Lê Duẩn - người con trung hiếu của Quảng Trị, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam

Ngày đăng: 06/04/2012 - 14:04
Le-Duan1Lê Duẩn sinh ngày 7.4.1907 tại miền quê nghèo huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình có nhiều truyền thống tốt đẹp, đó là truyền thống trọng đức, trọng nghĩa, trọng tình, hiếu học, đặc biệt là truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Những truyền thống đó cùng với truyền thống tốt đẹp của quê hương Quảng Trị - mảnh đất địa linh, nhân kiệt đã hun đúc nên tài năng và đức độ của Lê Duẩn và chính ông đã làm rạng danh truyền thống quê hương Quảng Trị.

Lúc mới 20 tuổi, Lê Duẩn thoát ly gia đình đi làm cách mạng và hiến dâng trọn đời cho đất nước và quê hương. Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Lê Duẩn đã trở thành biểu tượng của nghị lực, tài năng, lòng nhân ái và đức hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta. Năm 1928 tham gia Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng, trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng ta. Từ đó, theo yêu cầu của cách mạng, ông hoạt động khắp mọi miền đất nước và được Đảng tin cậy giao những trọng trách lớn: Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ (năm 1931); Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (1937 - 1939); Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (từ 1939), Bí thư Xứ ủy Nam bộ (1946); Bí thư Trung ương Cục miền Nam (từ 1951); Bí thư thứ nhất, Tổng Bí thư của Đảng (từ 1960) cho đến khi qua đời năm 1986. Trong gần 60 năm hoạt động cách mạng, ông đã bị thực dân Pháp bắt hai lần, cầm tù gần 12 năm và lưu đày ở các nhà giam Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo. Hoạt động ở khắp ba miền: Bắc - Trung - Nam; đã trải qua ba thời kỳ cách mạng: thời kỳ Đảng ra đời và hoạt động bí mật, thời kỳ Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến cứu nước, thời kỳ nước nhà thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp cách mạng của Lê Duẩn gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc và những thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Với những đóng góp to lớn cho Cách mạng Việt Nam, Lê Duẩn trở thành một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Cách mạng Việt Nam và là một trí tuệ lớn của Đảng ta.

Đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị, Lê Duẩn đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, nhất là thời kỳ trực tiếp chỉ đạo, khôi phục lại tổ chức Đảng và phát động cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ ở Quảng Trị và các tỉnh Trung kỳ trong thời kỳ 1936 - 1939. Đây là thời kỳ Lê Duẩn thể hiện tài năng, sáng tạo và nhạy bén trong lãnh đạo phong trào cách mạng. Việc kịp thời chuyển hướng chỉ đạo về phương thức đấu tranh cách mạng, kết hợp việc xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng rộng rãi để giữ vững và phát triển phong trào với việc xây dựng Đảng làm nòng cốt để phát triển lực lượng cách mạng, đề ra các hình thức và phương pháp đấu tranh phong phú, uyển chuyển; kết hợp hoạt động công khai hợp pháp và nửa hợp pháp với hoạt động bí mật, bất hợp pháp; kết hợp đấu tranh của quần chúng ngoài nghị viện với đấu tranh bên trong nghị trường, đấu tranh ở nông thôn với đấu tranh ở thành thị. Đó còn là sự sáng tạo, nhạy bén trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, gắn vấn đề giai cấp với vấn đề dân tộc, nêu cao ngọn cờ dân chủ để tập hợp rộng rãi mọi giai tầng trong xã hội, trong dân tộc kể cả giai cấp tư sản dân tộc, những thành phần dân chủ, những cá nhân có tư tưởng tiến bộ đứng về phía nhân dân chống lại bọn phản động thuộc địa và vua quan Nam Triều thối nát; thông qua phong trào dân chủ mạnh mẽ cả chiều rộng, lẫn chiều sâu mà tiến hành một cuộc tập dượt lớn nhằm tiến tới cao trào cứu nước 1940 - 1945 giành trọn vẹn chính quyền về tay nhân dân trong cách mạng tháng Tám. Lê Duẩn đã đánh giá: “Chính Lênin đã từng nói nếu không có các quyền tự do, dân chủ do Cách mạng tháng Hai (1917) đưa lại thì cũng khó mà có được phong trào đấu tranh sâu rộng của quần chúng đưa đến thắng lợi của Cách mạng tháng Mười. Trên một ý nghĩa tương tự như vậy, ta cũng có thể nói về tác dụng của phong trào dân chủ hồi 1936 - 1939 đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Đó là một thời kỳ… chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940 - 1945”.

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, với cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng và từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa (năm 1969), là người lãnh đạo cao nhất trong Tổng hành dinh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã bộc lộ rõ tài thao lược, tư duy nhạy bén, sự quyết đoán khoa học trong việc cùng Bộ chỉ huy của Đảng, của dân tộc hoạch định chủ trương, sách lược, phân tích chính xác tình hình ta, địch, đưa những quyết sách táo bạo kịp thời. Có thể khẳng định trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Lê Duẩn có gần 50 năm cống hiến và phấn đấu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho chiến tranh cách mạng vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Sự đóng góp của Lê Duẩn vào kho tàng lý luận cách mạng, nghệ thuật quân sự Việt Nam là rất to lớn.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Lê Duẩn đã tham gia lãnh đạo giải quyết nhiều vấn đề mới mẻ trong việc tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi Tổ quốc thống nhất, từ Đại hội IV của Đảng, được bầu làm Tổng bí thư của Đảng, đứng đầu cơ quan hoạch định đường lối, đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lê Duẩn đã có những tư tưởng, quan điểm sâu sắc về cuộc đấu tranh giữa hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; về đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn; về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nắm vững cách mạng chuyên chính vô sản, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng - văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, nhằm xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa. Những tư tưởng, quan điểm đó đến nay vẫn có ý nghĩa cấp thiết về lý luận và thực tiễn đối với cách mạng nước ta.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Lê Duẩn đã thể hiện rõ là một nhà lý luận lớn, giàu tính sáng tạo của Cách mạng Việt Nam. Lê Duẩn hay nhắc tới luận điểm nổi tiếng của Lênin “Chân lý là cụ thể” và đối với ông, chân lý là cụ thể nên cách mạng là sáng tạo, và bản thân ông là sự thể hiện xuất sắc luận điểm đó trong tư duy và hoạt động thực tiễn lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Tầm chiến lược trong tư duy lý luận của ông được thể hiện rõ qua các quan điểm về những vấn đề khởi đầu của một cuộc chiến tranh cách mạng, phương pháp tiến hành và kết thúc chiến tranh, nghệ thuật biết thắng từng bước cho đúng; những quan điểm lý luận về đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và mối liên hệ giữa hai cuộc cách mạng đó. Quan điểm lý luận về tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, về công nghiệp hóa và bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ, về làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Đồng thời Lê Duẩn đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng, đến công tác tổ chức và cán bộ trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lẫn cách mạng xã hội chủ nghĩa và đã có những đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở đó thể hiện những quan điểm sâu sắc về vai trò, chức năng của Đảng cầm quyền trong hệ thống chính trị của nước ta.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi ở mọi miền đất nước đảm nhận nhiều trọng trách lớn của Đảng, với quê hương Quảng Trị, Lê Duẩn luôn dành những tình cảm chân thành và sâu sắc. Lúc sinh thời ông đã tâm sự: “Đối với tất cả chúng ta, quê hương biết bao tình sâu, nghĩa nặng. Riêng tôi ngoài công việc chung của cả nước vẫn thường nghĩ đến tỉnh nhà và tự hỏi không biết đồng bào trong tỉnh từ ngày giải phóng đến nay sống như thế nào”.

Lê Duẩn đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Đảng, Nhà nước đã đánh giá xứng đáng công trạng của Lê Duẩn trong điếu văn do Tổng bí thư Trường Chinh đọc tại lễ truy điệu: “Cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta thật là to lớn”, “Lịch sử nước nhà mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của Lê Duẩn”. Học tập tư duy sáng tạo của Lê Duẩn, chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau còn phải tiếp tục nghiên cứu, khám phá những cống hiến to lớn của Lê Duẩn, khám phá thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam, quyết tâm đưa nước ta tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Duẩn, chúng ta càng tự hào một  người con ưu tú của quê hương Quảng Trị, đã trở thành một người con trung thành vô hạn của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, một nhà chiến lược kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, một chiến sỹ cộng sản kiên cường, trọn đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc, cho tự do hạnh phúc của nhân dân, cho tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của phong trào cộng sản và công nhân Quốc tế.

Theo Báo Điện tử Đại biểu nhân dân

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả