Thực tiễn qua 16 năm áp dụng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình nói riêng, về vai trò quan trọng của gia đình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung đã được thay đổi và từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, Luật cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế như: Một số khái niệm chưa được làm rõ, dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình tổ chức thực hiện; các nội dung về chống bạo lực gia đình còn mờ nhạt; các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình; các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ được áp dụng để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình, giảm thiếu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra còn thiếu khả thi trong thực tiễn; quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình vẫn còn mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự...
Trên cơ sở đó, ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, thay thế cho Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm hiểu và áp dụng Luật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Nội dung cuốn sách là toàn văn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, gồm 6 chương, 56 điều. So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 quy định thêm về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình.