Luật xuất bản 2012 phát huy hiệu lực
Kể từ ngày 01-07-2013, Luật xuất bản có hiệu lực sau khi được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2012. Luật xuất bản 2012 được đánh giá là sát với thực tế hơn và tạo điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.
Bản quyền sách điện tử cũng đang rất nan giải ?
Thị trường sách điện tử (ebook) đang gây nhiều tranh cãi về vấn đề bản quyền. Bởi từ nhiều năm nay, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne, đã có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật về tác quyền, Luật về thương mại điện tử… để xử lý ebook lậu nhưng rốt cuộc nó vẫn ngang nhiên tồn tại. Luật xuất bản 2012 có tác dụng như một chiếc “vòng kim cô” cho thị trường book vốn đang phát triển phức tạp như hiện nay khi dành hẳn chương 5, gồm 11 điều nêu cụ thể các vấn đề như: Điều kiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử; điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện phát hành xuất bản phẩm điện tử; cách thức thực hiện xuất bản và phát hành; kỹ thuật và công nghệ; nộp lưu chiểu; quảng cáo trên xuất bản phẩm điện tử; nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử và xử lý vi phạm… Điều đó cho thấy vấn đề hoạt động và thị trường sách điện tử đang được đặc biệt quan tâm dưới góc độ quản lý nhà nước.
Vậy chương V của Luật xuất bản 2012 góp gì đáng kể để cải thiện tình trạng này? Trước hết, các nhà xuất bản (NXB) đã có câu trả lời cơ bản về các điều kiện để có thể xuất bản điện tử. Trong đó, bên cạnh năng lực, thiết bị, công nghệ điều hành và quản lý quá trình xuất bản điện tử thì còn phải có “kỹ năng chống trộm” để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm. Rồi phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, và có tên miền internet Việt Nam. Cũng như vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn phát hành xuất bản phẩm điện tử phải có chừng ấy điều kiện mới được coi là “danh chính ngôn thuận”.
Đối với tác phẩm, nếu xuất bản lần đầu tiên dưới dạng điện tử thì vẫn phải thông qua NXB hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Còn những tác phẩm nào đã được xuất bản, in, phát hành hợp pháp thì được quyền phát hành trên điện tử. Tuy nhiên, cả hai trường hợp trên đều “chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”. Các quy định của Luật Xuất bản về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử đã cung cấp những chế định cơ bản mang tính nguyên tắc, là khung pháp lý quan trọng, có tính định hướng, làm căn cứ cho công tác quản lý, điều hành đối với hoạt động này.
Là nhà văn có các tác phẩm được xuất bản, nhà văn Phạm Trung Đỉnh (Giám đốc NXB Hội nhà văn) cũng vô cùng lo ngại về vấn đề này: “Vấn đề bản quyền là một vấn đề không còn mới mẻ nhưng việc thực hiện nó ở ta chưa thật sự trở thành mối quan tâm lớn vì bản thân những người trong cuộc vẫn chưa thực sự hiểu biết sâu và các cơ quan chức năng chưa có những cuộc quảng bá tuyên truyền sâu rộng. Tôi thấy đây là câu chuyện khá thiết thực đối với nhà văn. Chúng ta cần có hướng dẫn cụ thể và bài bản hơn để đưa luật áp dụng thiết thực hơn vào cuộc sống ngành xuất bản”.
Vì vậy, để khắc phục được vấn đề sách điện tử lậu thì cần phải có nhiều giải pháp,biện pháp từ nhiều góc độ, cũng như sớm xây dựng và ban hành các quy định về xử lý hành chính, hình sự với khung chế tài đủ mạnh, sát thực tiễn để xử lý nghiêm khắc đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Thêm nữa, cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về công nghệ để tạo ra những tính năng mới giúp cho công tác quản lý, ngăn chặn các nội dung sai trái, cũng như hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử và quy định về sở hữu trí tuệ.
Theo ông Hoàng Ngọc Bình, Trưởng phòng Pháp chế (Cục Xuất bản), “Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn thiện các nghị định, thông tư kèm theo để Luật sớm đi vào cuộc sống. Vấn đề bản quyền sách điện tử nếu các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng thì sẽ hạn chế được vi phạm, vì luật đã quy định rõ, một phần vi phạm trước đây là do nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật”.
Mặc dù các nhà quản lý có nhiều thuận lợi hơn trong việc quản lý các hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử vì đã có một hành lang pháp lý để quản lý cho hoạt động này. Tuy nhiên, việc áp dụng các điều khoản của chương V Luật xuất bản vào thực tiễn, bước đầu chắc chắn sẽ gặp phải một vài khó khăn, lúng túng và vướng mắc nhất định, nhưng chắc chắn sẽ có hiệu quả về lâu dài.
Cơ sở phát hành phải đăng ký hoạt động
Điểm mới quy định tại Luật xuất bản lần này đó là cơ sở phát hành là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trước khi hoạt động phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước và phải đảm bảo các điều kiện sau: Người đứng đầu cơ sở phát hành phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về phát hành xuất bản phẩm do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm cấp; có một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật; có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm. Đối với các cơ sở phát hành là các hộ kinh doanh cần đảm bảo các điều kiện như: Chủ hộ phải thường trú tại Việt Nam; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có địa điểm kinh doanh xuất bản phẩm và không phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Tư nhân có đủ điều kiện thì được liên kết xuất bản
Luật chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản nhưng lại cho phép liên kết với NXB để thực hiện xuất bản từng xuất bản phẩm. Trên thực tế có 65 NXB và chỉ một ít trong số đó có năng lực để tự tồn tại. Đa số NXB còn lại thường chọn giải pháp đơn giản nhất là liên kết xuất bản với các công ty truyền thông, đơn vị làm sách ngoài công lập - một hình thức của việc “bán” giấy phép xuất bản.
Hiện nay, cho dù thành tựu của liên kết xuất bản là điều mà không ai phủ nhận. Nhưng mặt tiêu cực của mô hình này cũng rất cụ thể, sách vi phạm bản quyền, sách phản cảm về nội dung, sách kích động bạo lực, tình dục, vi phạm thuần phong mỹ tục, thậm chí cả sách sai lệnh về lịch sử, xúc phạm danh nhân… hầu hết đều có dấu ấn của liên kết xuất bản. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến các sai sót trong liên kết xuất bản hiện nay.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất là việc xem xét trách nhiệm còn chưa rõ ràng, cụ thể là trách nhiệm của đơn vị chủ quản NXB. Hiện nay, các đơn vị chủ quản chỉ mới quản lý việc hoạt động, còn buông lỏng phần nội dung. Nếu nghiêm khắc trong việc xử lý với các trách nhiệm cụ thể cho từng vị trí như giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên, đơn vị chủ quản… thì sẽ giảm bớt một số ít tiêu cực như hiện nay. Mặt khác nhiều NXB quá yếu, chỉ sống dựa vào bán giấy phép xuất bản, bỏ mặc việc biên tập, in ấn, phát hành… cho đối tác liên kết. Kết quả là cho ra đời những cuốn sách sai nội dung gây bức xúc lớn trong dư luận.
“Theo quy định của pháp luật: đối tác không có quyền chi phối hoạt động của NXB. Ở đây cần hiểu và làm đúng ý nghĩa của việc liên kết theo hướng chủ động từ phía NXB. Theo đó, đối tác có thể tham gia hoạt động xuất bản dựa trên hình thức được NXB liên kết, ai có đủ điều kiện thì được NXB ký hợp đồng liên kết. ” - Trưởng phòng Pháp chế, Cục Xuất bản cho biết. Song trên thực tế, diễn biến của hoạt động liên kết đang ở thế ngược lại. Nhiều NXB đang phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác liên kết, trông chờ họ mang bản thảo đến để “bán” giấy phép. Không ít NXB đang tự để thương hiệu tuột khỏi tay mình. Thử hỏi, có bao nhiêu ngành nghề, lĩnh vực mà “miếng bánh” thị trường của trên 80 triệu dân được chia thành 65 phần (65 NXB), có chăng chỉ là số ít, ví dụ như mặt hàng xăng dầu, vận tải hàng không… Giả sử mỗi NXB một năm chỉ cần bán được một đầu sách với số lượng 1,23 triệu bản theo tỷ lệ thị phần bình quân thì đã là một điều “chỉ có trong mơ” ở hoàn cảnh hiện nay.
“Luật này được xem là rõ ràng, đầy đủ hơn trước rất nhiều. Luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần đáng kể hạn chế được những tồn tại của hoạt động xuất bản từ trước cho dù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố…”.
Có thể nói việc liên kết xuất bản được đánh giá luôn có đủ cả hai thái cực, khen ngợi hết lời và phê phán kịch liệt. Chính vì thế, trong Luật xuất bản 2012 đã cụ thể hơn rất nhiều về trách nhiệm của các nhà liên kết, ai được liên kết, điều kiện nào để liên kết, trường hợp nào không được liên kết, trách nhiệm của các bên liên kết… đều được quy định cụ thể, chi tiết.
Điều này sẽ tạo điều kiện cho các NXB nhà nước nhiều cơ hội hơn trong hoạt động xuất bản phẩm, hạn chế được một số đối tác cạnh tranh. Đồng thời, nhà nước sẽ dễ quản lí hơn nạn in lậu, xuất bản thiếu bản quyền sẽ được hạn chế.
Có chứng chỉ hành nghề biên tập mới được biên tập sách
Luật xuất bản 2012 được xây dựng với nhiều cải tiến khi tạo ra những hành lang pháp lý cụ thể trong lĩnh vực xuất bản nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm nghề . Theo Luật, không phải ai cũng được quyền biên tập sách mà phải có chứng chỉ. Bên cạnh đó, trách nhiệ m của Giám đốc - Tổng biên tập NXB được quy định cụ thể, vi phạm sẽ bị thu hồi chứng chỉ nghề. Đó là cái gốc, là viên gạch nền góp phần hạn chế những sai sót.
Trong Luật xuất bản 2012, đáng chú ý là lần đầu tiên, đối tác liên kết được chủ động biên tập bản thảo, điều mà trước đó về nguyên tắc luật chưa cho phép. Để được như vậy bản thân đối tác phải đáp ứng một yêu cầu khó khăn là phải có bộ phận biên tập có chứng chỉ theo quy định.
Độc giả sẽ tiếp nhận được những sản phẩm tốt
Luật xuất bản khi đi vào cuộc sống sẽ hạn chế được những sản phẩm kém chất lượng về nội dung và hình thức, từ đó mà người đọc sẽ được cung cấp những luồng thông tin chính thống, tiếp thu những tư tưởng đúng đắn và những sản phẩm tốt.
Một góc Hội chợ “Sách hè 2013”. Ảnh: Minh Quyết (TTXVN).
Bạn Nguyễn Thị Thu Hiền (sinh viên năm 3, ĐH Tài chính) chia sẻ: Mình là người rất thích đọc sách, và dĩ nhiên rất thích được sở hữu những cuốn sách có nội dung hay và đúng đắn, nếu thị trường sách hạn chế được nạn sách lậu cũng như sách có nội dung đồi trụy thì người đọc chúng mình không phải đắn đo suy nghĩ và mất thời gian hơn khi lựa chọn một cuốn sách cho mình”.
Nhà văn Phạm Trung Đỉnh cũng tâm sự: “Trên cương vị là một độc giả, chúng tôi rất mong Luật xuất bản sớm được đưa vào áp dụng sâu rộng hơn, triệt để và thiết thực hơn. Luật như một cái thang ‘phanh’, nếu hiểu biết càng sâu thì cuộc sống của ta càng thoải mái hơn. Chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn vì ta tôn trọng luật, tức là tôn trọng chính ta. Cuộc sống sẽ văn minh hơn”.
Như vậy, Luật xuất bản đi vào cuộc sống sẽ tạo ra một nét văn minh trong phong trào đọc sách, tạo tâm lí an tâm cho bạn đọc.
Hoài Lê - An Du (trithucthoidai.vn)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023