Kinh tế Việt Nam sau 6 năm gia nhập WTO

Ngày đăng: 27/01/2014 - 08:01

Ngày 19-12-2006, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy đã gửi công hàm tới phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) thông báo: Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, ký tại Geneva ngày 7-11-2006, sẽ có hiệu lực từ ngày 11-1-2007 và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành thành viên của WTO từ 11-1-2007. Việc gia nhập WTO đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động sâu sắc đến kinh tế và xã hội đất nước, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.

 MG 8420

Vận hội và thách thức

Trong 5 năm 2007-2011, tăng trưởng GDP của nền kinh tế nước ta chỉ đạt trung bình 6,5%, không đạt chỉ tiêu kế hoạch 7,5-8% và thấp hơn mức trung bình 7,5% trong giai đoạn 5 năm trước đó. Duy nhất một năm (2008), Việt Nam đạt mức tăng trưởng 8,5%, một phần nhờ các rào cản thương mại giảm nhiều khi hội nhập. Tiếp cận thị trường xuất, nhập khẩu dễ dàng hơn, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu liên tục tăng trên 15%/năm (bảo đảm 5 năm tăng gấp 2 lần), chủ yếu từ các dự án FDI. Xuất khẩu từ khu vực FDI (kể cả dầu khí) hiện chiếm đến hơn 60% trị giá xuất khẩu, với nhiều sản phẩm công nghệ cao, dù giá trị nội địa còn chưa nhiều. Đặc biệt, dù kinh tế thế giới khó khăn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh. Trong năm 2006, khi Việt Nam hoàn tất đàm phán gia nhập WTO thì dòng vốn FDI đăng ký tăng lên 12 tỷ USD - con số cao nhất trong 18 năm Việt Nam thu hút vốn nước ngoài thời kỳ trước đó. Năm 2007, vốn FDI đăng ký đạt 21,3 tỷ USD, tăng 77,9% so với năm 2006; năm 2008 được coi là năm có số vốn đăng ký FDI cao nhất trong lịch sử thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 71,7 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2007. Ngay 11 tháng đầu năm 2013 cũng đạt số đăng ký hơn 20 tỷ USD và thực hiện hơn 10 tỷ USD. Nhìn chung, môi trường kinh doanh được cải thiện và minh bạch hơn, thể chế kinh tế theo định hướng thị trường được củng cố và hoàn thiện nhanh hơn, thế và lực của Việt Nam trên trường thế giới ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, kinh tế thế giới từ 2007-2008 đã lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu kéo dài đến nay, với sự sụt giảm tăng trưởng chưa từng có ở Hoa Kỳ, Nhật Bản. Tây Âu sau thời gian suy thoái đang phục hồi trong khó khăn. Ngay Ấn Độ và Trung Quốc cũng gặp khó khăn, giảm mức tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, việc tận dụng các thuận lợi của hội nhập quốc tế đối với Việt Nam cũng trở nên khó khăn hơn, thách thức càng thêm gay gắt.

Các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương Việt Nam đã và đang đàm phán tham gia đã thuộc loại “thế hệ mới”, có yêu cầu rất cao. Điều đó đòi hỏi không chỉ che chắn kinh tế, lập thêm “rào cản”, mà phải tiến hành đổi mới bên trong, thích ứng với quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thêm khó khăn do những vướng mắc trong tư duy phát triển của đất nước.

Áp lực hội nhập sẽ rất mạnh. Bên cạnh hội nhập trong WTO, Việt Nam còn tham gia hội nhập trong Cộng đồng ASEAN, đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định ASEAN+6 (RCEP) và các khu vực mậu dịch tự do khác nhau. Hội nhập giai đoạn mới có những đòi hỏi ngày càng khắt khe, mà người ta gọi là hội nhập “thế hệ mới”. Khi đó, các giải pháp “che chắn”, tạo nhiều “ưu đãi” với khu vực nội địa và lập nhiều “hàng rào kỹ thuật” với đối tác bên ngoài… đều ít mang lại hiệu quả. Con đường tốt nhất của hội nhập kiểu mới là Việt Nam phải “mạnh lên”, dựa nhiều vào nội lực thì mới có thể phát huy lợi thế của ngoại lực, tạo nên lực tổng hợp cho phát triển đất nước giai đoạn mới.

Tuy nhiên, do vấn đề kỹ thuật đàm phán chưa thể phổ biến rộng trước khi đàm phán, nhưng sau khi đã ký kết cuối năm 2006, đến nay có thể nói hầu hết các doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ các quy định dày hàng nghìn trang của WTO. Các ngành công nghiệp trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều chỉnh do sức ép cạnh tranh. Mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn cũng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương và có thể dẫn đến các rủi ro và bất ổn kinh tế vĩ mô. Môi trường thiên nhiên có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do các hoạt động kinh tế với cường độ cao. Vì vậy, việc thực hiện các cam kết cũng làm cho các doanh nghiệp khó khăn do thiếu sự chuẩn bị thích đáng. Đặc biệt, do mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào gia công hàng hóa, với giá trị gia tăng thấp, chủ yếu lợi dụng giá nhân công rẻ, xuất thô tài nguyên… nên hiệu quả kinh tế kém. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được đề ra từ ba năm nay, nhưng thực hiện còn ít, do cả vướng mắc về nhận thức và tổ chức thực hiện trong bối cảnh khó khăn chung.

Gia nhập WTO mới là điều kiện cần nhưng chưa là điều kiện đủ để Việt Nam hội nhập và phát triển, nếu không có nhận thức đúng của các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Việt Nam có thể không tận dụng được lợi thế mở ra như Trung Quốc 10-12 năm trước, mà còn có thể gặp khó khăn do mở cửa thị trường trong WTO. Hội nhập cũng có những mặt trái, nhất là khi đa phần doanh nghiệp trong nước vẫn còn quá nhỏ bé, sức “đề kháng” còn yếu trước sự cạnh tranh gay gắt, khoa học công nghệ được các đối tác không ngừng ứng dụng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp đang thua ngay trên “sân nhà”, đặc biệt ở lĩnh vực tài chính và dịch vụ, tới đây nếu không biết đối phó, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị “chết chìm”.

Việt Nam đang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, với mục tiêu thực hiện những đột phá về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời sẽ phải thực hiện đầy đủ hơn các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong khuôn khổ WTO, khu vực và song phương. Một số các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mới quan trọng như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ được đàm phán, ký kết và đi vào thực thi, với phạm vi rộng hơn và mức độ cam kết mở cửa cao hơn.

Một số giải pháp

Trong điều kiện mới, các nhà nghiên cứu Việt Nam (trong đó có Nhóm nghiên cứu đánh giá tổng kết tình hình sau 5 năm gia nhập WTO) đã đề xuất 4 nhóm khuyến nghị để trình Chính phủ gồm: các nhóm chính sách kinh tế, nhóm chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm chính sách xã hội, nhóm chính sách liên quan đến thể chế.

Với nhóm các chính sách kinh tế, đã đề cập mạnh đến việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; giải quyết vấn đề nhập siêu một cách cơ bản để đến năm 2020 đạt được cân bằng cán cân thương mại một cách bền vững, kết hợp với việc nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở 3 cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và từng mặt hàng. Sớm triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 (theo Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ), với sự chỉ đạo tập trung thống nhất. Bên cạnh đó là đề ra các chính sách phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, sử dụng có hiệu quả ODA và cương quyết loại bỏ các dự án FDI không mang lại lợi ích quốc gia. Điều chỉnh cơ cấu FDI theo hướng tăng tỷ trọng dòng vốn vào các ngành sản xuất, đầu tư phải đi kèm với tăng năng lực sản xuất, tạo lợi thế xuất khẩu, tăng cường sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Gắn chiến lược thu hút vốn (cả ODA, FDI và các nguồn vay khác) với giám sát quá trình thực thi, hoạt động của các dự án, kiểm soát tốt hơn vấn đề nợ công và nợ quốc gia đang tăng lên, do điều kiện vay khó khăn hơn, khi Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình (dù còn thấp, khoảng 2.000 USD/người). Điều chỉnh lại cơ chế phân cấp đầu tư, trong đó có phân cấp đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia các dự án ODA. Mặt khác ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tiết kiệm nội địa, thu hút đầu tư từ mọi nguồn vào phát triển kết cấu hạ tầng, các ngành, lĩnh vực, tháo gỡ các ách tắc, yếu kém của nền kinh tế, vùng sâu, vùng xa, các trung tâm công nghiệp lớn, các dự án tạo nhiều việc làm. Các tiêu chí thẩm định dự án phải gắn với chất lượng và tính bền vững của dự án, trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư.

Trong nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, các nhà khoa học trong khi nhắc nhở nhiệm vụ kiềm chế lạm phát đã đề xuất chính sách tỷ giá cần được định hướng trong một khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô chung theo hướng: giúp duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế; tạo đủ dư địa dao động tỷ giá qua đó tăng tính linh hoạt cho chính sách tiền tệ và vai trò đưa ra tín hiệu trên cơ sở thị trường của tỷ giá; chủ động và tích cực hợp tác với các nước trong khu vực nhằm ứng phó với những rủi ro chung đối với an ninh tài chính và tiền tệ ở cấp độ khu vực. Đồng thời cũng chú ý toàn bộ các vấn đề giá (hàng hóa và dịch vụ, sức lao động, giá vốn - lãi suất…) và đưa vào những cải cách mạnh hơn để cải thiện khu vực công và khuyến khích khu vực tư và các doanh nghiệp cổ phần cùng phát triển.

 Trong nhóm chính sách xã hội cần tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả đào tạo, chú trọng các nhóm người lao động yếu thế; nâng cao tính cạnh tranh của lao động Việt Nam; chú trọng phát triển việc làm; hỗ trợ người lao động tiếp cận hệ thống an sinh xã hội. Đa dạng hóa và phát triển có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với thể chế kinh tế, cần áp dụng các giải pháp giảm nghèo nhanh, toàn diện và bền vững, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng thành quả của quá trình tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về hạ tầng phục vụ sản xuất xuất khẩu, đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến nông - lâm - ngư, tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp phải “nhìn xa trông rộng” để thấy rằng xu hướng thế giới bây giờ là sản xuất những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Sau khủng hoảng kinh tế, các nước chủ trương hạn chế chiến lược hướng quá mạnh vào xuất khẩu. Phương tiện thanh toán quốc tế đang có sự dịch chuyển khi đồng USD, đồng euro đang khủng hoảng, đồng yên lên cao... và đồng nhân dân tệ đang mạnh lên. Trước những đổi mới mạnh mẽ ở Trung Quốc sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII cũng đòi hỏi nước ta có những đối sách tương xứng để cùng thắng trong hội nhập và phát triển.

Với việc Quốc hội thông qua Hiến pháp mới và hàng loạt luật mới, trong đó có Luật đất đai, môi trường thể chế có hy vọng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, mở đường cho sự phát triển mạnh hơn của đất nước trong những năm tới.

GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái 

Bình luận