Một cuộc gặp gỡ

Ngày đăng: 14/10/2011 - 15:10

Nhà văn Lê Minh

- Số mình chỉ được ở nhà hướng Tây.

Cha tôi[1] thường nói như một lời vỗ về, mỗi khi nửa đêm nóng quá tôi giẫy đạp lục xục trong giường và cuối cùng cha tôi phải buông bút bế tôi ra vại nước. Cơn nóng dịu xuống lúc về sáng.

LDT-ab6

Phái đoàn đồng chí Lê Đức Thọ cùng gia đình cụ Đạo (Chu Lễ - Hà Tĩnh) trên đường

từ chiến khu Việt Bắc vào Nam Bộ (đồng chí Lê Đức Thọ - người đứng thứ hai từ trái sang)

Căn nhà gác nhỏ số 7, có cầu thang đi riêng xuống cửa mở thẳng ra hè đường, rất giống một loạt nhà trong cùng dãy, đều thuê của Cha xứ đạo. Nhà trông thẳng hướng mặt trời chiều, gay gắt nắng lửa.

Chợ Rồng về chiều càng lao xao tấp nập người và hàng, đồ biển từ các huyện đánh bắt được theo xe khách lúc này mới gồng gánh đổ vào chợ tỉnh... Mùi tôm tép, cá, rạm tanh mặn ươn nồng vì một ngày chịu nắng. Đến nỗi buổi chiều tối nhìn vào nhà chợ, trong ánh đèn mờ ảo chỉ còn thấy trỏng trơ những bàn sạp, những cọc lều, những lá rác nhưng cái mùi chợ kia thì vẫn dai dẳng bốc lên nồng nặc thấm ướp suốt một dãy nhà trông xuống chợ Rồng. Bên kia nhà chợ cách một con đường lớn là nhà chợ vải và hoa quả, ngược lại, sáng sủa, khô ráo, bước vào đã thơm ngát như đâu đây có hoa ngâu, hoa huệ. Hương chuối ngự chỉ riêng chợ Rồng mới có, sao mà ngọt ngào, sao mà thanh khiết. Nhà phía bên ấy thuê đắt tiền hơn.

Một người khách lạ đến thăm cha tôi. Ông không phải là thầy giáo, vì không thấy nói gì chuyện lớp học. Cũng không phải là người trong họ Xuân Cầu ra, vì nếu thế mẹ tôi đã biết. Nhưng thân thiết mức nào mà khi người khách ra về rồi, cha mẹ tôi không hết thầm thì vui vẻ. Trong câu chuyện của hai người thường nhắc một tên họ rất lạ. Cũng cái tên họ ấy, tôi nghe mẹ đọc trên chiếc phong bì thư cha tôi sắp đem gửi. Cũng cái tên họ ấy, mỗi lần ông khách tới thăm, trong câu chuyện của hai người thường nhắc đến. Rồi một hôm, bà nội tôi từ quê xuống. Trong những toan tính của người lớn tôi chắp nhặt được, cộng với trí tưởng tượng của trẻ thơ, tôi hiểu rằng người chú ruột của tôi đi biệt tích từ khi tôi chưa có mặt trên đời này, mà cả nhà ai cũng nhắc trong những ngày đoàn tụ để xót thương, sắp trở về đến nhà. Người khách đã cho tôi tưởng tượng ra như vậy. Người khách đã bày cách cho cha tôi làm đơn và bà nội tôi điểm chỉ. Đơn gửi Mặt trận Bình dân Pháp đề nghị can thiệp cho chú được phóng thích. Chú đã mang một tên họ khác để không ai đoán nhận được tông tích: Phạm Văn Khương[2], số tù 6214, đảo Côn Lôn. Người khách cũng mới từ đảo Côn Lôn trở về. Cha tôi gọi ông theo cách xưng hô thân mật: Anh Khải[3]. "Anh Khải" người dong dỏng cao, cao hơn cha tôi, nhưng trẻ hơn cha tôi nhiều. Té ra "anh Khải" cũng người tỉnh này, nhà ở bên kia Đò Quan, lại là anh ruột anh Đống[4], học trò của cha tôi và học cùng lớp với chú Bông tôi. Đều đã là người thân trong nhà cả.

"Anh Khải" vẫn đến với cha tôi và bao giờ cha cũng sai tôi những việc lấy thuốc lá, lấy trà, mặc dù tôi còn rất bé. Đó chứng tỏ một niềm vui của cha tôi, điều cha tôi quý khách. Câu chuyện giữa hai người nghiêm trang, đôi lúc xúc động, và lần nào cũng vậy, sau khi tiễn khách ra về, cha tôi ngồi vào bàn, điếu thuốc lá trên tay, cha tôi nhìn đi đâu, đang nghĩ gì? Chắc là người chú ruột biệt tích của tôi đã lên tàu thủy và sắp về đến nhà rồi. Bao nhiêu tưởng tượng hân hoan nảy nở trong óc tôi về giây phút đầu tiên chú hiện ra trước ô cửa kia, với cái đầu húi trọc, với cái áo trắng đính số tù trước ngực. Chắc chắn bà nội tôi sẽ bật khóc òa nức nở.

Cha tôi cặm cụi trước bàn. Gần như không đứng dậy. Gần như không biết gì xảy ra xung quanh. Khói thuốc lá mù mịt trong phòng đến nỗi mẹ tôi kêu lên vì ngạt. Chỉ có tôi được mon men đến gần, gọi cha đi ăn cơm, giục cha đứng dậy nghỉ. Nhưng cha chỉ thả tay xuống xoa đầu tôi:

- Con ngoan, đi chơi đã,

Tiếng ngòi bút loạt xoạt ngày đêm trên trang giấy. Liền trong nửa tháng, một cánh tay cha tôi bại đi nhức nhối.

- Sao thế, cha đau lắm ư?

Cha tôi cười:

- Con đấm đúng chỗ này này. Thế, thế. Hết đau rồi.

Cái quả đấm nhỏ xíu chỉ bằng quả ổi của tôi làm cho cha tôi buồn buồn và bật lên tiếng cười.

- Cha ơi, có khách.

Tiếng chuông đồng rung leng keng. Cha tôi xuống gác. Và người khách vụt bước vào.

Một thất vọng lớn cho tuổi thơ của tôi, không có chuyện ân xá nữa. Người lớn nói với nhau như thế sau khi khách ra về. Tất cả đổ vỡ. Những người cộng sản bị bắt trở lại rồi, hoặc sẽ bị đày đi căng. Cuốn tiểu thuyết cha tôi mới cho ra đời liền bị cấm. Cha tôi phải thi hành lệnh rời khỏi Nam Định tức khắc.

Chẳng thể bao giờ ngờ được, ít lâu sau, chính bà nội tôi đã tay nải lên đường lặn lội đến tận căng Bá Vân để thăm những người bạn con mình đã bị bắt trở lại. Lúc về, bà cầm thư đi phân phát đến từng gia đình cho anh em, mà suốt thời gian ở quây quần trên căng, anh em đã gọi bà bằng cái tên thiêng liêng, đầm ấm: Mẹ.

Ngày nay nghĩ lại tôi vẫn sửng sốt. Ngay từ những ngày xa xưa ấy trong xã hội Việt Nam đã ngấm ngầm nảy sinh một quan hệ ruột thịt giữa người với người, mối quan hệ không bắt đầu từ một dòng máu, hoặc từ đồng tiền và địa vị như mô hình xã hội đương thời. Đã là tù thì còn có địa vị gì nữa. Nhưng một sự thức dậy đột ngột đã làm cho bà tôi nhận biết, có mối hòa hợp tự đáy lòng mình với lý tưởng của con, bà tôn trọng và từ đó kính phục cuộc đời hy sinh của tất cả các bạn con. Bất chấp bọn mật thám đương theo dõi và triệt hạ gia đình mình, bà đã làm một việc mà xã hội ngày ấy người ta cho là dại dột. Những người tiếp tục đến tụ hội ở nhà với chú Bông tôi, bà che chở. Bà thường nhắc hỏi về "anh Khải". Như xưa kia "anh Khải" đã mang bóng dáng người con trai mất tích của bà đương ở tù chung thân ngoài đảo Côn Lôn, bóng dáng người cháu kêu bà bằng dì ruột là anh Tô Hiệu, mà "anh Khải" cũng rất thân ngoài Côn Đảo, sau này đã chết trong Nhà ngục Sơn La.

Sự kiện Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền và ở Đông Dương, nhiều chính trị phạm được ra khỏi các nhà lao về địa phương gây phong trào, "anh Khải" được trở về Nam Định, đã tạo nên những vang động sâu xa trong lòng mỗi người thuộc gia đình chúng tôi như thế.

Một đoạn trong Đời viết văn của tôi (Nguyễn Công Hoan): "Từ khi tôi được theo dõi các cuộc đình công của công nhân đòi quyền lợi kinh tế và chính trị, các cuộc điều tra của Chính phủ bình dân, phái đoàn Gôđa, Vian sang Đông Dương, từ khi tôi thích đọc các sách báo của Mặt trận dân chủ thì tôi bắt đầu yêu công nhân. Tôi tìm hiểu anh em thợ thuyền Nhà máy sợi và Nhà máy tơ. Tôi xin gia nhập chi nhánh Pháp của Đảng công nhân quốc tế SFIO tức Đảng Xã hội Pháp và dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động năm 1938, tôi được cử vào ban trật tự trong cuộc biểu tình lớn ngày 1-5 tại khu Đấu Xảo Hà Nội".

"Càng gần gũi anh em chính trị phạm cũ, nhất là anh Phan Đình Khải hay đến chơi với tôi, tôi càng hiểu chủ nghĩa cộng sản là nhân đạo, và đấu tranh giai cấp chính là đấu tranh giải phóng cho đất nước, cho quảng đại nhân dân".

"Nhưng mặt khác, tôi càng hiểu cộng sản, càng yêu cộng sản, thì bọn cầm quyền ở Nam Định cũng càng hiểu tôi và càng không yêu tôi. Chúng cho tôi là người cộng sản trá hình, là đảng viên Đảng Xã hội để hoạt động công khai.

"Tôi là "một tay cộng sản nguy hiểm, cần tống ra khỏi nơi tập trung thợ thuyền này" (nguyên văn hồ sơ bí mật ở Sở Mật thám). Cho nên Nha học chính Bắc Kỳ, theo lệnh của thống sứ, đuổi tôi ra một hòn đảo xa xôi, hẻo lánh là đảo Trà Cổ. Nghị định thuyên chuyển ký trước ngày nghỉ hè mấy hôm, bắt tôi rời khỏi Nam Định lập tức".

"Thì ừ, ông cộng sản cho mày xem". Suốt nghỉ hè, tôi ngồi lỳ tại Nam Định. Tôi viết cuốn Bước đường cùng, một truyện dài về nông dân, để trang trải món nợ lòng đối với anh em cộng sản ở Nam Định. Cái "sự kiện vùng dậy" của anh Pha chưa đúng với thực tế hồi bấy giờ, nhưng cuối cùng tôi cứ cho anh nông dân vùng dậy. Đó là vì tôi đã chịu ảnh hưởng trong các sách báo cộng sản hồi bấy giờ".

*

*       *

Anh Khải thật hồ hởi khi nhắc một kỷ niệm sâu sắc trong đời anh khi tôi hỏi chuyện anh. "Làm sao mà tôi quen biết anh Hoan ư? Chính là vì có Khương. Tôi ra Côn Đảo trước Khương".

Anh kể tiếp: "Đoàn 89 tù cộng sản vừa dự phiên tòa đại hình đặc biệt mở tại Sài Gòn, ngày 14-5-1939 ra đến đảo, đã gây một chấn động lớn trong anh em. Đoàn tù có mấy anh án chém được Quốc tế đỏ can thiệp hạ xuống chung thân. Tôi ở cùng banh với Khương, một trong những người tù án chém ngày đó, nhưng ở khác khám. Phải nói rằng, anh em ai cũng quý Khương. Riêng tôi, rất phục tinh thần dũng cảm của anh. Khương là một tấm gương về sự hy sinh. Con người của anh công tâm, giản dị, ăn ở với ai cũng có tình, con người tốt lắm. Sống với ai cũng được người ta thương. Hai đứa tôi thân nhau. Năm 1936 Mặt trận Bình dân lên, tôi được phóng thích. Tôi hỏi Khương: Gia đình mày còn ai không? Lần này về tao sẽ đi tìm. Từ khi bỏ nhà vào Sài Gòn hoạt động, Khương giấu biệt tông tích để khỏi lụy đến gia đình. Anh ruột của Khương là anh Nguyễn Công Hoan đang dạy học ở Nam Định. Nam Định lại chính quê tôi.

Được Đảng phân công hoạt động công khai và trực tiếp ở tỉnh nhà, tôi liên lạc với anh Hoạt tức Trần Bảo, lúc ấy là Xứ uỷ viên phụ trách Nam Định, Thái Bình. Rồi qua Đống, em trai tôi, bạn học với Nguyễn Công Bông là em út của Khương; hai cậu này cũng rất thân nhau. Thế là tôi bắt liên lạc với Bông và đến anh Hoan. Tôi kể với anh những chuyện về Khương. Tôi nhận xét anh Hoan là người điềm đạm, nói năng chắc chắn, anh là người đã được giác ngộ cách mạng.

Tôi đến anh Hoan luôn, ở căn gác số 7 phố chợ Rồng. Anh hỏi tôi nhiều về phong trào công nhân, về tình hình các nhà tù Côn Đảo, Sơn La, về tình hình công nhân máy sợi, máy tơ, công nhân ngoài mỏ. Tôi đã chuyển nhiều báo chí đến cho anh đọc. Tôi bàn với anh Hoạt tìm mọi cách giúp anh Hoan tiếp xúc được rộng rãi với công nhân. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, anh đã giác ngộ, cần để anh hiểu về chủ nghĩa cộng sản. Hoàn cảnh anh không đi hoạt động thoát ly được thì tham gia phong trào công khai. Còn tôi giới thiệu Bông để anh Hoạt tổ chức hoạt động bí mật và đưa vào Đảng.

- Có phải vì anh là người thích thơ phú nên ngày ấy đã gắn bó với anh Hoan?

- Hoàn toàn không phải thế. Hoạt động bí mật nên phải dựa vào gia đình các đồng chí, đó là nơi tin cậy. Tôi không hề nghĩ rằng gặp anh Hoan để ảnh hưởng gì đến bước đường viết văn của anh Hoan.

- Vậy anh có đọc Bước đường cùng chứ?.

- Có. Tôi đọc ngay từ ngày ấy. Các tư liệu giúp anh Hoan hiểu về đời sống công nhân, một phần là do tôi đưa đến. Sau này trong kháng chiến chống Pháp, đôi lần tôi cũng gặp anh Hoan, vẫn như xưa, vui vẻ, tin cậy và thân tình. Song chỉ một thời gian ngắn tôi đã chuyển công tác vào mặt trận miền Nam, rồi sau này khi anh Hoan mất, tôi ở mặt trận Tây Nam. Rất tiếc là không được gặp anh lần cuối cùng. Nhưng trước sau như một, tôi rất quý trọng anh. Chính vì hồi ấy mật thám theo dõi tôi, biết tôi thường đến anh Hoan, nên tên anh đã vào sổ đen của Sở Mật thám. Anh Hoan có nói đến một bước chuyển quan trọng trong đời viết văn của anh thời kỳ Mặt trận Bình dân, và nhắc đến tên tôi. Nhưng tôi nghĩ, đó chỉ là một phần, còn là do ảnh hưởng của cao trào cách mạng và do anh Hoan đã tự hào về nhân cách người em ruột, người ấy là bạn tù rất thân của tôi...

Quả thật tôi đã bàng hoàng trước câu chuyện giản dị trên đây khi được nghe kể lại: Một cao trào cách mạng. Những nhân cách cộng sản. Thôi thúc một tấm lòng yêu nước. Cuộc gặp gỡ giữa cao trào chính trị với nhà văn trong tình huống cách mạng hết sức đặc biệt ấy, đã tạo nên những rung động ngân vang trên những trang viết.

Hành động "vùng dậy" của nông dân Pha trong Bước đường cùng; hành động phản kháng đến cùng của Sáng, chị phu mỏ; nhân vật Pha trở thành công nhân hầm lò, đứng trong tổ chức của giai cấp, đấu tranh quyết liệt chống bọn bóc lột cường quyền, đề cương chi tiết đã hoàn thành của cuốn tiểu thuyết tiếp theo: Bước đường ngoặt. Tất cả đã chứng minh một sự kiện vượt mình, một biến động lớn trong chọn lựa nhân vật, trong quyết định số phận nhân vật, trong khuynh hướng phát triển tiểu thuyết: Nhà văn dám dấn thân và sức sáng tạo bật dậy.

Lịch sử văn học Việt Nam cho đến hôm nay có lẽ cũng mới chỉ có một cuộc gặp gỡ này, một nhà văn với cao trào cách mạng, trong một tình huống đặc biệt của cách mạng. Cuộc gặp tự nhiên như con sông nhỏ hòa vào trong con sông lớn tan trong nhau ở khúc chảy xiết.

Cái đẹp đến, chẳng bao giờ cần sự sắp đặt.

Cái đẹp xuất hiện, không bao giờ tuân theo ý định có trước chủ quan...

Cái đẹp bình dị chỉ nảy sinh trong sự chân thành của tấm lòng. Chính vì lẽ đó, mối tình đã long lanh tồn tại. Căn nhà nhỏ số 7 nhìn xuống chợ Rồng, trở thành nơi chứng kiến.



[1]. Nhà văn Nguyễn Công Hoan.

[2]. Tức Lê Văn Lương.

[3]. Tức Lê Đức Thọ.

[4]. Tức Mai Chí Thọ.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả