Một số giải pháp nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở chi bộ trong giai đoạn hiện nay
Sức mạnh của toàn Đảng là do sức mạnh của đội ngũ đảng viên tạo nên. Do đó, việc nâng cao chất lượng quản lý, phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên luôn là khâu then chốt, một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy.
Kết quả và hạn chế trong công tác quản lý đảng viên
Quản lý đảng viên là một nội dung, biện pháp cơ bản, quan trọng trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên. Đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý đảng viên trong điều kiện, tình hình mới ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nghiên cứu nắm chắc thực trạng đội ngũ đảng viên và công tác quản lý đảng viên của các cấp ủy đảng. Thông qua đó, chỉ ra một số giải pháp đồng bộ, cụ thể để mỗi đảng viên và tổ chức đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn nâng cao chất lượng lãnh đạo mọi mặt.
Thời gian qua, công tác xây dựng, quản lý, rèn luyện đội ngũ đảng viên có những chuyển biến tích cực, quan trọng. “Việc củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đạt được một số kết quả… Công tác phát triển, quản lý, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm chỉ đạo…”1. Nhiều cấp ủy và tổ chức đảng các cấp đã tích cực, chủ động cụ thể hóa tiêu chuẩn đảng viên, đề ra các chủ trương, biện pháp phù hợp về giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện, phân công công tác và quản lý đảng viên, sàng lọc, phân loại đảng viên, đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Những tiến bộ trong công tác quản lý đảng viên đã làm cho đội ngũ đảng viên ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn đảng viên vững vàng về chính trị, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tin tưởng vào công cuộc đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng, phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Trình độ, năng lực của đội ngũ đảng viên được nâng lên một bước. Quá trình đổi mới, đã và đang tạo nên lớp đảng viên có tư duy năng động, sáng tạo, thích ứng với yêu cầu sự nghiệp đổi mới.
Công tác quản lý đảng viên trong những năm qua bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế, như: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu... Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”2.
Nâng cao chất lượng quản lý đội ngũ đảng viên ở chi bộ
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, công tác quản lý đảng viên trong thời gian tới, mỗi cấp ủy Đảng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên theo chế độ, thủ tục hành chính Đảng
Quản lý đảng viên thông qua thực hiện các chế độ quy định, thủ tục hành chính Đảng là biện pháp quan trọng. Nó giúp cho các cấp ủy, chi bộ hiểu được đầy đủ, kịp thời, chính xác về từng đảng viên và cả đội ngũ đảng viên. Vì vậy, ngay từ đầu, khi xây dựng hồ sơ của mỗi đảng viên lúc được kết nạp vào Đảng phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục, chấp hành đúng các quy định, hướng dẫn của Trung ương; sổ Danh sách đảng viên phải được ghi đầy đủ nội dung, thường xuyên theo dõi, bổ sung những biến động của đảng viên vào lý lịch và sổ theo quy định.
Hai là, kết hợp chặt chẽ công tác quản lý với công tác giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho đảng viên
Đây là nội dung cơ bản trong công tác xây dựng đội ngũ đảng viên, bảo đảm cho đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy, chi bộ cần thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý học tập và tự học tập của đảng viên. Phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực công tác là những yếu tố cơ bản không tự nhiên có, mà phải thông qua học tập và tự học tập, rèn luyện thường xuyên, bền bỉ của đảng viên.
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục đảng viên, chi ủy, chi bộ cần thường xuyên quán triệt, giáo dục về mục đích, ý nghĩa, nội dung và trách nhiệm học tập, tự học tập cho đảng viên. Tổ chức thực hiện kế hoạch học tập, sinh hoạt, nhất là những đợt học chính trị tập trung. Từng đảng viên lập kế hoạch học tập, tự học tập sát thực và tự giác thực hiện nghiêm túc; chi ủy, chi bộ đôn đốc kiểm tra và giúp đỡ đảng viên thực hiện kế hoạch (trên cơ sở kế hoạch học tập của chi ủy, chi bộ). Thường xuyên rút kinh nghiệm về giáo dục, học tập, tự học tập; báo cáo kết quả lên trên theo quy định. Đấu tranh khắc phục các biểu hiện ngại học, học một cách hình thức, kém hiệu quả.
Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của nhận thức chân lý, là mục đích, là nội dung, hình thức cơ bản để giáo dục, rèn luyện đảng viên; vừa là tiêu chí đánh giá quá trình phấn đấu của mỗi đảng viên. Không thể giáo dục, rèn luyện đảng viên một cách chung chung không gắn với mục đích hoạt động, với nhiệm vụ đơn vị và chức trách mỗi đảng viên. Do đó, mỗi cấp ủy phải tăng cường giáo dục, rèn luyện đảng viên thông qua thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ tại cơ sở.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của đảng viên, chi bộ, chi ủy cần có kế hoạch cụ thể, xác định rõ nội dung, yêu cầu, chỉ tiêu, biện pháp phấn đấu, rèn luyện của từng đảng viên, trong mỗi nhiệm vụ và hoạt động thực tiễn ở đơn vị mình. Giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên trong từng thời gian; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc và giúp đỡ họ hoàn thành, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn gian khổ… Lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm cơ sở xem xét, đánh giá và giáo dục, rèn luyện đảng viên; thông qua các hoạt động thực tiễn và chất lượng đảng viên mà các cấp ủy, chi bộ điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, biện pháp giáo dục, rèn luyện đảng viên cho phù hợp. Làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, kết hợp với sơ kết, tổng kết các mặt công tác trong đơn vị.
Đồng thời mỗi cấp ủy, chi bộ cần giữ nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng. Thông qua sinh hoạt kịp thời chỉ ra những ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục, giúp đảng viên phấn đấu, rèn luyện, tự giác trong thực hiện nhiệm vụ. Trong sinh hoạt, cần thực hiện tốt tự phê bình và phê bình về các vấn đề đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, nhiệm vụ của đơn vị; những vấn đề về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực của cán bộ, đảng viên. Chống tư tưởng hữu khuynh thỏa hiệp, e dè, nể nang. Thông qua đó làm cho mỗi đảng viên thấy rõ mình hơn, tích cực góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt, đấu tranh giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đồng thời, chi bộ cần có biện pháp cụ thể, sát hợp để giáo dục, rèn luyệṇ đối với từng người và cả đội ngũ đảng viên, phát huy mặt tốt, khắc phục mặt hạn chế, yếu kém. Cần khắc phục biểu hiện buông lỏng sinh hoạt, sinh hoạt theo kiểu hình thức, không có nội dung cụ thể, thiết thực.
Ba là, mỗi đảng viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu và chương trình tự quản lý, rèn luyện để chi ủy, chi bộ kiểm tra, giám sát thực hiện
Đây là biện pháp quan trọng thể hiện tính tích cực, chủ động và khoa học trong công tác quản lý đảng viên của Đảng. Kế hoạch phấn đấu và chương trình tự quản lý, rèn luyện của đảng viên phải trên cơ sở nghị quyết của chi bộ, tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình và nhiệm vụ chức trách được giao; căn cứ vào tiêu chuẩn, nhiệm vụ đảng viên, điểm mạnh, điểm yếu và khả năng của từng cá nhân.
Kế hoạch cần cụ thể, chỉ rõ nội dung, thời gian và cần được thông qua chi ủy, chi bộ để bảo đảm sự chặt chẽ nghiêm túc và làm cơ sở để chi ủy, chi bộ theo dõi, kiểm tra, giám sát cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho từng cá nhân thực hiện tốt kế hoạch, chương trình đề ra.
Bốn là, các cấp ủy đảng, chi bộ thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát và phân tích chất lượng đảng viên
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”3. Thực tiễn cho thấy, có thông qua kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao, chi ủy, chi bộ mới xem xét, đánh giá, phân tích, kết luận chính xác về trình độ, năng lực của đảng viên; thông qua kiểm tra, giám sát và duy trì thực hiện các chế độ sinh hoạt và chấp hành các nguyên tắc sinh hoạt đảng, chi bộ có thể nắm được ý thức và trình độ hiểu biết về Đảng của đảng viên. Qua phân tích, đánh giá phân loại chất lượng đảng viên, chi bộ nắm chắc và toàn diện cả về phẩm chất, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực của từng đảng viên trong chi bộ. Từ đó làm cơ sở cho việc đề ra những biện pháp quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên phù hợp, cần tránh lối kiểm tra, giám sát qua loa, hình thức và nhận xét, đánh giá chung chung.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chi bộ cần thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quần chúng đối với công tác xây dựng chi bộ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng tham gia tích cực vào việc kiểm tra, giám sát, góp ý phê bình sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chi bộ và phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên. Mặt khác, các cấp ủy Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi và giữ vững, tăng cường mối quan hệ với quần chúng. Kiên quyết đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện trù dập, thành kiến với các ý kiến phê bình hoặc tiếp thu phê bình nhưng không sửa chữa.
Năm là, phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức đảng nơi công tác với tổ chức đảng nơi cư trú để quản lý tốt đảng viên
Nhằm quán triệt và thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW, ngày 15-6-2000, của Bộ Chính trị “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”, cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên công tác cần chủ động liên hệ giới thiệu đảng viên với chi ủy hoặc đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú; có kế hoạch kiểm tra, giám sát đảng viên thực hiện các nghĩa vụ công dân nơi cư trú và kịp thời biểu dương những đảng viên thực hiện tốt, nhắc nhở những đảng viên chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ ở nơi cư trú; đại diện cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang công tác cần định kỳ hằng năm và khi cần thiết tiến hành trao đổi ý kiến với đại diện cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang cư trú để nắm tình hình đảng viên.
Cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên cư trú cần chủ động nắm chắc số lượng đảng viên, họ tên, địa chỉ công tác… của từng đảng viên cư trú ở phường, xã, khu dân cư của mình. Định kỳ và khi cần thông báo cho đảng viên biết tình hình, nhiệm vụ của địa phương có liên quan để đảng viên nắm được thông tin, gương mẫu thực hiện, vận động gia đình và nhân dân thực hiện. Định kỳ hằng năm hoặc khi cần thông báo với cấp ủy, chi bộ nơi đảng viên đang công tác về tình hình đảng viên thực hiện nhiệm vụ ở nơi cư trú; đề nghị biểu dương những đảng viên thực hiện tốt và góp ý kiến với những đảng viên chưa thực hiện tốt hoặc có thiếu sót, khuyết điểm ở nơi cư trú.
Sáu là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng tham gia quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên
Kết quả quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên có được là do sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, của nhiều tổ chức, lực lượng, trong đó vai trò của cấp ủy, chi bộ luôn là nhân tố quyết định. Tổ chức đoàn, hội có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Vì vậy, cấp ủy các cấp, chi bộ cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức, các lực lượng hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; kịp thời có chủ trương, biện pháp phát huy vai trò của các tổ chức vào công tác xây dựng chi bộ, xây dựng đội ngũ đảng viên.
Phẩm chất, năng lực của đảng viên được bộc lộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, trong sinh hoạt, hoạt động hằng ngày. Vì vậy, việc quản lý, giáo dục, rèn luyện, nâng cao chất lượng toàn diện cả phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kiến thức và năng lực tổ chức thực tiễn, được tiến hành thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi nhiệm vụ, mọi điều kiện, hoàn cảnh, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, lực lượng.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý đảng viên, ngăn ngừa, khắc phục hạn chế, thiếu sót cả trong nhận thức và tổ chức hoạt động là vấn đề cơ bản trực tiếp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
ThS. Đỗ Anh Vinh
Học viện Hậu cần
(Theo Tạp chí Cộng sản)
---------------
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 163, tr. 174-175
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 12, tr. 557-558.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực