Luật Thanh tra năm 2010 đã thiết lập hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng của hoạt động thanh tra, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, như: hoạt động thanh tra chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý của các bộ, ngành, địa phương; chưa phân biệt rõ hoạt động thanh tra theo ngành, lĩnh vực quản lý với thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; còn có sự chồng chéo, trùng lặp về phạm vi thanh tra giữa các cơ quan thanh tra và giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán; quy định về trình tự, thủ tục thanh tra còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn… Thực tế này làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, toàn diện, sâu rộng cũng như trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay. Vì vậy, ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Luật Thanh tra năm 2022 gồm 8 chương với 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra. Luật Thanh tra được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả. Các hoạt động thanh tra sẽ được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước. Luật cũng phân định thẩm quyền và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra, giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán, giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý.