Lê Đức Thọ - Nhà thương thuyết tầm cỡ lớn

Ngày đăng: 11/11/2011 - 15:11

Nguyễn Thị Bình*

Tôi nghe tên anh - Lê Đức Thọ - từ hồi kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Nam Bộ. Nhưng đến Hội nghị Pari về Việt Nam, tôi mới được trực tiếp làm việc với anh trong nhiều năm, kể từ đầu cho đến cuối Hội nghị. Lúc đó anh là Cố vấn đặc biệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn. Còn tôi, lúc đầu là Phó trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau là Bộ trưởng Ngoại giao và Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị. Danh nghĩa công khai là như vậy, nhưng ai cũng hiểu rằng anh Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính trị và anh Xuân Thủy, Uỷ viên Ban Bí thư Trung ương Đảng là những nhà lãnh đạo chủ chốt các đoàn đàm phán của ta. Báo chí phương Tây, trong khi đánh giá rất cao phẩm cách và tài năng ngoại giao của Xuân Thủy, đã nhận xét rằng Lê Đức Thọ là một nhà thương thuyết đầy quyền uy, có tiếng nói rất quyết định trong đàm phán bởi quyền hạn và tính đại diện cao của ông. Sự thật thì cả Lê Đức Thọ và Xuân Thủy đều là những nhà lãnh đạo chính trị dạn dày kinh nghiệm được Đảng và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giao trọng trách trong cuộc chiến đấu mới trên mặt trận ngoại giao mà cuộc đàm phán ở Pari là một trận tuyến mũi nhọn. Suốt cả quá trình thương lượng, kể từ cuộc đàm phán chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ từ ngày 10-5-1968 đến ngày 31-10-1968, dẫn đến việc Mỹ buộc phải chấm dứt ném bom hoàn toàn không điều kiện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong Hội nghị bốn bên tại Pari, cho đến khi Hội nghị Pari diễn ra và đi đến kết thúc với Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cả Lê Đức Thọ và Xuân Thủy đều tỏ ra là những nhà thương thuyết đầy tài năng, một cặp bài trùng không thể thiếu được trong ván bài lật ngửa giữa các nhà đàm phán Việt Nam và Mỹ tại Hội nghị Pari thời bấy giờ.

ldt24b

Đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp G. Mácse

đến thăm đoàn ta, Pari tháng 6-1968

Thông thường, người ta hay nghĩ rằng, những nhà ngoại giao là những người có biệt tài, giống như các nhà thuyết khách thời Xuân Thu - Chiến Quốc, chỉ cần uốn ba tấc lưỡi là đảo ngược được tình thế, biến nguy thành an, chuyển bại thành thắng, giành lấy cái mà tưởng như mình không thể nào giành được. Cũng có người nghĩ rằng làm ngoại giao thì phải có nhiều mưu mô và thủ đoạn, biết đánh lừa kẻ địch, tạo ra tình huống giả mà như thật, thật mà như giả để buộc đối phương phải chấp nhận những gì mà mình muốn. Lê Đức Thọ không bao giờ nghĩ như vậy. Anh biết rõ Hội nghị Pari là một trận chiến quyết liệt, như keo vật không dứt giữa những đối thủ kỳ phùng. Nắm vững tinh thần Nghị quyết 13 của Trung ương Đảng (khóa III) mở mặt trận ngoại giao để phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị trong nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm chiến thắng kẻ thù. Anh cho rằng trên bàn đàm phán, ta không thể giành lấy cái mà trên chiến trường ta không giành được. Kết quả đàm phán tùy thuộc trước hết vào tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Tài trí ngoại giao không thể thay cho thực lực, nó chỉ góp một phần, thậm chí một phần quan trọng làm tăng thêm thực lực. Cùng với Xuân Thủy, Lê Đức Thọ thường xuyên trang bị những kiến thức cần thiết cho đội ngũ những nhà đàm phán của ta ở Pari. Hai anh giữ mối liên hệ chặt chẽ với Hà Nội, trực tiếp báo cáo tình hình cuộc đàm phán, nêu lên các sáng kiến và tiếp nhận những chỉ thị của Bộ Chính trị để tiến hành đàm phán. Những nhà lãnh đạo của ta thường nói: Ta đã biết mở đầu cuộc chiến tranh thì ta cũng sẽ biết kết thúc cuộc chiến tranh. Tại bàn thương lượng, Lê Đức Thọ đã cùng các nhà đàm phán của ta kiên trì giữ vững mục tiêu chung của toàn bộ cuộc đàm phán cũng như mục tiêu cụ thể của từng bước đàm phán, sáng tạo tiến hành những biện pháp đấu tranh với đối phương trong từng phương án cụ thể để phối hợp với chiến trường, và khi điều kiện đã chín muồi thì đưa ra các kiến nghị về giải pháp.

Là người lãnh đạo cao nhất của ta trong đàm phán, lại là người có bản lĩnh vững vàng, có tính quyết đoán cao nhưng Lê Đức Thọ không bao giờ võ đoán. Làm việc gì, nhất là việc đưa ra những quyết định quan trọng, anh đều bắt đầu từ sự phân tích tỉ mỉ tình hình, rút ra những kết luận cần thiết rồi xử lý một cách linh hoạt. Cả anh và anh Xuân Thủy đều rất quan tâm đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời. Các anh nói thẳng với đối phương, cũng là cho toàn thế giới biết rằng đó là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam đang chiến đấu. Như Bác Hồ nói: miền Nam là của Việt Nam. "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"[1], "Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi"[2]. Các anh đã dành những tình cảm sâu đậm và cả những lời lẽ tốt đẹp cho Đoàn và Trưởng đoàn đàm phán miền Nam. Những sáng kiến về giải pháp quan trọng nhất đưa ra trước diễn đàn công khai ở Pari đều được dành cho đoàn miền Nam: Giải pháp toàn bộ 10 điểm ngày 8-5-1969 của Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; 8 điểm nói rõ thêm ngày 17-9-1970 của Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời và đề nghị 3 điểm ngày 10-12-1970 của Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình; lập trường 7 điểm ngày 1-7-1971 và sau đó là 2 điểm nói rõ thêm ngày 2-2-1972 của Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời, v.v..

Có nhiều thí dụ sinh động và lý thú. Theo biên bản các cuộc đàm phán mật, trong cuộc họp riêng ngày 26-6-1971 giữa Lê Đức Thọ và Xuân Thủy với Kítxinhgiơ (phụ tá Tổng thống Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh quốc gia), đáp lại giải pháp 7 điểm ngày 31-5-1971 của Mỹ, Xuân Thủy đưa ra giải pháp 9 điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và thông báo cho Kítxinhgiơ rằng: "Bà Bình muốn gặp đại diện cấp cao của Chính phủ Mỹ để nói rõ ý kiến của bà ấy".

Kítxinhgiơ:

- Tôi sợ bà ấy lắm!

Xuân Thủy:

- Bà ấy là một phụ nữ mềm mỏng.

Kítxinhgiơ:

- Nhưng bà ấy ghê lắm. Để xem chúng ta có tiến bộ trong nói chuyện hay không, để xem triển vọng thế nào đã.

Thế rồi một bất ngờ đã đến với phía Mỹ. Sáu ngày sau đó, ngày 1-7-1971, chính Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đưa ra tại bàn đàm phán công khai lập trường 7 điểm của mình, như đã nêu trên. Lập trường 7 điểm này gần giống như giải pháp 9 điểm nhưng chỉ thu hẹp trong phạm vi miền Nam Việt Nam và chĩa mũi nhọn vào Thiệu nhằm tác động đến tuyển cử sắp tới ở Sài Gòn.

Một chuyện khác. Ngày 27-11-1972, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy đến thăm đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại trụ sở của Đoàn ở Vơrie le Buyxông (Verrière le Buisson). Đó là một ngày nghỉ, sau khi kết thúc những phiên họp kéo dài một tuần chưa ngã ngũ giữa Lê Đức Thọ, Xuân Thủy với Kítxinhgiơ, trong đó phía Mỹ lật lọng đưa ra rất nhiều điều sửa đổi so với bản dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận ngày 20-10-1972. Tuy là cuộc thăm có tính chất nội bộ, nhưng Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi xe có cắm cờ và đoàn xe hộ tống. Lê Đức Thọ hiểu rằng, cuộc đi thăm này sẽ không lọt được tai mắt của giới báo chí. Quả nhiên, giới săn lùng tin tức ở Pari đã được dịp đưa tin rằng "cuộc hội kiến" giữa hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là nhằm thống nhất kế hoạch đấu tranh cho một Hiệp định cuối cùng. Họ nói đúng một phần. Các anh Lê Đức Thọ và Xuân Thủy đã thông báo cho chúng tôi diễn biến cuộc đàm phán mật và chúng tôi đã cùng bàn với nhau về chiến thuật đấu tranh trên diễn đàn công khai. Có điều mà giới báo chí Pari không biết là Lê Đức Thọ đã kết thúc "cuộc hội kiến" không phải bằng một kết luận chính trị hay ngoại giao mà là bằng một câu Kiều hàm ý nhắc nhủ:

Dằn lòng chờ đợi ít lâu

Chầy ra thì cũng năm sau vội gì.

Con người Lê Đức Thọ là như vậy. Anh xứng đáng được coi là một nhà thương thuyết tầm cỡ lớn.




* Nguyên:  - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục,

- Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Pari về Việt Nam.

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 45.

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 246.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011


Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả