Luận điểm "con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của văn hóa" trong công cuộc xây dựng văn hóa Việt Nam giai đoạn mới

Ngày đăng: 16/01/2015 - 10:01

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi chiến lược con người là chiến lược của mọi chiến lược: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa; nước độc lập mà dân không được hưởng tự do và hạnh phúc thì độc lập phỏng có ý nghĩa gì. Cả cuộc đời Người cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho sự nghiệp giải phóng con người. Con người là động lực, cũng là mục tiêu của sự phát triển. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân không chỉ hưởng thụ mà còn sáng tạo văn hóa, văn nghệ. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa (con người nào, văn hóa đó). Con người đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa (văn hóa nào, con người đó).

Như vậy, sự phát triển của con người chính là thước đo sự phát triển văn hóa và sự phát triển văn hóa cũng phụ thuộc vào sự phát triển con người. Thành công của công cuộc xây dựng văn hóa phải được thể hiện ở sự phát triển con người về các mặt: trí, đức, thể, mỹ. Chính vì những lẽ trên, cần gắn kết việc xây dựng văn hóa với xây dựng, giáo dục con người. Và cũng vì thế, ngành văn hóa phải chú trọng hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, thể chất cho con người, hình thành lối sống văn minh, hiện đại mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng nông thôn mới phải gắn chặt với xây dựng lối sống mới. Xây dựng đô thị, chính quyền đô thị phải gắn chặt với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

vanhoa-suc manh  111

Ảnh minh họa

Con người Việt Nam trong quá trình lịch sử đã thể hiện rõ những ưu điểm, khuyết điểm của nền văn hóa nông nghiệp, tiền tư bản chủ nghĩa (văn hóa tiền công nghiệp), và cũng cho thấy còn thiếu những phẩm chất của con người trong xã hội công nghiệp hiện đại. Do đó, cần nhận thức rõ mặt mạnh, mặt yếu, mặt thiếu của con người Việt Nam để phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, bổ sung mặt thiếu của họ.

Con người là sản phẩm của sự phát triển lịch sử: lịch sử giới tự nhiên và lịch sử xã hội. Sau khi hình thành, con người và xã hội loài người vẫn liên tục phát triển. Từ khi người khôn ngoan (Homo sapien) ra đời, con người đã đạt được sự hoàn mỹ nhất định về mặt sinh học, mặt thể chất. Tuy nhiên, mặt xã hội trong con người vẫn không ngừng tiếp tục phát triển, tiếp tục hoàn thiện và xã hội nào sản sinh con người ấy, con người như thế nào thì cũng xây dựng, tổ chức xã hội như thế ấy, tương ứng với những lực lượng bản chất của mình - văn hóa của mình - trong một giai đoạn lịch sử nhất định.

Xét về loại hình văn hóa, văn hóa Việt Nam thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp, cụ thể hơn, chúng ta có một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Điều này có ảnh hưởng lớn đến lối sống Việt Nam, từ sản xuất đến sinh hoạt hằng ngày như ăn, mặc, đi lại, đến tác phong lao động, giao tiếp... và một số lĩnh vực sinh hoạt tinh thần và cả tổ chức xã hội.

Xét về mặt hình thái kinh tế - xã hội, cho đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, và cả khi đã phát triển một phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở nước ta, văn hóa Việt Nam vẫn là văn hóa tiền tư bản chủ nghĩa (Précapitaliste) tức là văn hóa của các hình thái kinh tế - xã hội có trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, trước khi có nền văn minh công nghiệp.

Trong quá trình lịch sử của mình, dân tộc ta luôn phải đối đầu với hai nguy cơ lớn, quyết định sự tồn vong của mình: Một là, các thế lực phong kiến phương Bắc lớn hơn ta nhiều lần, luôn luôn phát động chiến tranh xâm lược nước ta, thậm chí còn âm mưu đồng hóa ta về văn hóa và cả về chủng tộc hòng xóa tên dân tộc ta, nước ta trên bản đồ thế giới. Hai là, suốt cả lịch sử tồn tại của mình, dân tộc ta phải liên tục phòng chống thiên tai (bão lụt) như một điều kiện tiên quyết cho sản xuất nông nghiệp và cho cả sự sống còn của mình.

Những điều kiện tự nhiên và kỹ thuật của văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, hình thái văn hóa tiền tư bản chủ nghĩa và công cuộc đấu tranh bền bỉ chống thiên tai, địch họa là những nhân tố quan trọng tác động đến sự hình thành và phát triển con người Việt Nam với tất cả những mặt mạnh và mặt yếu của nó.

Do những điều kiện, những đòi hỏi của việc canh tác lúa nước, do lực lượng sản xuất còn non yếu, người Việt sống định cư thành làng xóm ở gần đồng ruộng để chăm sóc cây lúa và cần đến sự tương trợ trong sản xuất và trong cuộc sống. Từ đây nảy sinh tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Nền nông nghiệp lúa nước đòi hỏi sự tham gia đông đảo, tích cực của giới nữ và do đó họ được xác định vị trí xứng đáng trong sản xuất, quản lý gia đình, nuôi dạy con cái. Thậm chí khi cho tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo truyền bá sang nước ta thì dân gian vẫn sống theo đạo lý “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, “Của chồng công vợ”... Nền nông nghiệp lúa nước cũng sản sinh ra những con người với đức tính cần cù, bền bỉ, chịu thương chịu khó trong lao động, chữ “nhẫn” được hình thành trong cuộc sống với tinh thần phấn đấu tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn trở ngại.

van hoa suc manh noi sinh2Ảnh minh họa

Mặt khác, xét về mặt tổ chức sản xuất, nền nông nghiệp lúa nước ở nước ta còn manh mún, phân công lao động chưa cao, công cụ sản xuất thô sơ, tri thức sản xuất còn nhiều hạn chế, còn nằm trong phạm vi tái sản xuất giản đơn, do đó người tiểu nông có tầm nhìn hạn hẹp, trọng kinh nghiệm hơn lý luận (sống lâu lên lão làng), tin vào trực quan cảm tính (trăm nghe không bằng một thấy). So với người công nhân của xã hội công nghiệp, người tiểu nông thua kém hơn rất nhiều về tính tổ chức, tính kỷ luật. Có lần, khi nói về tính tổ chức, sự đoàn kết của người tiểu nông, C. Mác đã đưa ra hình ảnh chiếc bao tải đựng những củ khoai tây, khi cho vào bao và buộc miệng lại thì các củ khoai hợp thành một khối, khi mở nút đổ ra thì mỗi củ lại lăn ra một nơi. Khi nói về người tiểu tư sản, C. Mác đã phê phán bệnh hư vinh và “thói thầy lang vườn” trong khoa học của họ. Bệnh này hiện nay cũng không phải hiếm ở nước ta và chủ nghĩa hình thức cũng đã làm hao tổn không ít tiền bạc và sức lực của chúng ta.

Tái sản xuất giản đơn của nền sản xuất nhỏ, của kinh tế tiểu nông cùng với lực lượng sản xuất non yếu đã làm cho năng suất lao động thấp, chu trình sản xuất lặp đi lặp lại, tạo cơ sở cho lối tư duy theo hướng kinh nghiệm chủ nghĩa và “thuật nhi bất tác”, thiếu tính duy lý và tính sáng tạo, làm cản trở rất nhiều cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có nhà khoa học đã gọi tư duy của xã hội tiền công nghiệp là tư duy tiền khoa học.

Văn hóa tiền tư bản chủ nghĩa chính là văn hóa của các hình thái kinh tế - xã hội nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ và phong kiến. Nước ta đi từ văn hóa nguyên thủy tiến lên văn hóa phong kiến. Hệ tư tưởng phong kiến và những tư tưởng, tâm lý người tiểu nông có nhiều điểm không phù hợp, gây trở ngại lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta hiện nay. Chủ nghĩa bình quân chính là tư tưởng, tâm lý của người sản xuất nhỏ, người tiểu nông. Người tiểu nông căm ghét sự bóc lột phong kiến song không tìm được một mô hình xã hội mới nên thường hạn chế mục đích của các cuộc nổi dậy của mình ở việc lấy của người giàu chia cho người nghèo, xóa bỏ ranh giới giàu nghèo để mọi người có mức sống như nhau. Tư tưởng này, tâm lý này làm triệt tiêu động lực sản xuất, không khuyến khích phát triển tài năng, thậm chí còn tạo ra thói đố kỵ “trâu buộc ghét trâu ăn”. Có một thời kỳ, chủ nghĩa bình quân đã bị không ít người ngộ nhận là chủ nghĩa xã hội, gây thiệt hại không nhỏ cho cách mạng.

Một sản phẩm nữa của xã hội phong kiến là thói tùy tiện, vô tổ chức, coi thường pháp luật. Hiện tượng “phép vua thua lệ làng” xuất phát từ tâm lý người dân phản kháng lại luật pháp của vua vì phần nhiều luật pháp này bảo vệ lợi ích phong kiến, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Luật pháp thể hiện ý chí, quyền lợi của giai cấp phong kiến và chủ yếu áp dụng cho thần dân, cho quan chức nhỏ. Đã có câu “lễ không xuống đến thứ dân, hình không lên đến thượng thư”, tàn dư của tư tưởng không thượng tôn pháp luật của xã hội cũ vẫn còn tồn tại cho tới nay và gây trở ngại rất lớn cho quá trình thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng như quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, có thể thấy nhiều tàn dư của tư tưởng phong kiến tồn tại hàng ngàn năm hiện vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội ta hôm nay. Bệnh gia trưởng, gia đình chủ nghĩa, “sống lâu lên lão làng”, coi khinh lớp trẻ vẫn còn trong nhiều cơ quan nhà nước, cản trở bước tiến của thế hệ trẻ, gây khó khăn cho việc phát huy dân chủ ở cơ sở. Có thể kể ra nhiều tư tưởng phong kiến lạc hậu vẫn đang gây tác hại cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho sự nghiệp xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ví như: công thần, địa vị, quan liêu, cục bộ bản vị, địa phương chủ nghĩa, coi thường khoa học, kỹ thuật, v.v..

Một phần lớn đức tính tốt đẹp của người Việt Nam được hình thành trong quá trình đấu tranh anh dũng lâu dài, liên tục chống sự xâm lược của ngoại bang lớn mạnh hơn mình nhiều lần và trong quá trình đấu tranh cải tạo tự nhiên, phát triển sản xuất là tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, tính tập thể cao và cũng là nguyên nhân của việc ý thức dân tộc hình thành sớm.

Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của ta trong nhiều thế kỷ đã hun đúc nên lòng yêu nước nồng nàn, một sức mạnh tinh thần to lớn, “một giá trị đứng đầu bảng giá trị tinh thần của dân tộc ta” (lời của Giáo sư Đặng Thai Mai). Cuộc đấu tranh giữ nước chống kẻ thù mạnh hơn mình đã tạo nên chủ nghĩa anh hùng Việt Nam. Nó không những là vũ khí hùng mạnh đánh bại kẻ xâm lược mà còn là vũ khí tinh thần, là động lực mạnh mẽ của công cuộc xây dựng đất nước, đưa nước ta thoát cảnh đói nghèo, hội nhập với thế giới.

Con người Việt Nam ta vốn trọng tình cảm, yêu chính nghĩa, trọng đạo lý làm người và giàu lòng nhân ái (thương người như thể thương thân). Khoan dung, độ lượng, vị tha cũng là những đức tính quý báu của con người Việt Nam. Trong quá trình đấu tranh để sinh tồn, con người Việt Nam đã rèn luyện cho mình tính linh hoạt, năng động, không máy móc, cứng nhắc, luôn thích nghi với hoàn cảnh. Người Việt Nam cũng không có tính cực đoan, luôn vươn tới sự hài hòa, trọng sự tinh tế, giản dị.

Do ở vào vị trí địa lý thuận lợi cho sự giao lưu kinh tế và văn hóa với các nước, lại ở giữa hai nền văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc, do nhu cầu cần học hỏi kinh nghiệm, chính trị, quân sự để đủ sức chống ngoại xâm, phát triển sản xuất, người Việt Nam không tự đóng kín mình mà luôn mở cửa giao lưu văn hóa với nước ngoài, học hỏi tinh hoa văn hóa thế giới (lúc đầu là Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ về sau là các nước phương Tây và nhiều nước khác trên thế giới), thậm chí sẵn sàng học hỏi tinh hoa văn hóa của chính kẻ thù xâm lược nước mình để “dùng gậy ông đập lưng ông”. Hơn nữa, ông bà ta đã biết biến cái ngoại sinh thành cái nội sinh (ví như biến Nho giáo của Trung Hoa thành Việt Nho). Truyền thống này rất có ích cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Do những hạn chế của văn hóa tiền tư bản chủ nghĩa, nhiều ưu điểm của văn hóa, của tính cách người Việt có mặt trái của nó, hoặc có thể là ưu điểm trong xã hội nông nghiệp nhưng nếu kéo dài sang xã hội công nghiệp lại trở thành khuyết điểm, trở ngại. Ví dụ: mặt trái của tính cộng đồng, tính tập thể là thói ỷ lại, dựa dẫm, “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”, là thói đùn đẩy, thiếu tinh thần trách nhiệm cá nhân, thành tích thì vơ vào mình, sai lầm thì đổ cho tập thể. Mặt trái của tính linh hoạt là thói tùy tiện, thiếu nguyên tắc, gặp đâu hay đó, tắc trách, qua loa, du di “chín bỏ làm mười”, thiếu sự chặt chẽ, tính chính xác.

Ảnh minh họa

Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, với việc đề cao vai trò của cộng đồng, của tập thể, với tôn ti trật tự phong kiến, gia trưởng, cá nhân không được tôn trọng, cá tính sáng tạo không được phát huy. Từ thần dân của xã hội phong kiến trở thành cá nhân công dân của xã hội tư bản là sự chuyển biến lâu dài và là bước tiến bộ lớn của văn hóa. Ở Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng văn hóa là giải phóng cá nhân khỏi những hạn chế của nền sản xuất nhỏ, khỏi những trói buộc của tư tưởng phong kiến. Càng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công thì cá nhân càng được giải phóng. Cá nhân được giải phóng lại là một đảm bảo chắc chắn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong một thời gian dài, tư tưởng “trọng nông, ức thương” đã tồn tại trong xã hội ta. Người ta coi thường, thậm chí còn khinh ghét lái buôn (thật thà cũng thể lái trâu). Tư tưởng này là một cản ngại không nhỏ cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho sự lớn mạnh của giới doanh thương nước ta.

Qua đó có thể chỉ ra vài điểm cốt yếu của những điểm thiếu trong tính cách con người Việt Nam khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng tác phong công nghiệp. Theo GS.TSKH. Phạm Minh Hạc, cần chú ý những điểm sau: “(1) Tăng tính thích nghi, năng động, có lợi cho sản xuất công nghiệp trên cơ sở đào tạo nghề và nâng cao tay nghề; (2) Hạn chế tâm lý quá lo cho cuộc sống trước mắt; có ý chí vươn lên làm ăn lớn; (3) Tăng cường ý thức pháp luật, kỷ cương, nhanh nhẹn, tháo vát; (4) Chịu khó học hỏi người khác, nước ngoài và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh của mình nhưng cần đề phòng tâm lý tự ti lai căng, sùng ngoại; (5) Kiên trì mạnh mẽ và quyết khắc phục tâm lý cộng đồng tiểu nông, cục bộ, địa phương, thiếu tinh thần hợp tác; (6) Tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường lý lẽ (duy lý, có căn cứ khoa học), khắc phục kinh nghiệm chủ nghĩa, thiếu tư duy phân tích, nặng về tổng hợp, thiếu tinh thần phê phán; xây dựng tác phong khoa học”[1]. Điều cần chú ý là, trong khi phát triển óc duy lý vẫn phải xây dựng đời sống tình cảm tốt đẹp, phong phú, cố gắng tạo sự hài hòa giữa lý và tình. Đặc điểm trọng tình của con người Việt Nam cần được kế thừa.

Thứ hai, xã hội ta hiện nay được quản lý bởi nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật phải được toàn bộ công dân chấp hành. Song, ở ta, có lẽ xã hội sẽ phát triển tốt đẹp hơn nếu có thêm sự hỗ trợ của đạo đức, của việc giáo dục đạo đức cho mọi công dân (đức trị hỗ trợ pháp trị).

Thứ ba, cần xây dựng tốt lối sống đô thị, trang bị tri thức quản lý đô thị cho các cán bộ lãnh đạo, các viên chức nhà nước (cần đưa môn học Quản lý đô thị vào các trường đảng, trường hành chính). Lối sống đô thị, lối sống công nghiệp có những ưu việt hơn lối sống nông thôn, lối sống nông nghiệp song cũng có nhiều điều hạn chế cần khắc phục. Chúng ta cũng cần kế thừa và nâng cao những ưu điểm của lối sống nông nghiệp, của những truyền thống tốt đẹp trong văn hóa Việt Nam xưa. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, lối sống của chúng ta, trước hết là của cư dân đô thị, của giới trẻ có những xu hướng sau đây:

- Coi trọng đời sống vật chất, giá trị vật chất hơn đời sống tinh thần, giá trị tinh thần.

- Nặng về lý, nhẹ về tình.

- Quan tâm đến lợi ích cá nhân nhiều hơn lợi ích cộng đồng.

- Quan hệ gia đình có phần lỏng lẻo hơn xưa.

- Đời sống cá nhân được chú ý nhiều hơn trước.

Những điều trên thể hiện một sự phản ứng đối với lối sống cổ truyền, một sự “quá trớn” ở thời kỳ quá độ. Thiết nghĩ, tương lai của văn hóa, của lối sống nằm ở hai chữ hài hòa.

- Hài hòa giữa xã hội, giữa con người với giới tự nhiên;

- Hài hòa giữa cái tự nhiên với cái xã hội trong con người;

- Hài hòa giữa lý trí và tình cảm;

- Hài hòa giữa đời sống vật chất và trí tuệ;

- Hài hòa giữa cá nhân và xã hội;

- Hài hòa giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài...

Trong việc giáo dục - đào tạo con người Việt Nam đáp ứng những yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, chúng ta có lợi thế của người đi sau, do đã có mô hình về một con người của xã hội công nghiệp. Dựa trên nguyên lý về tính độc lập tương đối, tính vượt trước của ý thức xã hội, chúng ta hoàn toàn có khả năng vừa tiến hành công nghiệp hóa, vừa giáo dục - đào tạo những con người - chủ nhân của quá trình lịch sử này. Và đúng như Đảng ta đã chỉ rõ, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Trong quá trình giáo dục con người, vai trò của đội ngũ tiên phong của dân tộc - Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trước hết là của những cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước là rất to lớn. Và đội ngũ trí thức cũng đóng góp phần quan trọng trong sự nghiệp này.

Vài kiến nghị:

- Cả ngành giáo dục và các đoàn thể, gia đình cần coi trọng xây dựng lối sống công nghiệp, nếp sống văn minh đô thị cho mọi người, nhất là cho giới trẻ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có vai trò nòng cốt trong sự nghiệp này.

- Cùng với việc khẳng định và phát huy những ưu điểm, cần coi trọng hơn nữa việc đấu tranh kiên quyết khắc phục những khuyết, nhược điểm của con người Việt Nam đang cản trở không nhỏ đến việc xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, dân chủ, công bằng trên cơ sở công nghiệp hóa thành công.

- Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền và văn hóa pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả đội ngũ thi hành pháp luật.

PGS, TS. TẠ VĂN THÀNH

Bài trích trong sách "Văn hóa sức mạnh nội sinh",

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1-2015

 



[1]. Phạm Minh Hạc: Phát triển giáo dục, phát triển con người phục vụ phát triển xã hội - kinh tế, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, tr.300.

 

Bình luận