Pháp luật cạnh tranh là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, tự do giữa các chủ thể trên thị trường; bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, của người tiêu dùng, bảo vệ sự lành mạnh và khả năng phát triển của nền kinh tế nội địa, đồng thời thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng, hiệu quả.
Khi Luật Cạnh tranh năm 2004 ra đời, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực ban hành Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, sau gần 14 năm đi vào cuộc sống, Luật Cạnh tranh năm 2004 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong nội dung quy định. Nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm hiệu quả quản lý của Nhà nước, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã được ban hành, thay thế Luật Cạnh tranh năm 2004. Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh. Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Cạnh tranh năm 2018 của Việt Nam đã được triển khai thực hiện, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu trong xu thế hội nhập quốc tế và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Cuốn sách Luật Cạnh tranh Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa do Luật sư Quách Minh Trí chủ biên giới thiệu tổng quan về pháp luật cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, phân tích, luận giải các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh Việt Nam cả về quy định pháp lý và khả năng áp dụng trên thực tiễn; so sánh, đối chiếu với trách nhiệm pháp lý ở một số quốc gia khác trên thế giới; chỉ ra những vấn đề còn bất cập, hạn chế của Luật Cạnh tranh năm 2018 và đưa ra các giải pháp hoàn thiện luật. Cuốn sách có giá trị gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt là các công trình nghiên cứu theo phương pháp định lượng hoặc theo trường phái kinh tế - luật.