Lựa chọn và giải pháp nào cho nền kinh tế xanh Việt Nam? (Phần I)
LTS: Kinh tế xanh được Liên Hiệp Quốc định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Một nền kinh tế xanh được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất.
Hiện nay, phát triển kinh tế xanh là sự lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Hiệu quả và mô hình thành công từ chiến lược phát triển kinh tế xanh trên thế giới là không thể phủ nhận dưới nhiều khía cạnh: kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên, thói quen tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh…Là một trong năm quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam không thể chần chừ hơn nữa trong sự chuyển dịch xanh hóa nền kinh tế vốn có nhiều lợi thế.
Bài viết này tập trung giải quyết các vấn đề: 1) Lí thuyết và thực tiễn về kinh tế xanh trên thế giới và Việt Nam; 2) Vì sao phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế xanh trong quá trình phát triển đất nước; 3) Giải pháp nào cho phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam?
1. Kinh tế xanh là gì ?
Theo UNEP, kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng kinh tế gắn với giảm phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Kinh tế xanh phải là nền kinh tế với con người là trung tâm, trong đó các chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thúc đẩy nền kinh tế xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản bảo đảm tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.
Với quan điểm đó, kinh tế xanh đã đặt con người vào vị trí trung tâm, trong đó các chính sách do con người hoạch định tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thông qua việc đẩy mạnh nền kinh tế xanh và cải tổ quản lý môi trường, con người đã bảo đảm được hai nhân tố căn bản của tiến trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung.
Nền kinh tế xanh được đo lường thông qua hệ thống các nhóm chỉ số, cụ thể như sau:
- Nhóm chỉ số về môi trường (chỉ số sử dụng tài nguyên hiệu quả, chỉ số về ô nhiễm của ngành hoặc toàn bộ nền kinh tế,…).
- Nhóm chỉ số kinh tế (chỉ số về tỷ lệ đầu tư, tỷ lệ sản lượng và việc làm trong các lĩnh vực đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững như GDP xanh, GDP,…).
- Nhóm chỉ số tổng hợp về tiền bộ và phúc lợi xã hội (chỉ số về kinh tế vĩ mô dành cho môi trường, phúc lợi xã hội trên đầu người,…).
2. Vì sao phải lựa chọn nền kinh tế xanh ?
Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế xanh đã có những vai trò chính yếu sau:
- Thúc đẩy quá trình phát triển bền vững:
Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Phát triển bền vững đòi hỏi sự tiến bộ và tăng cường sức mạnh của cả ba yếu tố có tính chất phụ thuộc và tương hỗ: kinh tế - xã hội - môi trường. Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể là một động lực quan trọng trong nỗ lực này. Thay vì bị coi như là nơi hấp thụ chất thải tạo ra bởi các hoạt động kinh tế một cách thụ động, thì môi trường trong nền kinh tế xanh được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Trong nền kinh tế xanh, nhân tố môi trường có khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Khi mà sinh kế của một bộ phận người dân có mức sống dưới mức nghèo khổ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, hơn nữa họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng góp phần cải thiện sự công bằng xã hội, và có thể được xem như là một hướng đi tốt để phát triển bền vững. Cách thức để áp dụng mô hình kinh tế xanh đối với một quốc gia có thể rất khác nhau; điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đặc điểm địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực con người - xã hội và giai đoạn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những nguyên tắc quan trọng bao gồm bảo đảm phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái thì vẫn luôn luôn không thay đổi.
- Tạo ra việc làm và giải quyết nạn thất nghiệp:
Nền kinh tế xanh có khả năng tạo ra việc làm trong một loạt các lĩnh vực mới nổi và nhiều tiềm năng, chẳng hạn như nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, giao thông công cộng, cải tạo các khu công nghiệp, tái chế... Một công việc tốt được hiểu như là công việc có năng suất lao động cao, cùng với hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ở mức thấp, góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng và giúp bảo vệ môi trường. Đã có rất nhiều những việc làm xanh như vậy được tạo ra, đặc biệt là trong ngành năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để bảo đảm một quá trình chuyển đổi nhịp nhàng sang nền kinh tế xanh, cần thiết phải có nỗ lực phối hợp trong việc tạo ra việc làm. Các chính sách về xã hội sẽ cần phải được phát triển cùng với các chính sách về môi trường và kinh tế. Để bảo đảm một quá trình chuyển đổi nhịp nhàng, nhà nước cần tập trung vào các vấn đề quan trọng và cấp thiết, như đầu tư vào những kỹ năng mới, carbon thấp; hay nghiên cứu các chính sách cần thiết để điều chỉnh việc làm trong các lĩnh vực chủ chốt như năng lượng và giao thông vận tải.
- Bảo vệ đa dạng sinh học và tạo cơ hội phục hồi cho các hệ sinh thái trên phạm vi toàn cầu:
Suy giảm đa dạng sinh học làm giảm phúc lợi của một bộ phận dân số thế giới, trong khi một bộ phận dân số khác gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn vì đói nghèo. Nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các hệ sinh thái điều hòa khí hậu và có thể dẫn đến những biến đổi không thể lường trước. Hơn nữa, hệ sinh thái là nguồn cung các nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế. Bởi những lý do này mà việc gìn giữ và bảo vệ các hệ sinh thái là trọng tâm của Chương trình nghị sự kinh tế xanh. Ngoài ra, đầu tư xanh cũng nhằm giảm những hệ quả tiêu cực do các yếu tố bên ngoài gây ra bởi việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.Ví dụ, đầu tư vào bảo vệ rừng không những duy trì một loạt các ngành và sinh kế của con người mà còn bảo tồn 80% các loài trên cạn. Bằng cách thúc đẩy đầu tư vào lâm nghiệp xanh, Chương trình nghị sự kinh tế xanh sẽ góp phần ổn định đời sống kinh tế của hơn một tỷ người hiện đang sinh sống bằng các sản phẩm từ gỗ, giấy và chất xơ, với tổng thu nhập chỉ chiếm 1% GDP toàn cầu.
- Tiếp cận và khai thác các công nghệ sạch hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm đáng kể lượng chất thải so với công nghệ cũ:
Bảo đảm an ninh lương thực nhờ phát triển nông nghiệp xanh nói riêng và nền kinh tế xanh nói chung. Bảo đảm an ninh vốn, năng lượng, tài nguyên, giảm các chi phí đầu tư và chi tiêu cho lĩnh vực giáo dục, y tế cộng đồng, phúc lợi xã hội.
- Giảm thiểu lượng khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên toàn cầu:
Việc lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế xanh sẽ đồng nghĩa với việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng ít gây ô nhiễm môi trường trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Các nguồn năng lượng truyền thống, thâm dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ được giảm dần và thay thế bằng các nguồn năng lượng cho ít chất thải và an toàn hơn đối với cuộc sống. Chính lựa chọn thông minh này đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu lượng các khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu hay ít ra đã thay đổi được hành vi, thói quen của doanh nghiệp và người tiêu dùng xanh.
- Xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận dân cư:
Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn được sử dụng như là cách thức phổ biến nhất để đánh giá một nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng đó thườngđược tạo ra thông qua việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vốn là tài sản “chung” như tài nguyên nước, rừng, không khí. Để có tăng trưởng (theo định nghĩa này), chúng ta phải trả giá rất đắt trên cả hai phương diện kinh tế và xã hội, đặc biệt là một bộ phận những người mà sinh kế của họ phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn lực môi trường. Suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái đang ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt cá, lâm nghiệp - sinh kế của đa số dân nghèo trên thế giới phụ thuộc hầu hết vào các ngành này. Một điều quan trọng nữa là với mục đích tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và cải thiện cơ sở hạ tầng. Hướng tới nền kinh tế xanh được coi như là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như cung cấp các nguồn năng lượng có khả năng hỗ trợ cho 1,4 tỷ người hiện đang thiếu điện và cho hơn 700 triệu người khác hiện đang không được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại. Công nghệ năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các chính sách hỗ trợ năng lượng hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể cho việc cải thiện đời sống và sức khỏe cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là cho những người hiện đang không có khả năng tiếp cận với năng lượng. Một điều khác mà chúng ta cần cân nhắc là việc ngừng hoặc chuyển hướng các khoản trợ cấp cho những hoạt động có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Trên thực tế, khoảng 700 tỷ USD được chi ra mỗi năm bởi các chính phủ trên khắp thế giới để trợ cấp cho việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch; khoản chi này lớn gấp năm lần tổng số tiền dành cho hỗ trợ phát triển. Phần lớn nguồn trợ cấp được phân bổ đến chính phủ các nước đang phát triển, trong nỗ lực làm dịu cú sốc tăng giá nhiên liệu đối với người nghèo. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch là không hiệu quả đối với người nghèo, thường họ được hưởng lợi không tương xứng so với các nhóm có thu nhập cao hơn. Gỡ bỏ các khoản trợ cấp gây hại môi trường hoặc thay thế bằng các loại hỗ trợ hướng đến các mục tiêu cụ thể hơn, chẳng hạn như hỗ trợ bằng hình thức chuyển tiền mặt, là cách tốt để góp phần thực hiện mục tiêu xã hội, đồng thời nới lỏng các hạn chế về mặt tài chính và cải thiện môi trường.
- Mở ra thị trường mới, đầy tiềm năng bằng cách kích cầu hàng hóa và dịch vụ là sản phẩm của công nghệ xanh.
Phát triển kinh tế xanh sẽ góp phần thúc đẩy hoại động “mua sắm xanh”. Mua sắm xanh hiện nay đã được nhiều quốc gia thực hiện và đang trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tại Hội nghị Trái đất Rio 20+ diễn ra tại Braxin vào tháng 12-2012, Sáng kiến mua sắm công bền vững (SPPI) đã được nhiều chính phủ và tổ chức trên thế giới tự nguyện ký kết thực hiện. Phát triển dịch vụ mua sắm xanh sẽ kích thích tăng số lượng và chất lượng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, thúc đẩy sản xuất sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường và mua sắm xanh chính là một trong các biện pháp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, hình thành một loại thị trường mới, kích thích sự gia tăng phát triển của các hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao, bảo đảm yêu cầu để tham gia vào chuỗi giá trị trong quá trình thực hiện mua sắm xanh của chính phủ, các tổ chức và cá nhân các hộ gia đình.
3. Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh trên thế giới và Việt Nam?
- Trên thế giới:
Nhiều mô hình phát triển kinh tế xanh trên thế giới đã và đang được triển khai với quy mô ngày càng sâu và rộng, hiệu quả và cải thiện chính sách không ngừng gia tăng. Trên thế giới, mô hình phát triển kinh tế xanh đã thành công trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, quy hoạch đô thị,…
+ Lĩnh vực năng lượng: Là một quốc gia đang phát triển, từng được xem là công xưởng của thế giới, Trung Quốc cần rất nhiều năng lượng cho sản xuất kinh tế. Nhiều chuyên gia từng ví rằng, Trung Quốc là cái túi không đáy hứng các nguồn năng lượng từ các nơi trên thế giới đổ về. Tốc độ tăng trưởng năng lượng thường đạt 2 con số / năm, do vậy việc tìm các nguồn năng lượng xanh thay thế là giải pháp sống còn của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Cho đến nay, Trung Quốc đã tự chủ được nguồn năng lượng, bước đầu xuất khẩu năng lượng sang các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Tỷ trọng đóng góp từ các nguồn năng lượng xanh trong cơ cấu năng lượng quốc gia đã gia tăng. Xã hội hóa trong đầu tư cho nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng xanh, giá rẻ tại Trung Quốc là lựa chọn được Chính phủ và doanh nghiệp năng lượng áp dụng thành công. Ngoài Trung Quốc, Tunisia, Hàn Quốc cũng là những quốc gia thành công trong lĩnh vực năng lượng khi chọn xu hướng phát triển kinh tế xanh trong tìm kiếm và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cho nhu cầu năng lượng của nền kinh tế tăng trưởng nhanh như hiện nay.
+ Lĩnh vực nông nghiệp: Israel, Pháp là những nước công nông nghiệp có trình độ phát triển rất cao. Họ đã lai tạo thành công các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao và phẩm chất tốt. Công nghệ lai tạo gien đã đóng vai trò quan trọng tạo ra các giống tốt, kháng bệnh, kháng vi rút, chu kỳ canh tác ngắn, lợi nhuận cao,… Bên cạnh đó, cho đến nay họ đã hiện đại hóa và tự động hóa hầu hết các công đoạn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn gien quý hiếm thuần chủng với các ưu thế lai vượt trội bên cạnh việc tận dụng các ưu thế lai thích nghi của những giống bản địa. Tuy giá thành của nông sản khá cao, quy trình sản xuất phức tạp nhưng chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp và người sản xuất gia tăng lợi nhuận, thu hồi vốn nhanh và có thể nhân rộng ra các khu vực khác.
Sử dụng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra thói quen và định hướng tiêu dùng cho người tiêu dùng xanh. Trong tương lai, một khi nhiều khía cạnh của lĩnh vực nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất thực tiễn sẽ góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, hạ thấp nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm xanh tại các nước đang phát triển, giảm đáng kể tỷ lệ thiếu lương thực cho cộng đồng thế giới,… Sản lượng lương thực tại nhiều khu vực, quốc gia như Uganda, Ấn Độ,… tăng lên nhờ lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp xanh. Nói cách khác, an ninh lương thực được tăng cường sẽ góp phần ổn định kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.
+ Lĩnh vực lâm nghiệp: Là quốc gia nằm ở khu vực phân bố lượng mưa khá cao, mức độ phục hồi các hệ sinh thái lớn, diện tích rừng nguyên sinh còn khá nhiều, Nepal đã lựa chọn phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp. Chiến lược này không chỉ có sự tham gia từ các cơ quan chức năng mà các tầng lớp dân chúng cũng hưởng ứng nhiệt tình, phù hợp với tâm thế của toàn dân.
Phát triển rừng và nghề rừng ở Nepal mang ý nghĩa sống còn đối với đất nước. Địa hình tự nhiên phân bậc khá rõ ràng, lượng mưa hằng năm lớn, nếu không bảo vệ lớp phủ thực vật bề mặt, các hoạt động kinh tế và môi trường tự nhiên sẽ chịu tác động không nhỏ đến từ những thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xói mòn, sạt lở,… gây biến dạng địa hình mà thiên nhiên phải mất hàng tỉ năm hình thành. Tương tự Nepal, Ecuador cũng là quốc gia được xem là thành công trong việc khai thác, khôi phục và sử dụng hệ thống rừng quốc gia trong phát triển kinh tế xanh. Họ phát triển lĩnh vực lâm nghiệp hiệu quả kết hợp với khai thác phù hợp (du lịch nghiên cứu, khám phá theo hướng phát triển du lịch sinh thái,…), ít tác động đến thiên nhiên nên giá trị mang lại từ lĩnh vực này tăng nhanh qua các năm.
+ Lĩnh vực đô thị: Là những quốc gia đông dân, tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, tốc độ đô thị hóa cao, bài toán quy hoạch hệ thống đô thị của Brazil và Ấn Độ đặt lên vai các nhà quản lí và toàn thể cộng đồng. Bên cạnh việc cải thiện hạ tầng các đô thị hiện có, đáp ứng nhu cầu nhà ở vốn dĩ rất khó khăn, các nước trên đã thành công trong việc xây dựng các đô thị xanh, đô thị sinh thái hiện đại, tạo các khu sinh sống xanh – sạch – đẹp.
Nhiều đô thị mới hình thành đã đáp ứng đầy đủ tiện nghi của người dân tại Brazil, Ấn Độ, Mỹ, đồng thời là các đô thị được quy hoạch, thiết kế, thi công và vận hành với nguồn nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch và hiệu quả cao. Nhiều đô thị đã tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo để tự vận hành các toà nhà chọc trời, ít tác động đến môi trường, sử dụng các phương tiện, thiết bị chiếu sáng kĩ thuật cao, ít tốn năng lượng nhưng cho hiệu suất cao.
- Việt Nam:
Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển, gặp khá nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta chỉ dừng lại ở các hoạt động phát triển theo chiều hướng kinh tế xanh ở quy mô nhỏ, đơn lẻ trên một số lĩnh vực (nông nghiệp, năng lượng, du lịch, sản xuất công nghiệp…).
Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều nhưng đầu ra còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của một nước nông nghiệp có dân số đông. Thói quen tiêu dùng các sản phẩm xanh từ nền nông nghiệp xanh của người tiêu dùng thông minh chưa hình thành đến từng hộ gia đình vì bình quân thu nhập đầu người chưa cao, chưa phân định rạch ròi các dòng sản phẩm xanh và các sản phẩm truyền thống được sản xuất theo quy trình thông thường trong giá cả, quảng bá, sản xuất và cung ứng ra thị trường.
Xu hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững đặt ra trong thời gian gần đây được xem là thành công về hướng đi nhưng chưa được áp dụng rộng rãi nhiều nơi trong ngành công nghiệp không khói nhưng nhiều rác. Tâm thế và thói quen thưởng thức, tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch của du khách đã được cải thiện đáng kể.
Nền kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tiêu hao năng lượng hoặc sử dụng năng lượng xanh (năng lượng gió, năng lượng mặt trời,…), một số sản phẩm làm ra ổn định chất lượng được xuất khẩu, cạnh tranh và xâm nhập vào những thị trường khó tính với tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt.
Một số khu đô thị mới hình thành tại các thành phố lớn mang hơi hướng của đô thị xanh, đô thị sinh thái nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ là một trở ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần kiên trì thay đổi tư duy và thói quen sử dụng không gian xanh sẽ góp phần hình thành các đô thị xanh – sạch – đẹp trong tương lai.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng những địa bàn trọng điểm của nền kinh tế xanh (cao nguyên Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đảo Phú Quốc). Đây là địa bàn có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước, nơi ăn chốn ở, duy trì văn hóa bản địa, kiểm soát thiên tai, giá trị quốc phòng, góp phần giảm thiểu tác hại của hiệu ứng nhà kính…
(Còn nữa...)
ThS. Vũ Văn Nâm
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực