Với tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/01/2024. Luật gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, thay thế Luật Đất đai năm 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018.
Luật Đất đai năm 2024 có một số điểm mới đáng chú ý như: Mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; Quy định 32 trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất; Bãi bỏ khung giá đất; Bảng giá đất được xây dựng hằng năm; Quy định 05 phương pháp định giá đất; Bổ sung Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất; Quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Quy định quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; Các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; Cấp “sổ đỏ” cho đất không giấy tờ mà không vi phạm pháp luật về đất đai…
Luật Đất đai năm 2024 đã thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Luật Đất đai năm 2024 được thông qua đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo hành lang pháp lý bảo đảm nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Xây dựng thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng và hiệu quả.