Kinh nghiệm từ Nhà xuất bản Wiley cho các Nhà xuất bản ở Việt Nam

Ngày đăng: 05/08/2014 - 08:08

Ngày nay, nền xuất bản thế giới đang chứng kiến sự bứt phá của công nghệ thông tin đã tạo ra một siêu lộ thông tin toàn cầu, làm cho không gian và thời gian truyền tin được rút ngắn tối thiểu. Việc chuyển dịch mạnh mẽ từ hình thức xuất bản truyền thống sang nhiều hình thức khác nhau như xuất bản điện tử, phát hành và công bố tác phẩm trên mạng Internet, phát triển phương tiện nghe, nhìn, đọc sách trên mạng di động… đang trở thành xu thế của thế giới hiện đại.

nxb wiley1

Bối cảnh xuất bản trong tình hình mới

Đối tượng bạn đọc hiện nay cũng rất đa dạng và có sự phân nhóm sâu sắc. Trong bối cảnh xã hội có dân trí cao và đời sống kinh tế khá, nhu cầu bạn đọc rất phong phú, đa dạng, đa chiều do những quan niệm khác nhau, thậm chí đối lập với nhau về các chuẩn giá trị luôn tồn tại. Vì vậy, theo quy luật cung cầu của thị trường, các NXB, tập đoàn xuất bản buộc phải đưa ra những xuất bản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Xu hướng xuất bản hiện nay của thế giới không những đa dạng hóa các loại hình xuất bản, là xu hướng rất phát triển ở các nước tiên tiến và đang cạnh tranh gay gắt với xu hướng xuất bản truyền thống, cách đọc truyền thống… mà còn đọc để làm việc, để hành nghề, áp dụng trực tiếp vào công việc của mỗi cá nhân. Bởi vậy, xuất bản phẩm hiện nay rất đa dạng, nhiều loại hình khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đọc và tạo thành một xã hội học tập.

Trên thực tế, các tập đoàn xuất bản lớn trên thế giới đều xuất phát từ một cửa hàng sách (springer) hoặc xưởng in nhỏ (như wiley)… trong quá trình phát triển, nhờ xây dựng được chiến lược tốt nên không ngừng phát triển và trở thành những tập đoàn xuất bản lớn trên thế giới, có sản phẩm đa dạng, các nhà xuất bản trên thế giới ngoài sản phẩm sách in, sách điện tử, còn xuất bản tạp chí và các sản phẩm khác… Học hỏi từ kinh nghiệm phát triển, mục tiêu phát triển và kế hoạch thực hiện, các chính sách, quy trình xuất bản của họ là rất cần thiết cho các nhà xuất bản Việt Nam có cái nhìn bao quát cũng như xác định định hướng cho mình một cách chính xác, những bước đi chắc chắn trên con đường phát triển của mình.

Trong khi đó, ở Việt Nam, kinh tế thị trường là động lực thúc đẩy mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản, báo chí… phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế tri thức một mặt thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế đất nước, mặt khác làm nảy sinh nhu cầu nâng cao tri thức là một trong những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trở thành cơ hội để ngành xuất bản phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu và chuyển đổi phương thức sản xuất cũng tạo thêm cơ hội phát triển cho ngành xuất bản. Việc chuyển dịch mạnh mẽ từ hình thức xuất bản truyền thống sang nhiều hình thức và phương tiện khác như nghe, nhìn giúp ngành xuất bản Việt Nam hội nhập và có bước tiến vượt bậc, tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến.

Mục tiêu của việc chủ động hội nhập tế quốc tế là nhằm “Mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về hội nhập kinh tế quốc tế”, ban hành ngày 27-11-2001). Các mục tiêu trên đây có thể coi là thời cơ cho sự phát triển của một ngành xuất bản hiện đại. Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia Công ước Berne về bản quyền (tháng 10-2004), gia nhập WTO và thực hiện đầy đủ cam kết AFTA (2006), các NXB sẽ có thêm động lực để tự hoàn thiện mình trước khi bước vào công cuộc hội nhập.

Trong thời gian vừa qua, ngành xuất bản phải đối diện với những thách thức lớn như chất lượng hoạt động xuất bản còn nhiều hạn chế, vẫn tồn tại nhiều xuất bản phẩm có tính giáo dục thấp, chất lượng kém; khuynh hướng thương mại hoá, chạy theo lợi nhuận kinh tế thuần tuý; hiện tượng NXB “bán giấy phép” để cho đối tác chi phối nội dung bản thảo… là hệ quả của mặt trái cơ chế thị trường.

Kinh nghiệm của Việt Nam về kinh tế thị trường chưa nhiều nên việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới công tác chỉ đạo quản lý hoạt động xuất bản tuy đã đạt được những tiến bộ nhất định song vẫn chưa thích ứng kịp với biến đổi của thực tiễn. Đây là những thử thách mà ngành xuất bản phải đối diện và đòi hỏi ngành phải tìm kiếm phương hướng phát triển phù hợp hơn.

Thực tế, trong những năm qua, việc xuất sách báo của Việt Nam hoặc bán bản quyền dịch các tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài còn hạn chế trong khi thị trường trong nước tràn ngập sách dịch hoặc sách bằng tiếng nước ngoài của các nước khác. Tỷ lệ giữa nhập khẩu và xuất khẩu xuất bản phẩm còn chênh lệch rất lớn (nhập 70% và xuất 30%).

Một vấn đề đang khá nan giải đối với ngành xuất bản Việt Nam là tệ nạn xâm phạm bản quyền. Thời gian cung ứng hàng của sách in lậu nhanh chóng hơn sách gốc nhập khẩu, do được in tại địa phương nên những tổ chức làm sách lậu có thể cung ứng một số lượng lớn sách trong khoảng thời gian ngắn, trong khi các nhà nhập khẩu sách chân chính thì cần ít nhất một tháng mới có thể nhập sách về từ các nước châu Á và hai tháng nếu sách ở Anh, Mỹ, Australia… Đây thực sự là một thử thách lớn cho thị trường sách ngoại văn hợp pháp.

Ngành xuất bản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Để góp phần phát triển một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đáp ứng những yêu cầu phát triển của đất nước, ngành xuất bản cần tiếp tục đổi mới để có những bước đi thích hợp trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hóa, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Trong đó, việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản: tham gia triển lãm, hội chợ; tổ chức tiêu thụ, khai thác và mở rộng thị trường quốc tế; tổ chức sáng tác, dịch, xuất bản giới thiệu văn hóa lịch sử Việt Nam; trao đổi bản quyền là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế của các nhà xuất bản lớn trên thế giới là một việc nên làm, qua đó rút kinh nghiệm của những người đi trước trong quá trình nghiên cứu phát triển và triển khai cho các nhà xuất bản của Việt Nam hiện nay trong quá trình hội nhập.

“Gã khổng lồ Wiley” và những kinh nghiệm

Là nhà xuất bản nổi tiếng về môi trường kinh doanh và làm việc tốt, tiêu biểu là năm 2004, Wiley thuộc top những nơi làm việc tốt nhất trong danh sách của cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, năm 2006, thuộc top 100 công ty có môi trường làm việc tốt nhất do Tạp chí Fortune bình chọn, năm 2007, Wiley được chọn là 1 trong 20 công ty xuất bản có môi trường làm việc tốt nhất do Tạp chí Book Business bình chọn sẽ là bài học kinh nghiệm tốt cho các nhà xuất bản và báo chí Việt Nam học hỏi. Wiley cũng là một nhà xuất bản hàng đầu thế giới với các sản phẩm in ấn và điện tử bao gồm cả sách, tạp chí khoa học, học thuật, giáo dục… nội dung chất lượng cao và sản xuất đạt tiêu chuẩn. Với sứ mệnh mang đến cho độc giả những kiến thức về nhiều lĩnh vực khoa học dưới nhiều hình thức khác nhau, đồng thời phục vụ tốt độc giả thuộc nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Đây là một nhà xuất bản có tầm nhìn và uy tín. Các nhà xuất bản của Việt Nam có thể nhìn thấy những bài học kinh nghiệm về lĩnh vực xuất bản từ gã khổng lồ này ở những yếu tố như:

  Một là, bài học kinh nghiệm về hàm ý xây dựng chiến lược phát triển: Với quy mô và lịch sử hoạt động lớn trên phạm vi toàn cầu của Nhà xuất bản Wiley, các nhà xuất bản ở Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình quản lý và hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp của họ, trong quá trình hoạt động và phát triển, việc quản trị sao cho hợp lý và hiệu quả của nhà xuất bản luôn được đề cao và học hỏi từ các nhà xuất bản khác.

  Hai là, bài học về xây dựng định hướng phát triển: Cùng với sự phát triển các dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp, theo nhu cầu từ thị trường, các nhà xuất bản cần định hướng phát triển với mục tiêu hướng về khách hàng, xuất phát từ phục vụ nhu cầu của khách hàng thay vì duy trì tư duy cũ.

Chỉ có xác định rõ và thực hiện tốt các định hướng phát triển, sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường thì các nhà xuất bản mới có thể đứng vững trong điều kiện hiện nay khi các nhà xuất bản được thành lập nhiều, các công ty sách tư nhân hoạt động rất hiệu quả. Nhà xuất bản cần hướng tới sự mở rộng phát triển ngoài phạm vi cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý ngành… cần xác định rõ định hướng phát triển trong việc khai thác thị trường rộng lớn, tự tìm hiểu thị hiếu thị trường và tự xuất bản các sản phẩm để tung ra thị trường.

Đặc biệt, ngày nay khi các nguồn tài nguyên được số hóa mang lại tiện ích cao cho người sử dụng và tiết kiệm cả thời gian và chi phí cho người dùng, khách hàng cũng có xu hướng tìm đến các sản phẩm trực tuyến, vì vậy khi xác định chiến lược phát triển tập trung vào sản phẩm tiện ích trực tuyến, các nhà xuất bản không chỉ tiếp cận được với số lượng khách hàng rộng lớn hơn mà còn là một hình thức để cơ cấu lại việc sử dụng tối ưu các nguồn lực của nhà xuất bản, các tạp chí trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

 Tiếp đến là bài học về mô hình quản trị: muốn hoạt động tốt, việc xây dựng mô hình tổ chức chuyên nghiệp, đầy đủ các vị trí cốt yếu quan trọng trong chuỗi hoạt động cần được đề cao. Tiêu chí quản trị nhà xuất bản cần nắm được, đó là: chuyên môn hóa, chuyên nghiệp và có năng lực. Cần đào tạo đội ngũ nhân lực có năng lực, làm việc chuyên nghiệp và nâng cao tính chuyên môn hóa nhiệm vụ.

  Một bài học nữa, là về tổ chức đội ngũ mạng lưới tác giả, cộng tác viên: nhà xuất bản cần chú trọng xây dựng nhóm tác giả có kinh nghiệm, sáng tạo để cung cấp các bản thảo có chất lượng tốt, cung cấp cho khách hàng nhiều sản phẩm được yêu thích, góp phần tăng thêm uy tín và lợi nhuận cho nhà xuất bản. Đưa ra các tiêu chí cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tác giả, nêu cao tính cam kết, đánh giá thường xuyên hoạt động của đội ngũ tác giả nhằm kiểm soát được chất lượng cũng như tạo mối liên kết chặt chẽ giữa những nhà quản trị với tác giả. Đảm bảo cho hoạt động của đội ngũ tác giả luôn ổn định và tránh những rủi ro phát sinh. Bài học từ Nhà xuất bản Wiley cần được xem xét đến, đó là việc thực hiện các cam kết, có ký kết bằng văn bản các thỏa thuận về quyền tác giả, theo quy định của pháp luật. Một khi việc làm này được thực hiện nghiêm túc sẽ giảm bớt được các thắc mắc và những phát sinh về liên kết giữa nhà xuất bản với đội ngũ tác giả.

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau giúp nhà xuất bản có thêm nguồn ý tưởng cho các sản phẩm và sự đóng góp ý kiến cho hoạt động của mình. Đội ngũ cộng tác viên khi được khuyến khích bằng các quyền lợi hợp lý, họ sẽ là đội ngũ chủ chốt trong việc khai thác các thị trường mới, phát hiện ra những đề tài nổi bật, cung cấp ý tưởng cho nhà xuất bản. Ngoài ra, cộng tác viên cũng có thể là những nhân viên tiềm năng của nhà xuất bản trong tương lai.

Ban quản trị cũng cần chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp đặc trưng, chú trọng đến chất lượng môi trường làm việc, tạo sự tin tưởng và niềm say mê trong công việc. Đó là một giải pháp để sáng tạo ra những sản phẩm hữu ích.

Trương Yến Minh & Nguyễn Thị Tuyết

 NXB Khoa học & Kỹ thuật

(Theo Trithucthoidai)

*****

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Wiley, Author services, http://authorservices.wiley.com/

2. Wiley, Resources, http://as.wiley.com/WileyCDA/Section/id-301840.html

3. Wiley, Wiley online library, http://olabout.wiley.com/WileyCDA/Section/id-406074.html

4. Wiley, Brands & Imprints, http://www.wiley.com/WileyCDA/Section/id-302256.html

5. Wiley (2009), Reviewing guideline, http://www.wiley-vch.de/vch/journals/2126/2126_forreferees_2008.pdf

6. Wiley, Exchange, http://exchanges.wiley.com/blog/2011/06/28/very-rapid-publication-a-case-history/

7. Wiley (2014), Best Practice Guidelines on Publishing Ethics A Publisher’s Perspective, Second edition, http://www.revistacomunicar.com/pdf/2014-03-19-best-practice-guidelines.pdf

8. Digital Book World, How to publish an Ebook, http://www.digitalbookworld.com/how-to-publish-ebook/

 

Bình luận