Kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ tài nguyên, môi trường và bài học cho Việt Nam
Tài nguyên và môi trường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong một hệ sinh thái xác định. Để bảo vệ tài nguyên và môi trường, phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, dựa trên cơ sở nền tảng của hệ sinh thái.
Nhìn nhận của quốc tế
Nhân Ngày Trái đất 22-4 và triển khai Nghị quyết 65/164 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) về hài hòa với thiên nhiên do Bôlivia khởi xướng, Đại hội đồng LHQ đã tổ chức thảo luận chuyên đề “Hài hòa với thiên nhiên, những phát kiến khoa học về tác động của con người đối với hoạt động của hệ thống trái đất”, trong đó khẳng định: “Trái đất không phải là của con người mà con người thuộc về trái đất cùng với các sinh vật khác trong khí quyển, thủy quyển và địa quyển. Phải thay đổi mô hình phát triển hiện nay của chủ nghĩa tư bản. Không thể có mô hình tăng trưởng mãi mãi mà không ảnh hưởng tới bền vững của thiên nhiên; không thể giải quyết vấn đề “hài hòa với thiên nhiên” bằng các quy luật của thị trường tự do lấy lợi nhuận làm mục tiêu và dựa trên thúc đẩy tiêu dùng”. Các quốc gia “phải phát huy vai trò của nhà nước trong quản lý, giám sát, điều tiết, đồng thời xây dựng nhận thức chung, thúc đẩy sự đóng góp của toàn xã hội”, “Nhà nước phải hỗ trợ và có đầu tư thích đáng cho khoa học, chứ không phải dựa vào tư nhân”.
Phó Tổng Thư ký LHQ, đồng thời cũng là Tổng Thư ký Hội nghị LHQ về phát triển bền vững diễn ra tháng 6-2012 (Rio+20), ông Sha Zukang cho rằng: “Đã đến lúc phải nói lời tạm biệt với mô hình phát triển cũ của chúng ta dựa vào bóc lột tài nguyên không hiệu quả, lãng phí, gây hại cho phát triển bền vững của môi trường và xã hội”.
Từ năm 2010, Chương trình môi trường LHQ (UNEP) đã có những tiếp cận mới trong bảo vệ tài nguyên và môi trường, đó là quản trị môi trường (Environmental Governance) và kinh tế xanh (Green Economy) nhằm thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận về tài nguyên và môi trường phù hợp với xu thế phát triển hiện nay trên quy mô toàn cầu.
Theo tính toán của UNEP vào năm 2009, qua đầu tư vào xây dựng các tòa nhà xanh, Cộng đồng châu Âu và Bắc Mỹ đã tạo ra được khoảng 2-3,5 triệu việc làm, riêng Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo đã tạo ra 10 triệu việc làm với doanh thu khoảng 17 tỷ USD/năm.
Đối với các nước đang phát triển, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho kinh tế xanh như các ngành: xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 và 100 tỷ USD cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Như vậy, so với mức độ đầu tư toàn cầu, đầu tư cho kinh tế xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn đầu tư vào kinh tế xanh của toàn cầu.
Trung Quốc là một trong những quốc gia sớm tiếp cận ý tưởng của UNDP để đưa vào hoạch định chính sách nhằm chuyển từ phương thức phát triển kinh tế kiểu tiêu hao nhiều tài nguyên sang phương thức phát triển kinh tế kiểu tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường:
Một là, lấy việc ưu tiên tiết kiệm và hiệu quả làm gốc để làm nòng cốt cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên toàn diện, nâng cao vị trí quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, tăng cường hướng dẫn về chính sách cho việc tiết kiệm tài nguyên, ra sức điều chỉnh và tối ưu hóa kết cấu ngành nghề, đẩy mạnh khai thác và phổ biến kỹ thuật tiết kiệm tài nguyên, loại bỏ công nghệ và thiết bị lạc hậu, tăng cường quản lý các khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu dùng tài nguyên.
Hai là, lấy việc ra sức phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế sản sinh lượng cácbon thấp làm con đường cơ bản xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên.
Ba là, lấy việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm đất và sử dụng tổng hợp nguồn tài nguyên làm trọng điểm cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên.
Bốn là, lấy việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh làm nhu cầu cơ bản cho việc xây dựng hệ thống kinh tế quốc dân kiểu tiết kiệm tài nguyên. Một mặt phải điều chỉnh và cải thiện kết cấu tiêu dùng nguồn tài nguyên, nhất là kết cấu tiêu dùng nguồn năng lượng, cố gắng giảm thiểu tác động xấu của việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đối với môi trường, nỗ lực thực hiện sự hài hòa giữa tài nguyên và môi trường. Mặt khác, phải bảo đảm an ninh tài nguyên, xây dựng và hoàn thiện dự trữ chiến lược dầu mỏ thích ứng với sức mạnh của đất nước, tích cực quán triệt chiến lược “bước ra ngoài”, thực hiện mục tiêu đa dạng hóa con đường nhập khẩu nguồn năng lượng, khai thác kỹ thuật thay thế và tiết kiệm dầu mỏ, bảo đảm sự cung cấp dầu khí, nắm lấy thời cơ để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng.
Ở Mỹ, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chính phủ nước này đang xem xét việc chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tăng việc làm, áp dụng chiến lược “tái công nghiệp hóa”. Tháng 11-2009, Tổng thống Barack Obama đã đề xuất chuyển mô hình tăng trưởng của Mỹ sang tăng trưởng bền vững. Trong chiến lược “tái công nghiệp hóa” cho giai đoạn 10 năm tới nhằm phát triển công nghệ mới, Mỹ dự kiến đầu tư 150 tỷ USD hỗ trợ cho các nguồn năng lượng mới, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hướng tiếp cận mới của Mỹ là thực hiện “kinh tế cácbon thấp”, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Để thực hiện điều đó, một số luật đang được đưa ra bàn thảo để ban hành. Cách tiếp cận ở Mỹ là luôn lấy tiêu chí hiệu quả kinh tế để thực thi chính sách, động lực thị trường thúc đẩy đổi mới công nghệ, thực thi bảo vệ môi trường có khoa học và kế hoạch rõ ràng, chia theo giai đoạn, trước hết người dân phải hiểu, tiếp đến phải có sự can thiệp của khoa học - kỹ thuật và cuối cùng là thực hiện theo chương trình kế hoạch đã có. Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng từng vùng mà xây dựng kế hoạch cụ thể. Trong nông nghiệp, việc kết hợp nhiều loại sản phẩm khác nhau trong một trang trại được chủ trang trại phát huy cao độ. Cây trồng, vật nuôi được sản xuất kết hợp một cách khoa học, phù hợp với đặc điểm sinh thái, duy trì chất lượng đất. Tại trang trại sản xuất nông nghiệp, xu hướng tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời khá phổ biến. Chủ trang trại luôn tính toán hiệu quả kinh tế với các phương án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua việc hoàn thiện sản phẩm từ khâu thu hoạch đến đóng gói, vận chuyển trực tiếp tới các siêu thị để đến người tiêu dùng nhanh nhất, hạn chế chi phí trung gian, tăng lợi nhuận. Việc sử dụng hầm biogas, trợ cấp cho năng lượng sạch được thực hiện ở các vùng sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi quy mô lớn. Cơ quan dịch vụ sản xuất nông trại (FSA - Farm Service Agency) khuyến khích trang trại không sử dụng hóa chất diệt côn trùng và các dịch vụ hỗ trợ khoa học - kỹ thuật khác. Trong công nghiệp, vấn đề được chú trọng nhất là tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng thay thế nhằm hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc sử dụng năng lượng mặt trời được triển khai mạnh mẽ, hiện nay có khoảng 22 thành phố đã sản xuất và sử dụng pin mặt trời, không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, mà còn tiết kiệm năng lượng, mang lại hiệu quả kinh tế. Những nơi chịu nhiều rủi ro của thiên nhiên và con người như New Olean, sau cơn bão Katrina, chính quyền địa phương đã thiết lập lại quy hoạch khu dân cư mới, tính tới ảnh hưởng của bão, lụt và phù hợp hơn với điều kiện sinh thái tự nhiên của vùng, với nguồn đóng góp vốn của chính phủ, cộng đồng và các nhà tài trợ khác. Từ hướng tiếp cận kinh tế cácbon thấp, trong phát triển đô thị, những khu đô thị mới, chẳng hạn khu vực sân bay cũ nay không còn sử dụng ở gần thành phố Austin thuộc bang Taxes, được chuyển đổi sang phát triển khu dân cư thân thiện với môi trường, với các ngôi nhà được thiết kế hợp lý, nhà xanh (Green Houses). Những ngôi nhà đó so với các kiểu nhà trước đây sẽ tiết kiệm năng lượng nhiều hơn, sử dụng năng lượng mặt trời, mang lại lợi ích nhiều hơn cho người sử dụng. Hệ thống hạ tầng đồng bộ từ đường sá, thu gom phân loại và xử lý rác, các công nghệ mới được đưa vào ngôi nhà, không gian xanh phù hợp. Khái niệm “nhà không dây điện” đã xuất hiện. Xu hướng mới xây dựng nhà công sở cũng đã được thiết kế và xây dựng ở thành phố Austin, thuộc bang Texas, đó là thiết kế theo dạng ngôi nhà xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng được nước mưa, các vật dụng trang trí tận dụng chất thải và nhiều sáng kiến khác được đưa vào là hướng tiếp cận mới đã được thực hiện ở Mỹ. Hệ thống giao thông, nhất là đối với đường cao tốc, quy hoạch giải phân cách xanh là yêu cầu bắt buộc.
Ở các nước Tây Âu và Nhật Bản cũng hướng tới xu hướng phát triển nền “kinh tế sạch”, “kinh tế cácbon thấp” và “kinh tế xanh”. Các nước này đã trải qua một thời kỳ dài của quá trình công nghiệp hóa và cũng đã phải trả giá cho việc suy giảm tài nguyên và chất lượng môi trường. Từ thập kỷ 70 của thế kỷ XX, xu hướng phát triển đã có sự thay đổi, quan điểm thân thiện với môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên thông qua chuyển đổi mô hình phát triển, đầu tư vào khoa học - công nghệ, xử lý ô nhiễm, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải (3R). Nằm trong hệ thống kinh tế toàn cầu của nhóm nước công nghiệp phát triển (OECD), hiện nay Tây Âu đang hướng tới lộ trình thực hiện và thúc đẩy các ngành sản xuất sạch và phát triển các ngành cácbon thấp mới hình thành, thúc đẩy đưa các chỉ tiêu về cácbon thấp vào hệ thống quy định quốc tế. Sự ra đời của tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế về “dấu chân cácbon” đã mở màn cho quá trình này. Còn Nhật Bản tích cực phát triển theo xu hướng giảm thiểu cácbon thông qua Nghị định thư Kyoto, thực hiện triệt để “giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế” hay còn gọi là 3R và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. EU dự kiến trước năm 2013 sẽ đầu tư 105 tỷ euro để phát triển “nền kinh tế sạch”. Còn Nhật Bản từ cuối năm 2009 đã phát động chiến lược tăng trưởng mới, tập trung vào hai ngành công nghiệp mới là môi trường và năng lượng sạch, dự kiến đến năm 2020 tạo ra thị trường mới tương đương 1 triệu tỷ yên.
Nhóm các nước mới nổi lên nhờ quá trình công nghiệp hóa như Hàn Quốc, Xingapo cũng đang tích cực phát triển theo hướng thân thiện với môi trường. Từ những năm 80 của thế kỷ XX, họ không phải trả giá nhiều cho môi trường nhờ tiếp nhận công nghệ mới của các nước công nghiệp phát triển và những bài học kinh nghiệm của các nước đó. Mô hình phát triển của các nước này ngay từ đầu đã chú trọng tới môi trường và tiết kiệm tài nguyên, chính vì vậy họ đã rút ngắn khoảng cách phát triển, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế mà chú trọng tới môi trường. Hiện nay các nước này tiếp tục phát triển theo xu hướng “tăng trưởng xanh”, “kinh tế cácbon thấp” và hướng tới nền “kinh tế xanh”.
Ở các nước đang phát triển, nhất là các nước nghèo và có trình độ phát triển trung bình ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên cũng đang đặt ra rất gay gắt. Các nước này có trình độ công nghệ thấp hơn các nước phát triển, sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp, khai thác và xuất khẩu thô tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, sẽ bị lôi kéo vào xu thế phát triển mới. Tuy nhiên, theo nội hàm phát triển “kinh tế xanh”, đây sẽ là cơ hội cho các nước này tham gia để khôi phục nguồn tài nguyên tái tạo, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ môi trường, tăng phúc lợi và giảm nghèo. Việc tiếp cận mô hình phát triển “kinh tế xanh” sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư, công nghệ và năng lực thực thi. Để vượt qua được những thách thức đó, các nước đang phát triển không chỉ phải phát huy nội lực mà còn cần sự trợ giúp của các nước phát triển, nhất là nguồn vốn, công nghệ và nâng cao năng lực thực thi.
Bài học cho Việt Nam
Từ những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, để bảo vệ tài nguyên và môi trường, Việt Nam cần có những thay đổi trong cách tiếp cận mới sau đây:
Thứ nhất, thay đổi cách nhìn nhận mới có tính tổng hợp, bảo vệ tài nguyên và môi trường phải dựa trên cơ sở nền tảng của hệ sinh thái, nghĩa là không quản lý đơn lẻ một thành phần nào mà tiếp cận dựa trên tính đặc thù của từng hệ sinh thái để bảo đảm sự liên kết và cân đối hài hòa của các thành phần tự nhiên trong hệ sinh thái vốn có của nó, không phá vỡ thành phần cấu trúc cũng như chức năng vốn có của hệ sinh thái.
Thứ hai, thay đổi cách thức nhìn nhận trong quản lý đối với bảo vệ tài nguyên và môi trường so với trước đây, giữa cách nhìn nhận quản lý truyền thống với cách nhìn nhận quản lý mới đối với hệ sinh thái.
Thứ ba, xem xét lại sự đề cao đối với con người trong hệ thống tự nhiên, phải coi con người như là thành phần quan trọng của tự nhiên để điều chỉnh hành vi của mình. Con người sống và tồn tại được là nhờ vào thiên nhiên gồm các nguồn tài nguyên và môi trường tự nhiên. Thiên nhiên là cơ sở tiền đề cho sự sống và phát triển của con người.
Thứ tư, từ bỏ phương thức phát triển kinh tế cũ của mô hình “kinh tế nâu”, hướng tới chuyển đổi mô hình phát triển mới, theo một cấu trúc kinh tế mà hiện nay các nước đang tiếp cận, đó là “kinh tế xanh”, không chỉ mang lại phúc lợi cho con người mà phải duy trì và phát triển hệ sinh thái. Muốn vậy, bên cạnh khai thác phải đầu tư trở lại cho tự nhiên để phục hồi hệ sinh thái. Đối với những tài nguyên không tái tạo, nguồn lợi thu được cần gìn giữ và đầu tư cho phát triển, chẳng hạn như đầu tư cho con người.
Thứ năm, trong bối cảnh của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài nguyên và môi trường cần có sự kết hợp hài hòa giữa các giải pháp về điều hành và kiểm soát với các giải pháp kinh tế. Nền tảng của các giải pháp này là thay đổi nhận thức của con người, chú trọng tới đạo đức, khơi dậy cái “tâm” của con người đối với thiên nhiên.
Trên cơ sở nhận thức kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ tài nguyên và môi trường, nếu biết khắc phục những hạn chế mà các nước đi trước đã gặp phải, phát huy những kinh nghiệm tốt họ đã thành công, chúng ta sẽ rút ngắn khoảng cách phát triển, không chỉ có sự tăng trưởng kinh tế cao mà còn bảo vệ được tài nguyên và môi trường, phù hợp với xu thế mới của thế kỷ XXI là phát triển bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược,
Chính sách tài nguyên và môi trường
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực