Lợi ích nhóm - Thực trạng và giải pháp

Ngày đăng: 10/09/2014 - 10:09

Hiện nay cụm từ "lợi ích nhóm" xuất hiện với tần suất khá lớn không chỉ trong các phát biểu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trên các trang báo, các chuyên đề khoa học, mà còn cả trong tâm tưởng của từng người dân.

loi ich nhom

Trong báo cáo khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm... ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức". Chiều ngày 26-11-2012, trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Vĩnh Long, khi bàn đến vấn đề quan tâm chăm lo xây dựng Đảng, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: "Cần phải có cơ chế phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chống lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm".

Trong cuộc tiếp xúc cử tri tại thành phố Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu đại ý: Tôi đã cho trợ lý kiểm tra, thấy chúng ta chưa có một định nghĩa đầy đủ trong từ điển về cụm từ "lợi ích nhóm". Tôi có thể giải thích cơ bản thế này, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.

Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối năm 2012, trả lời câu hỏi của nhiều cử tri về lợi ích nhóm là gì, xảy ra ở đâu, ngành nào, gây hậu quả như thế nào và đã có biện pháp gì để hạn chế lợi ích nhóm hay chưa...? Ảnh hưởng từ xã hội đến gia đình, thân nhân của lợi ích nhóm ra sao... Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết đi đâu ông cũng nghe bà con cử tri hỏi những vấn đề này. Nghe thì đơn giản, trả lời thì cực kỳ khó.

Trả lời báo Thanh Niên online, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, sự tồn tại của cái gọi là dây lợi ích quyền lực, của nhóm lợi ích, của mối quan hệ quyền lực và đồng tiền chi phối dẫn đến tình trạng lạm quyền, chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, cục bộ. Tiền dễ biến người ta thành tù binh khi mối quan hệ tiền và quyền lực hòa quyện.

Kết quả khảo sát xã hội học năm 2012 của Thanh tra Chính phủ cho thấy, khi được hỏi về nhóm lợi ích, đại đa số đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp đều chung nhận định: Nhóm lợi ích cơ bản là tốt, nó có thể giúp những doanh nghiệp yếu tăng tiềm lực, khả năng cạnh tranh... và sẽ góp phần tăng khả năng đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nếu nhóm lợi ích được hình thành để phục vụ cho lợi ích của một cá nhân hay một nhóm cá nhân thì sẽ dẫn tới nhiều biểu hiện tiêu cực trong xã hội, làm hao mòn nền kinh tế.

Nhiều cử tri yêu cầu khoa học hóa khái niệm lợi ích nhóm để tìm ra những "ký sinh trùng" hủy hoại xã hội, đất nước.

Sự quan tâm của các tầng lớp dân cư đến hiện tượng "lợi ích nhóm" là rất lớn. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhiều bàn luận khoa học về vấn đề này. Thậm chí trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, cách hiểu về "lợi ích nhóm" cũng khá khác nhau. Thậm chí, còn có nhiều người sử dụng lẫn lộn giữa hai cụm từ "nhóm lợi ích" và "lợi ích nhóm". Kỳ thực nội hàm của hai cụm từ này hoàn toàn khác nhau.

"Nhóm lợi ích" hàm nghĩa một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách tác động vào các chính sách của Chính phủ. Ở Mỹ, tập hợp từ này thường được dùng để chỉ những nhóm vận động hành lang Quốc hội (lobby) để tạo ra hay thay đổi những luật lệ và cách thực thi có lợi cho nhóm mình, hoặc tạo dựng một vài đặc quyền, đặc lợi để nhóm thụ hưởng. Với cách hiểu như thế trong xã hội có nhiều nhóm lợi ích tồn tại một cách khách quan như các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức chính trị, xã hội, các nhóm dân cư chung một số lợi ích theo vùng, theo sở thích... Chúng có tác động hai mặt đến xã hội. Mặt tích cực của nhóm lợi ích là truyền tải thông tin giữa nhóm lợi ích và Chính phủ cũng như là đầu mối vận động ủng hộ các hoạt động, các chính sách của chính phủ. Mặt tiêu cực của nhóm lợi ích là vì mục tiêu cục bộ của nhóm có thể làm sai lệch chính sách của Chính phủ và làm tha hóa công chức quản lý nhà nước.

"Lợi ích nhóm" hàm nghĩa một nhóm người nào đó lấy lợi ích của nhóm mình làm trung tâm, làm mục tiêu duy nhất để hành động, xa rời lợi ích chung của đất nước, của xã hội, là chủ nghĩa ích kỷ, chỉ biết đến mình mà không đoái hoài đến lợi ích của những người liên quan. Khi nói đến việc chống "lợi ích nhóm", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nói đến việc chúng ta phải chống cách sống, cách suy nghĩ, cách hành động ích kỷ này.

Việc chưa có sự thống nhất trong cách hiểu, cách nhận biết "lợi ích nhóm" không chỉ gây bối rối cho những người làm công tác tuyên truyền, những người triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, mà còn gây nghi ngờ, bức xúc trong dân cư. Trong cuộc tiếp xúc cử tri của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ở Thành phố Hồ Chí Minh tháng 11-2012, nhiều cử tri đề nghị phải làm rõ lợi ích nào là lợi ích nhóm cần chống. Bản thân những người nghiên cứu khoa học và giảng dạy cũng cần nhận thức đúng về lợi ích nhóm để có thể nói và viết đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Các nhà hoạt động thực tế, nhất là cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước và giới quản lý doanh nghiệp cần nhận dạng chính xác lợi ích nhóm để phòng ngừa...

loi ich nhomĐể góp phần giải quyết một phần những bức xúc nêu trên, cũng như để trao đổi cùng với các nhà khoa học, nhà quản lý, các đồng sự và đông đảo bạn đọc, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Lợi ích nhóm - Thực trạng và giải pháp gồm các nội dung cơ bản sau:

- Bản chất, tác động của lợi ích nhóm đến xã hội, đất nước và phát triển kinh tế ở Việt Nam.

- Các dạng thức biểu hiện của lợi ích nhóm và tác hại của chúng.

- Xu hướng phát triển các dạng lợi ích nhóm ở Việt Nam.

- Nguyên nhân tồn tại các loại lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay.

- Lợi ích nhóm và vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

- Giải pháp hạn chế tác hại của lợi ích nhóm trong tổng thể các giải pháp chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

 

PGS.TS. LÊ QUỐC LÝ

Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;

Bài trích trong cuốn: Lợi ích nhóm - Thực trạng và giải pháp;

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 8-2014


  

 

 

Bình luận