Lê Đức Thọ, người đồng chí mẫu mực, người anh thân yêu của tôi

Ngày đăng: 12/10/2011 - 10:10

Nguyễn Đức Tâm*

abchandungthoCác đảng viên lão thành thường nói mỗi người chúng ta có hai ngày sinh. Ngày sinh thứ nhất là ngày cất tiếng chào đời, sau đó được cha mẹ đặt tên. Ngày sinh thứ hai là ngày trở thành người cộng sản được ghi ngay trang đầu cuốn lý lịch đảng viên.

Đối với tôi, anh Lê Đức Thọ là người quyết định ngày sinh lần thứ hai, là người tạo cho tôi những cơ sở quan trọng đầu tiên để phấn đấu vươn lên và trưởng thành.

Năm 1939, anh Thọ bị đế quốc Pháp bắt lần thứ hai và giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Lúc này, anh đã là một đảng viên 10 tuổi Đảng, còn tôi chỉ mới là một thanh niên 19 tuổi có cảm tình với những người cộng sản.

Năm 1940, sau khi tham gia cuộc mít tinh kỷ niệm tròn 10 năm ngày Xôviết Nghệ Tĩnh, tôi bị bắt và bị kết án 10 năm tù khổ sai và bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội, thì anh Thọ đã bị đày lên Sơn La.

Năm 1941, đến lượt tôi bị đày lên Sơn La, đi đúng theo con đường mà đoàn tù năm trước anh Thọ đã đi. Thật là may mắn như một lương duyên kỳ ngộ, tại Nhà tù Sơn La, nơi hằng ngày diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa những người cách mạng với kẻ thù tàn bạo của dân tộc, lần đầu tiên tôi được gặp anh Lê Đức Thọ lúc đó là Chi uỷ viên của chi bộ nhà tù.

Trong buổi gặp đầu tiên, anh hỏi thăm tôi tỉ mỉ hoàn cảnh bị bắt, gia đình, quê quán. Biết tôi quê Thái Bình, anh nhìn tôi bằng cặp mắt ấm áp và nụ cười hiền từ:

- Tớ quê Nam Định đây. Coi như đồng hương. Lên đây có gì khó khăn cứ nói với tớ.

Lúc này tôi mới 21 tuổi, chưa phải là đảng viên, lần đầu tiên phải lên chốn rừng xanh, núi đỏ, lại phải sống trong cảnh hà khắc của Nhà tù Sơn La, được gặp anh, tôi cảm thấy như có một chỗ dựa vững chắc.

Tôi không ngờ chính cuộc gặp gỡ này đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi.

Bọn đế quốc đày ải người tù chính trị lên Sơn La hoặc các nhà tù khác như Côn Đảo, Buôn Ma Thuột, Kon Tum... chính là nhằm cách ly những người cách mạng ra khỏi nhân dân, nhằm thủ tiêu ý chí đấu tranh và giết dần giết mòn họ bằng chế độ nhà tù hà khắc.

Nhưng những người tù chính trị, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nhà tù Sơn La do đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư, đã dũng cảm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của địch, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi đào tạo cán bộ của Đảng.

Tôi lên Sơn La vừa được vài tháng thì bước ngay vào cuộc đấu tranh lớn của nhà tù ngày 13-5-1941. Cuộc đấu tranh bắt nguồn từ âm mưu của bọn cai ngục luôn tìm cớ khiêu khích để khủng bố tù chính trị.

Thường ngày thì mỗi buổi chiều, anh em tù chỉ phải đi hai chuyến xe nước từ Bản Giảng về nhà tên Công sứ, nhưng chiều ngày 12-5-1941, sau khi đã đi hai chuyến rồi, tên Công sứ Cútxô (Cousseau) lại ra lệnh phải đi thêm chuyến thứ ba. Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo nhà tù là tránh khiêu khích, nên chúng tôi lại đi chuyến thứ ba. Nhưng chuyến thứ ba mới đi đến giữa chừng dốc Bản Giảng thì Cútxô lại cho lính khố xanh ra bảo: để xe nước đấy, sáng mai đi tiếp. Sau khi cơm nước xong, các cửa trại đã đóng được một lúc thì tên cai ngục thường được gọi là "sếp Di" vào mở cửa gọi: Các cậu đi xe nước cho cụ Sứ chiều nay đâu, cụ Sứ bảo phải ra chuyển tiếp xe nước cho cụ Sứ.

Thế là năm anh em chúng tôi: Tâm, Tiến, Chúc, Mao, Khánh ra dốc Bản Giảng đi tiếp xe nước ban chiều. Vừa về trại được một lúc, chưa kịp nghỉ ngơi thì "sếp Di" lại vào mở cửa gọi:

- Các cậu đi xe nước cho cụ Sứ vừa rồi đâu? Cụ Sứ ra lệnh phạt nhốt xuống hầm ngầm vì việc xe nước chiều nay đã bỏ dở một chuyến.

Sau khi xuống hầm ngầm, năm anh em chúng tôi đã quyết định tuyệt thực để phản đối thái độ vô lý của tên Cútxô. Với miếng giấy con và mẩu bút chì, tôi đã viết báo cáo lên Uỷ ban hàng trại về quyết định của chúng tôi.

Trước sự khiêu khích trắng trợn của kẻ thù, Ban lãnh đạo nhà tù quyết định tuyệt thực bắt đầu từ trưa mai để phản đối thái độ vô lý của tên Công sứ Cútxô.

Buổi trưa ngày 13-5-1941, khi đi làm về, cơm đã bày xong ra sân nhưng anh em không ăn và gọi tên Công sứ Cútxô vào đòi thả năm anh em bị giam dưới hầm. Tên Công sứ không chịu. Thế là cuộc tuyệt thực bắt đầu. Nhưng một điều bất ngờ đã xảy ra: Tên Cútxô ra lệnh dồn tất cả anh em ở bốn trại (trại lớn cũ, trại 3 gian, trại 2 gian, và trại căng) tổng cộng hơn 150 người xuống hầm ngầm. Hầm ngầm sâu dưới mặt đất khoảng 2m, có 6 xà lim, mỗi xà lim rộng khoảng 60 cm, dài 2m nhưng trừ đoạn để thùng phân và nước tiểu nên chiều dài, kể cả chỗ gắn cùm, còn khoảng 1,7 - 1,8m chỉ đủ để duỗi chân. Phía bên tay trái (từ cửa hầm đi xuống) có một nền ximăng rộng khoảng 5m2 và một hầm tối cũng rộng khoảng chừng ấy. Diện tích toàn bộ hầm ngầm chỉ có vậy. Ngồi chen nhau cũng đã chật như nêm cối, không có lối len chân, trừ khoảng trống trước cửa hầm tối là có thể nằm được mươi người ngược chiều nhau. Tôi là một trong những người đang bị ốm nên cũng có lúc được ưu tiên cho nằm ở đó.

Trời nóng giữa tháng 5, ngồi suốt ngày đêm chật chội như vậy, lại bị cấm nước nên vô cùng khó chịu. Ngày đầu không có nước uống đã phải đi tiểu để lấy nước uống, nhưng sang ngày thứ hai thì nước tiểu cũng chẳng còn. Do đồng chí Tô Hiệu bị ho lao, không tham gia tuyệt thực lần này thỉnh thoảng tìm cách tiếp tế cho chúng tôi một ít nước, có khi cả một hộp sữa. Sữa thì dành cho người ốm, nước thì chia khoảng 10 - 15 người một lon sữa bò để không phải là uống mà là tẩm đầu lưỡi cho dịu cơn khát một chút. Trong khoảng thời gian đó có một lần mưa rào, thế là bao nhiêu quần áo ném qua chấn song sắt cửa sổ để tẩm lấy nước mưa, kể cả nước qua cống rãnh bẩn nhất chảy ra rồi vắt lấy nước chia nhau mỗi người một chút.

Đói thì còn có thể chịu được nhưng khát thì không thể chịu nổi. Nhiều anh em đã kiệt sức, trong lúc tên Cútxô vẫn không hề tỏ ra một chút nhượng bộ. Kẻ thù muốn nhân dịp này đánh một đòn hiểm ác vào những người cách mạng. Trước tình hình ấy, Ban lãnh đạo nhà tù thấy cần phải lùi một bước kết thúc cuộc đấu tranh, bảo toàn lực lượng, chuẩn bị kỹ hơn cho cuộc chiến đấu sắp tới.

Khi lên khỏi hầm, hầu hết anh em bị say không khí và chói ánh sáng nên choáng váng lăn cả ra trước cửa. Nhiều người không đi được, phải bò vào trong trại nằm.

Tuy cuộc đấu tranh không đạt được yêu cầu đề ra nhưng cũng giành được thắng lợi về mặt tinh thần, dù sao cũng buộc kẻ thù phải kiêng nể anh em. Các quyền lợi dần dần được trả lại như có báo Đông Pháp để đọc, được tự xay thóc, giã gạo, tự nấu ăn lấy...

*

*        *

Lúc tôi lên Sơn La thì anh Tô Hiệu đang là Bí thư chi bộ nhà tù. Lúc này anh đã 31 tuổi, dáng người tầm thước, không gầy lắm, chỉ có ngực lép và da tái xanh. Chiều nào anh Hiệu cũng hâm hấp sốt, đêm mồ hôi trộm đổ ra ướt đẫm lưng áo, càng rét càng ra nhiều, đến nỗi mảng ximăng chỗ anh nằm xỉn dần lại, rửa không sạch.

Phải thường xuyên vật lộn, chống chọi bệnh tật như vậy, nhưng hơi bớt một chút, anh Hiệu lại làm việc miệt mài, cố tận dụng đến cùng thời gian sống còn lại. Ngoài các cuộc họp thường kỳ hoặc bất thường của chi bộ, anh dành thời gian viết tài liệu huấn luyện cho các lớp học chính trị. Nhìn anh cặm cụi ngồi viết hàng giờ, thỉnh thoảng lại ho rũ rượi, mọi người vừa cảm phục lại vừa xót thương. Tài liệu viết xong, thông qua Ban lãnh đạo, anh Thọ trực tiếp giao cho tôi cùng một số đồng chí khác chép lại để làm tài liệu học tập lâu dài.

Những đợt anh Hiệu ốm nặng, theo yêu cầu của đại diện nhà tù, sếp ngục chấp thuận cho một người tù trong các trại thay nhau ra săn sóc anh cả ngày lẫn đêm. Sau này nhân có tiền lệ đó, mặc dù bệnh anh Hiệu chưa đến nỗi nào, các anh vẫn xin ra phòng cách ly với anh Hiệu, lấy cớ săn sóc người ốm để bàn bạc công tác lãnh đạo. Người thường hay lui tới anh Hiệu là anh Lê Đức Thọ. Chúng tôi biết đó là những lúc hai anh bàn bạc công tác lãnh đạo cuộc đấu tranh trong nhà tù. Thời gian này anh Thọ được tổ chức cử ra làm bồi cho sếp ngục Lơbông, với nhiệm vụ theo dõi thái độ, biến chuyển của địch từng ngày, từng giai đoạn, đồng chí Xuân Thủy được phân công chuyên cắt cỏ ngựa và làm vệ sinh chuồng ngựa cho tên công sứ, anh Nguyễn Lương Bằng làm công tác y tế, anh Nguyễn Cơ Thạch làm công việc văn phòng. Do được phân công làm việc trên nên anh Thọ lấy được báo chí tiếng Pháp chuyển cho chi bộ dùng làm tài liệu nghiên cứu chủ trương, đường lối của địch ở chính quốc và ở Đông Dương; anh cũng được đi lại tương đối dễ dàng, kể cả ngoài nhà tù trong phạm vi trên dưới 2 km. Do đó anh có điều kiện liên lạc với một số đầu mối cơ sở quần chúng đã được thiết lập trong giới công nhân viên chức tòa sứ và tri châu. Có lần chúng tôi đi xe củi về muộn, anh Lê Đức Thọ ra tận đầu dốc nhà tù đón chúng tôi. Anh nói trong tâm trạng nửa lo, nửa mừng: "Bọn mày về muộn làm tao lo quá, cứ sợ xảy ra việc gì. Còn thằng Lơbông thì đứng ngồi không yên. Nó chỉ sợ bọn mày bỏ trốn"... "Đó là những thông tin rất quan trọng mà lãnh đạo nhà tù cần biết để bổ sung vào kế hoạch lâu dài".

Trong hơn hai năm ở Sơn La, tôi luôn được anh Thọ quan tâm giúp đỡ, đặc biệt qua thử thách của cuộc đấu tranh tuyệt thực tháng 5-1941, tôi lần lượt được Ban lãnh đạo nhà tù tổ chức vào các nhóm trung kiên 1, rồi trung kiên 2.

Mặc dầu vậy, sau hai năm ở Sơn La, tôi vẫn chưa được kết nạp vào Đảng. Nếu xét về lý lịch thì có thể nói tôi là vào loại I. Bố tôi là đảng viên năm 1930, là bí thư chi bộ địa phương, và từ cuối năm 1939 đến cuối năm 1944 cũng ở trong nhà tù của bọn đế quốc. Nhưng không vì thế mà tôi được ưu tiên hơn. Anh Thọ động viên tôi: "Càng qua thử thách, càng vững vàng, mình đã có lý tưởng thì phải kiên trì". Anh Thọ nêu trường hợp một đồng chí cũng là người Thái Bình, ở ngoài đã là đảng viên chính thức, đã từng là Tỉnh uỷ viên lâm thời, thế mà vào tù vẫn phải qua thử thách để kết nạp lại. Giọng anh thân ái, nhẹ nhàng như lời bảo ban của một người anh thân thiết.

Tháng 7-1943, kẻ địch chuyển tôi từ Nhà tù Sơn La về Nhà tù Hòa Bình. Lúc này Chi bộ Nhà tù Hòa Bình lại do anh Lê Đức Thọ làm Bí thư. Và chính tại đây, một bước ngoặt lớn đã đến với cuộc đời tôi. Tháng 3-1944, tôi được kết nạp vào Đảng.

*

*       *

Về Hòa Bình, anh Thọ vẫn tiếp tục giao cho tôi quản lý tài liệu mặc dầu lúc này tôi vẫn chưa phải là đảng viên. Cho ai mượn phải có ý kiến của anh Thọ, quy định là phải đọc vào ban đêm để giữ bí mật tuyệt đối, không để bọn cai ngục bắt được. Xem xong, tôi có nhiệm vụ thu lại để chuyển cho người khác hoặc cất giữ vào một nơi thật kín đáo. Khi giao nhiệm vụ này cho tôi, anh Thọ nói:

"Người cách mạng bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo việc học tập để nâng cao trình độ, để cống hiến được nhiều hơn cho phong trào".

Tháng 9-1944, anh Thọ hết hạn tù. Hôm chia tay, anh căn dặn tôi nhiều điều, trước mắt là phải tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu vì thời gian ở tù của tôi còn dài, án 10 năm khổ sai mới được 4 năm. Anh dặn tôi phải chăm lo xây dựng mối đoàn kết trong chi bộ, trong nhà tù và phải luôn luôn dựa vào ý kiến tập thể nhưng phải kiên quyết trong lãnh đạo. Sở dĩ anh dặn kỹ điều này vì anh dự kiến rồi sẽ có lúc tôi phải đảm nhận vai trò lãnh đạo trong chi bộ nhà tù. Anh bảo làm cách mạng, hằng ngày phải đối mặt với kẻ thù hung bạo, phải có tính quyết đoán mới có thể đối phó kịp trong những tình huống khẩn trương, phức tạp.

Sau này nhớ lại những lời dặn của anh Thọ, đối chiếu với thực tiễn công tác của mình, tôi càng nghiệm ra anh Lê Đức Thọ vốn là một con người có đầu óc tổ chức bẩm sinh. Ngay từ năm 1943 ấy, những dự kiến của anh về sự phát triển của Nhà tù Hòa Bình, về những dự đoán và lời khuyên của anh đối với bản thân tôi là đúng.

Thay anh Thọ làm Bí thư chi bộ Nhà tù Hòa Bình là anh Vũ Dương (sau này là Phó Ban Tổ chức Trung ương), sau anh Vũ Dương là anh Huấn. Đến đầu năm 1945, anh Huấn sắp hết hạn sẽ ra tù và chuẩn bị bàn giao cho tôi.

*

*        *

Sáng ngày 9-3-1945, không khí ở Nhà tù Hòa Bình bỗng có một cái gì khác lạ. Mãi tới 8 giờ 30, cửa trại giam vẫn chưa mở. Khoảng 9 giờ thì tên cai ngục hớt hơ hớt hải vào báo: "Nhật đảo chính Pháp rồi các ông ạ".

Khoảng nửa tháng sau thì bọn Nhật quyết định thả tất cả tù nhân ở Hòa Bình cho về địa phương. Nhưng trước khi ra về chúng tôi còn vào kho lấy gạo rồi sang bên tỉnh đấu tranh đòi tên Sửu, Tỉnh trưởng, phát tiền để thuê phương tiện về Hà Nội. Chúng tôi đi bằng thuyền từ Bến Ngọc, ghé qua thị xã Sơn Tây, Việt Trì, rồi về bến Phúc Xá - Hà Nội.

Đến bến Phúc Xá, Nhật xem giấy tờ (giấy tờ do bọn Nhật cấp trước khi thả) rồi xếp canô cho đi Tân Đệ để về Thái Bình, Nam Định... Một số về miền Trung và các tỉnh khác.

Khi ghé qua thị xã Sơn Tây, tôi đã bắt được liên lạc với đồng chí Lê Quang Hòa, đồng chí Hòa bảo tôi cứ về nhà, sẽ có người đến liên lạc.

Về đến nhà, bà con họ hàng, hàng xóm đến thăm, tôi mang về một túi gạo, chia cho mỗi người một bát đem về nấu cháo. Mãi sau này, sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tôi về thăm quê, bà con vẫn nhắc đến bát gạo hồi đó.

Tôi về nhà khoảng gần một tuần thì đồng chí Quang Chất đến bắt liên lạc. Thế là tôi lại từ giã bà nội, bố mẹ và gia đình ra đi. Đồng chí Nguyễn Chương, lúc này là cán bộ Xứ uỷ được cử về lập Tỉnh uỷ lâm thời Thái Bình và chỉ định tôi làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời. Lúc này đã là tháng 4-1945. Thế là chỉ trong vòng một năm, từ khi vào Đảng, tôi từ một đảng viên dự bị trở thành một Bí thư Tỉnh uỷ. Tỉnh uỷ lâm thời họp phiên đầu tiên ở nhà đồng chí Ba Thu (thuộc xã Động Trung - Kiến Xương) quyết định một số việc cần tiến hành ngay.

Sau khi lập Tỉnh uỷ lâm thời, tôi được phân công mở lớp huấn luyện cho cán bộ các địa phương về chương trình Việt Minh và công tác thanh vận. Những kiến thức học được trong những năm ở Sơn La, Hòa Bình đã giúp tôi rất nhiều trong công việc.

Trong lúc phong trào lên nhanh, vừa công tác, tôi vừa nhớ đến anh Lê Đức Thọ. Rõ ràng không được sự bồi dưỡng chu đáo của anh trong nhà tù thì tôi khó mà đảm nhiệm được trọng trách hôm nay.

Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Thái Bình.

Sau khởi nghĩa có bao nhiêu việc phải giải quyết:

- Đẩy mạnh sản xuất, cứu đói.

- Về đối ngoại, hiện có khoảng một trung đoàn quân Tưởng thay mặt quân đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật ở Thái Bình đang gây ra bao rắc rối.

- Bọn Quốc dân Đảng trong tỉnh dựa vào quân Tưởng hoạt động chống phá chính quyền mới, phải có biện pháp kiên quyết để chặn đứng sự phá hoại của chúng.

- Sau lũ lụt phải có kế hoạch huy động lực lượng để hàn khẩu những đoạn đê vỡ ở Đìa (Hưng Nhân), Mỹ Lộc (Thư Trì).

- Phát triển các lớp bình dân học vụ.

Đó là những công việc cấp bách hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Để làm những việc trên, vấn đề quan trọng là phải củng cố tổ chức Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan, các đoàn thể, trước mắt phải lựa chọn bố trí một số cán bộ về các phủ, huyện để làm bí thư. Tôi được phân công thực hiện nhiệm vụ này.

Đến tháng 10-1945, Tỉnh uỷ lâm thời quyết định triệu tập Đại hội đại biểu Tỉnh Đảng bộ Thái Bình để kiểm điểm những việc làm từ sau khi thành lập Tỉnh uỷ lâm thời, bàn những việc làm sắp tới. Tại Đại hội, tôi chính thức được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình.

Lúc này, anh Lê Đức Thọ là Thường vụ Trung ương Đảng phụ trách công tác tổ chức, theo dõi rất sát phong trào ở Thái Bình. Được tin tôi đã là Bí thư Tỉnh uỷ, anh Thọ phấn khởi gửi lời hỏi thăm và biểu dương. Chắc hẳn anh vui lắm và tự hào lắm về người thanh niên non trẻ ở trong tù năm nào từng được anh dìu dắt giúp đỡ, nay đã tiến bộ vượt bậc.

Thời gian tôi công tác ở Thái Bình chưa được bao lâu thì đến cuối tháng 8-1946, tôi được Trung ương chỉ định vào Xứ uỷ Bắc Kỳ và điều đi phụ trách hai tỉnh Phúc Yên và Vĩnh Yên. Tôi bàn giao công việc Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình cho anh Ngô Duy Đông, lên gặp anh Lê Đức Thọ ở số nhà 100 phố Hàng Lọng để nhận nhiệm vụ. Vì tình hình đang rất khẩn trương, anh Thọ chỉ gặp tôi khoảng 10 phút, chủ yếu là căn dặn những điểm cần chú ý trong nhiệm vụ mới. Đến cuối năm 1946, sau khi chia xứ thành các khu, tôi được bố trí về Khu 1, phụ trách Phúc Yên, Thái Nguyên và ngay sau đó lại được phân công phụ trách Cao Bằng, Bắc Kạn. Sau khi sáp nhập Khu 1 và Khu 12 thành Liên khu 1, tôi được chỉ định là Liên khu uỷ viên phụ trách Bắc Giang, Hải Ninh. Nhưng chỉ ít ngày lại được tăng cường trực tiếp làm Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn. Tháng 12-1948, được bầu vào Thường vụ Liên khu uỷ 1, sau đó phụ trách Văn phòng Liên khu uỷ. Lúc này anh Thọ đã lên đường vào Nam Bộ.

Cuối năm 1949, tôi được bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ban Đảng vụ Trung ương (sau đổi thành Ban Tổ chức Trung ương do anh Lê Văn Lương làm Trưởng ban).

Điều làm tôi hết sức cảm động là ngoài sự tận tình giúp đỡ trong công tác chung, khi có điều kiện, anh Thọ còn quan tâm cả chuyện hạnh phúc riêng của tôi.

Nhớ một lần, khi tôi đang là Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Kạn về dự một cuộc họp cán bộ do Trung ương triệu tập ở chân núi Tam Đảo, anh Thọ hỏi tôi:

- Chuyện vợ con thế nào rồi? Có đám nào chưa?

Tôi cười nói vui với anh:

- Anh cứ điều tôi đi lung tung thế này thì làm gì có điều kiện, có cô nào dám lấy!

Quả thật trong vòng có hai năm, từ năm 1946 đến năm 1948, tôi được điều động đi hầu như khắp miền Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng Khu 3 đến núi rừng Việt Bắc. Có nơi chưa ấm chỗ đã có lệnh lên đường.

Thấy tôi nói vậy, anh Thọ cũng cười vui:

- Công việc cách mạng là thế. Những ngày đầu bao giờ cũng hết sức bề bộn. Lênin nói: Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều. Ở Việt Nam mình vừa qua giành chính quyền tương đối thuận lợi, nhưng chính vì thế mà cái khó dồn hết cho bây giờ. Chịu khó vượt qua giai đoạn này, tình hình sẽ sáng sủa hơn...

Rồi anh cười vỗ vai tôi:

- Nhưng không vì thế mà quên chuyện hạnh phúc riêng tư, năm nay cậu bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Gần ba mươi phải không (lúc này tôi đã 28). Tính chuyện vuông tròn được rồi đấy.

Sau đó anh giới thiệu cho tôi một chị công tác bên Hội Phụ nữ, nhưng ngay phút đầu, tôi đã thấy không hợp và từ chối khéo. Nhưng anh Thọ bảo:

- Tại sao lại không hợp, cứ thử gặp xem nào, tao sẽ bố trí.

Thế nhưng lần này "ông mối" không thành công.

Bẵng đi một thời gian, tôi lại gặp anh Thọ trong một cuộc hội nghị ở Liên khu 1. Dạo đó vào khoảng giữa năm 1948, anh lại hỏi tôi về chuyện hạnh phúc gia đình và giới thiệu cho tôi một cô ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Bắc Ninh. Lần này thì "ông mối" thành công.

Tháng 2-1949, nhân cuộc họp của Liên khu uỷ, đám cưới của tôi được tổ chức. Đám cưới do anh Nguyễn Khang, Bí thư Liên khu uỷ làm chủ hôn. Anh Đinh Đức Thiện lúc này là Thường vụ Khu uỷ phụ trách tổ chức, lo cho đám cưới chúng tôi rất chu đáo. Hình như anh Thiện được anh Thọ giao cho nhiệm vụ "đặc biệt" này. Tôi nhớ là có vài ba dãy bàn bằng gỗ mộc, trên bàn có mấy đĩa kẹo vừng, có vài đĩa lạc. Vui nhất là tiết mục hái hoa dân chủ do anh Thiện thiết kế. Thời kỳ đầu kháng chiến, đây là tiết mục khá phổ biến, hầu như cuộc vui nào cũng có.

Nhà cô dâu ở Yên Phong, do hoàn cảnh chiến tranh, bố mẹ không lên được, nên anh Nguyễn Tuân, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh đang dự hội nghị Liên khu uỷ thay mặt cho nhà gái.

Đám cưới tuy không có anh Thọ nhưng hai vợ chồng tôi nhắc đến anh nhiều. Con đường cách mạng đã đưa tôi đi từ hạnh phúc chung đến hạnh phúc riêng và trên con đường đó, chính anh Lê Đức Thọ là người đã từng bước dẫn dắt cuộc đời tôi. Cả gia đình tôi thương nhớ anh khôn nguôi!

Cuối 1980, sau hơn 11 năm làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, tôi được Trung ương điều về làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Vừa về đến Hà Nội, chưa kịp thu xếp chỗ ăn, chỗ ở, anh Thọ giao nhiệm vụ cho tôi giúp các anh Lê Văn Lương, Chu Huy Mân khẩn trương chuẩn bị công tác nhân sự cho Đại hội V. Trong quá trình chuẩn bị, anh Thọ luôn nhắc chúng tôi phải chú ý phương châm: thận trọng, dân chủ. Trong từng trường hợp một, với cương vị là Trưởng Ban nhân sự Đại hội, anh Thọ đều bố trí thời gian nghe một cách chăm chú và hỏi lại cặn kẽ những chi tiết còn chưa thật rõ. Trường hợp nào anh cũng nêu câu hỏi: "Ý kiến cơ sở như thế nào?" và nếu có vấn đề còn phân vân, anh kiên quyết đề nghị cơ quan tổ chức phải thẩm tra lại. Và sau khi đã cân nhắc kỹ mọi mặt, anh quyết định một cách dứt khoát. Đặc biệt đối với các đồng chí được giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì anh càng thận trọng xét đi xét lại rất kỹ lưỡng, báo cáo với Bộ Chính trị rồi trao đổi lại với từng người một, cứ như vậy đến khi có sự nhất trí trong Bộ Chính trị rồi mới giới thiệu ra Trung ương.

Đến Đại hội VI, về cơ bản cũng làm phương pháp trên, nhưng đặc biệt ở Đại hội này, việc lựa chọn Tổng Bí thư gặp khó khăn nhất. Qua nhiều lần trao đổi riêng với từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều chưa nhất trí. Một lần tôi nói riêng với anh Thọ, tình hình khó khăn quá, anh nên nhận chức Tổng Bí thư đi, dễ thống nhất ý kiến hơn. Anh Thọ gạt đi, anh nói: Mình đã nhiều tuổi, sức khỏe cũng kém, để đồng chí khác làm tốt hơn.

Anh Thọ vẫn kiên trì giữ ý kiến để anh Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư, và Trung ương đã bổ sung anh Linh vào Bộ Chính trị theo dự kiến trước, lúc này anh Linh đã được điều từ trong Nam ra làm Thường trực Ban Bí thư.

Do phương pháp chuẩn bị kỹ như vậy, nên cuối cùng đã có sự nhất trí trong Bộ Chính trị và Trung ương để trình ra Đại hội và kết quả như chúng ta đều biết.



* Nguyên:  - Uỷ viên Bộ Chính trị,

- Bí thư Trung ương Đảng,

- Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận