Lê Duẩn - Về con người văn hóa Việt Nam

Ngày đăng: 24/04/2015 - 08:04

chan dung dc le duan 2

Chúng ta biết nhiều về đồng chí Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng sau Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà chiến lược trong cách mạng giải phóng dân tộc và thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song chúng ta còn thấy những giá trị lớn lao, tầm vóc trí tuệ của đồng chí về triết lý con người văn hóa Việt Nam. Trong lãnh đạo cách mạng, đồng chí đã tìm thấy và khơi dậy sức mạnh vô tận ấy từ trong lịch sử truyền thống dân tộc về những giá trị của con người văn hóa Việt Nam để chiến thắng kẻ thù, vượt qua mọi thử thách của cuộc đấu tranh, thể hiện ở những vấn đề chính sau:

Quan niệm về con người văn hóa Việt Nam

Đồng chí Lê Duẩn nhìn nhận con người từ mọi mối quan hệ xã hội; con người là một thực thể của tự nhiên và xã hội như C.Mác đã nêu. Con người văn hóa Việt Nam là con người in đậm nét đặc trưng bản sắc văn hóa Việt Nam, nó tạo nên sức sống lịch sử, sức mạnh truyền thống của các thế hệ con người Việt Nam, đó là lòng yêu nước thương nòi, cần cù hăng say lao động, thông minh sáng tạo, gắn bó với cộng đồng, trọng nghĩa,... Con người chủ thể ấy chỉ có thể tồn tại và phát triển khi gắn bó với tự nhiên và xã hội, gắn bó với Tổ quốc, quê hương, đất nước. Đồng thời xã hội cũng tồn tại, phát triển khi tạo nên mọi điều kiện cho cá nhân con người phát triển. Mọi sự đối lập giữa các chủ thể ấy đều dẫn đến khủng hoảng, suy thoái và không thể tồn tại. Vì thế các nhân tố tự nhiên, xã hội, những điều kiện hoàn cảnh lịch sử của đất nước không tồn tại ở ngoài con người mà nằm ngay trong bản thân con người, trong tư duy, tình cảm, ý chí của con người. Các yếu tố văn hóa dân tộc Việt Nam cũng nằm ngay trong con người Việt Nam, nó hóa thân thành sức mạnh Việt Nam, nó thăng hoa thành giá trị con người Việt Nam. Đó là tính tất yếu sâu sắc, mãnh liệt về bản sắc, đặc tính vốn có ở con người Việt Nam. Trong nhiều bài viết, bài nói cũng như quan điểm chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn đều thể hiện việc đề cao tình thương, lòng nhân ái của con người Việt Nam. Tình thương ấy không chỉ là sản phẩm của sự gắn bó xã hội mà còn là điều kiện để dân tộc tồn tại, phát triển. Đồng chí cho rằng, từ trong quá khứ lâu đời của lịch sử dân tộc, mỗi lần chống thiên tai, địch họa đều là những bước phát triển mãnh liệt của sức mạnh dân tộc do con người tạo nên. Văn hóa đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa mọi người dân Việt Nam, giữa cá nhân với tập thể của phương thức tồn tại: nhà gắn với làng, gắn với nước, hay “nước lụt thì lút cả làng”... đã trở thành truyền thống quý báu, thành đức tính của mỗi con người Việt Nam.

Không chỉ có tình thương mà còn phải kết hợp hài hòa với lý trí tạo nên sức mạnh bất diệt của dân tộc Việt Nam. Đồng chí Lê Duẩn cho rằng không có lý trí thì không tích lũy được kinh nghiệm trong đấu tranh cách mạng, trong lao động sản xuất để chiến thắng. Thực tế cho thấy từ Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đến các thế hệ anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đều được đúc kết, truyền lại những kinh nghiệm để làm nên chiến thắng đối với mọi kẻ thù. Truyền thống ấy là văn hóa dân tộc, là con người văn hóa Việt Nam mà đồng chí Lê Duẩn coi nó là một giá trị sống mãi trong con người Việt Nam qua các thế hệ, qua những thử thách lịch sử dân tộc.

Lý trí, tình thương được hướng vào mục tiêu chung của sự nghiệp lớn lao, cao cả của dân tộc, trong đó lợi ích cá nhân mỗi con người gắn liền với lợi ích dân tộc. Xuất phát từ quan điểm ấy, đồng chí Lê Duẩn chủ trương làm chủ tập thể là sự phát triển toàn diện, hài hòa của con người văn hóa Việt Nam. Đồng chí nhận rõ quy luật làm chủ của xã hội loài người là từ làm chủ cá nhân thời nô lệ, phong kiến, đến làm chủ của một giai cấp thời tư bản chủ nghĩa, rồi làm chủ tập thể, quyền lực thuộc về toàn xã hội như thời kỳ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Nội dung của làm chủ tập thể là làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Đạt tới trình độ như vậy, con người sẽ thoát khỏi tình trạng phụ thuộc mà tự do phát triển toàn diện về trí tuệ, năng lực cống hiến, sự hưởng thụ và làm chủ cuộc đời mình. Đó là con người thống nhất nhận thức, tư tưởng với hành động; thống nhất đạo đức, lẽ phải và tình thương... Sự thống nhất ấy tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần, trở thành cốt cách, thành bản sắc văn hóa con người Việt Nam. Chiều sâu, tầm cao trí tuệ của đồng chí Lê Duẩn về con người Việt Nam chính là ở đó, ở sự khái quát cao các giá trị truyền thống văn hóa con người Việt Nam.

Le duan IMG 1901 copys

Một số tác phẩm tiêu biểu về đồng chí Lê Duẩn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản và phát hành

Đặc trưng con người văn hóa Việt Nam

Có nhiều cách tiếp cận về đặc trưng con người văn hóa Việt Nam, về những nội dung phong phú, đa dạng của đặc trưng con người văn hóa Việt Nam, song theo đồng chí Lê Duẩn có thể khái quát ở mấy điểm chính sau:

Một là, con người lịch sử xã hội.

Đồng chí Lê Duẩn xác định con người không phải là siêu nhân, thần thánh siêu hình mà là con người cụ thể, là sản phẩm lịch sử của một xã hội nhất định; là tổng hòa các mối quan hệ biện chứng của xã hội gồm các tố chất tích cực, hành vi tiêu cực, cái bất biến và cái khả biến, có đóng và mở, cái cộng đồng và cái cá nhân, cái lịch đại và cái đồng đại... Vì thế, khi xem xét, đánh giá, cũng như khi đào tạo, sử dụng con người đều phải có quan điểm lịch sử cụ thể, đều nhằm vào việc phát huy các cá nhân con người, các chủ thể tích cực để xây dựng xã hội mới tốt đẹp, văn minh tiến bộ. Cùng với đó, xây dựng xã hội trong sạch, lành mạnh, sẽ tạo nên môi trường tốt đẹp cho con người phát triển.

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, với tư duy có tầm chiến lược, đồng chí Lê Duẩn đã gợi mở cho chúng ta nghiên cứu về con người toàn diện, con người đặt trong dòng chảy của lịch sử dân tộc với tư cách là một chủ thể sáng tạo. Con người được xem xét dưới tác động của các mối quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đồng thời con người cũng góp phần làm ra lịch sử xã hội ở mỗi giai đoạn nhất định. Đó là căn cứ mà đồng chí Lê Duẩn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; cách mạng là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Để tìm ra chân lý, con người phải sáng tạo không ngừng. Đó là sự sáng tạo những giá trị văn hóa, nhân văn xuất phát từ mục tiêu lý tưởng hòa bình, nhân đạo, bình đẳng, tự do, bác ái của con người. Con người vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là chủ thể của lịch sử xã hội. Con người bao giờ cũng gắn với truyền thống lịch sử dân tộc. Cho nên đồng chí Lê Duẩn luôn nhắc chúng ta, mặc dù ta là người Việt Nam, nhưng muốn hiểu người Việt Nam, không chỉ so sánh với dân tộc khác mà còn phải nghiên cứu lịch sử dân tộc, truyền thống dân tộc, văn hóa dân tộc, biết rõ tính cách con người Việt Nam.

Hai là, con người có hoài bão và lý tưởng cách mạng.

Là một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc, đồng chí Lê Duẩn hết sức chăm lo đến xây dựng con người. Không phải con người chung chung mà theo đồng chí Lê Duẩn, đó là con người văn hóa Việt Nam với những tố chất truyền thống và hiện đại. Trước hết con người ấy phải có lòng yêu nước, thương dân, có khát vọng cống hiến cho mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ đã chỉ ra. Khi chúng ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược ở những năm 60 của thế kỷ XX, đồng chí Lê Duẩn đã xác định, chúng ta muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, không chỉ xây dựng một nền kinh tế mới, một xã hội mới, mà còn xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa, con người văn hóa, đem lại những giá trị chân chính cho chính con người, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện, trở thành chủ thể có ý thức trong sự sáng tạo lịch sử. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, con người không tiếc máu xương, tài sản, sẵn sàng hy sinh cho sự tồn vong của dân tộc thì trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, con người cần có lý tưởng, hoài bão làm cho dân giàu, nước mạnh. Đó là con người lao động sản xuất có trình độ khoa học, kỹ thuật cao, có năng lực hoạt động thực tiễn, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh. Đó là con người kết tinh và phát triển những gì cao đẹp nhất trong truyền thống, văn hóa dân tộc; con người có lý tưởng đúng và tình cảm đẹp, đủ tri thức, năng lực làm chủ đất nước; con người tự giác lao động sáng tạo, sống tôn trọng kỷ cương pháp luật, yêu nước và có tinh thần quốc tế trong sáng. Con người có lý tưởng, hoài bão biết phấn đấu cho dân tộc ta, đồng bào ta được hưởng mọi giá trị của cuộc sống hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc. Con người ấy phải có ý thức và lòng tự tôn dân tộc cao.

Ba là, con người làm chủ, có tình thương, lẽ phải.

Đồng chí Lê Duẩn thường xuyên nhấn mạnh con người cần có tình thương, lẽ phải, làm chủ tập thể. Tư duy của đồng chí Lê Duẩn về con người là con người cụ thể, con người cá thể trong cộng đồng tập thể, gắn với quốc gia dân tộc. Quan điểm làm chủ tập thể của đồng chí Lê Duẩn không hạ thấp, xem nhẹ lợi ích của cá nhân trong xã hội mà trái lại, đề cao vai trò của tập thể nhằm chăm lo, bảo vệ lợi ích cá nhân mỗi người. Gắn bó với tập thể, hy sinh phấn đấu cho tập thể là đã có lợi ích của riêng mình trong đó. Tuy nhiên đồng chí Lê Duẩn cũng kiên quyết phê phán chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi và chủ nghĩa tập thể hình thức, vô trách nhiệm “lắm sư không ai đóng cửa chùa”. Đồng chí nêu rõ, về ý thức tư tưởng phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, tham lam, dựa dẫm vào tập thể dẫn đến lười biếng, tham ô, lãng phí, tham nhũng, muốn làm giàu bằng cách tước đoạt của tập thể, của nhân dân, của người khác. Vì vậy, con người phải là con người làm chủ được mình, làm chủ xã hội, làm chủ được thiên nhiên theo nguyên tắc mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Đồng chí cho rằng, cách mạng xã hội chủ nghĩa là một bước nhảy vọt lớn làm biến đổi con người từ người nô lệ, làm thuê trở thành người làm chủ. Bước chuyển biến này đòi hỏi mỗi người nhận thức sâu sắc, phấn đấu để đủ tư cách, đủ năng lực làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân.

Con người văn hóa Việt Nam theo đồng chí Lê Duẩn là con người kết hợp hài hòa giữa tình thương và lẽ phải, giữa lý trí và tình cảm. Đồng chí Lê Duẩn nói nhiều đến tình thương của con người Việt Nam và đề cao xây dựng tình yêu thương giữa người với người. Tình thương theo đồng chí Lê Duẩn là tình thương của lẽ phải, đối với lẽ phải và vì lẽ phải. Không có tình thương mơ hồ, không giúp gì cho con người tìm ra sức mạnh của chính mình. Do đó, tình thương và lẽ phải không tách rời mà gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Tình thương và lẽ phải sẽ nâng cao trách nhiệm của mỗi người và trở thành nét đẹp trong cư xử giữa người với người trong xã hội Việt Nam. Đồng chí luôn nhắn nhủ đã là người Việt Nam phải nhận rõ nguyên tắc sống của người Việt Nam là “Thương người như thể thương thân; Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ; Bầu ơi thương lấy bí cùng; Lá lành đùm lá rách...”. Tình thương ấy mang đậm tính nhân văn, chứa chất tính hợp lý, tính đạo lý của lẽ phải, của quy luật sinh tồn trong cộng đồng. Nét đẹp văn hóa ấy trở thành điểm sáng, thành sức mạnh, thành truyền thống của dân tộc Việt Nam để chiến thắng mọi kẻ đến xâm lược nước ta. Con người văn hóa Việt Nam trong quan niệm của đồng chí Lê Duẩn là sự thống nhất biện chứng giữa tình thương và lẽ phải, giữa lý trí và tình cảm là hai mặt của một vấn đề luôn bổ sung cho nhau. Đồng chí cho rằng, để hiểu một sự việc gì thì con người phải có lý trí, đủ lý trí, đến khi hành động là phải có tình cảm. Lý trí đúng giúp con người có tình cảm đúng, ngược lại, tình cảm có dồi dào thì lý trí mới bền vững. Con người văn hóa Việt Nam là con người có nhân sinh quan đúng thể hiện lý trí đúng, tình cảm đúng kết hợp hài hòa lý trí với tình cảm.

Nói đến con người văn hóa Việt Nam là nói đến con người Việt Nam với những đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc được in đậm ở mỗi con người Việt Nam. Đó cũng chính là nét nổi bật trong quan niệm của đồng chí Lê Duẩn về con người Việt Nam. Quan niệm ấy càng có giá trị chỉ đạo cho việc giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực làm chủ khi chúng ta mở cửa, hội nhập với thế giới hiện đại, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày nay.

PGS. TS. Trần Quang Nhiếp

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)

 

Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7-4-1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1928, ông tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, năm 1930 là một trong những đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng:   Ủy viên của Xứ ủy Bắc Kỳ (1931); Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1937); Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (1939); Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương cục miền Nam (1946-1954); Ủy viên Bộ Chính trị (1951); Bí thư thứ nhất, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1960-1986).

Một số tác phẩm tiêu biểu về đồng chí Lê Duẩn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản và phát hành:

- Lê Duẩn tuyển tập (gồm 3 tập) (2007, 2008, 2009);

- Lê Duẩn và cách mạng Việt Nam (2007);

- Lê Duẩn - một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam (Hồi ký) (2001);

- Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị (2002);

- Lê Duẩn - Trường Chinh, hai nhà lý luận xuất sắc của cách mạng Việt Nam (2002);

- Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam (2013). 

 

 

Bình luận