Làm sao lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn

Ngày đăng: 08/06/2012 - 09:06

 Sau mấy ngày nghe các đồng chí trong Bộ Tham mưu Miền báo cáo, ngày 7 tháng 4, chúng tôi dự họp với Trung ương Cục và Quân ủy Miền. Trong buổi họp hôm đó có các đồng chí Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Phan Văn Đáng (Hai Văn), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Phạm Văn Xô (Hai Xô) và các đồng chí Trung tướng Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền, Thiếu tướng Lê Văn Tưởng (Hai Lê), Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Miền, Thiếu tướng Đồng Văn Cống, Phó Tư lệnh Miền, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Đại tá Lương Văn Nho và một số cán bộ tham mưu, chính trị, hậu cần...; đồng chí Trung tướng Đinh Đức Thiện cùng dự họp.

Đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, cũng như các đồng chí khác, luôn luôn có phong cách giản dị, một niềm lạc quan sôi nổi, một ý chí quyết thắng sắt đá. Phòng họp luôn có tiếng cười hồn nhiên, thoải mái. Hội nghị đã xem xét kỹ tình hình Nam Bộ, đặc biệt là tình hình thành phố Sài Gòn trong thời cơ thắng lợi chúng ta đã giành được: ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn, giải phóng các tỉnh, thành phố trong hai Quân khu 1 và 2 của địch. Hội nghị nghiên cứu, quán triệt những chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và bàn các biện pháp cần thực hiện nhằm đẩy mạnh hoạt động quân sự, chính trị giành thắng lợi mới, tạo thời cơ và điều kiện cho trận quyết chiến tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giải phóng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Khi bàn đến vấn đề bảo đảm hậu cần, đồng chí Phạm Hùng hỏi tình hình đạn dược của ta chuẩn bị đến đâu rồi, đồng chí Đinh Đức Thiện đưa ra bản thống kê số đạn đã nhận được, số đạn đang chở từ các nơi đến và nói:

- Xin báo cáo với các anh là đạn của ta đủ bắn để nó sợ đến ba đời.

Và mỗi lần bàn đến từng thứ cần thiết chuẩn bị cho chiến dịch, có cái đã gần đủ, có cái còn thiếu nhiều, đồng chí Phạm Hùng lại chỉ thị biện pháp khắc phục, thỉnh thoảng nhắc lại câu nói của đồng chí Đinh Đức Thiện: làm sao cho có, cho đủ và nhanh "để đánh cho nó sợ đến ba đời", khiến cho mọi người trong cuộc họp cười rộ lên.

Trung ương Cục và Quân ủy Miền họp trong không khí khá sôi nổi, náo nức của toàn Miền: Các huyện, tỉnh ở Khu 9, Khu 8 liên tiếp báo về những thành tích chiến đấu và xây dựng trong mấy ngày đầu tháng 4-1975. Trà Vinh cho biết, lúc trước chỉ có hai tiểu đoàn bộ đội địa phương, nay đã tăng lên năm tiểu đoàn rồi. Ở Rạch Giá có xã tuyển trong một ngày được 200 tân binh để lập thêm tiểu đoàn của tỉnh, còn ở mỗi xã có một đại đội du kích. Bộ đội địa phương Quân khu 9 đánh chiếm cứ điểm Cái Vồn. Long An đang mở rộng nhanh vùng giải phóng.

Chiều ngày 7 tháng 4, chúng tôi đang họp thì một chiếc xe gắn máy đến đỗ ngoài sân, chở một đồng chí người dong dỏng cao, mặc áo sơ mi màu xanh da trời, quần kaki, đầu đội mũ cứng bộ đội, vai đeo một chiếc xà cột to, bằng da, màu đen. Chúng tôi nhận ra ngay đấy là đồng chí Lê Đức Thọ. Cả phòng họp náo động, vui lên, mọi người đứng dậy. Chúng tôi ôm hôn nhau, mừng rỡ sung sướng.

Đây là chuyến đi công tác thứ ba vào Nam Bộ của đồng chí Lê Đức Thọ trong 30 năm qua, kể từ khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Có lần đồng chí đi bộ, vượt qua những đoạn đường rừng hiểm trở mang theo cơm nắm, lương khô. Lần này đồng chí đi máy bay, đi xe hơi và đi cả xe gắn máy để vào tới đây.

Đồng chí Lê Đức Thọ tươi cười kể chuyện trong nước, dư luận thế giới trước thắng lợi của ta, chuyện hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cả chuyện đi đường. Đồng chí cho biết: trước khi đồng chí lên đường, Bộ Chính trị và Bác Tôn căn dặn là: "Ra đi thắng mới trở về".

Ngày 8 tháng 4, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh B2, có thêm các cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 25 tháng 3 ở Hà Nội. Đồng chí nói về nhận định của Bộ Chính trị về tình hình địch, ta trên chiến trường, âm mưu của Mỹ - ngụy trước những thất bại vừa qua và nguy cơ sụp đổ sắp đến của chúng. Sau đó, đồng chí nói kỹ về quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, nhấn mạnh đến tư tưởng chỉ đạo để thực hiện bằng được quyết tâm đó.

Cuối cuộc họp, đồng chí phổ biến quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, gồm có tôi làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh làm Phó Tư lệnh. Riêng đồng chí Lê Đức Anh lại kiêm phụ trách chỉ huy cánh quân phía tây nam Sài Gòn, tức là Đoàn 232. Đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn đang chỉ huy cánh quân phía đông cũng được chỉ định làm Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh phụ trách về mặt hậu cần, giúp đồng chí Thiếu tướng Bùi Phùng, Cục trưởng Cục Hậu cần Miền. Đồng chí Trung tướng Lê Quang Hòa đang đảm trách Bí thư Ban Cán sự cánh quân phía đông được điều động về làm Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Đồng chí Lê Ngọc Hiền được chỉ định làm quyền Tham mưu trưởng chuyên trách về tác chiến.

Sau khi nêu những đặc điểm về địch, những mặt cần khắc phục trong trận này ở chiến trường mới và giao nhiệm vụ cho từng quân đoàn, tôi nhấn mạnh thêm, các đồng chí tư lệnh phải nhanh chóng đưa đơn vị đến đúng ngày, tổ chức chỉ huy và thông tin cho chắc, giữ được bí mật mọi hành động của đơn vị trước ngày nổ súng. Phải đặc biệt chú ý giáo dục bộ đội về ý nghĩa quyết định của chiến dịch đối với việc bảo đảm thắng lợi và giữ gìn kỷ luật chặt chẽ, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách khi vào thành phố.

Đồng chí Phạm Hùng, bằng một giọng chân tình, trìu mến nói chuyện với các đồng chí trong Bộ Tư lệnh các quân đoàn trước khi các đồng chí trở về đơn vị triển khai kế hoạch:

"Chúng tôi ở B2 thấy ta thắng to ở Tây Nguyên, ở miền Trung Trung Bộ, chúng tôi mừng lắm, các đồng chí ạ. Và chúng tôi đã thấy thời cơ là giải phóng được cả miền Nam ngay trong năm nay. Giải phóng miền Nam rồi đi tới thống nhất thì đế quốc Mỹ vĩnh viễn không bao giờ trở lại được nữa. Các đồng chí sẽ cùng với chúng tôi, Trung ương Cục, Quân ủy Miền, cùng với quân và dân miền Nam hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Từ khi thành lập Đảng cho đến ngày nay, đây là giờ phút lịch sử vinh quang nhất. Trước kia, Quang Trung đánh quân xâm lược cũng thần tốc lắm nhưng có dừng chân, còn ngày nay nhiều binh đoàn của ta từ ngoài Bắc vào, phối hợp với lực lượng có mặt tại chỗ ở miền Nam thì không phải dừng chân ở đâu hết, đánh đâu được đấy, đánh nhanh, thắng lớn. Sức mạnh của Đảng, của nhân dân yêu nước, của các lực lượng vũ trang nhân dân lớn lắm.

Đảng ta có truyền thống đoàn kết, nhân dân và quân đội ta có truyền thống đoàn kết, Nam - Bắc là một nhà, Việt Nam là một nước. Đây là cơ sở để bảo đảm thắng lợi của chúng ta".

"Chúng tôi hoan nghênh những thắng lợi vừa qua của các đồng chí, hoan nghênh sự có mặt kịp thời của các đồng chí trên chiến trường miền Nam, hoan nghênh các đồng chí đã sẵn sàng để tham dự trận quyết chiến chiến lược lịch sử này, đánh vào dinh luỹ cuối cùng của chủ nghĩa thực dân mới ở nước ta. Xin chúc chúng ta toàn thắng!".

Bằng giọng rất cảm động, đồng chí Phạm Hùng nhắc: "Làm sao lúc kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, chúng ta đã có mặt ở Sài Gòn".

Đại tướng Văn Tiến Dũng

 

Trích trong cuốn sách:   

 Phạm Hùng -  Người Cộng sản  kiên trung Nhà lãnh  đạo có uy tín lớn

 Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật , Hà Nội , 2012, tr. 101.


Bình luận