Một ấn phẩm có giá trị về lịch sử Đông Nam Á

Ngày đăng: 27/05/2016 - 08:05

Lịch sử ĐNA 1 1 1Cuôn sách Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay do GS. Lương Ninh chủ biên là công trình nghiên cứu khoa học công phu và tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về lịch sử Đông Nam Á. Cuốn sách cập nhật những nghiên cứu mới, phát hiện mới, tiêu biểu về lịch sử phát triển Đông Nam Á từ thời tiền sử cho đến nay, phác họa những sự kiện, dấu mốc quan trọng của mỗi quốc gia trong tiến trình lịch sử, cũng như mối quan hệ về kinh tế, văn hóa - xã hội, tạo nên một khu vực văn hóa Đông Nam Á thống nhất.

ĐôngNamÁ là một khu vực địa lý quan trọng của châu Á và thế giới. Từ xa xưa, nơi đây đã là cầu nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nối dài thế giới Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương với Biển Đông, tạo nên “con đường tơ lụa” trên biển, con đường mậu dịch từ cổ đại Rôma qua Ấn Độ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, phải đến cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, người ta mới xem xét Đông Nam Á như một thực thể địa - chính trị, văn hóa, lịch sử. Hiện nay, với nhiều nét phát triển tương đồng về tự nhiên, văn hóa, xã hội, Đông Nam Á đang có những chuyển động tích cực, là một trong những khu vực phát triển năng động trên thế giới, đồng thời là khu vực có vị trí địa - chiến lược, là tâm điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn, trở thành đối tượng tiếp cận và tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn.

Trong thế kỷ trước, khi tìm hiểu về khu vực Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu đã sử dụng khá phổ biến công trình nổi tiếng uyên bác của G. Coedes (Histoire ancienne des Etats hindouises d’ Extreme - Orient - Lịch sử các quốc gia cổ Hinđu hóa ở Viễn Đông, Hà Nội, 1944), cuốn sách được ba lần dịch ra tiếng Anh tại các trường đại học khác nhau, vào các năm 1966, 1968, 1971. Không lâu sau đó, cuốn A History of South East Asia - Một lịch sử Đông Nam Á của D. G. E. Hall (Mac Millan, London, 1968) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tổ chức dịch và xuất bản bản tiếng Việt vào năm 1997 cũng được đánh giá là một xuất bản phẩm có giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử lớn, nhất là phần bổ sung lịch sử giai đoạn 1945-1960 - giai đoạn khủng hoảng của toàn thế giới và Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, Đông Nam Á ngày nay đã biến chuyển, khác xưa rất nhiều, diện mạo mới của nó cần được phản ánh, lý giải. Hơn nữa, cần có sự đánh giá, biên soạn từ góc nhìn của các nhà sử gia trong nước, góp phần bổ sung và biên soạn lại những chỗ đã cũ, lý giải hàng loạt vấn đề mới nảy sinh. Ví như sông Mê Kông - cái nôi của lịch sử, văn hóa Đông Nam Á lục địa, nay đặt ra cho các dân tộc sống trên lưu vực sông này cần phải chung sống như thế nào, phải hợp tác với nhau ra sao để sinh tồn, khai thác, sử dụng và phát triển? Hoặc như Biển Đông mà MarcoPolo, Ibn Batutah, Odoric de Pordenone đã từng gọi là biển Champa, các triều đình Trung Hoa mặc nhiên coi là thuộc quyền kiểm soát của Champa, nay lại cần được đem ra bàn thảo, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Rõ ràng, lịch sử mới nghĩa là phải tiếp tục cùng nhau đấu tranh, xây dựng và đương nhiên cần được quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt.

Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thông tin và tư liệu cơ bản để tìm hiểu một cách hệ thống, toàn diện về lịch sử khu vực từ tiền sử cho đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay do Giáo sư Lương Ninh làm chủ biên, là công trình nghiên cứu, biên soạn công phu và tâm huyết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về lịch sử khu vực Đông Nam Á. Nội dung cuốn sách gồm ba phần chính: Phần thứ nhất - “Đông Nam Á từ tiền sử đến trước chủ nghĩa thực dân”; Phần thứ hai - “Đông Nam Á từ thế kỷ XVI đến năm 1945: Giao thương, thực dân hóa và phi thực dân hóa”; và Phần thứ ba - “Đông Nam Á từ năm 1945 đến nay: Độc lập dân tộc, liên kết khu vực và phát triển”. Trong đó, các sự kiện lịch sử chủ yếu của các quốc gia, các vùng được giới thiệu “cắt lát” theo thời gian (khoảng vài thế kỷ ở các thời kỳ xa xưa và vài thập niên gần đây) để thấy mối liên hệ theo chiều ngang, đồng đại và phác họa ra những nét chung, những nội dung đánh dấu mốc lịch sử nổi bật của các quốc gia trong thời gian đó, cùng những mối liên quan tương đồng, thậm chí tương  tác, tạo nên lịch sử vùng, lịch sử khu vực.

Đồng thời, với các thông tin mới, số liệu mới được cập nhật một cách khách quan, chính xác, hình ảnh về một cộng đồng ASEAN với ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội đã hiện lên một cách rõ nét. Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 tiếp tục theo đuổi các mục tiêu và định hướng lớn đã có của ASEAN, với nội dung chủ đạo là đưa ASEAN trở thành một cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội, thực sự hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm và hoạt động theo luật lệ” như các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định trong Tuyên bố Bandar Seri Begawan về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015. Với tầm nhìn ấy, ASEAN sẽ tiếp tục tiến trình liên kết khu vực sâu rộng hơn để các quốc gia thành viên và người dân trong khu vực Đông Nam Á luôn được sống trong hòa bình, thịnh vượng, gắn bó chặt chẽ với nhau trong một xã hội đùm bọc, chia sẻ.

Trên cơ sở mạch bố cục các phần, các chương hợp lý theo tiến trình thời gian từ cổ đại, trung đại đến hiện đại; thêm vào đó, phần Phụ lục của cuốn sách có một số tư liệu gốc, nguyên bản các văn bản Hiệp định, Hiệp ước, Tuyên bố, Hiến chương, với mong muốn góp phần thúc đẩy tự nghiên cứu của bạn đọc có hứng thú với mảng đề tài này, cuốn sách bảo đảm tính lôgích khoa học và chất lượng nội dung, thực sự là một cẩm nang hết sức cần thiết và hữu ích khi tìm hiểu và nghiên cứu sâu về khu vực Đông Nam Á.

ThS. Vũ Thị Mai Liên

ThS. Cù Thị Thúy Lan


 

Bình luận