Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ nợ, doanh nghiệp mắc nợ và những người có liên quan, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp mắc nợ khi giải quyết việc phá sản; đồng thời nhằm góp phần thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả và bảo đảm trật tự, kỷ cương xã hội; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật phá sản ngày 15-6-2004.
Luật này quy định điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản trong thủ tục phá sản; điều kiện, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu tuyên bố phá sản và của người tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.
Luật này áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Với luật này, Chính phủ cũng quy định cụ thể danh mục và việc áp dụng Luật này đối với doanh nghiệp đặc biệt trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và trong các lĩnh vực khác thường xuyên, trực tiếp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu.
Luật phá sản được ban hành cũng nhằm mục đích ứng dụng cho các sự cố của nền kinh tế, nó không chỉ là luật để đào thải các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh yếu kém mà còn nhằm mục đích khôi phục lại sự cân bằng về cán cân thanh toán của thị trường.