Một dạng tham nhũng đặc biệt, cần phải ngăn chặn
Từ khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, doanh nghiệp (DN) và đội ngũ doanh nhân tăng nhanh cả về số lượng và quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội... Tuy nhiên, cùng với những tác động tích cực, một số DN, doanh nhân đã “móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội.”(*)
Theo thống kê của cơ quan Thanh tra Nhà nước, tình trạng công chức thông đồng với DN, doanh nhân để vụ lợi xuất hiện ngày càng nhiều, có dấu hiệu ngày càng trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực, số vụ tham nhũng liên quan đến DN, doanh nhân chiếm 31,5%. Kết quả khảo sát trong năm 2012 cho thấy 24,7% cán bộ, công chức được hỏi thừa nhận có hiện tượng công chức nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền, biếu quà; 15% DN thừa nhận có tình trạng công chức gợi ý muốn được tặng quà.
Một số vụ án lớn trước đây như Năm Cam, Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh, Tân Trường Sanh, vụ án hang Dơi, vụ án ở Công ty Thiên Lợi Hòa..., một số vụ gần đây như PMU 18, Vinashin, Vinalines... và nhiều vụ tiêu cực xảy ra ở các địa phương đều bắt nguồn từ quan hệ “mờ ám” giữa công chức quản lý Nhà nước với DN, doanh nhân.
Tại cuộc hội thảo do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức tháng 5-2013, coi sự “móc nối” giữa DN, doanh nhân với một số công chức là mối quan hệ không bình thường, dựa trên sự “có đi, có lại” giữa DN, doanh nhân với công chức có vai trò quan trọng hoặc quyết định về cơ chế quản lý, chính sách tài chính, tiền tệ, đất đai, thủ tục hành chính (kể cả một số công chức lãnh đạo, quản lý đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nhưng còn có thể lợi dụng để trục lợi)… Ngoài hình thức quà biếu bằng tiền hoặc hiện vật có giá trị lớn, một số DN, doanh nhân đã tặng, cho cổ phiếu, cổ phần, chuyển nhượng nhà đất với giá rẻ, mời công chức hoặc người thân của công chức đi tham quan, du lịch hoặc du học nước ngoài. Không ít dư luận dị nghị về những “đại gia” bỏ tiền lo lót cho công chức thăng tiến vào những vị trí cao hơn.
Đáp lại sự “hào phóng” ấy, một số công chức lợi dụng chức trách và quyền hạn được giao, làm “sân sau” cho DN, doanh nhân được trúng thầu hoặc được chỉ định thầu những dự án lớn, được thuê hoặc chuyển nhượng nhiều đất đai, hỗ trợ về vốn, tài chính, miễn giảm thuế, giảm nộp ngân sách không đúng chính sách… Một số cán bộ, công chức trở thành “công bộc” tận tụy với DN, doanh nhân, bảo kê cho DN buôn lậu, thậm chí đỡ đầu, tạo thế cho doanh nhân được cơ cấu vào bộ máy chính quyền hoặc cơ quan dân cử.
Mối quan hệ không bình thường giữa một số công chức với DN, doanh nhân đã và đang gây ra những hệ lụy rất đáng lo ngại trên các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và cả về chính trị, an ninh, quốc phòng. Mối quan hệ ấy đã và đang phá vỡ môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm nản lòng những nhà đầu tư (cả trong nước và nước ngoài) làm ăn chân chính.
Mối quan hệ không bình thường như trên làm tha hóa và hư hỏng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cao cấp. Tình trạng đó đã và đang làm trầm trọng thêm sự cách biệt bất hợp lý giữa người giàu, người nghèo. Trong khi mức sống của đại bộ phận nhân dân còn thấp, người có công với nước và những người đã từng “vào sinh, ra tử” để bảo vệ Tổ quốc vẫn sống chật vật bằng đồng lương và trợ cấp xã hội, thì một bộ phận không nhỏ công chức giàu lên nhanh chóng, dư thừa nhà đất và tài sản đắt tiền nhờ “dan díu” với DN hoặc vòi vĩnh DN, doanh nhân tặng quà biếu và những đồng tiền “lót tay” hậu hĩnh.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị đã cảnh báo tình trạng DN, doanh nhân móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Đây là dạng tham nhũng đặc biệt và ngày càng gia tăng, trở thành một trong những nguy cơ đối với Đảng, Nhà nước, cần sớm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Cấp ủy Đảng các cấp, nhất là người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng của tình trạng này, một trong những vấn đề “nóng” làm cho nhân dân bức xúc, bất bình, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và của chế độ. Cần giáo dục cán bộ, đảng viên, trước hết là những cán bộ, công chức có quan hệ trực tiếp với DN, doanh nhân gương mẫu rèn luyện phẩm chất, giữ gìn nhân cách và danh dự của người đảng viên, vượt lên những cám dỗ của ma lực đồng tiền, can đảm khước từ những lợi ích vật chất, không tự khoác lên mình chiếc áo “quan tham”, làm mất đi sự tôn kính của cộng đồng.
Mối quan hệ mờ ám giữa DN, doanh nhân với một số công chức ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhưng không thể qua được tai mắt của nhân dân nơi công chức làm việc và cư trú. Cấp ủy Đảng các cấp, cần có cơ chế tiếp nhận ý kiến của nhân dân phát hiện mối quan hệ không bình thường giữa DN, doanh nhân với công chức, viên chức, thường trực cấp ủy định kỳ nghe MTTQ và các đoàn thể chính trị cùng cấp, các cơ quan báo chí phản ánh dư luận xã hội và ý kiến của các tầng lớp nhân dân về hành vi tham nhũng tại địa phương, cơ sở. Cần có cơ chế bảo mật và bảo vệ người cung cấp thông tin; quy định về sự phối hợp giữa cấp ủy nơi công chức làm việc với cấp ủy nơi cư trú trong quản lý, giám sát đảng viên.
Sự móc nối giữa DN, doanh nhân với một số công chức để trục lợi, thực chất là hành vi vi phạm pháp luật: hối lộ và nhận hối lộ; những doanh nhân và công chức móc nối với nhau là những tội phạm cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kiên quyết khắc phục tình trạng xử lý hành chính hoặc xử lý nội bộ.
Thực hiện nghiêm túc chế độ luân chuyển công tác đối với những chức danh có mối quan hệ trực tiếp với DN. Đối với những công chức có nhiều dư luận về quan hệ mờ ám với DN, doanh nhân thì dù là lãnh đạo, quản lý chủ chốt hay công chức bình thường, cấp ủy cần tổ chức kiểm tra, thanh tra, kết luận rõ ràng, xử lý kỷ luật hoặc chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật truy tố kịp thời, xử lý nghiêm minh, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát. Kiên quyết tịch thu tài sản do quan hệ mờ ám với DN mà có.
Phát hiện, ngăn chặn mối quan hệ mờ ám giữa DN, doanh nhân với một số công chức cũng là một trong những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, khôi phục niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và góp phần lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực