Kinh tế Việt Nam năm 2012: Phục hồi nhưng còn... chậm chạp!
Một năm sóng gió với kinh tế Việt Nam đã qua đi, nhưng dư âm của nó vẫn còn khá nặng nề. Song, như các cụ ta vẫn thường nói, trong cái khó thường “ló” cái khôn. Khó khăn và thuận lợi thường đan xen nhau. Sau một năm với biết bao thăng trầm, vui ít buồn nhiều, dường như các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tự tìm được cho mình một hướng đi mới, sáng sủa hơn trong một năm mới.
Hai kịch bản cho một chương trình
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu tổng quát của kinh tế Việt Nam, năm 2012, vẫn ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, hai “kịch bản” được xây dựng: Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng có xu hướng phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2011. Những khó khăn ở trong nước từng bước được giải quyết, lạm phát giảm mạnh, kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định. Theo đó, GDP tăng khoảng 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 101 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2011, nhập siêu khoảng 13%. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 740,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ bội chi bằng 4,8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 34% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Trong bối cảnh những khó khăn của kinh tế trong nước chậm được khắc phục, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp khó lường, đặc biệt là khủng hoảng nợ công và nguy cơ rơi vào suy thoái kép, “kịch bản 2” sẽ được lưu ý, với GDP tăng khoảng 6%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD, tăng 12%, nhập siêu khoảng 13,5%.
Có một sự liên hệ cần thiết, trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2012, Quỹ tiền tệ quốc tế cũng cảnh báo các nền kinh tế mới nổi về sự lây lan của khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể ảnh hưởng tới bất kỳ quốc gia nào, trong đó có các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Quỹ tiền tệ quốc tế khuyến cáo các quốc gia tại châu Á về tình trạng thâm hụt ngân sách, và cho rằng, nó sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lâu dài của các nước này, không loại trừ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, những gì mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra là hoàn toàn phù hợp và có thể chấp nhận được. Có điều, kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2012 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, có phần còn thụ động, chưa thể hiện yếu tố về tái cơ cấu kinh tế, dù lạm phát, song GDP vẫn tăng trưởng 6 - 6,5% (trong khi chỉ số giá tiêu dùng vẫn giữ mức dưới 10%). Tái cơ cấu kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, nhất thiết phải phân bổ lại đầu tư. Nếu vậy, mô hình tăng trưởng có thể bị thay đổi và do đó, tăng trưởng sẽ khó có thể cao hơn năm 2011.
Lạm phát vẫn ở mức cao
báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, cho biết: Nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên là kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường nên từ tháng 5-2011, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần, 9 tháng tăng 16,63%, ước cả năm tăng khoảng 18%. Đây có thể xem là mức lạm phát cao nhất châu Á.
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, mức lạm phát trong năm 2012 của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao, bởi nhiều nguyên nhân từ các yếu tố chủ quan và khách quan. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam hiện vẫn quá phụ thuộc vào thị trường thế giới với hơn 70% giá trị GDP đến từ thương mại và đầu tư nước ngoài. Không ngần ngại khi khẳng định rằng, lạm phát trong năm 2011 đã làm tê liệt và triệt tiêu tiềm năng kinh tế Việt Nam, và nếu không có cải cách rộng khắp để giải quyết khó khăn thì năm 2012 kinh tế sẽ khó phục hồi. Giải pháp được nêu ra ở đây không chỉ là sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước, mà còn đòi hỏi những giải pháp mang tính tổng thể, đồng thuận cao từ phía Chính phủ, với các nhiệm vụ hết sức cụ thể: Kiềm chế lạm phát, quản lý hệ thống tài chính, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Điều đáng nói là, với lạm phát vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong nước tất yếu sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, vì các ngân hàng vẫn siết chặt đầu ra. Hơn nữa, nếu làm ăn có lãi cũng khó bù đắp nổi sự trượt giá của đồng tiền. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, các cân đối kinh tế vĩ mô, như thu chi ngân sách nhà nước, tiền tệ, tín dụng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực, các chính sách về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã bước đầu phát huy hiệu quả. Bội chi ngân sách nhà nước giảm dần, xuất khẩu tăng nhanh góp phần giảm thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Đó là những điều kiện rất quan trọng để tạo ra xu thế phát triển mới, tạo đà tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn trong năm 2012, cũng như các năm tiếp theo. Mặt khác, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục phục hồi trong năm 2012, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển được dự báo có mức tăng trưởng mạnh hơn năm 2011, sẽ là nền tảng tốt để Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và bứt phá về kinh tế trong năm 2012. Vẫn biết, chính sách bảo hộ thương mại của các nước ít nhiều vẫn tác động tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2012.
Phục hồi nhưng còn... chậm chạp!
Bước vào kế hoạch năm 2012, nền kinh tế nước ta có những thuận lợi căn bản, đó là những thành tựu to lớn của hơn 25 năm đổi mới; cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã hình thành và ngày càng hoàn thiện, năng lực của nền kinh tế và hệ thống cơ sở hạ tầng được tăng cường. Đặc biệt, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Một sự kiện rất đáng quan tâm, trong những ngày cuối năm 2011, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam. Các nhà tài trợ đã khẳng định tiếp tục dành cho Việt Nam khoản tiền ODA 7,386 tỷ USD trong năm tài khóa 2012, tuy thấp hơn so với tài khóa năm 2011 khoảng 500 triệu USD, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng và các quốc gia đều tập trung nguồn lực để đối phó, thì đây là tín hiệu rất đáng mừng. Nói theo cách của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Số tiền này đã thể hiện sự ưu ái của các nhà tài trợ khi Việt Nam đã bước qua ngưỡng thu nhập trung bình. Điều phấn khởi hơn, các nhà tài trợ ngày càng tin tưởng hơn vào đường lối đổi mới của Việt Nam, về các biện pháp quản lý, điều hành cũng như cách thức sử dụng nguồn vốn có hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.
Có mặt tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với các nhà tài trợ sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các biện pháp thắt chặt tài khóa, tiền tệ trong năm 2011 đã giúp Việt Nam từng bước kiểm soát lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã có xu hướng giảm. Điều này cho thấy, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9% và duy trì tăng trưởng kinh tế là 6%. Song song với ổn định kinh tế là các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào cải cách đầu tư, hệ thống tài chính, ngân hàng và khu vực doanh nghiệp. Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là các giải pháp bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 1.200 USD/năm, nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn ở mức cao. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ sẽ duy trì mục tiêu tạo 1,6 triệu việc làm trong năm 2012 nhằm giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Cùng với đó là giảm 2% số hộ nghèo trong cả nước.
Với quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và sự đồng thuận cao của toàn xã hội, chắc chắn kinh tế Việt Nam trong năm 2012 sẽ phục hồi. Có điều, sự phục hồi này còn diễn ra… chậm chạp!
Dù lạc quan đến mấy, song cũng phải thừa nhận nhiều thách thức và khó khăn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước. Nguy cơ lạm phát và nợ công tại nhiều nước trên thế giới, cùng với việc tăng giá dây chuyền và tăng giá do tâm lý của một số mặt hàng tiêu dùng trong nước sau khi có sự điều chỉnh tăng chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, thiết lập mặt bằng mới giá cao hơn trước và gây khó khăn trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá thị trường. |
Nguyễn Hữu Hạnh
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực