Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 -23/11/2022): Ông Sáu Dân - người tin dân và được dân tin

Ngày đăng: 18/11/2022 - 00:11

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt - người con của quê hương Vĩnh Long kiên cường, nhiều hoạt động, nhiều bài viết khiến chúng ta đau đáu nhớ về ông, một trong những bậc hiền tài của thời đại Hồ Chí Minh.

1.Với 86 tuổi đời, 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đi qua hai cuộc kháng chiến và trong chặng đường đầu đi lên chủ nghĩa xã hội, có nhiều năm là người đứng đầu Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định - TPHCM.

Đó là hai thời kỳ gian khó, thử thách bản lĩnh, tài năng của nhà lãnh đạo, nhưng ở cương vị nào và giai đoạn nào ông cũng để lại dấu ấn. Nhiều người cho rằng, ông như nắm giữ phép thần thông và hóa giải tốt những vấn đề nhạy cảm. Và điều mà chúng ta cảm nhận được: ông là người rất tin dân và rất được dân tin.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, ông đã hoạt động ở chiến trường miền Nam, hoạt động ở địa bàn nông thôn, đô thị, không ngại đi đường “hợp pháp” qua vùng địch kiểm soát, kể cả đi trên tàu không số…

Chiếc áo giáp thần kỳ của lòng dân, của sự mưu trí, sáng tạo của nhân dân đã bảo bọc, che chở cho ông. Dấu ấn của Bí thư Khu ủy, Thành ủy Võ Văn Kiệt để lại trong những năm 1960-1970 là: Đề nghị sáp nhập Gia Định vào Sài Gòn - Chợ Lớn, tạo thế chiến lược chiến tranh nhân dân; xây dựng phong trào đấu tranh đô thị mạnh mẽ; xây dựng lực lượng vũ trang đặc trưng đô thị như lực lượng biệt động; hình thành hệ thống căn cứ “vành đai đỏ” làm bàn đạp tấn công vào nội thành; vai trò của Bộ Chỉ huy tiền phương trong Tổng tấn công, nổi dậy 1968 và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.

Trong những năm đầu giải phóng - “Đêm trước của đổi mới”, dấu ấn của Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt là việc cứu đói cho dân, cứu lấy nhà máy vì thiếu nguyên vật liệu sản xuất, tìm cách có vốn, có ngoại tệ, tổ chức xuất nhập khẩu trong điều kiện bị bao vây cấm vận. “Chủ tịch gạo”, “Bí thư xé rào”… cùng những chính sách cho phép các thành phần kinh tế hoạt động gắn với tên tuổi Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân.

Với tất cả sự nhiệt thành, ông Sáu Dân kêu gọi sự đồng thuận, sự đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, kể cả những người trước đây làm việc cho chế độ cũ. Ông lắng nghe nguyện vọng của người dân và tập hợp được ý kiến nhân tài thuộc mọi tầng lớp trong xã hội với thái độ chân tình, cởi mở, thật lòng.

Ông cho rằng, đại đoàn kết toàn dân tộc xuất phát từ niềm tin sâu sắc: Yêu nước không là độc quyền của riêng ai, Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam, phải vượt lên trên những sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến, chung lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đồng chí Võ Văn Kiệt và các gương mặt tiên tiến trong lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM. Ảnh: TƯ LIỆU

2. Có 3 bài học rất tâm đắc về ông Sáu Dân, đó là bài học gần dân, sâu sát thực tiễn; bài học về sự lắng nghe; và ra quyết định. Gần dân, sâu sát thực tiễn là phong cách của ông. Chính vì vậy, ông là một nhà lãnh đạo rất giỏi về chỉ đạo thực tiễn, luôn phát hiện vấn đề, cái mới, cách giải quyết những bài toán khó.

Theo ông, trước khi chưa quyết định thì phải nghe kỹ - nghe ngược, nghe xuôi các nhà nghiên cứu, quản lý…, nghe cơ sở, nghe góp ý của dân, nghe cho được sự thật, nghe xốn lỗ tai cũng được. Nhưng khi ra quyết định thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi. Lúc làm Bí thư Thành ủy TPHCM, ông đã không sợ mất chức khi kiên quyết cho mua lúa giá cao. Đến khi làm Thủ tướng, nhiều công trình như đường dây 500KV cũng là những công trình mà ông đã lắng nghe và dám quyết vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Nếu cho rằng khả năng quy tụ là thách thức lớn về năng lực quản lý, lãnh đạo thì đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt đã vượt lên thách thức ấy bằng tài năng, đức độ, bằng tấm lòng, bằng tất cả sự bao dung. Người lãnh đạo ấy đã không đứng quá cao và quá xa, mà đứng rất gần với tất cả mọi người.

Nâng niu và tin yêu biết mấy khi ông Sáu Dân nói với các em thiếu nhi rằng: “Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em”. Cởi mở và chân tình biết mấy khi ông nói với các bạn trẻ còn mang mặc cảm rằng: “Không ai lựa cửa để sinh ra”. Trân trọng và như muốn trao gửi bao điều tin cậy cho lớp người kế thừa: “Kính chào thế hệ thứ tư”.

Rõ ràng và thân thương quá đỗi khi ông nói với đội ngũ trí thức: “…Yêu nước là đứng hẳn về phía dân tộc và nhân dân, đứng hẳn về phía tương lai, vì thực chất cao quý của trí thức loài người, vì một quan niệm mới về tài năng và trí tuệ, giải quyết đúng đắn nhất đối với quan hệ giữa cá nhân mình và tập thể”. Biết bao trìu mến khi ông động viên các văn nghệ sĩ hãy hiến dâng nhiệt tình lớn, trách nhiệm cao, vì tình yêu đất nước, vì niềm vui con người, vì mùa xuân của nghệ thuật…

3. Ở vào thời điểm khó khăn, có lúc kinh tế bị khủng hoảng nhưng người dân vẫn tin vào người lãnh đạo, tin vào tương lai và các phong trào vẫn luôn rất khí thế. Trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có phong trào thi đua để có thêm sản phẩm, thanh niên có phong trào thanh niên xung phong, tình nguyện đi bảo vệ biên giới và đến các công trường thanh niên, cùng các phong trào “Ánh sáng văn hóa”, “Lớp học tình thương”, và phong trào “Kế hoạch nhỏ” của thiếu nhi… Các phong trào đi vào cuộc sống, cuốn hút sức trẻ, sức dân. Mọi người làm việc không đòi hỏi thiệt hơn và rất tự giác.

Dù rất bận, nhưng chỗ này, chỗ kia đều thấy có bóng dáng của người lãnh đạo. Hơi thở cuộc sống như luôn hòa quyện với tâm huyết người lãnh đạo. Một khi dân tin vào người lãnh đạo, vào tổ chức cách mạng thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn. Ông Sáu Dân cho rằng, nếu quy tụ được sức người thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể quy tụ, con người mà không quy tụ thì nguồn lực khác cũng rơi rụng.

Ông đặc biệt thương yêu, trân trọng và tìm cách phát huy người trẻ, cán bộ trẻ; luôn muốn tạo cho họ cảm giác công bằng, không để mặc cảm bởi “lý lịch” hay quá khứ lỗi lầm; luôn muốn đánh thức mọi tiềm năng, khát vọng trẻ.

Nhớ đồng chí Võ Văn Kiệt là nhớ về một nhà lãnh đạo tài năng, đầy bản lĩnh và nhân cách, luôn dấn thân và kiến tạo, nơi gặp gỡ của tấm lòng và niềm tin. Một nhà lãnh đạo có phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, có phương pháp hòa mình vào dân và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Một nhà lãnh đạo có sức cảm hóa và thu phục nhân tâm với tinh thần hòa hợp dân tộc sẽ tạo nên sự đồng thuận vì sự phát triển đi lên của đất nước. Điều mà ông Sáu Dân luôn tâm đắc là sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc là động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước.

Theo SGGP

Bình luận