Tác giả: Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Số trang: 452 trang
Trong quá trình xây dựng các bản hiến pháp của nước ta, việc nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập hiến của các nước trên thế giới luôn được chú trọng. Từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến bản Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi bổ sung năm 2001 đều ghi nhận những giá trị chung, tiến bộ của nhân loại.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với thị trường. Nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước theo pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ luật, kỷ cương. Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân. Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để vận hành có hiệu quả nền kinh tế và thực hiện tốt các cam kết quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Quán triệt chủ trương, đường lối do Đại hội Đảng đã đề ra, hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang khẩn trương triển khai thực hiện các bước để bảo đảm cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đạt được kết quả cao.
Việc sửa đổi Hiến pháp là một sinh hoạt mang ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng bởi Hiến pháp là luật tổ chức cơ bản của quốc gia thiếp lập các thiết chế và bộ máy chính quyền, xác định phạm vi quyền lực của chính quyền và bảo đảm các quyền tự do của công dân. Chính vì vậy, việc tìm hiểu nội dung các cách thức quy định những vấn đề cơ bản trong hiến pháp các nước để so sánh, tham khảo trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nước ta là một việc làm cần thiết.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc về nội dung, phạm vi, thể thức, kỹ thuật, quy trình ban hành một bản hiến pháp, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phối hợp với Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Văn phòng Quốc hội) xuất bản cuốn sách Một số vấn đề cơ bản của hiến pháp các nước trên thế giới (Sách chuyên khảo).
Nội dung sách gồm 7 chương:
Chương I: Tổng quan về hiến pháp các nước trên thế giới
Chương II: Chủ quyền nhân dân và các hình thức nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước
Chương III: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Chương IV: Các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại
Chương V: Tổ chức bộ máy nhà nước Trung ương
Chương VI: Chính quyền địa phương
Chương VII: Quy trình lập hiến.