Ngày 19/5/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau gần 30 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; một số quy định chưa thống nhất, tương thích, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật hiện hành; thực tiễn phát triển, hội nhập của đất nước, nhiệm vụ bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự còn tồn tại một số bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp bộ, ngành, địa phương.
Do vậy, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6, ngày 24/11/2023 đã thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Cuốn sách Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều, quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự số 32-L/CTN năm 1994.