Một ngày làm việc của anh Lê Đức Thọ

Ngày đăng: 09/11/2011 - 09:11

Bùi Ngọc*

Tôi làm thư ký riêng cho anh Lê Đức Thọ trong một thời gian không dài, nhưng trong tôi vẫn giữ mãi một hình ảnh về anh - một người lãnh đạo thông minh, sắc sảo, bản lĩnh, thẳng thắn và kiên quyết, đồng thời cũng là một người anh rất đỗi thân thương, chân thành, gần gũi, chu đáo và rất đáng kính.

LDT22b

Đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Lê Văn Lương thăm đoàn 559, Tết Ất Mão 1975

Nét nổi bật trong nếp sống của anh là giản dị, nhưng trong công việc, anh luôn đòi hỏi ở mình và các đồng chí xung quanh tinh thần tận tụy, khẩn trương, chu đáo và tính nguyên tắc cao.

Để bảo đảm thời gian, thường ngày từ 7 giờ sáng, anh vừa ăn sáng vừa nghe thư ký báo cáo tình hình trong nước và thế giới. Anh luôn yêu cầu tôi khái quát những thông tin mới và chỉ báo cáo những điều đã biết, những vấn đề quan trọng thì trích đọc văn bản báo cáo, thông tin do các cơ quan có trách nhiệm gửi đến. Mở đầu tôi thường báo cáo tình hình hoặc đọc những thông tin quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và tình hình quốc tế, đặc biệt là về các nước lớn, các trục quan hệ Mỹ - Xô, Mỹ - Trung, những diễn biến mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và những diễn biến ở thế giới, khi có những nội dung mới. Anh vừa nghe, vừa nhập tâm ngay cả những con số quan trọng. Anh rất chú ý đến những vấn đề đặt ra cùng những tồn tại, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng. Những tư liệu, báo cáo quan trọng thường do anh tự đọc và nghiên cứu.

Trong một số lần bị mệt, không thể đi gặp được đồng chí nào đó trong Bộ Chính trị, anh bảo tôi: cậu sang báo cáo với anh là "đáng lẽ anh Sáu sang gặp anh để trao đổi, nhưng anh mệt không sang được, có cho tôi sang báo cáo lại ý kiến của anh Sáu với các anh". Sau đó, anh thường có kiểm tra lại xem tôi có báo cáo đúng ý kiến của anh không.

Tôi được biết là nhiều lúc thức giấc từ 4 hoặc 5 giờ sáng, anh đã hệ thống lại những thông tin hằng ngày, hằng tuần xem nổi lên những vấn đề gì cần lưu ý, vấn đề nào chưa rõ cần phải cho đi khảo sát, xem lại những ý kiến của mình đã trao đổi với các cán bộ đến làm việc hằng ngày. Nếu có chỗ nào chưa chuẩn xác thì bổ khuyết ngay sáng hôm sau. Có những lúc vừa vào đến bàn ăn sáng, anh đã bảo tôi giở sổ ra ghi ngay những đầu việc để khi ăn xong, anh sẽ làm việc cụ thể với tôi.

Sau khi làm việc với thư ký (trừ những ngày đi họp), anh trở về phòng riêng để tự nghiên cứu, đọc các tài liệu chuẩn bị họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các thư của các Uỷ viên Bộ Chính trị, các đồng chí Bí thư và của cán bộ, nhất là của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng; có khi gặp các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương hoặc nghe báo cáo trực tiếp của một số ngành.

Buổi sáng, anh thường làm việc đến 11 giờ 30 phút, có lúc kéo dài tới tận 12 giờ. Buổi chiều anh làm việc từ 14 giờ đến 17 giờ 30 phút, có khi kéo dài đến 6 - 7 giờ tối. Buổi chiều anh thường có các cuộc gặp với các đồng chí Uỷ viên Trung ương, các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ. Thường thì mỗi buổi chiều anh chỉ gặp được ba, bốn cán bộ. Nhiều khi anh dành đến nửa buổi chiều để trả lời thư của cán bộ hoặc cho ý kiến để các cơ quan chức năng giải quyết. Anh dặn tôi phải theo dõi và báo cáo định kỳ với anh về kết quả giải quyết thư của cán bộ, nhân dân. Có lần anh dành cả buổi chiều để gặp một, hai đồng chí Uỷ viên Trung ương là Bộ trưởng để trao đổi, tìm hiểu về những dư luận này nọ; nếu thấy đúng thì anh nhắc nhở hoặc yêu cầu làm rõ, nếu không đúng thì đề phòng. Anh thường nói với tôi: "Giúp cán bộ thấy rõ khuyết điểm đã khó và làm cho cán bộ sửa chữa được khuyết điểm lại càng khó hơn".

Khi đã tìm hiểu, xác minh rõ ràng những dư luận về những hành vi tiêu cực, sai trái trong lối sống của cán bộ, anh thường thẳng thắn nhắc nhở riêng, có khi phê bình công khai trong các cuộc hội nghị và yêu cầu chấm dứt ngay, nếu sau này ai còn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị kỷ luật của Đảng. Trong kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, anh em thường gọi anh là "Sáu Búa". Nhưng trong một chuyến đi công tác cùng anh vào miền Nam, một đồng chí cán bộ lão thành đã giải thích với tôi là "Sáu Búa" nhưng là "búa nhung", vì anh rất thẳng thắn trong phê bình, nhưng không thành kiến trong công tác cán bộ; sau khi đã sửa chữa khuyết điểm, nếu đồng chí nào đủ tiêu chuẩn vẫn được đề bạt. Anh nói: "Nếu có ai hỏi tôi trong công tác cách mạng có việc gì khó? Tôi sẽ trả lời: khó nhất là công tác cán bộ vì công tác này vừa cụ thể do có quan hệ trực tiếp đến sự trưởng thành của một người nhất định, lại vừa trừu tượng do khó có thể cân đong, đo đếm được năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của cán bộ, đó là còn chưa nói tới câu: "cai quan định mệnh". Cho nên, khi làm công tác cán bộ phải theo dõi thường xuyên, sâu sát cán bộ, đánh giá cán bộ qua kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ được giao, qua phẩm chất, lối sống; phải nghe nhiều "tiếng chuông", phải khơi dậy và phát huy được ưu điểm của cán bộ... Vì khó khăn như vậy nên trong công tác đề bạt cán bộ nói chung nếu đúng được 80% là tốt rồi".

Trong đợt chuẩn bị cho Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng Thủ đô Hà Nội, anh đi khảo sát thực tế các cơ sở sản xuất kinh doanh, phường, quận... Anh đề nghị cả một số ban, ngành chức năng cử cán bộ cùng đi nghiên cứu. Anh xuống tận tổ dân phố, cửa hàng thực phẩm, công ty, đồn công an, và cả nhà giam... để xem xét, tìm hiểu tình hình và trao đổi với cán bộ, nhân dân trước. Sau đó, anh mời một số đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị cùng nghe Quận uỷ, Công an Quận, Sở Công an, Thành uỷ báo cáo.

Trong đợt đi khảo sát tuyến phòng thủ biên giới, anh đã lên tận chốt tiền tiêu, tổ chức riêng một cuộc họp không có cán bộ trung đội và đại đội tham gia để anh em chiến sĩ tự do phát biểu. Anh yêu cầu một chiến sĩ kể về một ngày trực chiến, tập luyện, lao động, sinh hoạt như thế nào. Anh còn tìm hiểu khẩu phần ăn của các chiến sĩ về lương thực, thực phẩm như rau, thịt, cá có bảo đảm đủ tiêu chuẩn không, tự tay anh xem xét chăn, áo trấn thủ của chiến sĩ dày, mỏng thế nào, có đủ ấm không. Anh còn tìm hiểu cụ thể đôi giày đi được bao lâu thì rách vì dọc đường lên chốt anh thấy có chiến sĩ mặc quần rách, đi chân đất. Sau đó anh mới nghe cán bộ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn báo cáo, xem xét toàn bộ tuyến bố phòng, kho quân nhu; nghe Tổng cục Hậu cần báo cáo rồi mới làm việc với Bộ Quốc phòng.

Thông thường, cứ hai, ba tháng một lần, hoặc có khi một tháng một lần anh dành cả buổi sáng hoặc chiều ngày chủ nhật đi thăm một số anh em cán bộ trung cao đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt - Xô, Bệnh viện Quân y 108. Anh yêu cầu một đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cùng đi, và đề nghị trợ cấp cho những đồng chí cán bộ gặp nhiều khó khăn trong khi nằm viện.

Anh rất chú ý tới thái độ và tác phong làm việc của thư ký. Có lần sau khi nghe ý kiến phản ánh của các cán bộ đến làm việc, anh gặp tôi và chỉ bảo cặn kẽ: "Biết cậu làm việc nhiều, có khi phải làm cả buổi trưa mà không được nghỉ, nhưng khi có cán bộ đến liên hệ làm việc thì thái độ đón tiếp phải niềm nở, vui vẻ vì họ đến đều là vì công việc chung cả, ngay cả trường hợp yêu cầu giải quyết chính sách, chế độ thì cũng có vấn đề trách nhiệm chung của công tác tổ chức - cán bộ".

Trong những chuyến đi công tác hay chữa bệnh ở nước ngoài, anh luôn dặn tôi cụ thể về vấn đề tài liệu mang đi, yêu cầu kiểm tra kỹ hành lý của đoàn cả khi đi lẫn khi về, cấm chỉ việc lợi dụng, buôn bán. Anh luôn chú ý đến vấn đề bảo mật, anh dặn tôi cùng anh em trong đoàn không được báo cáo hoặc trao đổi tình hình ở trong phòng, mà nên thực hiện khi cùng đi bách bộ ngoài vườn. Có lúc nhân một cuộc họp Bộ Chính trị, anh đã đề nghị với đồng chí Chánh Văn phòng Trung ương làm việc với các đồng chí thư ký của các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác bảo mật. Anh còn đề nghị phân công một đồng chí trong Ban Bí thư định kỳ gặp các phu nhân của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhắc nhở các chị chú ý giữ uy tín cho chồng.

Mặc dù rất bận việc, nhưng anh vẫn luôn dành tình cảm cùng sự quan tâm chu đáo đối với những người xung quanh, kể cả đối với vợ con của cán bộ giúp việc.

Trong những lúc giải lao giữa buổi, anh thường tranh thủ chơi với các cháu hay xuống bếp gặp chị cấp dưỡng hỏi han về việc làm, gia đình của chị, về tình hình giá cả thị trường... Tôi nhớ một lần ở một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, biết tiếng anh Sáu chặt chẽ, nên Văn phòng Tỉnh uỷ cho anh em cùng đi ăn uống bình thường. Riêng anh Sáu do đau ruột vì bị tù đày nhiều năm, nên có cấp dưỡng đi theo để nấu chế độ ăn kiêng. Làm việc được hai, ba hôm, anh hỏi tôi: "Mấy hôm nay các cậu ăn uống thế nào?". Tôi báo cáo là anh em cũng ăn uống bình thường như cán bộ ở văn phòng. Nhân khi đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đến thăm, anh nói là mấy đồng chí cán bộ miền Bắc cùng đi lần đầu tiên đến miền Tây Nam Bộ, có gì ngon cho anh em cùng thưởng thức. Thế là ngay hôm sau chúng tôi được chiêu đãi đặc sản quý của miền Tây.

Mười năm đã qua, khi ngồi viết lại những dòng này, trước mắt tôi hiện rõ vẻ mặt hiền hậu và rạng rỡ của một người anh hết sức chân thành, giản dị, thẳng thắn và luôn gần gũi, chu đáo, thương yêu cán bộ. Anh Lê Đức Thọ là thế đấy.



* Nguyên Thư ký riêng đồng chí Lê Đức Thọ.

Trích trong cuốn Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng;

Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011

Bình luận