Kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng với bảo vệ Tổ quốc
Quan điểm lý luận về kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của Đảng ta được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI là xuất phát từ việc nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh quy luật xây dựng CNXH đi đôi với bảo vệ Tổ quốc XHCN. Kế thừa, phát triển và nâng lên một trình độ mới quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước trong quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước XHCN trong nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận từ thực tiễn nhận thức và tổ chức triển khai công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua gần 30 năm đổi mới đất nước, nhất là 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX). Đồng thời, còn xuất phát từ bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước và yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong điều kiện mới.
Kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thể hiện ở chỗ, lấy xây dựng để bảo vệ, xây dựng cũng là một phương thức hữu hiệu để bảo vệ, trong xây dựng có bảo vệ, trong bảo vệ có xây dựng. Xây dựng đất nước vững mạnh, kinh tế phát triển bền vững, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng nâng cao, tình hình chính trị xã hội ổn định… là tạo điều kiện vững chắc cho bảo vệ Tổ quốc. Khắc phục, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu về kinh tế là tạo điều kiện vững chắc cho bảo vệ. Bảo vệ tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng; và bản thân lực lượng trực tiếp bảo vệ cũng phải tham gia xây dựng đất nước; tăng cường quốc phòng, an ninh là trực tiếp nhằm giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, tạo sức mạnh cần thiết để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, cũng là tạo điều kiện cho đất nước sự phát triển bền vững.
Kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới phải được thể hiện ở chỗ: Mỗi bước phát triển, mỗi thành tựu, kết quả đạt được của nhiệm vụ xây dựng CNXH là tăng thêm một bước cơ sở sức mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN; ngược lại, mỗi thành quả giành được trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN là tạo ra được một sức mạnh mới đảm bảo cho nhiệm vụ xây dựng CNXH từng bước giành được thắng lợi và nhằm tới mục tiêu chung là xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, quốc phòng và an ninh với kinh tế trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH. Kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường sức mạnh QP-AN trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước. Coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, không có nghĩa coi nhẹ nhiệm vụ củng cố, tăng cường QP-AN; xác định bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ “trọng yếu thường xuyên” không có nghĩa là không tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, thậm chí cả những nhận thức chưa đúng về kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Trong đó, cần quan tâm đến những biểu hiện nhận thức tách rời giữa xây dựng với bảo vệ, bảo vệ với xây dựng; tuyệt đối hóa mặt xây dựng và xem nhẹ, không quan tâm đầy đủ đến mặt bảo vệ, ngược lại, tuyệt đối mặt bảo vệ mà không quan tâm đầy đủ đến mặt xây dựng, từ đó dẫn tới những lệch lạc trong xác định chủ trương, phương hướng, kế hoạch và cả trong tổ chức chỉ đạo thực tiễn làm suy giảm sức mạnh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.
Kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới không chỉ được thể hiện trong quá trình nhận thức lý luận, mà còn phải được thể hiện trong quá trình tổ chức thực tiễn hoạt động xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Cần phải được cụ thể hóa trong các chiến lược phát triển KT-XH và trong quá trình xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Trong các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển KT-XH phải quan tâm đến việc kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới phải được quan tâm giải quyết ở tất cả các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong mỗi tổ chức, mỗi con người.
Cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm, phương châm, nội dung, giải pháp kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN phù hợp với sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực, trong nước; yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Trên cơ sở đó mà nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động thực tiễn kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Cần nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực hoạt động trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và tổ chức triển khai trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Thường xuyên quan tâm tổng kết thực tiễn, phát hiện và nhân rộng những mô hình tiên tiến, những cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức thực hiện kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế phối, kết hợp giữa các bộ, ban, ngành, giữa các tổ chức trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị xã hội trong tổ chức thực hiện kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới. Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các ban, ngành hằng năm cần xây dựng kế hoạch đầu tư, đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí tho việc tổ chức nghiên cứu lý luận và triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các ban, ngành cụ thể.
Để thực hiện tốt việc kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới cần quan tâm đến một số vấn đề sau đây: Quan tâm xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới kết hợp với bảo vệ Đảng, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; chăm lo xây dựng đội ngũ đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là “đầy tớ” trung thành của nhân dân. Mặt khác, phải xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tăng cường cải cách hành chính trong bộ máy Nhà nước. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước vừa có đức, vừa có tài, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, nhất là phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp, tác phong công tác, xứng đáng là “công bộc” của dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, nhất là trong bộ máy Đảng và Nhà nước, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên để không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần có những chủ trương, chính sách để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo. Quan tâm giải quyết tốt những vấn đề xã hội, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm, xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, nhằm huy động sức mạnh của nhân dân cả trong nước và ngoài nước trong kết hợp xây dựng CNXH với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Theo Báo Quân đội nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực