Minh, mà trong đó nhiệt tình cách mạng, lòng yêu nước quyện chặt vào nhau, tụ lại và hướng đến tự do: “Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết/ Còn lại trong tù khách tự do”15; “Xót mình giam hãm trong tù ngục/ Chưa được xông ra giữa trận tiền”16. Từ một điều giản dị đời thường “không ngủ được” cũng góp phần làm nên cái trác tuyệt của người tù cộng sản, khi “Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”17...

     Trong các bài thơ, dù là tả cảnh thiên nhiên, rung cảm trước một tiếng sáo của người bạn tù, nụ cười khoan dung hiền hậu với những cảnh ngang trái, hay trằn trọc khi không ngủ được… thì xuyên suốt và nhất quán cũng vẫn hiển hiện chân dung người cộng sản kiên trung, quyết giữ vững ý chí và đạo đức cách mạng của mình trong cảnh lao tù. Cái nền, cơ sở của một tâm hồn vừa thanh cao, vừa khoáng đạt tự do ấy chính là một nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan cách mạng và lòng yêu nước, yêu con người vô hạn… Mỗi chuyện nhỏ của đời thường như bị rận, rệp, muỗi, bệnh ghẻ, v.v. hành hạ, bị “rụng một cái răng, mất một cái gậy cũng là dịp để Hồ Chủ tịch làm thơ bày tỏ khí tiết của mình”18. Vì vậy, nói như Hoàng Xuân Nhị thì “coi tai ương là một khâu “rèn luyện” cho đời mình, một thử thách mà mình nhất định sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng”, đó là ý nghĩa lớn nhất, sâu sắc nhất của cả tập thơ Nhật ký trong tù.

    Nhật ký trong tù là tiếng lòng của người cộng sản Hồ Chí Minh, trong đó toát lên một phong thái ung dung, một khí phách kiên cường, một ý chí sắt đá, một tinh thần cách mạng tiến công không gì lay chuyển nổi. Và đặc biệt, điều tâm đắc nhất và giúp ích nhất cho mỗi người khi đọc và suy ngẫm về Nhật ký trong tù là triết lý cuộc sống: Sự khó khăn không chỉ nằm ở những lúc tình thế gay go, gian khó, mà còn nằm ở chính sự bằng phẳng tưởng chừng dễ vượt. Không phải ngẫu nhiên, Hồ Chí Minh viết: “Đi khắp đèo cao, khắp núi cao/ Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao/ Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao”19. Bởi theo Người, chặng đường nào của cuộc đời mỗi con người, của cuộc đấu tranh cách mạng cũng có những thử thách, gian lao, đòi hỏi mỗi người, nhất là những chiến sĩ cách mạng phải kiên trì và quyết tâm cao độ. Đó chính là tinh thần và sức mạnh của lòng yêu nước, yêu tự do, tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất… thấu suốt cuộc đời Hồ Chí Minh, thấu suốt những vần thơ trong Ngục trung nhật ký. Nhật ký trong tù không chỉ nêu ra những khó khăn, thách thức mà mỗi người tù phải vượt qua để đạt được tự do thật sự, đạt được mục đích lớn lao của cuộc đời mình, mà còn chỉ ra phương thức và kinh nghiệm của người tù Hồ Chí Minh để vượt qua nó. Người đã vượt lên chính mình, vượt qua mọi thử thách của một hiện thực phũ phàng cả trong tâm hồn và ý chí “đợi đến ngày tự do” để “đấu tranh cho tự do” một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Đó cũng đồng thời là điều Hồ Chí Minh tự nhủ mình, nhắn nhủ mỗi người chúng ta: “Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”20. Nhưng để đạt đến điều đó, trước hết, phải biết quên mình, phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, phải biết tu dưỡng đạo đức trong mối quan hệ với mình, với đồng chí và với công việc, phải kiên tâm… và đó chính là điều Ngục trung nhật ký “tu dưỡng cho hết thảy chúng ta”, giúp chúng ta “trước uy vũ không chùn, trước gian lao không sợ”21. Trên tinh thần đó, đọc, suy nghĩ về những gì Hồ Chí Minh đã trải qua, đã chiến thắng và thấm nhuần triết lý nhân sinh về khát vọng tự do, tinh thần đấu tranh cho tự do của Người trong Ngục trung nhật ký cũng chính là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị một cách thiết thực và sinh động nhất.

 

TS. VĂN THỊ THANH MAI

Ban Tuyên giáo Trung ương

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, t.1, tr.94.

2, 3, 5, 7, 8, 9, 11, 12, 13, 15, 16, 17, 19, 20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.305, 311, 419, 378, 433, 450, 413, 451, 437, 308, 391, 378, 311, 382.

4. Báo Văn học, số 95, ngày 20-5-1960.

6. Axtơrôginđô Pêrêira: Đọc Nhật ký trong tù, báo Nhân dân chủ nhật, ngày 21-1-1962.

10. Quách Mạt Nhược: Cảm tưởng sau khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù, báo Nhân dân, ngày 13-11-1960.

14. Hồ Chí Minh - Tác gia, tác phẩm, nghệ thuật ngôn từ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.566.

18. Trường Chinh: Hồ Chủ tịch, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.69.

21. Vũ Ngọc Phan: Học tập Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch, báo Thủ đô Hà Nội, ngày 3-5-1960.

 

 

Bình luận