Tác giả: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Số trang: 604 trang
Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV là những văn bản, tác phẩm được khắc chữ Hán Nôm ngược lên những tấm gỗ để in thành sách. Mộc bản triều Nguyễn có giá trị đặc biệt nhiều mặt: rất đặc sắc về phương thức chế tác và vật liệu mang tin; rất phong phú về nội dung, phản ánh cuộc sống đa diện của xã hội Việt Nam dưới thời phong kiến như: lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, tôn giáo – tư tưởng – triết học, văn, thơ, ngôn ngữ - văn tự, văn hóa – giáo dục... Một trong những nội dung về văn hóa – giáo dục được phản ánh đậm nét trong khối tài liệu này, đó là khoa bảng triều Nguyễn.
Dưới chế độ phong kiến, khoa cử là con đường đi tới công danh của con người trong xã hội. Mỗi triều đại đều tổ chức khoa thi với các chế độ và hình thức khác nhau, nhằm mục đích phát hiện nhân tài, phục vụ đất nước. trong gần một ngàn năm tồn tại, chế độ khoa cử của Việt Nam đã lựa chọn được hàng vạn nhân tài làm rạng rỡ cho non sông đất nước, để lại những tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Thời gian vừa quan, để phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã lựa chọn, dịch và biên soạn, xuất bản các cuốn sách Thăng Long – Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; Khoa bảng Bắc Bộ và Thanh Hóa qua các tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.
Nhằm mục đích phát huy và tiếp tục quảng bá các giá trị của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Khoa bảng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Đây là những thông tin gốc được khắc trên Mộc bản triều Nguyễn lần đầu tiên được công bố.
Qua một thời gian dài dày công khảo cứu Mộc bản triều Nguyễn, những người biên soạn đã thống kê được 214 mặt khắc về các nhà khoa bảng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình đỗ khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình. Cuốn sách đã thống kê được 742 người đỗ khoa thi Hương (trong đó có một số người đỗ 2 khoa); 167 người đỗ khoa thi Hội (trong đó có một số người đỗ 2 khoa); 8 người đỗ khoa thi Đình tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cùng với những thông tin quan trọng đã được hệ thống khoa học.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:
Phần I: Các nhà Khoa bảng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình đỗ Đại khoa qua tài liệu Mộc bản triểu Nguyễn
Phần II: Các nhà khoa bảng đỗ khoa thi Hương tại trường thi Nghệ An
Phần III: Bản dập Mộc bản triều Nguyễn về Khoa bảng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình
Ngoài ra, còn có các phần phụ lục, tài liệu tham khảo...
Với những nội dung trên, cuốn sách sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thêm tư liệu khi nghiên cứu các lĩnh vực khoa cử, giáo dục, lịch sử, văn học... đồng thời, giúp các địa phương, gia đình, dòng họ,... tìm hiểu về truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, dòng tộc. Đây là tài liệu gốc rất quý, khẳng định sự đóng góp rất lớn của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đối với việc đào tạo nhân tài, xây dựng và bảo vệ đất nước.