Thời kỳ Bắc thuộc cho đến triều đại Lý - Trần là một giai đoạn dài và nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam. Năm 938, thời kỳ phong kiến Trung Quốc đô hộ Việt Nam đã chấm dứt với chiến thắng lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, khôi phục nền độc lập và chủ quyền quốc gia. Trải qua các triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, đặc biệt là triều đại Lý - Trần, có thể nói sự phát triển và những thành tựu rực rỡ về nhiều mặt mà các vương triều này xác lập được đã tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển với quy mô lớn hơn trong các thế kỷ sau.
Trong sự phát triển chung của đất nước, sự phát triển về tư tưởng chính trị - xã hội đóng vai trò trọng yếu và mang những đặc điểm riêng của mỗi vương triều. Trải qua nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo đã được truyền vào và nảy mầm trên đất nước ta, những đạo lý, tư tưởng của các tôn giáo này ít nhiều đã có tác động tới người dân đất Việt. Tuy nhiên, với tinh thần, tư tưởng đấu tranh giành độc lập, chống Hán hoá cao độ của nhân dân ta, những tôn giáo này đều phải thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam, hoà nhập với văn hoá truyền thống bản địa.
Sau khi đất nước đã giành được độc lập, chủ quyền, tư tưởng chính trị - xã hội qua các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê chủ yếu hướng tới mục tiêu thống nhất quốc gia và xây dựng nhà nước trung ương tập quyền.
Thời Lý - Trần, chế độ trung ương tập quyền đã khá ổn định và xây dựng được những thiết chế tương đối hoàn bị. Bộ máy chính quyền được thiết lập từ trung ương đến địa phương; thời nhà Lý bắt đầu phát triển hoạt động lập pháp với sự ra đời của bộ Hình thư - bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta. Đặc điểm tư tưởng chính trị - xã hội dưới triều Lý - Trần thể hiện qua tư tưởng dời đô; tư tưởng yêu nước, quyết tâm giành độc lập dân tộc; tư tưởng trọng dân; tư tưởng quân quyền; tư tưởng thần quyền.
Quá trình phát triển tư tưởng chính trị - xã hội nước ta từ thời Bắc thuộc cho đến triều Lý - Trần cũng như đặc điểm tư tưởng chính trị - xã hội của từng triều đại đã được tác giả Lê Văn Quán phân tích, khái quát dựa trên các cứ liệu lịch sử phong phú. Cuốn sách này thể hiện sự nghiên cứu tâm huyết của tác giả, nối tiếp cuốn sách Lịch sử tư tưởng chính trị - xã hội Việt Nam từ tiền sử đến thời kỳ dựng nước đã xuất bản năm 2006. Sách gồm 321 trang, giá 34.000đ.
GIAO LINH