Mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản - thực trạng và giải pháp

Ngày đăng: 30/10/2013 - 16:10

Mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản đang là một trong những vấn đề thời sự của ngành xuất bản hiện nay. Chuyển đổi thành công tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đồng thời vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó là nhiệm vụ hàng đầu của ngành xuất bản.

Gian hàng sách l  lu n chính tr  pháp lu t c a Nhà sách S  th t NXB CTQG-ST t i 265 C u Gi y Hà N i

       Trong những năm qua, hoạt động xuất bản của Việt Nam không ngừng phát triển và thu được những kết quả đáng ghi nhận, đó là sự tăng trưởng hằng năm cả về chất lượng và số lượng xuất bản phẩm, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội. Các nhà xuất bản đã vận động và không ngừng đổi mới, phát triển để phù hợp hơn với những thay đổi của đất nước, trong đó có sự thay đổi về mô hình hoạt động của nhà xuất bản. Tuy nhiên, những vướng mắc về mô hình tổ chức và cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển tương xứng với vị trí và nhiệm vụ chính trị của toàn ngành trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước còn là vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn để có thể đề ra những giải pháp phát triển phù hợp. Giải quyết vấn đề này chính là giải quyết mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển của hoạt động xuất bản với những quy định pháp lý về cơ chế, chính sách tác động đến quá trình phát triển của hoạt động xuất bản trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

       Thực trạng về mô hình tổ chức của các nhà xuất bản từ 2003 đến nay

      Theo quy định của Luật xuất bản, các nhà xuất bản được tổ chức và hoạt động theo 2 loại hình là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc sự nghiệp có thu. Tính đến năm 2013, cả nước có 65 nhà xuất bản được tổ chức hoạt động với các loại hình khác nhau, trong đó 45 nhà xuất bản tổ chức hoạt động theo loại hình sự nghiệp, 3 nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nhà nước, 17 nhà xuất bản hoạt động theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước.

   Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên của một số nhà xuất bản trong thời gian qua không có sự chuyển biến rõ nét. Các điều kiện về chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Những nhà xuất bản này hoạt động theo mô hình mới, song thực chất vẫn là cơ chế hoạt động cũ, nhưng lại phát sinh những vấn đề mới tác động đến sự ổn định và phát triển của nhà xuất bản sau khi chuyển đổi.

   Mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản hiện nay cũng đang tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà xuất bản, chưa tạo điều kiện thuận lợi để một số nhà xuất bản phát huy hết nội lực của mình để phát triển. Vì vậy, cần phải xem xét xây dựng mô hình tổ chức hoạt động của các nhà xuất bản đúng với sự định hướng của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và thực tiễn hoạt động của các nhà xuất bản trong thời gian qua.

   Ngoài các mô hình phân theo cơ chế hoạt động như đã nêu, trên thực tế, tổ chức quản lý hoạt động xuất bản của các nhà xuất bản có sự phân chia, phân cấp theo phạm vi hoạt động như khối nhà xuất bản trung ương, khối địa phương; theo chủ quản như khối thuộc bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, khối thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, khối thuộc các trường đại học, khối thuộc chính quyền địa phương; theo chức năng, nhiệm vụ như khối các nhà xuất bản chuyên ngành, nhà xuất bản tổng hợp. Nhiều cách phân loại như vậy nên việc xây dựng cơ chế, chính sách cho từng nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn.

   Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng cường hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, nhiều vấn đề mới, phức tạp trong mô hình tổ chức, quản lý nhà xuất bản nảy sinh với những biểu hiện như việc xác định loại hình của nhà xuất bản không hợp lý dẫn đến cơ chế, chính sách cho ngành xuất bản chưa được đồng bộ, hạn chế sự phát triển của từng nhà xuất bản và toàn ngành.

   Trước yêu cầu phát triển sự nghiệp xuất bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động xuất bản để điều chỉnh từng mặt của hoạt động xuất bản như: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư­ Trung ư­ơng Đảng về nâng cao chất l­ượng toàn diện của hoạt động xuất bản, Thông báo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng mô hình nhà xuất bản trước yêu cầu mới, số 2089-TB/TW ngày 4-12-2009 của Văn phòng Trung ương. Đặc biệt, Luật xuất bản năm 2012 được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý hoạt động xuất bản sát với tình hình thực tiễn và đẩy mạnh sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam trong bối cảnh mới.

    Cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất bản

   Theo quy định tại Điều 7 Luật xuất bản năm 2012, Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ chế, chính sách đã được quy định trên chưa được cụ thể hóa và áp dụng đồng bộ cho một ngành có tính đặc thù như xuất bản. Các đơn vị trong ngành xuất bản luôn phải tự vận động để làm tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, đồng thời phải đảm bảo sản xuất, kinh doanh, phát triển sự nghiệp.

   Về trụ sở và trang thiết bị

   Theo quy định của Luật xuất bản, các nhà xuất bản phải được bảo đảm về trụ sở hoạt động. Đây là yếu tố quan trọng và cần thiết để nhà xuất bản hoạt động và phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở vật chất của các nhà xuất bản được đầu tư không đồng bộ, phụ thuộc nhiều vào cơ quan chủ quản. Các nhà xuất bản lớn được đầu tư tương đối toàn diện từ nguồn vốn nhà nước và sự tích lũy của chính nhà xuất bản (vốn tự có) cho nên đã xây dựng được cơ sở vật chất tương đối khang trang và hiện đại. Còn lại, nhìn chung trụ sở của các nhà xuất bản sau một thời gian dài sử dụng, do không có kinh phí để tu sửa nên đã xuống cấp trầm trọng, thậm chí một số nhà xuất bản không có trụ sở riêng, phải đi thuê hoặc dùng chung địa điểm với cơ quan chủ quản.

   Về vốn hoạt động

   Nguồn vốn là một vấn đề khó khăn chung của các nhà xuất bản hiện nay. Tính đến hết năm 2012, tổng số vốn của toàn ngành hiện có 2.412,754 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình sự nghiệp là 528,542 tỷ đồng; nguồn vốn của các nhà xuất bản hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước là 2.189,762 tỷ đồng.

   Theo quy định của Luật xuất bản thì cơ quan chủ quản phải cấp vốn ban đầu và đảm bảo các điều kiện cần thiết để nhà xuất bản hoạt động, nhưng trên thực tế chỉ có rất ít cơ quan chủ quản vận dụng được cơ chế hỗ trợ có hiệu quả cho nhà xuất bản, còn lại hầu như các nhà xuất bản phải tự bươn chải. Nhiều nhà xuất bản trong một thời gian dài không đủ vốn để hoạt động. Thậm chí, có nhà xuất bản từ khi thành lập đến nay không được cấp một đồng vốn. Việc không cấp đủ vốn và không đầu tư cho nhà xuất bản chủ yếu do vướng mắc giữa quy định của luật chuyên ngành và Luật ngân sách. Vì nhà xuất bản là doanh nghiệp thì cơ quan chủ quản không đầu tư hoặc không thể đề nghị cấp vốn từ ngân sách. Các nhà xuất bản hoạt động theo mô hình sự nghiệp thì cơ quan chủ quản là các hội, đoàn thể hoặc cơ quan nhà nước nên việc cấp vốn cho nhà xuất bản từ nguồn ngân sách cũng không thể thực hiện theo quy định của Luật xuất bản. Việc thiếu vốn đã làm hạn chế rất nhiều năng lực hoạt động của các nhà xuất bản. Nhiều nhà xuất bản thiếu vốn đã phải tự tìm lối thoát bằng nhiều hình thức như: mở rộng liên kết xuất bản, đa dạng các hình thức phát hành... nhằm huy động nhiều nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, các hình thức trên đã và đang bộc lộ những bất cập trong quá trình xuất bản, do nhà xuất bản mất thế chủ động, bị tư nhân chi phối và thao túng, dẫn đến buông lỏng quản lý cả về nội dung và nhiều vấn đề khác.

   Về chính sách thuế

   Nhiều cơ quan chức năng cho rằng hoạt động xuất bản là hoạt động sản xuất, kinh doanh nên phải tự trang trải mọi chi phí và phải có lãi, ít chú trọng đến những giá trị văn hóa tinh thần mà hoạt động này đem lại cho xã hội. Từ nhận thức như vậy nên các chính sách thuế ưu đãi không được áp dụng đối với ngành xuất bản cho đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ của ngành đã được Đảng, Nhà nước giao phó. Hiện nay, các đơn vị thuộc ngành xuất bản vẫn đang thực hiện các mức thuế suất như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuần túy khác.

   Chính sách đào tạo nguồn nhân lực

   Tính đến năm 2013, tổng số lao động trong các nhà xuất bản là 6.500 người, trong đó lượng biên tập viên là 1.193 người (chiếm 18,4% tổng số lao động). Sau hơn 25 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ biên tập đã có bước phát triển vượt bậc. Số lượng biên tập viên tăng hơn 5 lần so với năm 1986. Chất lượng biên tập viên được nâng cao hơn một bước, có nhiều người được đào tạo cơ bản cả về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và nghiệp vụ. Nhiều biên tập viên có khả năng làm chủ thiết bị công nghệ tiên tiến, thích nghi với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa. Một số nhà xuất bản tuy số lao động không lớn, đội ngũ biên tập viên không nhiều, nhưng nhờ năng động, tìm tòi, có nhiều sáng tạo nên đã đáp ứng tốt yêu cầu của xã hội.

   Tuy nhiên, nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực cho hoạt động xuất bản vẫn còn nhiều hạn chế:

  - Việc thiếu đội ngũ biên tập viên chuyên sâu đang đặt ra cho các nhà xuất bản một vấn đề vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài. Đó là vừa phải đào tạo nhân lực có chất lượng cao lại vừa phải có những cơ chế phù hợp để giữ và thu hút được những người có tâm huyết, có năng lực gắn với các hoạt động xuất bản nói chung.

  - Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trực tiếp các nhà xuất bản đang đứng trước thách thức gay gắt. Số cán bộ được đào tạo, có trình độ, kinh nghiệm hoạt động xuất bản đang dần thưa vắng do đến tuổi nghỉ hưu. Khá nhiều cán bộ được điều động từ các lĩnh vực khác sang làm công tác xuất bản, trong đó, có người hầu như không được trang bị gì về nghề nghiệp.

  - Một số nhà xuất bản, nhà sách, công ty kinh doanh xuất bản phẩm còn nhiều biên tập viên đang hành nghề biên tập mà chưa được đào tạo và bồi dưỡng về nghiệp vụ biên tập, chưa nắm được quy trình và kỹ năng biên tập xuất bản. Nhận thức về tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh biên tập còn rất mơ hồ, thậm chí có nơi không xây dựng tiêu chuẩn chức danh biên tập viên gắn với những tiêu chí về phẩm chất và năng lực cần thiết để hành nghề. Một số nhà xuất bản vẫn áp dụng tiêu chuẩn chung chung nặng về định tính vào việc bố trí, sử dụng đề bạt cán bộ biên tập. Đặc biệt chức danh biên tập không được tiêu chuẩn hóa, thể chế hóa. Thực trạng đó dẫn đến tình trạng xây dựng đội ngũ biên tập viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý biên tập thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của hoạt động xuất bản.

  - Các cơ sở đào tạo chuyên ngành xuất bản hiện nay còn phân tán, chưa có sự đầu tư đồng bộ và thống nhất chung về khung chương trình đào tạo; giáo trình học chưa theo kịp với yêu cầu thực tế; đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo chung của toàn ngành. Việc hợp tác trong lĩnh vực đào tạo của ngành còn hạn chế, chưa tiếp cận được với chương trình đào tạo của các nước có nền xuất bản tiên tiến, hiện đại.

  - Nguồn kinh phí dành cho đào tạo của ngành không có, chủ yếu là do cá nhân tự bỏ kinh phí đào tạo từ đầu hoặc do các đơn vị tự đào tạo, do vậy sự gắn kết giữa nhà xuất bản, doanh nghiệp với cơ sở đào tạo không có. Những cá nhân có trình độ, năng lực chuyên môn thì không muốn gắn bó với các đơn vị nhà nước vì mức thu nhập quá thấp, dẫn đến tình trạng thiếu hụt đội ngũ chuyên môn giỏi, hạn chế đến việc đổi mới, phát triển của các đơn vị và của toàn ngành theo hướng tiên tiến, hiện đại và chuyên sâu.

   Chính sách tài trợ, đặt hàng

   Theo quy định tại Điều 7 Luật xuất bản năm 2012, Nhà nước có chính sách đặt hàng để có bản thảo và xuất bản tác phẩm, tài liệu phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng, thông tin đối ngoại, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, thiếu niên, nhi đồng, người khiếm thị và các nhiệm vụ trọng yếu khác. Nhìn chung chính sách tài trợ, đặt hàng của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản đã được quy định mang tính pháp lý, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện thì chưa được nhiều.

   Một số vấn đề đặt ra đối với mô hình tổ chức của các nhà xuất bản

   Sự bất cập trong mô hình tổ chức của các nhà xuất bản với yêu cầu phát triển và các quy định của pháp luật

   Việc chuyển đổi sang một mô hình tổ chức mới không nằm trong sự điều chỉnh của Luật xuất bản, đang có sự bất cập về việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của hoạt động xuất bản, sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản. Mặt khác, việc cơ quan chủ quản của nhà xuất bản không đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết để chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, sẽ buộc các nhà xuất bản phải đặt hiệu quả kinh tế lên trên hiệu quả chính trị, xã hội. Mô hình tổ chức không được xác định cụ thể và phù hợp với yêu cầu thực tiễn sẽ hạn chế đến việc hoạch định chính sách đầu tư, quản lý và xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

   Sự bất cập giữa chính sách và yêu cầu phát triển

   Trong những năm qua, hoạt động xuất bản đã có những bước phát triển và hội nhập quốc tế đúng với định hướng của Đảng và phù hợp với cơ chế quản lý mới của Nhà nước. Các nhà xuất bản đã từng bước đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các đơn vị thuộc ngành xuất bản chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chính sách đầu tư cho ngành xuất bản thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả hoạt động còn thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của ngành xuất bản trong đời sống xã hội. Mặt khác, khi thực hiện Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất nhập khẩu..., các đơn vị thuộc ngành xuất bản không nhận được sự ưu đãi nào mà được coi như các doanh nghiệp thuần túy khác. Sự mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và sản xuất, kinh doanh của ngành xuất bản đang hạn chế sự phát triển của từng đơn vị và của toàn ngành trong sự phát triển chung của xã hội. Mặt khác, do phải tự vận động để phát triển và lo thu nhập cho người lao động nên một số nhà xuất bản đã chạy theo lợi nhuận, buông lỏng quản lý dẫn đến những sai phạm bị xử lý.

   Quy mô hoạt động và phát triển của ngành xuất bản chưa có những bước đột phá

   Ngày 31-12-2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành sách đến năm 2010, đồng thời với việc triển khai quy hoạch này là một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch, hoạt động của toàn ngành đã có những bước đổi mới căn bản, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển chung: mô hình tổ chức của toàn ngành còn nhiều bất cập; mạng lưới phát hành được mở rộng nhưng chủ yếu tập trung ở các trung tâm, thành phố lớn; chỉ tiêu mức hưởng thụ bình quân 4 bản sách/ người/ năm vào năm 2005 của toàn ngành cho đến nay chưa thực hiện được; trong tổng số sách xuất bản hằng năm thì phần lớn là sách giáo khoa; chưa thu hẹp được khoảng cách đáng kể về tiếp cận thông tin, tri thức thông qua xuất bản phẩm giữa khu vực thành phố, thị xã với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

   Một số giải pháp và kiến nghị về mô hình tổ chức của các nhà xuất bản trong thời gian tới

   Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực tư tưởng văn hóa, là hoạt động có tính chất đặc thù, không thể đặt mục tiêu lợi nhuận thuần túy như nhiều ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, cũng không thể quay lại cơ chế bao cấp toàn bộ đối với xuất bản như trước đây mà phải căn cứ vào tính chất, quy mô hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản để nghiên cứu việc chuyển đổi mô hình tổ chức cho phù hợp, theo hướng:

  - Chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu.

  - Đối với các nhà xuất bản đủ điều kiện cần thiết chuyển đổi theo quy định của Luật doanh nghiệp, có quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh khác ngoài hoạt động xuất bản mới chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên 100% vốn nhà nước.

  - Căn cứ vào quy mô hoạt động của nhà xuất bản, sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản tiến tới thành lập tập đoàn xuất bản.

  Để giải quyết một cách cơ bản các vấn đề trên, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo cụ thể của Đảng, Nhà nước và sự phối hợp của các cơ quan của Chính phủ để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển đúng với yêu cầu và nhiệm vụ của ngành trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mai Thị Hương

Trưởng phòng Quản lý xuất bản

Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông

 

***

Bài viết có tham khảo một số tư liệu của ngành xuất bản và nghiên cứu của các tác giả khác.

 

Bình luận